Sản xuất công nghiệp trong nước phục hồi tích cực
Nhiều kết quả đáng ghi nhận
Theo Bộ Công Thương, sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực, năm 2023, ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 2,84%. Chỉ số IIP tăng ở 50 địa phương trên cả nước, nhiều địa bàn công nghiệp trọng điểm tiếp tục phục hồi hoặc duy trì đà tăng tích cực (chỉ số IIP tháng 11 so với tháng trước của Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 9,9%; Bình Dương tăng 6,3%; Vĩnh Phúc tăng 5,6%; Vĩnh Long tăng 4,2%; Quảng Ninh và TP. Hồ Chí Minh cùng tăng 3,8%...).
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2023, mặc dù vẫn còn khó khăn nhưng sản xuất công nghiệp của Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng. Một trong những điểm sáng của sản xuất công nghiệp là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Đây cũng là ngành quyết định chủ yếu đến tốc độ tăng trưởng toàn ngành công nghiệp, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất cho khu vực công nghiệp và là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế của đất nước, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần cùng với cả nước thực hiện thắng lợi phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 11 tháng năm 2023 tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 1,1% (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,7%), đóng góp 1,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,2%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,9%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 2,8%, làm giảm 0,4 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Đáng chú ý, chỉ số sản xuất 11 tháng năm 2023 của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp 2 tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 11,8%; khai thác quặng kim loại tăng 11,1%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 10,5%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 8,6%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 8,4%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 7,1%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 6,2%; dệt tăng 5,9%.
Tuy nhiên, báo cáo cũng nêu cụ thể, IIP mặc dù có chuyển biến tích cực nhưng còn chậm, mới chỉ bắt đầu phục hồi từ cuối quý III, đầu quý IV (so với cùng kỳ năm trước, IIP bắt đầu tăng sau 9 tháng), IIP toàn ngành công nghiệp năm 2023 ước chỉ tăng khoảng 2,84%, là mức tăng thấp nhất trong 10 năm gần đây.
Bên cạnh đó, chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, giảm dần ngành công nghiệp khai khoáng và từ các ngành thâm dụng lao động sang các ngành công nghiệp công nghệ cao có phần chững lại khi tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến, chế tạo giảm từ 86% năm 2022 xuống còn 84,9% trong 11 tháng năm 2023.
Với những nỗ lực trên, có thể thấy ngành công nghiệp vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao trong năm 2023.
Công nghiệp năng lượng nỗ lực bám sát mục tiêu kinh doanh
Báo cáo của Bộ Công Thương cũng chỉ ra, đối với ngành dầu khí, 11 tháng năm 2023, các chỉ tiêu sản xuất và tiêu thụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đều ước hoàn thành vượt mức từ 2 - 26% kế hoạch sản lượng 11 tháng. Theo đó, PVN đã nỗ lực bám sát các nhiệm vụ mục tiêu và kế hoạch sản xuất kinh doanh đề ra, tiếp tục duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Tổng sản lượng khai thác dầu khí quy dầu ước thực hiện 11 tháng năm 2023 đạt 16,55 triệu tấn quy đổi, vượt 12% so với kế hoạch 11 tháng và vượt 9% so với kế hoạch năm 2023; sản lượng xăng dầu 11 tháng năm 2023 ước thực hiện đạt 6.696 nghìn tấn, vượt 39% so với kế hoạch 11 tháng và vượt 21% so với kế hoạch cả năm; sản lượng điện 11 tháng năm 2023 ước thực hiện đạt 13,61 tỷ kWh, bằng 99% so với kế hoạch 11 tháng và bằng 87% kế hoạch cả năm; sản lượng đạm ước thực hiện 11 tháng năm 2023 sản xuất đạt 1.608 nghìn tấn, vượt 6% so với kế hoạch 11 tháng và bằng 101% kế hoạch cả năm.
Bên cạnh đó, sản lượng tiêu thụ dầu 11 tháng ước đạt 9,57 triệu tấn, vượt 13% so với kế hoạch 11 tháng và vượt 3% so với kế hoạch cả năm 2023; sản lượng tiêu thụ khí ước đạt 6,98 tỷ m3, vượt 11% so với kế hoạch 11 tháng và vượt 18% kế hoạch cả năm 2023; sản lượng tiêu thụ xăng dầu ước đạt 6.056 nghìn tấn, vượt 26% so với kế hoạch 11 tháng và vượt 10% kế hoạch cả năm; sản lượng tiêu thụ điện ước đạt 13,61 tỷ kWh, bằng 99% so với kế hoạch 11 tháng và bằng 87% kế hoạch cả năm; sản lượng tiêu thụ đạm ước đạt 1.549 nghìn tấn, vượt 2% kế hoạch 11 tháng và bằng 97% kế hoạch cả năm.
Đối với ngành than, ngay từ các tháng đầu năm 2023, Bộ Công Thương đã thường xuyên theo dõi và bám sát tình hình cung cấp than cho sản xuất điện để kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành để đảm bảo ổn định thị trường than, cung cấp đủ than cho sản xuất điện và các nhu cầu sản xuất công nghiệp khác. Do đó, hầu hết các chỉ tiêu về sản xuất, tiêu thụ than đều đạt và vượt so với cùng kỳ năm 2022, nhất là chỉ tiêu về cấp than cho sản xuất điện (bằng 94,28% so với kế hoạch năm và bằng 116,55% so với cùng kỳ năm 2022).
Đối với ngành điện, theo tính toán cập nhật, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện năm 2023 ước đạt 280,6 tỷ kWh, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 98,6% so với kế hoạch năm 2023 được duyệt.
Đáng chú ý, việc triển khai các giải pháp đồng bộ để đưa các dự án nguồn điện lớn có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện đi vào vận hành, huy động tối đa các nguồn lực bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt như: Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 (1.200 MW), Vân Phong 1 (hoàn thành Tổ máy 1 - 716MW).
Đồng thời, năm 2023, ngành điện cũng quan tâm chỉ đạo đảm bảo tiến độ đầu tư, xây dựng các công trình nguồn điện, lưới điện trọng điểm, đặc biệt là các công trình lưới điện 500kV mạch 3 kéo dài từ Quảng Trạch đến Phố Nối. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị thành viên đã tích cực triển khai công tác đầu tư xây dựng và phấn đấu sớm đưa vào vận hành nhiều công trình lưới điện trong năm 2023 như: Trạm biến áp 500kV Long Thành (đấu nối 220kV), Đường dây 500kV Sông Hậu - Đức Hòa (GĐ2: từ VT78 - TBA 500kV Đức Hòa), Trạm biến áp 220kV Cam Ranh (GĐ2: XT ĐZ 220kV 2 mạch), Trạm biến áp 220 kV Tây Ninh và ĐZ 220kV Tây Ninh -Tân Biên, Nhánh rẽ 220kV TBA 220kV Krông Ana…
Việc cung ứng điện trong 11 tháng đầu năm 2023 về cơ bản được đảm bảo. Tuy nhiên, trong một số thời điểm cuối mùa khô năm 2023, khu vực miền Bắc đối mặt với tình trạng thiếu điện cục bộ do thủy văn khô hạn bất thường, nắng nóng cực đoan, nhu cầu sử dụng điện tăng cao đột biến, cùng với những bất cập, mất cân đối hệ thống và hạn chế, thiếu sót trong công tác điều hòa các nguồn điện. Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN và các đơn vị liên quan nhanh chóng khắc phục bằng nhiều biện pháp trước mắt và lâu dài.
Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2024
Để tăng tốc phát triển sản xuất công nghiệp trong năm 2024, với mục tiêu IIP tăng khoảng 7-8% so với năm 2023, Bộ Công Thương đã chỉ đạo, tập trung bám sát kịch bản tăng trưởng và những giải pháp trọng tâm cần thực hiện đã được Bộ Công Thương xây dựng và ban hành trong năm 2024.
Theo đó, Bộ tiếp tục củng cố vững chắc nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế; thực hiện hiệu quả, cơ cấu ngành Công Thương gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh doanh nghiệp, sản phẩm; đẩy mạnh cải cách thể chế và khơi thông nguồn lực; tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh; quyết liệt triển khai thực hiện và hoàn thành đưa vào vận hành các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm theo đúng tiến độ.
Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định, hiện nay, triển vọng kinh tế thế giới đang sáng hơn, sức cầu đã quay trở lại. Nhiều doanh nghiệp trong nước thời gian qua đã tận dụng được các chính sách hỗ trợ của Chính phủ để đầu tư công nghệ, tái cơ cấu doanh nghiệp. Do vậy, sản xuất đang dần được cải thiện, doanh nghiệp tận dụng được các cơ hội, có thêm nhiều đơn hàng mới./..
Theo dangcongsan.vn