Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khoá XV. Ảnh: ĐT
Do phạm vi rất rộng nên lần này Đoàn giám sát tập trung vào khu vực công trên địa bàn cả nước với 5 nội dung trọng điểm, gồm quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; vốn nhà nước khác; tài sản nhà nước; lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước và tài nguyên.
Kết quả giám sát đã được phản ánh trong Báo cáo đầy đủ dài 93 trang - được xây dựng hết sức công phu, kỹ lưỡng, chặt chẽ, khoa học và đầy ắp thông tin; đồng thời gửi tới các đại biểu Quốc hội từ rất sớm. Cùng với đó là 42 phụ lục và 30 báo cáo kết quả giám sát trực tiếp tại các bộ, ngành, địa phương lên tới 1.685 trang - những con số có lẽ thuộc hàng kỷ lục trong lịch sử các chuyên đề giám sát của Quốc hội!
Theo đánh giá của Đoàn giám sát, công tác thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, tích cực, song hành với kết quả to lớn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách.
Bên cạnh đó vẫn tồn tại nhiều hạn chế, đặc biệt trong một số trường hợp thất thoát, lãng phí là rất lớn, nghiêm trọng, làm mất đi cơ hội phát triển. Cụ thể, qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế 150.167 tỷ đồng, 63.200ha đất; tổng giá trị thiệt hại, thất thoát, lãng phí của các vụ án đã kết luận, xét xử là 31.795 tỷ đồng (trong đó thiệt hại, thất thoát, lãng phí tại địa phương là 19.464 tỷ đồng; tại bộ, ngành Trung ương là 12.330 tỷ đồng). Công tác chỉ đạo, điều hành về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn chưa bảo đảm tính đồng bộ, quyết liệt; chấp hành pháp luật nhìn chung chưa nghiêm; báo cáo kết quả thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các cấp, các ngành còn nặng về hình thức…
Các thông tin, số liệu về thất thoát, lãng phí nêu trong Báo cáo giám sát mới chỉ là những số liệu, ví dụ điển hình thu thập được qua kết quả giám sát trực tiếp tại các bộ, ngành, địa phương và báo cáo của một số đơn vị. Điều này có nghĩa, con số về thất thoát, lãng phí có thể còn lớn hơn nữa, nhiều hơn nữa nếu các bộ, ngành, địa phương báo cáo đầy đủ các nội dung theo yêu cầu của Đoàn giám sát!
Trong Báo cáo, Đoàn giám sát đã nêu ra nguyên nhân dẫn tới những hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; chỉ ra trách nhiệm thuộc về ai; đồng thời đề xuất một số giải pháp. Những vấn đề này chắc chắn sẽ được các đại biểu Quốc hội làm rõ hơn trong phiên giám sát hôm nay, nhất là tìm kiếm những giải pháp xác đáng, khả thi nhằm tạo chuyển biến tích cực và hiệu quả hơn trong giai đoạn tới.
Chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội bước đầu đã có tác động làm chuyển biến cả về nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tuy nhiên, cuộc chiến chống lãng phí, thất thoát rất gian nan và trường kỳ! Hy vọng, sau cuộc giám sát, các kiến nghị sẽ được Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương thực thi quyết liệt, hiệu quả. Và điều đặc biệt quan trọng là Quốc hội sẽ tiếp tục chú trọng giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát. Chỉ như vậy, chúng ta mới có thể hy vọng chấm dứt được sự lãng phí, thất thoát đã kéo dài quá lâu và hy vọng vào một sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế do các nguồn lực thiết yếu của đất nước được phân bổ và sử dụng có hiệu quả nhất.
Theo Đại biểu nhân dân