Sản xuất các sản phẩm quạt công nghiệp tại Công ty Tomeco An Khang, cụm công nghiệp Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai, Hà Nội
Tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội quý III và 9 tháng năm 2022 diễn ra ngày 29/9, Tổng cục Thống kê đưa ra những con số rất tích cực về quá trình phục hồi kinh tế Việt Nam: Tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III ước đạt 13,67% so cùng kỳ; GDP 9 tháng tăng 8,83% so cùng kỳ và là mức tăng cao nhất trong 11 năm trở lại đây.
Nhiều ngành tăng trưởng cao hơn trước dịch
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê lưu ý, mức tăng cao của GDP quý III/2022 so cùng kỳ là do quý III/2021 rơi vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đẩy GDP xuống mức tăng trưởng âm.
Từ đầu năm đến nay, kinh tế đã phục hồi mạnh mẽ ở hầu hết các lĩnh vực. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%, đóng góp 4,04%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,44%, đóng góp 41,79%; khu vực dịch vụ tăng 10,57%, đóng góp 54,17%. Ðáng lưu ý, trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp có xu hướng phục hồi nhanh với mức tăng 9 tháng đạt 9,63% so cùng kỳ, đóng góp 3,25 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực dẫn dắt tăng trưởng với tốc độ tăng 10,69%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2011, 2017 và 2018.
Một số ngành chịu tác động đầu tiên và nặng nề nhất do tác động của đại dịch Covid-19 cũng dần được "phá băng". Ðó là khu vực dịch vụ có mức tăng trưởng mạnh mẽ 10,57% trên nền tăng trưởng âm của năm trước, là mức cao nhất so cùng kỳ của giai đoạn 2011-2022. Một số ngành dịch vụ thị trường tăng cao, đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, như ngành bán buôn, bán lẻ; vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống đều tăng cao ở mức hai con số. Kinh tế khởi sắc ở hầu hết các lĩnh vực, nhiều ngành kinh tế đã khôi phục mạnh mẽ và đạt mức tăng trưởng cao hơn trước khi dịch Covid-19 xảy ra, như công nghiệp chế biến, chế tạo; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; xuất khẩu hàng hóa… Ðiều này cho thấy chính sách phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả", bà Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.
Trái với xu hướng lạm phát tăng cao trên thế giới, mặt bằng giá trong nước nhìn chung được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng của Việt Nam chỉ tăng 2,73% so cùng kỳ; lạm phát cơ bản tăng 1,88%, giúp Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm quốc gia có mức tăng lạm phát thấp so với mặt bằng chung của thế giới. Lý giải mức tăng thấp của CPI, Tổng cục Thống kê cho rằng đó là hiệu quả của việc điều hành sát sao, quyết liệt của Chính phủ với hàng loạt giải pháp hỗ trợ về chính sách thuế đối với sản xuất, tiêu dùng cũng như sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng trong công tác điều hành giá và nguồn cung đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm.
Dự báo tăng trưởng vượt mục tiêu
Số liệu công bố của Tổng cục Thống kê cũng tương đồng với dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam được các tổ chức nghiên cứu quốc tế cập nhật gần đây. Trong báo cáo cập nhật giữa tháng 9, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng tại nhiều quốc gia khác ở châu Á nhưng đánh giá kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh hơn dự kiến và tiếp tục giữ nguyên dự báo mức tăng trưởng 6,5% trong năm 2022. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự báo Việt Nam có thể tăng trưởng GDP 7,2% trong năm nay, là một trong những nước có mức tăng trưởng tốt trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Lê Trung Hiếu, đến thời điểm này đã có thể lạc quan về khả năng tăng trưởng cả năm sẽ vượt mục tiêu Quốc hội giao từ 6%-6,5%. Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê cũng nhận định thách thức trong những tháng cuối năm vẫn khó lường do tác động bất lợi của tình hình thế giới và những khó khăn trong nước. Ðó là, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro vì biến động giá xăng dầu, lương thực, thép, phân bón trên thị trường quốc tế có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng vẫn khó dự báo.
Áp lực lạm phát vẫn hiện hữu từ tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ, gián đoạn nguồn cung, chi phí sản xuất, vận tải toàn cầu gia tăng. Những yếu tố này chưa thể giải quyết dứt điểm trong ngắn hạn. Trong bối cảnh đó, để phấn đấu vượt mục tiêu tăng trưởng, cần có nhiều giải pháp vừa hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động đang trên đà tăng trưởng hiệu quả, vừa có giải pháp khắc phục, kiểm soát các yếu tố làm chậm, bất lợi cho nền kinh tế.
Ðiều này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần theo dõi sát sao diễn biến cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine, nhất là ảnh hưởng tới giá dầu, một số nguyên liệu, sản phẩm nông nghiệp và phản ứng của Mỹ và phương Tây về chính sách lãi suất, lạm phát, để từ đó có những nhận định, đánh giá và các chính sách điều hành phù hợp, kịp thời. Ðặc biệt cần triển khai hiệu quả các chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội theo kế hoạch đã phân bổ trong năm 2022, từ đó cải thiện thu nhập người lao động, nâng cao đời sống người dân. Ngoài ra, cần nâng cao năng lực giải ngân và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các vùng động lực, cực tăng trưởng, dự án lớn, quan trọng của quốc gia, dự án kết nối liên vùng.
Theo nhandan.vn