Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: TTXVN phát
Trong 6 tháng đầu năm, toàn Ngành đã chủ động, tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, đã hoàn thành toàn diện và chất lượng các nhiệm vụ công tác theo đúng kế hoạch với nhiều kết quả, nổi bật là trong hoạt động kiểm toán. Kế hoạch kiểm toán năm 2025 của Kiểm toán nhà nước lập đã bám sát các định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. Nhất là trong điều kiện các Bộ, ngành, địa phương thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy, sáp nhập, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp, Tổng Kiểm toán nhà nước đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành điều chỉnh kế hoạch kiểm toán, phương án tổ chức kiểm toán để vừa đảm bảo hoàn thành toàn diện kế hoạch kiểm toán năm 2025, vừa tạo điều kiện cho các Bộ, ngành, địa phương thực hiện việc sắp xếp, tổ chức bộ máy.
Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán đối với 43 dự thảo báo cáo kiểm toán, 16 Báo cáo kiểm toán đã phát hành thuộc kế hoạch kiểm toán năm 2025, Kiểm toán nhà nước kiến nghị tăng thu giảm chi ngân sách nhà nước 8.344 tỷ đồng (tăng thu ngân sách nhà nước 2.410 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 5.934 tỷ đồng), kiến nghị khác 9.288 tỷ đồng. Qua kiểm toán cũng đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm kịp thời đối với những tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán.
Kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2024 (cho niên độ ngân sách năm 2023), tính đến ngày 15/6/2024, tổng số kiến nghị xử lý tài chính, kiến nghị khác đã thực hiện là 3.533/31.538 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 11,2%.
Trong quá trình kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước thường xuyên chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán. Tính đến 30/6/2025, Kiểm toán nhà nước đã chuyển 2 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ; đang làm các thủ tục để chuyển 1 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan cảnh sát điều tra. Trên cơ sở đánh giá toàn diện hoạt động của Ngành trong 6 tháng đầu năm, Kiểm toán nhà nước đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đề ra các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế nhằm hoàn thành thắng lợi, toàn diện Kế hoạch công tác năm 2025.
Tại Hội nghị, các ý kiến bày tỏ nhất trí cao đối với các nội dung của Báo cáo công tác 6 tháng đầu năm của Ngành; đồng thời, đại diện các đơn vị đã tập trung thảo luận, đề xuất giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn triển khai công tác kiểm toán, nhất là trong bối cảnh sắp xếp đơn vị hành chính; công tác thanh tra, kiểm soát chất lượng kiểm toán; công tác ứng dụng công nghệ thông tin…
Chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của toàn Ngành trong triển khai Kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm 2025; đồng thời nhấn mạnh, hoạt động kiểm toán năm 2025 diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt song toàn Ngành đã đoàn kết, phấn đấu đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn phát biểu chỉ đạo. Ảnh: TTXVN phát
“Chúng ta đã thích nghi rất nhanh, rất linh hoạt với bối cảnh sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đến nay, toàn Ngành đã hoàn thành các cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương”, Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.
Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu toàn Ngành sắp xếp, xây dựng các kế hoạch mới để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ năm 2025 trong bối cảnh mới; khẩn trương cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Kiểm toán nhà nước lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2025-2030, đặc biệt là tập trung thể chế hóa 4 Nghị quyết chuyên đề toàn khóa về: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với việc thực hiện tinh giản biên chế và tinh gọn bộ máy; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của Kiểm toán nhà nước; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; nâng cao chất lượng kiểm toán.
Tổng Kiểm toán nhà nước cũng yêu cầu khẩn trương ban hành các hướng dẫn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kiểm toán. Đồng thời, các đơn vị cần bám sát, đôn đốc, theo dõi việc thực hiện kiến nghị kiểm toán... Cùng với đó, các đơn vị chức năng khẩn trương quyết toán, bàn giao, đưa vào sử dụng các công trình, dự án phát huy tối đa hiệu quả; tiếp tục kiện toàn cơ sở vật chất; ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số và đào tạo; thực hiện chế độ đối với công chức, viên chức, người lao động Kiểm toán nhà nước, đặc biệt là công chức thuộc diện luân chuyển, điều động.
Theo Đỗ Bình (TTXVN)