Bên cạnh kết quả đạt được, Nghị quyết 29-NQ/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” cũng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) ở nước ta thời gian qua. Đó là:
Thứ nhất, mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 không hoàn thành với nhiều tiêu chí không đạt được như: GDP bình quân đầu người, tỉ trọng công nghiệp chế tạo và tỉ trọng nông nghiệp trong GDP, tỉ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội, tỉ lệ đô thị hóa, điện sản xuất bình quân đầu người, chỉ số bất bình đẳng thu nhập, tỉ lệ lao động qua đào tạo, tỉ lệ dân số sử dụng nước sạch…; Tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu chiến lược đề ra, tốc độ có xu hướng giảm dần theo chu kỳ 10 năm; có nguy cơ tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại tọa đàm “Phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên,
công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045” ngày 13/5/2022
Thực tiễn cho thấy: giai đoạn 1991-2000, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 7,6%/năm, giai đoạn 2001-2010 xuống còn 6,6%/năm, giai đoạn 2011-2020 trung bình chỉ đạt 6,17%/năm. Thu nhập bình quân đầu người vẫn nằm trong nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp, khoảng cách về thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam so với các nước trong khu vực vẫn còn rất xa và không dễ thu hẹp cũng như thấp hơn rất nhiều so với mức thu nhập bình quân đầu người của thế giới (là hơn 10.000 USD).
Thứ hai, nội lực của nền kinh tế còn yếu, năng suất lao động thấp và chậm được cải thiện, năng lực độc lập, tự chủ thấp, phụ thuộc nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; khu vực kinh tế tư nhân trong nước chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá; doanh nghiệp nhà nước còn nhiều hạn chế; đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể còn nhiều khó khăn.
Hội nghị Tổ Biên tập xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”
ngày 22/10/2021
Khi tiến hành phân tích cấu trúc liên ngành I-O cho thấy, nền kinh tế Việt Nam cơ bản còn là một nền kinh tế thâm dụng vốn; gia công, lắp ráp là chủ yếu; chênh lệch Tổng sản phẩm trong nước (GDP) và Tổng thu nhập quốc gia (GNI) ngày càng lớn trong những năm gần đây (Giai đoạn 2006-2010, bình quân GNI bằng khoảng 96,6% GDP; giai đoạn 2011-2015 chỉ còn 95,46%; giai đoạn 2016-2020 là 94,13%). Khả năng tự chủ của nền kinh tế chịu ảnh hưởng mạnh từ biến động hoạt động sản xuất khu vực đầu tư nước ngoài và một số thị trường lớn. Việt Nam còn phải nhập khẩu hầu hết công nghệ, máy móc thiết bị, phụ tùng, nguyên liệu chính cho sản xuất công nghiệp; trên 70% máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp; giống một số loại cây trồng, vật nuôi còn phụ thuộc vào nhập khẩu, điển hình như 80% giống rau, hoa và 60% giống ngô…
Thứ ba, công nghiệp phát triển thiếu bền vững, giá trị gia tăng thấp, chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ phát triển còn nhiều hạn chế, công nghiệp thông minh phát triển còn chậm. Các ngành dịch vụ quan trọng chiếm tỉ trọng còn nhỏ, mối liên kết với các ngành sản xuất còn yếu. Chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số mới đạt được kết quả bước đầu, vẫn còn khoảng cách xa so với các nước và so với mục tiêu đề ra.
Thứ tư, kết quả CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn còn hạn chế; tổ chức sản xuất kinh doanh chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết chưa đáp ứng yêu cầu nông nghiệp hiện đại; nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế, chưa trở thành động lực chính để tạo đột phá phát triển; nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Thu hút đầu tư cho phát triển nông nghiệp, dịch vụ ở nông thôn gặp nhiều khó khăn. Công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp, chế biến nông sản chưa đáp ứng được yêu cầu; cơ giới hoá nông nghiệp chưa đồng bộ, tổn thất sau thu hoạch còn cao.
Thứ năm, đô thị hoá chưa gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với CNH, HĐH. Tỷ lệ đô thị hoá đạt được thấp hơn mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và còn khoảng cách khá xa so với tỉ lệ bình quân của khu vực và thế giới. Chất lượng đô thị hoá chưa cao, phát triển đô thị theo chiều rộng là chủ yếu, gây lãng phí về đất đai, mức độ tập trung kinh tế còn thấp. Kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị; chưa thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với dịch bệnh quy mô lớn. Ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Khả năng tiếp cận dịch vụ công và phúc lợi xã hội của người nghèo và lao động di cư tại đô thị còn thấp và nhiều bất cập.
Thứ sáu, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại chưa đạt yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; hiệu quả kết nối và chất lượng chưa cao; Còn chênh lệch khoảng cách về kết quả CNH, HĐH giữa các vùng miền; thành quả của công nghiệp hóa chưa được phân bổ đồng đều giữa các nhóm dân cư và các khu vực; Liên kết vùng trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn kém hiệu quả, chưa hình thành được các mô hình cụm ngành công nghiệp, đặc biệt là các cụm ngành chuyên môn hóa.
Thứ bảy, các vấn đề về phát triển văn hoá, xã hội, con người, môi trường còn nhiều hạn chế, bất cập. Trong đó, kết quả giảm nghèo chưa thực sự đồng đều, tỷ lệ tái nghèo còn cao. Hệ thống an sinh xã hội còn nhiều hạn chế về mức độ bao phủ. Văn hoá chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước và gắn kết với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Công tác cảnh báo môi trường, việc ứng phó với biến đổi khí hậu mặc đù đã có nhiều cải thiện, song còn bị động, lúng túng; tài nguyên chưa được quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả và bền vững; ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục gia tăng, chất lượng môi trường không khí ở các đô thị lớn tiếp tục xấu; đa dạng sinh học có nguy cơ suy giảm, mất cân bằng sinh thái đang diễn ra trên diện rộng, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, sức khoẻ và đời sống nhân dân.
Về nguyên nhân: Trong Nghị quyết, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã chỉ ra những nguyên nhân chủ yếu là do:
Nhận thức, lý luận, mô hình, mục tiêu, tiêu chí về CNH, HĐH còn nhiều nội dung chưa rõ, chưa sát thực tiễn, còn chủ quan, duy ý chí; chưa có nghị quyết chuyên đề của Đảng về CNH, HĐH đất nước.
Chưa xác định rõ các trọng tâm ưu tiên trong phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, dẫn đến còn dàn trải, hiệu quả thấp, không đạt mục tiêu đề ra.
Việc huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực còn nhiều hạn chế, chưa hiệu quả; nguồn lực của Nhà nước bố trí cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo còn thấp, phân bổ, sử dụng chưa hiệu quả; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Thể chế, cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; hệ thống các tiêu chuẩn, định mức còn lạc hậu, không khuyến khích thúc đẩy phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ. Thực tế chúng ta thấy, tổng chi cho nghiên cứu và phát triển của Việt Nam cả nhà nước và tư nhân chỉ đạt khoảng 0,53% GDP (năm 2019), thấp hơn nhiều so với bình quân thế giới ở mức 1,7% và một số nước như Thái Lan 0,8%, Malaysia 1,4%, Trung Quốc 2,1%.
Chỉ đạo và tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, chậm được khắc phục; năng lực thể chế hoá, cụ thể hoá, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng còn hạn chế. Chưa quan tâm kiểm tra, giám sát trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, địa phương và người đứng đầu trong thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Bài 3: Không đồng nhất công nghiệp hóa với phát triển công nghiệp
Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế