Chiều 27/12, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2024. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dự và chỉ đạo Hội nghị.
Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2024 (Ảnh: M.P) |
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến ngày 25/12 thu ngân sách nhà nước đạt 1.693,5 nghìn tỷ đồng, tăng 4,5% so dự toán; trong đó, ngân sách Trung ương tăng 4,6%; ngân sách địa phương tăng 4,4%.
Những ngày còn lại của năm 2023, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết toàn ngành sẽ tiếp tục quyết liệt thu, phấn đấu thu đạt mức cao nhất, góp phần đảm bảo nguồn thực hiện các nhiệm vụ theo dự toán, dành nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương, xử lý các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách phát sinh, tăng chi cho đầu tư phát triển.
Ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã rà soát các nguồn thu, tăng cường quản lý thu các lĩnh vực, ngành hàng, địa bàn trọng điểm, hoạt động thương mại điện tử, giao dịch xuyên biên giới, chuyển nhượng bất động sản, rà soát giá tính thuế bất động sản để sát giá thị trường,...; phấn đấu tăng thu ở các lĩnh vực, địa bàn có điều kiện để bù đắp số giảm thu do thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất.
Cùng với đó, Bộ Tài chính đã tham mưu, đề xuất trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất trong năm 2023 với quy mô dự kiến khoảng 200 nghìn tỷ đồng. Đến nay, tổng số đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp và người dân khoảng 193,4 nghìn tỷ đồng.
Bộ Tài chính cũng chỉ đạo quản lý, điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; ưu tiên bố trí tăng chi đầu tư phát triển ngay từ khâu phân bổ dự toán và phân bổ các nguồn tăng thu, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương, nhất là đầu tư phát triển hệ thống đường cao tốc, giao thông kết nối liên vùng,...
Về chi ngân sách nhà nước, ước đến ngày 31/12, chi ngân sách đạt khoảng 1,73 triệu tỷ đồng, bằng 83,4% dự toán; trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 79,8% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 81,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao tăng 144 nghìn tỷ đồng (33%) so cùng kỳ năm 2022, chi thường xuyên ước đạt 90,3% dự toán, đảm bảo chi trả kịp thời, đầy đủ các khoản nợ đến hạn, kinh phí thực hiện cải cách tiền lương từ 01/7/2023 (đã dành khoảng 470 nghìn tỷ đồng của ngân sách các cấp để thực hiện cải cách chính sách tiền lương), thực hiện các chính sách an sinh xã hội đã ban hành.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: M.P) |
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ghi nhận, đánh giá rất cao sự nỗ lực, quyết tâm và những kết quả tích cực Bộ Tài chính đã đạt được trong việc thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2023.
“Những kết quả tích cực nêu trên của ngành Tài chính đã góp phần tạo niềm tin của nhân dân, của doanh nghiệp vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và sự điều hành của Chính phủ", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cho biết, tại hội nghị Trung ương 8 và Kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa XV vừa qua đã thông qua các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024.
Cụ thể là, tăng trưởng kinh tế 6 - 6,5%, kiểm soát lạm phát khoảng 4 - 4,5%, tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Theo Phó Thủ tướng, đây là nhiệm vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi năm 2024 là năm thứ 4 thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, những kết quả đạt được trong năm 2024 sẽ tạo tiền đề để phấn đấu hoàn thành cao nhất Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, chuẩn bị thế và lực để tiếp tục thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tiếp theo.
Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng thống nhất với đánh giá của Bộ Tài chính và cơ bản nhất trí với kế hoạch triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2024.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ, giải pháp tài chính - ngân sách nhà nước cần tập trung thực hiện.
Cụ thể, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị Bộ Tài chính căn cứ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2024, các nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2024 sắp được ban hành, bám sát phương châm hành động của Chính phủ năm 2024 và tình hình thực tiễn, triển khai thực hiện ngay kế hoạch, chương trình hành động và chỉ đạo thực hiện quyết liệt ngay từ ngày đầu, tháng đầu.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan chức năng ở Trung ương, điều hành chính sách tài khóa chủ động, phù hợp. Tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách đã ban hành và dự kiến ban hành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và hoàn thành cao nhất các mục tiêu của Kế hoạch năm 2024 đã đề ra.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính - NSNN, đẩy nhanh xây dựng Chính phủ số. Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật thuế và quy định có liên quan để mở rộng cơ sở thu, các hoạt động thương mại điện tử, khai thác hiệu quả nguồn lực từ đất đai, cơ sở hạ tầng; các giải pháp chính sách thuế, phí, lệ phí phù hợp với tình hình thực tế để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, tiết giảm chi phí cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, năm 2024, ngành Tài chính cần tập trung làm tốt công tác quản lý thu NSNN, đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh; ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, trốn lậu thuế; quản lý có hiệu quả các nguồn thu mới phát sinh từ các giao dịch thương mại điện tử; quyết liệt xử lý, đôn đốc thu hồi nợ thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế; phấn đấu tăng thu NSNN. Phó Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương vào cuộc cùng Bộ Tài chính chỉ đạo sát sao hơn việc thực hiện các nhiệm vụ tài chính - NSNN.
Bên cạnh công tác thu, Bộ Tài chính cần tiếp tục tổ chức điều hành chi NSNN năm 2024 chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, tháo gỡ vướng mắc về thể chế, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa cần thiết, tiết kiệm chi thường xuyên; đảm bảo nguồn thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng, ưu tiên Chương trình phục hồi, khắc phục hậu quả thiên tai dịch bệnh và các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực cho phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục kiểm soát bội chi NSNN trong phạm vi Quốc hội quyết định và phấn đấu thấp hơn. Qua đó, giảm nợ công, cải thiện dư địa chính sách tài khóa, tăng cường sức chống chịu của nền tài chính quốc gia, để triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững hơn.
Ngoài ra, tiếp tục củng cố, phát triển đồng bộ và nâng cao chất lượng thị trường tài chính, chứng khoán, bảo hiểm; Kiểm soát tốt dòng tiền, đảm bảo ổn định thị trường.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tin tưởng Bộ Tài chính sẽ tiếp tục kế thừa các kết quả đạt được năm 2023, nghiên cứu để có những giải pháp đột phá, sáng tạo để vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2024, góp phần vào hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước, tạo điều kiện thuận lợi để đạt được các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược 10 năm 2021 - 2030 theo Nghị quyết Đại hội đảng lần thứ XIII.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, ngành Tài chính sẽ đưa vào các giải pháp để thực hiện nhiệm vụ trong năm 2024.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng nhấn mạnh, việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế không chỉ trông chờ vào các chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp mà cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp như, tháo gỡ về thủ tục pháp lý, tín dụng, nguồn vốn… cho doanh nghiệp.
Lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, Ngành Tài chính sẽ phối hợp tốt với các bộ, ngành, địa phương, cùng với các đồng chí tháo gỡ tối đa các khó khăn, vướng mắc theo đúng pháp luật, để thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước./.
Theo dangcongsan.vn