Các nhà thầu huy động toàn lực về thiết bị máy móc, lao động, đẩy nhanh tiến độ thi công dự án đường cao tốc
Mai Sơn - quốc lộ 45.
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa cho biết, đến ngày 22/6 vừa qua, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án (PMU) thuộc Bộ đã giải ngân vốn đầu tư công hơn 14.800 tỷ đồng, đạt gần 35% kế hoạch cả năm, phấn đấu hết tháng 6, giải ngân lũy kế đạt hơn 17.300 tỷ đồng, bằng 40% kế hoạch cả năm, cao gấp gần hai lần tỷ lệ giải ngân bình quân chung khối bộ, ngành Trung ương (22%).
Dự án trọng điểm đua tiến độ
Ngay từ đầu năm, quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo Bộ GTVT là kiên quyết điều chuyển vốn từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn. Giữa tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng GTVT tiếp tục ban hành Chỉ thị 06/CT-BGTVT về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án cử cán bộ có đủ thẩm quyền thường xuyên có mặt tại hiện trường, cùng với các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng. Bộ xác định kết quả giải ngân kế hoạch đăng ký đầu năm là tiêu chí chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2021 của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan, trừ lý do bất khả kháng. Tiêu chí kế hoạch giải ngân của đơn vị là căn cứ để thủ trưởng đơn vị đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ các cán bộ liên quan. Ðến nay, Bộ GTVT đã thực hiện ba đợt điều chỉnh kế hoạch cho 11 dự án, giá trị 3.130 tỷ đồng. Trong số các dự án thành phần đường cao tốc bắc-nam, Bộ GTVT đã điều chuyển bổ sung 1.637 tỷ đồng, ước trong tháng 6 giải ngân 2.424 tỷ đồng, lũy kế đến hết tháng 6 giải ngân 6.935 trên tổng số 14.981 tỷ đồng, đạt 46,3% kế hoạch, cơ bản đáp ứng yêu cầu. Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có tiến độ giải ngân tốt, đã được điều chuyển bổ sung 647 tỷ đồng kế hoạch, dự kiến tháng 6 giải ngân 88 tỷ đồng, lũy kế tới hết tháng 6 giải ngân 900 trong tổng số 1.811 tỷ đồng, đạt 49% kế hoạch, cơ bản đáp ứng yêu cầu.
PMU Thăng Long là một trong số đơn vị "đầu tàu" trong lĩnh vực quản lý các dự án hạ tầng giao thông, có tiến độ giải ngân cao của ngành GTVT. Theo Giám đốc PMU Thăng Long Dương Viết Roãn, tính đến ngày 21/6, đơn vị đã giải ngân hơn 5.000 trong tổng số gần 8.500 tỷ đồng, đạt 60% kế hoạch vốn đã giao năm 2021, cao nhất trong số các cơ quan thuộc Bộ GTVT. Dự án đường cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 do PMU Thăng Long làm đại diện chủ đầu tư đã đạt và vượt tiến độ trong số các dự án thành phần cao tốc bắc-nam đang triển khai. Tuyến đường có chiều dài 63,37 km, đi qua hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa. Dự án có tổng mức đầu tư 12.111 tỷ đồng, khởi công gói thầu đầu tiên vào cuối tháng 9/2020, dự kiến hoàn thành xây dựng trong hai năm. Giám đốc điều hành dự án Lương Văn Long cho biết, đại công trường dự án gồm 5 gói thầu xây lắp, từ 10-XL đến 14-XL đang thi công rầm rộ, huy động máy móc, thiết bị, nhân lực hoạt động suốt ngày đêm. Dự án triển khai 63 mũi thi công trên toàn tuyến, sản lượng đạt gần 1.000 tỷ đồng, tương đương hơn 14,2% giá trị xây lắp theo hợp đồng (6.853 tỷ đồng).
Biện pháp mạnh thúc giải ngân
Năm 2021, Bộ GTVT được giao, phân bổ vốn đầu tư đạt hơn 43.400 tỷ đồng, gồm 42.996 tỷ đồng kế hoạch năm (trong đó 38.159 tỷ đồng vốn trong nước, 4.837 tỷ đồng vốn nước ngoài) và khoảng 405 tỷ đồng kế hoạch kéo dài. Ðến nay, Bộ đã phân bổ chi tiết hơn 42 nghìn tỷ đồng, đạt 97,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong khi bình quân chung cả nước mới giao chi tiết được 88% kế hoạch. Như vậy, tính đến hết tháng 6, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Bộ GTVT đạt cao hơn so bình quân chung cả nước và cao hơn tỷ lệ giải ngân cùng kỳ năm 2020 (khoảng 6%), tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia, giá trị giải ngân chủ yếu vẫn là ứng hợp đồng, thanh toán nợ đọng, thu hồi vốn ứng trước cho các doanh nghiệp và địa phương, phần giải ngân cho khối lượng thi công chưa cao. Vụ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư (Bộ GTVT) Nguyễn Danh Huy nhận định: Trong sáu tháng cuối năm, Bộ cần tiếp tục giải ngân hơn 26 nghìn tỷ đồng, gồm 3.620 tỷ đồng vốn nước ngoài và hơn 22 nghìn tỷ đồng vốn trong nước. Ðể phấn đấu giải ngân toàn bộ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021, cần sự quyết tâm cao độ, quyết liệt điều hành của thủ trưởng các đơn vị và sự phối hợp của địa phương liên quan trong giải phóng mặt bằng, tái định cư, di dời cơ sở hạ tầng kỹ thuật.
Tuy nhiên, vấn đề khó khăn đối với giải ngân sáu tháng cuối năm là các dự án mới triển khai từ cuối năm 2020, giá trị thanh toán, giải ngân còn thấp, ngoài ra một số dự án ODA đang hoàn thiện phê duyệt thiết kế kỹ thuật, đấu thầu kéo dài nên chưa triển khai thi công, có nguy cơ không đáp ứng tiến độ khi mùa mưa bão đang đến gần; biến động giá vật liệu, nhất là giá thép xây dựng tăng vọt khiến các nhà thầu có tâm lý chờ đợi, làm cầm chừng,... Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch Covid-19 gây tác động tiêu cực tới công tác tổ chức thi công tại hiện trường. Ðể đẩy nhanh tiến độ giải ngân, lãnh đạo Bộ đốc thúc các đơn vị liên quan lập đoàn kiểm tra, giám sát những dự án trì trệ trong giải ngân; chấn chỉnh ngay các đơn vị có biểu hiện gây khó khăn, chậm trễ trong chỉ đạo điều hành. Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án được yêu cầu căn cứ kế hoạch giải ngân chi tiết hằng tháng làm cơ sở điều hành thực hiện, phấn đấu hết tháng 12 đạt ít nhất 90% kế hoạch và đến thời điểm 31/1/2022 giải ngân 100% kế hoạch; trong đó, các dự án có nguồn vốn kéo dài từ kế hoạch năm 2020 phải giải ngân toàn bộ trước ngày 31/12/2021. Các đơn vị trực thuộc chấn chỉnh, nâng cao vai trò, trách nhiệm, nhất là cấp trưởng, người đứng đầu; quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư ngay trong các quyết định giao vốn.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng yêu cầu các đơn vị phải thường xuyên rà soát, cập nhật kế hoạch giải ngân của từng dự án, gói thầu để kịp thời phát hiện vướng mắc trong quá trình triển khai, báo cáo giải ngân đúng thời hạn, số liệu phải chính xác, trung thực. Bên cạnh đó, các đơn vị cần bảo đảm an toàn về sức khỏe cho người lao động; bảo đảm chất lượng công trình, coi việc bảo đảm chất lượng là ưu tiên hàng đầu ngay từ khâu chuẩn bị đầu tư, thiết kế, dự toán và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm chất lượng, tiến độ dự án.
Theo nhandan.com.vn