Trong bối cảnh áp lực lạm phát toàn cầu và giá năng lượng tăng cao, hầu hết các tổ chức quốc tế và chuyên gia kinh tế nước ngoài đều nhận định lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay và sang năm. Do vậy, Việt Nam được coi là "miền đất hứa" cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Việc các tập đoàn đa quốc gia mở rộng sản xuất tại Việt Nam cho thấy Việt Nam ngày càng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam không những khẳng định là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu mà vị thế của Việt Nam cũng dần được cải thiện trong mắt nhà đầu tư.
Với tiêu đề "Cuộc chiến của Việt Nam để leo lên chuỗi giá trị toàn cầu", trang Nikkei Asia phân tích những lợi thế mà Việt Nam có được là lực lượng lao động kỷ luật, chi phí thấp và sự nhất quán trong chính sách. Bài viết đưa thông tin: Samsung đang lên kế hoạch xây dựng một trung tâm nghiên cứu và bắt đầu sản xuất một số bộ phận bán dẫn tại Việt Nam. Ngoài ra, hãng công nghệ Apple đã sản xuất tai nghe AirPods tại Việt Nam và đang thử nghiệm sản xuất đồng hồ và máy tính xách tay.
Ông Dominic Brown, Giám đốc Thông tin và Phân tích thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Cushman & Wakefield, cho biết: "Các doanh nghiệp toàn cầu mong muốn mở rộng sản xuất tại Việt Nam quan tâm trước hết đến quy mô thị trường và chính sách phát triển kinh tế. Yếu tố quan trọng thứ hai là lực lượng lao động dồi dào luôn sẵn sàng đón nhận luồng đầu tư mới về công nghệ".
Ngày 21/9, tờ TechCrunch, Mỹ đưa tin: Apple đang chuẩn bị đưa Việt Nam và Ấn Độ trở thành những trung tâm sản xuất quan trọng trên toàn cầu. Bài viết dẫn báo cáo gần đây của JP Morgan dự báo: Việt Nam sẽ đóng góp 20% tổng sản lượng iPad và Apple Watch, 5% MacBook và 65% AirPods vào năm 2025.
Ông Takeo Nakajima, Trưởng Đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội, nhận định: "Vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang ngày càng được nâng cao. kể cả khi chuỗi cung ứng gặp khó khăn và nhiều nhà máy phải đóng cửa do ảnh hưởng của dịch Covid 19, Việt Nam vẫn làm tốt và ngày càng trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng. Ngày càng nhiều các sản phẩm có hàm lượng chất xám và công nghệ cao của được sản xuất tại Việt Nam".
"Boeing muốn mở rộng hoạt động sản xuất tại Việt Nam" là thông tin mới được đăng tải trên trang Retailnews.asia. Theo bài viết, Boeing - hãng sản xuất máy bay hàng đầu thế giới mong muốn tìm kiếm các nhà sản xuất, cung ứng linh kiện tại Việt Nam.
Ông Michael Nguyễn, Tổng Giám đốc Boeing Việt Nam, nhận định: "Ở Việt Nam đã sản xuất được các linh kiện 1 phần của cánh máy bay và các cửa của tàu bay cho máy bay Beoing. Chúng tôi rất hãnh diện là máy bay Boeing được sản xuất đều có các linh kiện làm từ Việt Nam. Mục tiêu chính của Boeing chính là muốn nâng cao các linh kiện về số lượng và phẩm chất được làm ở Việt Nam thông qua các nhà cung cấp chính của chúng tôi. Chúng tôi đánh giá việc làm của các chuyên gia và nhân viên của Việt Nam rất cao".
Theo VTV.VN