Linh kiện, phụ kiện vẫn phải nhập khẩu
Thực tế, thời gian qua, ngành đóng tàu cũng luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước. Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 xác định, kinh tế biển là động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, từ đó tạo sự chuyển biến cơ bản và toàn diện cơ cấu kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ để thúc đẩy ngành đóng tàu
Tuy nhiên, ngành công nghiệp đóng tàu của nước ta vẫn chưa phát triển tương xứng tiềm năng và nhu cầu. Khoảng 95% thị phần vận tải biển hiện đang thuộc về các hãng tàu nước ngoài, còn lại là thị phần của Việt Nam và chủ yếu vận tải các tuyến gần như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, khu vực Đông Nam Á. Hoạt động xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, EU... phụ thuộc gần như hoàn toàn vào hãng tàu nước ngoài.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, hiện Việt Nam có gần 100 nhà máy đóng tàu với trọng tải từ 1.000 DWT trở lên và khoảng 70 nhà máy đóng mới, sửa chữa tàu thuyền. Tổng công suất thiết kế của các nhà máy đóng tàu mới lên tới 2,6 triệu DWT/năm.
Còn theo Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI), phụ kiện phục vụ ngành công nghiệp đóng tàu của nước ta mới chỉ chiếm khoảng 20 - 30%; trong đó, các mặt hàng thuần Việt Nam chỉ chiếm khoảng 10-15%, còn lại là phụ kiện nước ngoài gia công tại Việt Nam, hoặc phải nhập khẩu.
Có nhiều nguyên nhân khiến ngành công nghiệp đóng tàu của nước ta chưa phát triển mạnh. Trong đó, đa số doanh nghiệp đang gặp khó khăn về vốn, trong khi đóng tàu là một ngành công nghiệp dài hơi và muốn trụ vững được đòi hỏi phải rất trường vốn. Bên cạnh đó, do yêu cầu của thị trường và những quy định của công ước quốc tế, các thế hệ tàu mới phải bảo đảm tính an toàn cao, đa dạng về chủng loại, kích thước, mẫu mã..., đặc biệt trong gia công, sản xuất phải theo hướng xanh, bảo vệ môi trường.
Cơ hội cho phát triển công nghiệp hỗ trợ
Trước thực trạng trên, theo các chuyên gia, do đóng tàu liên quan mật thiết đến nhiều ngành công nghiệp khác, đặc biệt là lĩnh vực cơ khí, luyện kim, vì thế nếu phát triển công nghiệp hỗ trợ tốt sẽ tạo cơ hội thúc đẩy ngành đóng tàu vươn lên.
Theo các chuyên gia, tàu thủy là một ngành công nghiệp lớn, đa dạng về chủng loại. Đặc thù ngành đóng tàu cũng như ngành cơ khí có tỷ suất lợi nhuận không cao, nhưng có tác động lan tỏa lớn đến nền kinh tế, có thể thúc đẩy nhiều ngành cùng phát triển.
Hội Khoa học kỹ thuật công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam cho biết, gần 70% vật tư thiết bị ngành đóng tàu Việt Nam đang phải nhập ngoại, đây là dư địa rất lớn giành cho các nhà cung ứng vật tư thiết bị trong và ngoài nước, đồng thời thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển….
Tiềm năng của ngành đóng tàu Việt Nam có thể tạo ra giá trị ước tính khoảng 200 tỷ USD/năm. Để phát huy được tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, các chuyên gia đề nghị, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần đánh giá đúng vai trò của ngành đóng tàu; cần coi đây là ngành công nghiệp xương sống để tạo điều kiện cho nhiều ngành công nghiệp khác như luyện kim, cơ khí, kinh tế biển… cùng phát triển.
Theo VAMI, công nghiệp hỗ trợ đóng tàu từ lâu được xem là thế mạnh của công nghiệp cơ khí, những hạng mục phụ trợ mà các doanh nghiệp cơ khí thường xuyên thi công gồm: Lan can, cầu thang, thông gió, ống khói, sàn thao tác... của tàu thủy. Những sản phẩm này đều được đánh giá cao và đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Mặt khác, tàu thủy là một ngành công nghiệp lớn, đa dạng về chủng loại. Việc đóng tàu liên quan mật thiết đến nhiều ngành công nghiệp khác nhau, đặc biệt là lĩnh vực cơ khí, luyện kim một số lĩnh vực chính như sản xuất thép đóng tàu, chế tạo, lắp ráp thiết bị, máy móc cơ khí thủy, điện, điện tử, tự động hóa, vật liệu mới…
Vì thế, nếu phát triển được những lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ này sẽ tạo ra cơ hội tốt cho đóng tàu Việt Nam tham gia cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Và khi doanh nghiệp đóng tàu phát triển sẽ kéo theo hàng loạt doanh nghiệp lĩnh vực cơ khí cùng phát triển.
Theo congthuong.vn