Cùng với sản phẩm mận, chuối, sản phẩm xoài của huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, đã được xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Trung Quốc.
Nơi này từng được mệnh danh là vựa ngô lớn nhất, nhì cả nước… Để giải quyết được câu chuyện diện tích ngô kém hiệu quả, lấn và xói mòn đất rừng, Sơn La đã thực hiện tốt nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp từ một chủ trương đúng đắn là chuyển hướng đưa cây ăn quả trở thành cây trồng chủ lực của địa phương, góp phần biến nông nghiệp Sơn La thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Từ những năm 90 của thế kỷ trước, cùng với sự phát triển mạnh của diện tích ngô trên đất dốc và đất lâm nghiệp, cây ăn quả cũng bắt đầu xuất hiện theo định hướng phát triển mô hình kinh tế mới của tỉnh Sơn La. Tuy nhiên, tại thời điểm này, những diện tích ngô năng suất thấp, lấn đất rừng vẫn được phát triển mạnh, được người dân duy trì canh tác khắp các xã, bản ở các huyện, thành phố…
Đến năm 2015, diện tích cây ăn quả của Sơn La đã đạt tới 23.600 ha. Những năm đó, do thành tựu khoa học kỹ thuật còn hạn chế, phần lớn là các giống cây ăn quả giống cũ, năng suất và chất lượng rất thấp. Đến cuối năm 2015, nhiều hộ gia đình bắt đầu chặt cây ăn quả đi để quay trở lại trồng ngô, sắn…
Hiệu quả từ một chủ trương đúng
Đồng chí Hoàng Văn Chất, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, nhiệm kỳ 2015-2020 kể: Trước Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ 14 đã diễn ra nhiều cuộc họp tổng kết, đánh giá các mô hình, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2010-2015, trong đó chỉ ra những tiềm năng, lợi thế nổi trội của Sơn La; đồng thời thẳng thắn nhìn nhận vào những khó khăn, những việc chưa làm được, điểm nghẽn ngăn cản sự phát triển, khiến Sơn La vẫn là một tỉnh nghèo.
Trước tình hình đó, tập thể lãnh đạo tỉnh đã đi đến thống nhất cao là cần phải đổi mới để tìm ra hướng đi phù hợp giúp vùng núi cao Tây Bắc chuyển mình. Theo đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra bảy chương trình trọng tâm, trong đó có chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, gắn với chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Từ định hướng đó, ngày 30/11/2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra thông báo Kết luận số 12 về một số chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc, với mục tiêu là chuyển đổi mạnh diện tích đang trồng ngô, khoai, sắn sang trồng cây ăn quả, đồng thời xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, tổ chức thực hiện đồng bộ, kịp thời.
Trên cơ sở Kết luận số 12, Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La ban hành nghị quyết hỗ trợ 200 nghìn đồng cho mỗi hộ gia đình ghép mắt cải tạo vườn tạp. Mặc dù chỉ là con số khiêm tốn, nhưng trong vòng hai năm đã có hơn 90.000 hộ được nhận hỗ trợ hơn 18 tỷ đồng.
Cùng với đó, trong năm 2015, Sơn La cũng đã thí điểm thực hiện dùng ngân sách tỉnh hỗ trợ 70% số mô hình tưới nhỏ giọt kết hợp phân bón hòa tan. Với sự giúp đỡ, tạo điều kiện ban đầu cho người dân như vậy, tỉnh đã tạo động lực kích cầu để đồng bào các dân tộc tích cực chuyển đổi cây trồng.
Ngay khi có chủ trương phát triển cây ăn quả trên đất dốc, Sơn La đã xác định phải bắt tay vào việc thành lập các hợp tác xã nông nghiệp với mục đích quy tụ được lực lượng sản xuất, tích tụ đất đai trên quy mô lớn để xây dựng vùng sản xuất tập trung, thay vì phát triển nhỏ lẻ từng hộ gia đình. Bởi thực tế đã cho thấy mô hình triển khai theo dạng manh mún sẽ khó để có được chất lượng đồng đều và gây trở ngại cho việc hình thành vùng cung ứng sản phẩm ổn định ra thị trường.
Đồng bào dân tộc H’Mông, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, thu hoạch dứa Queen trên đất dốc.
Do đó, tỉnh đã ban hành cơ chế, chính sách để khuyến khích, vận động người dân tham gia xây dựng các liên minh hợp tác. Đến nay, trên địa bàn Sơn La có hơn 300 hợp tác xã trồng cây ăn quả, 11 doanh nghiệp khoa học-công nghệ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, hơn 500 cơ sở sơ chế, chế biến nông sản. Việc gây dựng lực lượng lớn hợp tác xã đã tạo được chuỗi liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân.
Đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho biết: Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ghi nhận tỉnh Sơn La đã có những bước đột phá trong phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và phát triển cây ăn quả. Bởi từ những mô hình này, các cơ sở đã sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đã thu hút đông các đoàn đến học tập, nghiên cứu…
Đột phá trong nông nghiệp
Với việc chuyển hướng đưa cây ăn quả trở thành cây trồng chủ lực của địa phương, Sơn La đã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Thành công không chỉ xuất phát từ việc có chủ trương đúng đắn, lựa chọn cây trồng phù hợp, mà cùng với đó là sự đầu tư, tính toán những bước đi chiến lược để biến nông nghiệp Sơn La thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Đồng chí Lò Minh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chia sẻ: Sơn La trong khoảng 20 năm gần đây đã hợp tác tốt với các viện nghiên cứu, góp phần đưa các giống cây ăn quả về trồng khảo nghiệm tại tỉnh, bảo đảm thích nghi các điều kiện đất đai thổ nhưỡng. Từ đưa giống cây vào khảo nghiệm, từ xây dựng các mô hình, đến nay Sơn La đã khẳng định có thể phát triển cây ăn quả trên đất dốc.
Như tại huyện Mai Sơn, trong vòng gần 10 năm (từ 2015 đến 2024), diện tích cây ăn quả đã tăng từ 1.500 ha lên 11.500 ha, với cây trồng chủ lực là nhãn, xoài, na, chanh leo, cây có múi. Cơ cấu sản xuất của huyện được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi vùng, mỗi xã, thị trấn, gắn với nhu cầu thị trường, thích ứng biến đổi khí hậu.
Đồng chí Nguyễn Việt Cường, Bí thư Huyện ủy cho biết: Nghị quyết của tỉnh từ chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây ăn quả trên đất dốc đã đi vào lòng dân vì sự thiết thực và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là điều mong muốn làm giàu chính đáng của người dân và hiện nay, người dân rất tích cực hưởng ứng phong trào chuyển đổi cây trồng.
Đến nay, cây ăn quả đã mang lại mùa màng bội thu mỗi năm cho huyện Mai Sơn, với sản lượng trung bình hơn 90.000 tấn/năm. Hiệu quả sản xuất không ngừng tăng qua các năm và giá trị thu nhập trên 1 ha đất canh tác ở huyện Mai Sơn bình quân đạt gần 88 triệu đồng.
Tại huyện Mộc Châu, hiện có 101 hợp tác xã nông nghiệp được thành lập, trong đó 40 hợp tác xã đang hoạt động theo chuỗi giá trị. Tổng vốn điều lệ của các hợp tác xã hơn 169 tỷ đồng, với 1.045 thành viên, cung cấp việc làm cho hơn 1.200 lao động thường xuyên và hơn 1.500 lao động theo mùa vụ.
Các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn đã góp phần nhân rộng các loại cây ăn quả thế mạnh của huyện, nâng diện tích cây ăn quả đạt hơn 10.700 ha, sản lượng năm 2023 đạt hơn 61 nghìn tấn; giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp của Mộc Châu tăng lên theo từng năm.
Đồng chí Trương Hoa Bắc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện cho biết: Những năm qua, để thực hiện tốt chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc, huyện đã luôn chủ động phối hợp các sở, ngành kết nối với các doanh nghiệp, các thương lái bao tiêu, tiêu thụ, xuất khẩu, liên kết các thị trường và thông qua đó là các hợp đồng liên kết về kinh tế.
Ngoài củng cố, nâng cao thị trường truyền thống, huyện tập trung vào thị trường Trung Quốc đối với sản phẩm trái cây tươi, đồng thời phát triển thêm các thị trường có tiềm năng và các nước đã ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam như thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc…
Không chỉ riêng huyện Mai Sơn, Mộc Châu, tỉnh Sơn La cũng đã hình thành được vùng sản xuất cây ăn quả tập trung quy mô lớn tại các huyện Sông Mã, Yên Châu, Mường La, Thuận Châu, Bắc Yên, Phù Yên. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 82.000 ha cây ăn quả, trong đó diện tích cho thu hoạch hơn 63.200 ha, sản lượng khoảng 378.530 tấn.
Có những thời điểm vùng chuyên canh cây ăn quả của Sơn La bị ảnh hưởng bởi nắng nóng, khô hạn kéo dài, có nơi xảy ra mưa đá, thiên tai, tuy nhiên, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, dù sản lượng một số loại quả có giảm, nhưng mẫu mã, chất lượng vẫn bảo đảm tiêu chuẩn của đối tác tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Có nhiều mô hình cho thu nhập cao từ 200 triệu đồng đến 400 triệu đồng/ha, đặc biệt diện tích na thu hơn 350 triệu đồng/ha; dâu tây 420 triệu đồng/ha. Phần lớn quả cây tươi được các doanh nghiệp, hợp tác xã thu mua cung cấp cho hệ thống các siêu thị, cửa hàng hoa quả sạch ở các tỉnh, thành phố trên cả nước và xuất khẩu.
Hiện, Sơn La đang duy trì 280 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn, 294 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, 145 cơ sở áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; có 560 nhà máy và cơ sở chế biến nông sản.
Sơn La đã xây dựng các vùng sản xuất cây ăn quả theo ba cấp: Sản phẩm chủ lực quốc gia; sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; sản phẩm đặc sản địa phương theo chương trình OCOP, lồng ghép vào các quy hoạch phát triển ngành cấp quốc gia, quy hoạch tỉnh; tiến tới tổ chức cấp mã số vùng trồng, tạo độ nhận diện cho hoa quả chất lượng cao trên bản đồ nông sản Việt Nam…
Sau 5 năm nỗ lực, kể từ năm 2020 cho đến nay, Sơn La từ một địa phương với những người sản xuất nông nghiệp chỉ bán sắn, bán ngô đã thay đổi ngoạn mục, duy trì vị thế vựa cây ăn quả lớn nhất khu vực miền bắc, đứng thứ 2 toàn quốc, được đánh giá là một “hiện tượng kinh tế nông nghiệp”.
Tinh thần quyết tâm, dám nghĩ, dám làm cộng với kế hoạch, cách làm bài bản, đúng hướng của tỉnh đã tạo bước ngoặt đáng nhớ từ một chủ trương của địa phương trước đó còn nhiều khó khăn.
Theo Quốc Tuấn/nhandan.vn