Nhiều chỉ tiêu, mục tiêu cơ bản hoàn thành
Theo Nghị quyết, việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã được tiến hành hết sức khẩn trương trong phạm vi cả nước, đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong phòng, chống dịch COVID-19, từng bước kiểm soát và kết thúc dịch COVID-19, đưa đời sống xã hội trở lại trạng thái bình thường, thúc đẩy nền kinh tế vượt qua khó khăn, phục hồi và tăng trưởng, an sinh xã hội được bảo đảm; an ninh quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Hầu hết chính sách, biện pháp được ban hành tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 là kịp thời, đáp ứng yêu cầu trước tình hình cấp bách, được Nhân dân đồng thuận và tích cực hưởng ứng.
Qua 02 năm thực hiện, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 43/2022/QH15 cơ bản hoàn thành. Tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,12%, là mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022; năm 2023 đạt 5,05% là mức khá cao trong điều kiện thế giới và trong nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới. Kinh tế vĩ mô được giữ vững ổn định; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; lạm phát được kiềm chế, lãi suất, tỷ giá được điều hành phù hợp, ổn định; bội chi ngân sách, nợ công trong phạm vi Quốc hội cho phép và thấp hơn so với mức dự kiến. Kết quả phát triển kinh tế - xã hội đạt được trong 02 năm 2022 và 2023 tạo cơ sở quan trọng để tiếp tục phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đặt ra cho giai đoạn 2021 - 2025.
Một số chính sách đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả kịp thời như: chính sách tín dụng qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng, miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất đã góp phần hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, vượt qua khó khăn, duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh; các cơ chế đặc thù đã tăng cường tính chủ động, sáng tạo của các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương, rút ngắn thời gian thực hiện, thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phát huy hiệu quả dự án đầu tư.
Nghị quyết nêu rõ, bên cạnh những kết quả tích cực, việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án chậm, chưa bảo đảm tính sẵn sàng để thực hiện, giải ngân vốn; Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn nhiều dự án đầu tư không bảo đảm thời hạn quy định; Một số chính sách thực hiện không đạt kế hoạch, mục tiêu đề ra; Chính sách hỗ trợ người dân, người lao động tại một số địa phương triển khai còn chậm, lúng túng...
Phấn đấu đến ngày 31/12/2024 hoàn thành giải ngân vốn
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu quả trong thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia, Quốc hội yêu cầu Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, có giải pháp giải quyết các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc liên quan đến thực hiện các dự án đầu tư; khẩn trương thực hiện điều chuyển vốn từ dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang dự án có khả năng giải ngân để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư sử dụng vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đến ngày 31/12/2024 hoàn thành giải ngân vốn của Chương trình theo yêu cầu tại Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội.
Trường hợp không thể hoàn thành việc giải ngân theo kế hoạch, Chính phủ làm rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan, chủ đầu tư, chủ quản dự án, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định việc cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2025 và đình chỉ hoặc không tiếp tục thực hiện các dự án hiệu quả thấp, chưa giải ngân.
Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đánh giá hiệu quả sử dụng vốn của Chương trình để đầu tư, xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật. Đồng thời, rà soát, bảo đảm tính đồng bộ giữa đầu tư các cơ sở y tế, trạm y tế xã, phường và đầu tư trang thiết bị, nâng cao năng lực cán bộ, nhân viên y tế để phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư, nâng cao năng lực khám chữa bệnh, y tế dự phòng, y tế cơ sở và hiệu quả chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan đánh giá tổng thể về kết quả triển khai chính sách tín dụng ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội để kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước. Đồng thời, chỉ đạo tổng kết việc thực hiện các chính sách đặc thù trong Nghị quyết số 43/2022/QH15 để rút ra những cách làm hiệu quả, sáng tạo trong tổ chức thực hiện hoặc đề xuất việc luật hóa những nội dung đã thực hiện có hiệu quả để sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật có liên quan.
Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương rút kinh nghiệm trong việc đề xuất các chính sách, bảo đảm khả năng giải ngân, đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chí đề ra để bảo đảm chính sách phát huy hiệu quả, hiệu lực kịp thời, tránh lãng phí nguồn lực. Rà soát quy định pháp luật liên quan đến công tác đánh giá tác động chính sách để có giải pháp nâng cao năng lực phân tích, dự báo, đánh giá kỹ tác động chính sách của các bộ, ngành, địa phương trong việc hoạch định chính sách phát triển, bảo đảm cơ sở khoa học, thực tiễn và tính khả thi trong thực hiện.
Quốc hội đề nghị các địa phương tiếp tục chủ động, bám sát chủ trương của Đảng, các chính sách, pháp luật của Quốc hội, Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, gắn kết chặt chẽ với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh, thành phố; tiếp tục quan tâm rà soát, có giải pháp quyết liệt, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh, thành phố để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Theo tapchitaichinh.vn