Các đồng chí chủ trì Diễn đàn. Sau một buổi làm việc khẩn trương, tích cực, với tinh thần trách nhiệm cao, trưa 12/12, Diễn đàn “Kinh tế Việt Nam qua nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng” đã thành công tốt đẹp. Đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương phát biểu kết luận Hội nghị. Nỗ lực thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội trong nửa cuối nhiệm kỳ Đại hội XIII Diễn đàn “Kinh tế Việt Nam qua nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng” đã nhận được gần 50 bài tham luận của các nhà lãnh đạo, các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý đến từ các ban, bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty. Tại Diễn đàn, các ý kiến phát biểu và tham luận đã tập trung phân tích, luận giải, làm rõ hơn nhiều vấn đề quan trọng về những kết quả đạt được và những khó khăn, hạn chế, vướng mắc trong việc thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội qua hơn nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng trên từng lĩnh vực cụ thể. Các đại biểu đã tập trung phân tích, làm rõ những chủ trương, định hướng, chính sách của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội trong hơn nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII. Nhấn mạnh tập trung ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược Đại hội XIII của Đảng; ưu tiên cao độ bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Khơi dậy mọi tiềm năng, tạo động lực mới, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất, kinh doanh nhằm phát triển nhanh và bền vững đất nước. Trên cơ sở đó, các đại biểu đưa ra nhiều bài học kinh nghiệm quý của một số nước, đồng thời đề xuất những giải pháp căn cơ, khả thi nhằm thực hiện hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội trong nửa cuối nhiệm kỳ Đại hội XIII và giai đoạn tiếp theo. Trong đó, các đại biểu nhấn mạnh đến các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng trong việc khơi dậy, phát huy và sử dụng thực sự hiệu quả mọi tiềm năng, nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các đại biểu cho rằng, phải quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương, định hướng của Trung ương, để cụ thể hóa thành cơ chế, chính sách cụ thể phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng lĩnh vực, ngành, địa phương, đơn vị; các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra phải bảo đảm vừa có tính khả thi cao, vừa có tính đột phá trong tổ chức thực hiện. Một số đại biểu đề cập đến những giải pháp phát triển bền vững nhằm phục hồi thị trường bất động sản; ổn định thị trường tài chính, xử lý vấn đề trái phiếu doanh nghiệp; tiếp tục đẩy nhanh việc xử lý nợ, thoái vốn, cổ phần hóa, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước… Trong đó, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững cần quán triệt và bám sát nguyên tắc mà Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh là “không ai giải cứu cho ai”, bảo đảm hài hòa các lợi ích, lưu ý xử lý nợ tư mà không làm tăng nợ công và giảm thiểu tác động trái chiều trong công tác kiểm soát, chống đầu cơ, lũng đoạn thị trường; tổ chức công tác truyền thông hiệu quả, đúng, trúng, kịp thời, đánh giá khách quan, trung thực… Tạo đột phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế ![](https://file1.dangcongsan.vn/data/0/images/2023/12/12/upload_37/5013059460d4c88a91c5.jpeg?dpi=150&quality=100&w=800) | Đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương phát biểu kết luận Diễn đàn. |
Phát biểu kết luận Diễn đàn, đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan đảng Trung ương cho rằng, việc ban hành Nghị quyết mới chỉ là công việc ban đầu, việc tổ chức thực hiện, đưa Nghị quyết vào thực tiễn cuộc sống một cách hiệu quả, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền và sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong Nhân dân. Trong đó, yếu tố con người là quan trọng nhất. Trước khi ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, cần khảo sát thực tiễn, tổ chức thảo luận, lấy ý kiến góp ý, ý kiến phản biện của các tổ chức và cá nhân. Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết phải được cụ thể hóa bằng các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, nguồn lực thực hiện; đồng thời, có sự phân công trách nhiệm và quy định thời gian thực hiện cụ thể, rõ ràng; định kỳ cấp ủy tổ chức đánh giá, sơ kết, tổng kết việc tổ chức thực hiện Nghị quyết theo chương trình hành động đã đề ra, qua đó, phát hiện, biểu dương khen thưởng, kịp thời nhân rộng những mô hình mới, cách làm sáng tạo, hiệu quả và kỷ luật nghiêm minh những vi phạm. Nhấn mạnh đến các giải pháp các đại biểu đề xuất, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn nêu rõ, các đại biểu nhấn mạnh phải hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Tập trung cao độ phát triển mạnh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; có cơ chế, chính sách đột phá để thu hút, trọng dụng trí thức, đặc biệt là trí thức tinh hoa, chuyên gia đầu ngành và nhân tài của đất nước; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng lớp trí thức trẻ và kế cận. Đồng thời, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển, chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế làm động lực cho phát triển, tạo đột phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung các nguồn lực phát triển những sản phẩm có lợi thế so sánh, sức cạnh tranh, giá trị gia tăng cao, có thị trường tiêu thụ và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế, là phát triển xã hội, phát triển con người toàn diện, nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân, bảo đảm mọi người dân được thụ hưởng những thành quả do phát triển kinh tế mang lại. Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. ![](https://file1.dangcongsan.vn/data/0/images/2023/12/12/upload_37/dai-bieu-du.jpeg?dpi=150&quality=100&w=800) | Các đại biểu tham dự Diễn đàn. |
Đồng chí Lại Xuân Môn nhấn mạnh, các đại biểu đề xuất giải pháp tạo đột phá chiến lược về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, gắn với trách nhiệm người đứng đầu; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng hệ thống pháp luật. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát, kiểm tra, kiểm soát đối với việc khai thác, huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là đất đai, tài chính, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực... Khắc phục bằng được tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không dám làm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời, thực hiện hiệu quả cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung. Đối với việc thực hiện 6 Nghị quyết của Bộ Chính trị về 6 Vùng chiến lược, các đại biểu đề nghị tiếp tục thống nhất nhận thức trong toàn Đảng, các cấp, các ngành, địa phương về vai trò, tầm quan trọng của phát triển liên kết vùng, liên vùng trong giai đoạn phát triển hiện nay. Từ đó đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, liên kết, cụ thể hóa trong các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương, hỗ trợ, thúc đẩy lẫn nhau cùng phát triển, khắc phục cơ cấu kinh tế “khép kín” theo địa giới hành chính. Trong quá trình triển khai thực hiện phải tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông để thúc đẩy lưu thông hàng hóa, tăng cường liên kết vùng và mở ra không gian phát triển mới. ![](https://file1.dangcongsan.vn/data/0/images/2023/12/12/upload_37/035e3e6f5b2ff371aa3e.jpeg?dpi=150&quality=100&w=800) | Các đại biểu dự Diễn đàn chụp ảnh lưu niệm. |
Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn nhấn mạnh, Diễn đàn đã quy tụ nhiều ý kiến đóng góp quý báu để tham mưu cấp có thẩm quyền tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong nửa cuối nhiệm kỳ Đại hội XIII nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đề ra. Trân trọng cảm ơn và mong muốn tiếp tục nhận được ý kiến góp ý của của các nhà lãnh đạo, các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý đến từ các ban, bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty, đồng chí Lại Xuân Môn nhấn mạnh, kết quả của Diễn đàn là cơ sở quan trọng để lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, lãnh đạo các cơ quan liên quan tham khảo để có những quyết sách, định hướng thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng tâm, hợp lực thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững./. Theo dangcongsan.vn |