Hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới - Thực trạng và giải pháp
Điểm mốc đầu tiên đánh dấu quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam sau khi đổi mới và mở cửa là việc gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 1995 và tham gia Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA). Từ năm 2007, sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO), Việt Nam bắt đầu chuyển từ hội nhập theo chiều rộng sang hội nhập theo chiều sâu.
- Kết quả hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới
Với các nỗ lực hội nhập kinh tế quốc tế thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA), tính đến hết năm 2022, Việt Nam đã có FTA với 57 nước đối tác ở tất cả các châu lục (trừ châu Phi), tham gia 17 FTA song phương và đa phương, trong đó có 15 FTA đã có hiệu lực và 2 FTA đang đàm phán. Các nước đối tác FTA bao gồm cả các nước có quy mô kinh tế lớn hàng đầu trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản đến các nước có nền kinh tế nhỏ như các nước trong ASEAN, Chile; cả các nước đang phát triển và nước phát triển. Từ năm 2016, Việt Nam bắt đầu đàm phán, ký kết các FTA thế hệ mới, bao gồm: (1) Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP-chiếm 13,5% GDP toàn cầu) có hiệu lực từ 2019; (2) Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA- chiếm 15% GDP toàn cầu); (3) Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) lần lượt có hiệu lực vào năm 2020 và 2021 và (4) Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP- chiếm 30% GDP toàn cầu) được ký kết năm 2021, có hiệu lực từ 1/2022. Đây được coi là những FTA thế hệ mới điển hình có phạm vi, lĩnh vực cam kết và hướng tới các liên kết ở mức độ sâu và tiêu chuẩn cao hơn so với các FTA trước đó.
Tình hình phát triển kinh tế, thương mại, đầu tư, cơ cấu lại nền kinh tế đáp ứng yêu cầu hội nhập khi tham gia các FTA thế hệ mới được thực hiện tốt. Hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế đất nước, làm tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia. Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 2016-2020 đạt khoảng 6%/năm, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực, thế giới. GDP bình quân đầu người năm 2021 đạt 3.756 USD, gấp 1,78 lần so với năm 2015. Năng suất lao động năm 2020 gấp 1,5 lần so với năm 2015. Sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng cao, môi trường kinh doanh cải thiện, sức mạnh tổng hợp quốc gia tăng lên. Năm 2019, năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam cải thiện đáng kể so với năm 2018, tăng 10 bậc lên vị trí 67/141 nền kinh tế.
Giai đoạn 2016-2021, mô hình tăng trưởng đã bước đầu chuyển biến theo hướng tích cực chuyển dịch dần từ chiều rộng sang chiều sâu, giảm dần tăng trưởng dựa trên khai thác tài nguyên, xuất khẩu sản phẩm thô, lao động giá rẻ; từng bước chuyển sang dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chất lượng tăng trưởng được nâng lên, góp phần thực hiện thành công mục tiêu kép vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa thúc đẩy tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP), tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, ổn định xã hội. Việc cơ cấu lại tổng thể các ngành, lĩnh vực kinh tế được đẩy mạnh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng của nông lâm nghiệp và thủy sản trong GDP. Giảm nghèo tiếp tục là điểm sáng được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Tỷ lệ hộ nghèo cũng liên tục giảm bình quân 1-1,5%/năm.
Việc tham gia các FTA thế hệ mới đã góp phần thúc đẩy xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã tăng 1,9 lần, từ 351,4 tỷ USD năm 2016 lên khoảng 668,5 tỷ USD năm 2021. Cán cân thương mại hàng hóa liên tục đạt thặng dư trong giai đoạn 2016-2020, qua đó góp phần ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác. Thị trường xuất khẩu không ngừng được mở rộng và phát triển, nhất là ở các thị trường ta ký kết FTA. Đặc biệt, hàng hóa Việt Nam xuất siêu chủ yếu vào các thị trường các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản…Từ một nước nghèo, thiếu lương thực, Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo, thứ 2 Đông Nam Á về xuất khẩu nông, lâm, thủy sản và nông sản Việt Nam đã có mặt ở trên 196 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã đạt những kết quả tích cực, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã trở thành một động lực quan trọng của tăng trưởng, đóng góp ngày càng cao vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tỷ trọng của khu vực FDI trong GDP tăng dần từ 18,6% trong giai đoạn 2006-2015 lên 21,7% trong giai đoạn 2016-2020.
Tuy nhiên vẫn còn có một số tồn tại, hạn chế trong hội nhập kinh tế quốc tế khi tham gia các FTA thế hệ mới như : Vấn đề hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế vẫn còn chậm. Thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh; Năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao; Khu vực tư nhân phát triển chưa tương xứng với quy mô và độ mở của nền kinh tế; Tăng trưởng xuất khẩu của một số ngành hàng chủ yếu dựa trên tăng trưởng về số lượng...
2. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam giai đoạn 2020-2030
Dự báo tình hình thế giới đến năm 2030 tiếp tục biến chuyển theo hướng đa cực, đa trung tâm. Toàn cầu hóa vẫn là xu thế khách quan được thúc đẩy bởi sự phát triển của khoa học-công nghệ, lực lượng sản xuất toàn cầu và nhu cầu hợp tác giải quyết các vấn đề toàn cầu. Nền kinh tế thế giới và các quốc gia sẽ được cơ cấu lại theo hướng bền vững hơn như tăng trưởng xanh, tăng trưởng bao trùm, kinh tế tuần hoàn. Cạnh tranh chiến lược, tập hợp lực lượng giữa các nước lớn, chiến tranh thương mại có ảnh hưởng sâu sắc làm thay đổi chuỗi cung ứng và phân phối toàn cầu. Xu hướng xây dựng các quy tắc, tiêu chuẩn quốc tế về kết nối số, kinh tế số như tự do hóa thương mại số, quản trị luân chuyển dữ liệu... sẽ là trọng tâm của liên kết kinh tế quốc tế trong thời gian tới.
Đối với nước ta, những thành tựu đạt được sau hơn 35 đổi mới, mở cửa và hội nhập đã tạo ra những nền tảng cơ bản thuận lợi cho đất nước. Việc đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế phù hợp với lộ trình triển khai các cam kết của các FTA thế hệ mới trong 10-15 năm tới là động lực to lớn để phát triển kinh tế- xã hội. Bối cảnh, tình hình thế giới mới giai đoạn 2020-2030 đặt ra các vấn đề về phát triển và hội nhập quốc tế cho Việt Nam như xu thế tăng trưởng xanh, kinh tế số, thích ứng biến đổi toàn cầu..., Việc hội nhập tham gia các FTA thế hệ mới đặt ra yêu cầu về quyết tâm, nỗ lực rất lớn đồng bộ từ tư duy, thể chế đến hành động thực tiễn...
Để nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030 cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức, hiểu biết về hội nhập quốc tế
Nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, của doanh nghiệp về vai trò, tầm quan trọng của hội nhập quốc tế trong bối cảnh, tình hình mới, nhất là khi nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Tạo sự đồng thuận, quyết tâm trong triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến bảo đảm thiết thực, hiệu quả, nhất là thông tin về các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết, hướng đến cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư, tổ chức tư vấn, cơ quan quản lý ở địa phương… Xây dựng Cổng thông tin điện tử về FTA thống nhất đồng thời thành lập các đầu mối tư vấn về FTA cho doanh nghiệp và người dân.
Hai là, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao năng lực thực thi pháp luật trong môi trường hội nhập quốc tế sâu rộng
Tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là cải cách hành chính, loại bỏ rào cản kinh doanh, bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả, ổn định, minh bạch. Tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan về quản lý cạnh tranh, phòng vệ thương mại, phát triển bền vững, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, mua sắm Chính phủ…phù hợp với các cam kết FTA thế hệ mới, bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Ba là, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế
Xây dựng nền tảng pháp lý và xã hội cho việc triển khai các mô hình kinh doanh mới, dịch vụ số, đẩy mạnh thương mại điện tử, kinh tế số, khởi nghiệp. Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao năng suất lao động và đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp trong mô hình tăng trưởng theo hướng thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nâng cao hiệu quả huy động, tiếp cận nguồn lực và thị trường trong nước, thế giới. Thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, tăng cường liên kết ngành kinh tế, vùng kinh tế theo lợi thế so sánh để nâng cao năng lực hội nhập quốc tế, thúc đẩy mạnh mẽ liên kết trong nước với chuỗi cung ứng, giá trị toàn cầu. Phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ; xây dựng các trung tâm cung ứng nguyên phụ liệu. Đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng khoa học - công nghệ, trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Quy hoạch, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng với tầm nhìn chiến lược, dài hạn, đặc biệt là hạ tầng phục vụ xuất nhập khẩu, dịch vụ logistics. Khuyến khích khởi sự, phát triển doanh nghiệp. Đẩy mạnh hình thành các cụm liên kết kinh tế, liên kết ngành, tham gia liên kết vào các mạng sản xuất khu vực và toàn cầu, nhất là các khâu có giá trị gia tăng cao. Tiếp tục thực hiện chủ trương khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội, thực hiện đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhãn mác sản phẩm và quyền sở hữu công nghiệp…
Bốn là, bảo đảm nguồn lực cần thiết để tham gia hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả.
Hoàn thiện và triển khai mạnh mẽ các chính sách đồng bộ về phát triển nguồn nhân lực, nguồn lực tài chính tạo nguồn lực cần thiết cho hội nhập kinh tế quốc tế. Đối với nguồn nhân lực, trước hết cần đổi mới mạnh mẽ tư duy quản lý và chính sách về phát triển nhân lực. Trong đó, tăng đầu tư cho giáo dục- đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, tập trung vào một số ngành khoa học nền tảng và các ngành mũi nhọn phù hợp với xu thế phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0; đào tạo dạy nghề, tập trung vào những nội dung, kỹ năng doanh nghiệp và xã hội cần. Tổ chức, xắp xếp lại mạng lưới, hệ thống giáo dục đào tạo gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động theo kịp tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Năm là, xây dựng kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế
Tăng cường tham gia liên kết kinh tế, hiệp định thương mại tự do phù hợp với ưu tiên lợi ích, an ninh quốc gia nhằm mở ra thị trường và không gian phát triển mới. Chú trọng lựa chọn ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Chủ động tham gia xây dựng, định hình cấu trúc, luật chơi kinh tế, thương mại khu vực và toàn cầu. Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, sự phát triển lành mạnh, ổn định của hệ thống tài chính, ngân hàng, thị trường vốn, thị trường bất động sản. Bảo đảm an ninh các công trình, mục tiêu kinh tế quan trọng, vùng kinh tế trọng điểm, các dự án kinh tế xã hội ở các địa bàn chiến lược về an ninh, quốc phòng. Tăng cường sàng lọc, lựa chọn dự án đầu tư nước ngoài, bảo đảm chất lượng, hiệu quả và môi trường sinh thái. Tập trung đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm kinh tế có tổ chức, xuyên quốc gia, tội phạm công nghệ cao.
Th.S Vũ Thị Thu Thủy
Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế quốc tế và hội nhập
Ban Kinh tế Trung ương
Tài liệu tham khảo:
- Bộ Công Thương (2020), Báo cáo giám sát chuyên đề về tình hình thực hiện các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên
- Bộ Công Thương, 2022, Báo cáo về tình hình hội nhập kinh tế quốc tế,
- Bộ Ngoại giao, 2021, Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 5/11/2026 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, (6/2021), Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 5/11/2026 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”.
- Trần Thị Trang, Đỗ Thị Mai Thanh. 2019. Những tác động nổi bật của FTA thế hệ mới đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Kỷ yếu Hội thảo quốc gia “Kinh tế V năm 2018 và triển vọng năm 2019”.
- Trần Tuấn Anh (2020), Nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, Báo Nhân dân, 26/10/2020
- VCCI-AusforReform (2020), Báo cáo nghiên cứu “ Hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CTPPP- Đánh giá hiệu quả thực tiễn và hàm ý chính sách”
- www.gso.gov.vn
- www.mpi.gov.vn
- www.worldbank.org