Theo ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tăng trưởng GDP của ngành nông lâm ngư nghiệp trong nửa 6 đầu năm đạt 2,8%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 đạt 27,88 tỷ USD, tăng 13,9%; trong đó nhóm nông sản chính đạt 11,37 tỷ USD, tăng 8,8%; lâm sản chính đạt 9,1 tỷ USD, tăng 3%; thủy sản đạt 5,8 tỷ USD, tăng 40,8%.
Tính đến hết tháng 8/2022, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành đạt gần 36,3 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước, với xuất khẩu nhóm nông sản chính gần 15 tỷ USD, lâm sản chính trên 11,8 tỷ USD, thủy sản trên 7,5 tỷ USD, chăn nuôi 258,6 triệu USD, đầu vào sản xuất gần 1,7 tỷ USD.
Trong 8 tháng đầu năm, có 7 sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD, gồm: cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, sản phẩm gỗ. Nhiều mặt hàng tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái, như cà phê tăng 40%, cá tra tăng 82%, tôm tăng 22%, phân bón tăng 163%. Tuy nhiên, dù đạt trên 2 tỷ USD nhưng cũng có nhiều mặt hàng giảm so với cùng kỳ, như rau quả giảm 13,9%, hạt điều giảm 10%, sản phẩm gỗ giảm 3,4%, sản phẩm chăn nuôi giảm 12,3%.
Mặc dù ngành nông nghiệp đạt được kết quả tích cực, song các chuyên gia về kinh tế nông nghiệp đã thẳng thắn chỉ ra nhiều hạn chế, tồn tại, khó khăn, thách thức, đó là: việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn ở một số địa phương còn chậm, sản lượng và quy mô còn hạn chế. Những khó khăn khi nguyên liệu vật tư đầu vào phụ thuộc vào nhập khẩu, trong đó giá thức ăn chăn nuôi, phân bón... tăng cao.
"Để đạt được mục tiêu xuất khẩu năm nay, đòi hỏi ngành nông nghiệp cần thực hiện các giải pháp tác động vào những sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao để bù vào những sản phẩm dự kiến có khả năng không đạt chỉ tiêu kim ngạch cả năm".
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Khai thác thủy sản gặp khó khăn do giá xăng dầu tăng, dẫn đến chi phí sản xuất cao, trong khi giá bán sản phẩm nông sản mặc dù có tăng nhưng vẫn thấp hơn so với mức tăng giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, chế biến của ngành nông nghiệp. Hoạt động xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa thị trường của ngành nông nghiệp chưa nhiều và chủ yếu phải thực hiện theo hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Thêm vào đó là chất lượng nông, lâm, thủy sản chưa đồng đều, thiếu thương hiệu, ít chế biến sâu, chế biến tinh khiến sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đôi lúc bị “lép vế” trên thị trường, giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế không cao.
Ngành nông nghiệp đề ra mục tiêu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 toàn ngành khoảng 2,8-3% (Chính phủ giao 2,5-2,8%), tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 55 tỷ USD (cao hơn mục tiêu Chính phủ giao 5 tỷ USD).
THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG XANH TRONG NÔNG NGHIỆP
Vào giữa tháng 9/2022, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã phê duyệt Kế hoạch hành động của ngành nông nghiệp thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, tuần hoàn, phát thải carbon thấp...
Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm phân bón được sản xuất và tiêu thụ đạt trên 30%; tăng số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng lên trên 30%; có ít nhất 30% tổng diện tích cây trồng cạn có tưới được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
Lĩnh vực trồng trọt sẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng biến đổi khí hậu từng vùng, miền; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung ổn định, quy mô lớn.
Kế hoạch hành động của ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030 đề ra các mục tiêu chính: tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp từ 2,5-3%/năm; nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo vệ tài nguyên đất, nước, thủy sản, rừng, bảo tồn đa dạng sinh học; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 42%, diện tích có chứng chỉ quản lý rừng bền vững trên 1 triệu ha…
Cùng với chuyển đổi 300.000 ha đất lúa sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả cao hơn cả về kinh tế và môi trường, ngành nông nghiệp phấn đấu diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng trên 2% tổng diện tích đất trồng trọt.
Đồng thời, mở rộng quy mô áp dụng các thực hành sản xuất nông nghiệp tốt nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh và giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực nông nghiệp. Xây dựng nông thôn mới đảm bảo đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững; hình thành lối sống hòa hợp với môi trường và thiên nhiên, bảo vệ và phát triển cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp, văn minh.
Ngành sẽ chuyển đổi phương thức chăn nuôi quy mô nhỏ, phân tán sang chăn nuôi trang trại, hình thành vùng chăn nuôi trọng điểm gắn với bảo vệ môi trường, an toàn sinh học và ứng dụng công nghệ.
Đối với thủy sản, ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Áp dụng đối tượng nuôi trồng thủy sản mới có hiệu quả cao, khả năng chống chịu tốt, thích ứng với điều kiện khí hậu. Ngành sẽ điều chỉnh cường độ và cơ cấu khai thác hải sản đảm bảo hiệu quả, bền vững gắn với bảo tồn đa dạng sinh học.
Đối với lâm nghiệp, ngành sẽ phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng tập trung; phục hồi rừng tự nhiên, phát triển nông lâm kết hợp, lâm sản ngoài gỗ theo hướng sản xuất hàng hóa. Mở rộng diện tích rừng có chứng chỉ quản lý bền vững; phát huy tối đa dịch vụ môi trường rừng để tạo nguồn thu; khai thác các tiềm năng, các dịch vụ mới, đặc biệt là dịch vụ du lịch sinh thái, các dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon.
Hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình đổi mới công nghệ, trang thiết bị để nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng và giảm ô nhiễm trong sản xuất ở các làng nghề và các cơ sở ngành nghề ở nông thôn; phát triển sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) theo hướng kinh tế tuần hoàn.
Ngành thúc đẩy tiêu dùng xanh, phát triển thị trường cho các sản phẩm nông lâm thủy sản sản xuất theo hướng xanh dưới các hình thức hỗ trợ trực tiếp cho đầu tư và sản xuất, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, xúc tiến thương mại… Phát triển chuỗi giá trị nông sản xanh, carbon thấp cho các ngành hàng nông sản chủ lực, gắn với việc dán nhãn cho nông sản, sản phẩm OCOP xanh.
Để có nguồn vốn đầu tư cho tăng trưởng xanh, ngành chú trọng huy động các nguồn lực xã hội, nhất là từ doanh nghiệp cho thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh. Tăng cường hợp tác quốc tế để kêu gọi hỗ trợ về tài chính và chuyển giao công nghệ nhằm đưa nông nghiệp Việt Nam thành hình mẫu về phát triển nông nghiệp xanh, carbon thấp, an toàn thực phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi nông sản toàn cầu góp phần giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt là giảm metan trong trồng trọt và chăn nuôi, chuỗi nông sản, không gây mất rừng.
Theo Vneconomy