Theo Báo cáo đánh giá Rủi ro toàn cầu, nhân loại đang phải đối mặt với 3 thách thức lớn là: biến đổi khí hậu; ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Đặc biệt, cùng với sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa, sự phát triển nóng của các hoạt động phát triển kinh tế không bền vững, gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh tuyến tính truyền thống với nền kinh tế khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên và xả thải gây ô nhiễm môi trường… đây là tác nhân gây nên biến đổi khí hậu.
Mỗi năm, ước khoảng hơn 100 tỷ tấn tài nguyên thiên nhiên được khai thác sử dụng cho nền kinh tế toàn cầu, từ khoáng sản kim loại và nhiên liệu hóa thạch đến các vật liệu hữu cơ từ thực vật và động vật. Tuy nhiên trong số này, mới chỉ có 8,6% được tái chế và sử dụng lại. Do đó, yêu cầu đặt ra trong bối cảnh hiện nay đó là việc chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang mô hình kinh tế bền vững hơn là vô cùng cấp thiết.
Ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng: “Cùng với kinh tế xanh, kinh tế phát thải carbon thấp, mô hình kinh tế tuần hoàn được coi là chìa khóa để giải quyết yêu cầu về sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên, ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển bền vững, hài hòa đồng thời lợi ích kinh tế và môi trường. Việc chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn đã trở thành xu thế phát triển tất yếu, một cơ hội phát triển kinh tế cho Việt Nam, mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia và doanh nghiệp”.
Các chuyên gia kinh tế đều khẳng định, phát triển kinh tế tuần hoàn được nhìn nhận là hướng đi quan trọng và là xu thế không thể đảo ngược và là yếu tố quan trọng để phát triển bền vững.
Theo bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phát triển thương mại gắn liền với phát triển bền vững đến nay đã được lồng ghép với các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới… Cùng đó, các nhà nhập khẩu hiện nay, bên cạnh yêu cầu về chất lượng sản phẩm, giá thành cạnh tranh, họ còn đặc biệt quan tâm đến trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất đối với yếu tố môi trường, tăng trưởng xanh… Vì thế phát triển kinh tế tuần hoàn không chỉ là hướng đi, mà còn là xu thế tất yếu của cả nền kinh tế, mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia và doanh nghiệp Việt.
“Chủ trương thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế và các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đòi hỏi Việt Nam phải tổ chức sản xuất để phù hợp với các cam kết mới của các Hiệp định, gắn với yêu cầu phát triển bền vững, phát triển kinh tế tuần hoàn. Trong năm 2021 thì mức độ tận dụng ưu đãi trong các hiệp định thì ví dụ trong Hiệp định CPTPP mới chỉ đạt 6,3%, trong Hiệp định EVFTA mới chỉ đạt 20%, do đó, dư địa để chúng ta cải thiện và tận dụng cơ hội khi chúng ta tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là rất nhiều. Áp dụng các mô hình kinh doanh tuần hoàn để hướng tới tăng trưởng xanh hướng tới một nền kinh tế xanh” - bà Trần Thị Hồng Minh nói./.
Theo VOV