Những kết quả đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp khẳng định hướng chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng đa tầng, đa giá trị đang thu về những “trái ngọt”.
Nói cụ thể hơn, những thành tựu đạt được của ngành Nông nghiệp không chỉ là nhờ nông sản ngon, chất lượng mà đây là kết quả của việc tổ chức lại sản xuất, cấu trúc lại các ngành hàng gia tăng giá trị, đem lại thu nhập cao cho nông dân. Đó là không gian nông nghiệp ngày càng được mở rộng bằng việc hình thành các chuỗi giá trị ngành hàng, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến quy mô lớn, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, cơ giới hóa; phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp du lịch...
Đặc biệt, trong lĩnh vực xuất khẩu, để nâng cao giá trị nông sản, chúng ta đã chủ động kết nối thương mại, từng bước đa dạng hóa thị trường, đàm phán ký kết các nghị định thư với nhiều loại nông sản mới...
Xét về tổng thể, tuy tỷ trọng nông nghiệp trong kinh tế cả nước và kinh tế nông thôn có xu hướng giảm nhưng nông nghiệp vẫn tiếp tục là thế mạnh của Việt Nam. Nền nông nghiệp nước ta đang hình thành nhiều vùng sản xuất đặc thù theo chức năng, thế mạnh địa phương: Nông nghiệp sạch, an toàn, nông nghiệp ven đô, nông nghiệp quy mô lớn sản xuất hàng hóa, nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hướng tới thông minh…
Ngành Nông nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng toàn ngành năm 2024 là 3-3,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 54-55 tỷ USD. Cùng với đó, tiếp tục kiên trì thực hiện quan điểm phát triển của ngành là chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, lấy hiệu quả làm tiêu chí hàng đầu để tiếp tục nâng cao đời sống nông dân và rộng hơn là khu vực nông thôn.
Phân tích một cách cụ thể hơn, việc chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp là chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng tăng trưởng đa giá trị. Đi vào từng vấn đề, đó là chúng ta phải chuyển từ tư duy sản xuất rồi bán thô sang sản xuất gắn với chuỗi bảo quản, chế biến, phân phối và thị trường. Việc này đòi hỏi nhiều nguồn lực khác nhau, trọng tâm là con người phải đáp ứng được yêu cầu đổi mới, phát triển trong bối cảnh hiện nay. Ví như, chúng ta có nguồn nông sản dồi dào nhưng để xây dựng thương hiệu, giá trị gia tăng cho nông sản, đòi hỏi sự đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào chế biến, tăng cao năng suất, chất lượng; hoặc muốn hiện thực hóa tư duy “cung cấp những hàng hóa thị trường cần chứ không phải chỉ cung cấp những sản phẩm chúng ta làm ra được”, đòi hỏi dụng công nghiên cứu, dự báo, cảnh báo thị trường… Tất cả những điều này đều phải bắt đầu từ nguồn lực con người.
Nhiều năm trở lại đây, ngành Nông nghiệp luôn khẳng định vị thế là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Và vị thế ấy, sẽ ngày càng vững chắc hơn khi tư duy đổi mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp luôn là nguồn sinh lực dồi dào và hướng đến các giá trị bền vững.
Theo Hà nội mới