Thực hiện đường lối đổi mới kể từ năm 1986 đến nay, với các chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, kế thừa truyền thống yêu nước, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần cống hiến cho dân tộc; ngày càng khẳng định vai trò, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; một số doanh nghiệp phát triển đạt tầm khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tôn vinh lực lượng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam (Ảnh: PV) |
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, Việt Nam có hơn 930 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Đây là một trong những lực lượng nòng cốt tạo ra của cải, vật chất; đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế; tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo và ổn định xã hội. Lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân hiện đóng góp khoảng 60% GDP, 85% tổng số lao động, 98% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Những kết quả đáng khích lệ như vậy là nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp. Với tinh thần kiến tạo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, triển khai mạnh mẽ cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển.
Nước ta đang ở thời điểm rất quan trọng khi thế giới chứng kiến nhiều thay đổi lớn, sự ra đời của các ngành công nghiệp mới, thay đổi chính sách của các nền kinh tế lớn kéo theo sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư, sự điều chỉnh trong cấu trúc đầu tư thương mại. Điều này vừa đặt ra các nguy cơ, thách thức nhưng đồng thời cũng mang đến cho các quốc gia thời cơ, vận hội mới.
Đúng như khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, đất nước ta đang bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, do đó, hơn bao giờ hết, bối cảnh mới đang đặt ra các yêu cầu mới cho định hướng phát triển của đất nước. Việt Nam không chỉ phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng mà phải là tăng trưởng xanh, bền vững; không chỉ là phát triển các ngành kinh doanh truyền thống, mà còn phải dồn lực để thu hút đầu tư và tạo sự bứt phá cho các ngành công nghiệp tiên phong; không chỉ tăng trưởng dựa vào vốn, vào khai thác tài nguyên như trước, mà phải dựa vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; không chỉ là phát huy, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống mà còn phải phát huy được các động lực tăng trưởng mới đến từ kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và bằng cả các mô hình kinh tế mới.
Nhìn lại lịch sử, ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thư gửi tới giới Công Thương Việt Nam nhằm khuyến khích sự phát triển và nhấn mạnh vai trò của giới Công Thương đối với nền kinh tế quốc gia, trong đó Bác viết: “Hiện nay, Công Thương cứu quốc đoàn đương hoạt động để làm được nhiều việc ích quốc, lợi dân. Tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt. Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới Công Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng…”. Kế thừa và phát huy tư tưởng của Người, cách đây 20 năm (vào năm 2004), ngày 13/10 hằng năm đã được chọn là Ngày Doanh nhân Việt Nam, với ý nghĩa chính là khuyến khích và tôn vinh vai trò của những doanh nhân đã cống hiến nhiều thành tựu cho Tổ quốc và nhân dân.
Trong những năm qua, đội ngũ doanh nhân cả nước đã không ngừng đổi mới về tư duy, phương pháp, cách làm, thể hiện mạnh mẽ tinh thần và ý chí, khát vọng cống hiến. Trước những khó khăn do dịch bệnh, thiên tai (dịch COVID-19, cơn bão Yagi…), các doanh nghiệp đã không lùi bước, nỗ lực đoàn kết, tìm kiếm các giải pháp đổi mới, cải thiện quy trình sản xuất, kết nối với nhau để vượt qua khó khăn, thử thách. Với tinh thần tương thân tương ái, các doanh nghiệp, doanh nhân còn là những nhân tố tích cực trong công tác nhân đạo - từ thiện, là thành viên tích cực của các hoạt động an sinh xã hội với nhiều quy mô, phạm vi khác nhau.
Mới đây, khi gặp gỡ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định rằng, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn trân trọng hoan nghênh, chào đón các doanh nhân Việt Nam - những người đầy tài năng, tâm huyết, có ý thức sâu sắc và đúng đắn về trách nhiệm then chốt, vai trò tiên phong của mình trong góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế của đất nước.
Thiết nghĩ, trong kỷ nguyên mới của dân tộc, các doanh nhân sẽ đóng góp nhiều hơn nữa cho phát triển kinh tế - xã hội, phát huy vai trò tiên phong trong việc tận dụng cơ hội từ hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới; tham gia vào các xu thế, lĩnh vực mới nổi của thế giới. Đặc biệt, cần có những hiến kế để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ tốt hơn nữa cho các doanh nghiệp; thúc đẩy cải cách hành chính, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh; phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn, vươn tầm thế giới; đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, có đầy đủ phẩm chất, uy tín; khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong toàn xã hội, nhất là trong các lĩnh vực mới và trong thế hệ trẻ.
Cùng với đó, các doanh nhân, doanh nghiệp có thể tiếp tục tham gia tích cực hơn như thế nào trong thực hiện trách nhiệm xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giúp đỡ những người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…
Có thể khẳng định, nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội của nước ta thời gian qua luôn có sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cả trong và ngoài nước. Với việc Chính phủ cam kết không ngừng cải cách mạnh mẽ hành chính, bảo đảm môi trường đầu tư thông thoáng và công bằng cho tất cả các doanh nghiệp, triển khai các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi sau thiên tai theo hướng dẫn; chủ động đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định, quy chế hỗ trợ; khuyến khích khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân càng phấn khởi và tin tưởng hơn vào những hỗ trợ chính sách hiệu quả. Bản thân lực lượng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân cũng luôn chủ động tiếp tục phát huy tốt vai trò là cơ quan cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước; tạo dựng và vun đắp mối quan hệ đoàn kết, hợp tác tương trợ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp; tích cực có những đề xuất trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, các cơ chế, chính sách liên quan đến doanh nghiệp, doanh nhân, khởi nghiệp.
Tin tưởng rằng, trong bối cảnh hiện nay, doanh nhân Việt Nam sẽ phát triển ngày càng mạnh mẽ, hiệu quả hơn để cùng nhau xây dựng đất nước tự chủ và hùng cường./.
Theo dangcongsan.vn