Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Để thúc đẩy chính sách quản lý dịch vụ Internet và thông tin trên mạng được xây dựng dựa trên nguyên tắc hài hoà lợi ích kinh tế, an toàn thông tin của quốc gia, cộng đồng, ngày 17/2/2022 Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) và Liên minh Internet châu Á (AIC) tổ chức tọa đàm “Xây dựng chính sách quản lý dịch vụ trên Internet thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số tại Việt Nam”.
KHẮC PHỤC NHỮNG BẤT CẬP VÀ BẮT KỊP XU THẾ PHÁT TRIỂN CỦA INTERNET
Đại dịch COVID-19 đến và đã thay đổi đáng kể cuộc sống của con người. Các cuộc đàm phán xuyên biên giới, hoạt động giải trí với các trò chơi điện tử xuyên biên giới, giao dịch vật phẩm NFT xuyên biên giới, phổ biến và tiếp cận thông tin xuyên biên giới trong mọi lĩnh vực đời sống từ ‘hộ chiếu vaccine’ đến các dòng dữ liệu lưu chuyển xuyên biên giới… trên những thiết bị công nghệ kết nối internet.
Đây là một phần của bức tranh kinh tế số minh chứng cho công nghệ số gắn với các hoạt động kinh tế là phương thức quan trọng trong việc phục hồi, duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau đại dịch.
Ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam nhận xét, sự bùng nổ của các dịch vụ nội dung số có những đóng góp lớn, không chỉ cho khu vực kinh tế số nói riêng, mà toàn bộ nền kinh tế Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, đi kèm với sự phổ biến của dịch vụ nội dung số cũng chứng kiến sự gia tăng của các hiện tượng tin giả, thông tin không chính xác, những nội dung không lành mạnh với trẻ em và các nội dung đi lệch chuẩn văn hoá, đạo đức.
Làm thế nào để khuyến khích dịch vụ nội dung số, cả khu vực trong nước, lẫn ngoài nước phát triển; đồng thời duy trì và bảo vệ không gian số, môi trường số lành mạnh, tích cực là câu hỏi lớn trong giai đoạn hiện nay, ông Hồng đặt vấn đề.
Để thúc đẩy phát triển hạ tầng kĩ thuật số, Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện chính sách liên quan đến công nghệ số. Trong đó có chính sách pháp luật đối với các dịch vụ trên internet như dịch vụ cung cấp thông tin xuyên biên giới, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ trò chơi điện tử, dịch vụ mạng xã hội được thể hiện trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72…
Bà Vũ thị Hồng Yến, Giám đốc công ty Luật TNHH Rouse Việt Nam, cho rằng để nền kinh tế số phát triển bền vững, yếu tố đầu tiên phải chú trọng là tạo một hành lang pháp lý đầy đủ, xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy định trong lĩnh vực này.
Hiện nay, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP sau 2 lần được đăng công khai để lấy ý kiến (tháng 7/2021 và tháng 11/2021) đang được Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương hoàn thiện những bước cuối để trình Chính phủ.
Việc sửa đổi bổ sung nghị định này được kỳ vọng tạo được hành lang pháp lý nhằm khắc phục những bất cập phát sinh từ môi trường mạng và bắt kịp xu thế phát triển của Internet; đồng thời cải cách và số hóa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Cùng với đó điều chỉnh các hoạt động cung cấp nội dung thông tin trên mạng để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước và tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Đặc biệt quy định nhằm khuyến khích hoạt động đăng tải các thông tin chính xác và lành mạnh trên Internet và ngăn chặn các thông tin tiêu cực; ngăn chặn các hành vi lạm dụng Internet nhằm gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đi ngược lại với tập quán, đạo đức xã hội và pháp luật; áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ trẻ em khỏi tác động tiêu cực của Internet.
CHIA SẺ TỪ GÓC NHÌN CỦA DOANH NGHIỆP
Về những điểm mới trong dự thảo Nghị định, bà Yến nêu ra 6 nội dung đã được đơn vị soạn thảo điều chỉnh sửa đổi bổ sung trong dự thảo lần 2, trong đó có quy định lượng rõ đối tượng cung cấp thông tin xuyên biên giới; về dịch vụ trung tâm dữ liệu; Quy định về trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, đặc biệt là quản lý chặt chẽ hơn các hoạt động trên Internet nhằm ngăn chặn các hoạt động báo chí trái phép…
Liên quan đến quy định lưu trữ dữ liệu, thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam theo quy định tại Luật An ninh mạng, bà Yến cho biết nghĩa vụ này đưa vào dự thảo nghị định lần 1 nhận được nhiều ý kiến góp ý của các doanh nghiệp nước ngoài đang cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tại Việt Nam và đã được bỏ khỏi Dự thảo lần 2…
Từ góc nhìn của đơn vị trong nước, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông nhấn mạnh, dự thảo Nghị định 72 được coi là nghị định xương sống trong quản lý Internet nhưng cũng là một văn bản pháp lý rất phức tạp, có quy mô lớn, và đang có quá nhiều mục tiêu chính sách, vấn đề để xử lý những bất cập đặt ra hiện nay trên môi trường Internet.
Phản hồi của các doanh nghiệp trong nước đánh giá cao những bước đi tích cực trong thúc đẩy, xử lý, lành mạnh hóa môi trường thông tin trên mạng thông qua việc đưa ra những quy định mới trong dự thảo.
Tuy nhiên, ông Đồng cũng chia sẻ những lo ngại của các doanh nghiệp về các quy định có thể tạo gánh nặng tuân thủ, thực thi. Bên cạnh đó là một số quy định về điều kiện và xin phép livestream, quá khắt khe, chặt chẽ sẽ rất khó cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.
Còn với các doanh nghiệp nước ngoài, bên cạnh những điểm mới tích cực, tiến bộ, tại tọa đàm, ông Jeff Paine, Giám đốc quản lý Liên minh Internet Châu Á (AIC) nêu quan ngại về một số vấn đề trong dự thảo quy định khá khắt khe, rộng mà chưa rõ. Một số yêu cầu vượt quá khả năng thực hiện của các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới. Những quy định này có thể sẽ ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến các công ty trong nước và nước ngoài, người sử dụng dịch vụ và nền kinh tế số Việt Nam.
Đơn cử như nếu yêu cầu về địa phương hóa dữ liệu, chuyên gia này cho rằng có thể tạo ra những hệ quả không mong muốn. Các công ty Việt Nam có thể sẽ mất đi những dịch vụ mà họ đang sử dụng để phục vụ khách hàng Việt Nam và quốc tế; gây gián đoạn dịch vụ. Điều đó cũng có thể sẽ trái với các mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi số, làm hạn chế sự phát triển của nền kinh tế số Việt Nam…
Việt Nam đang trong quá trình đẩy nhanh chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển kinh tế số nên cần phải cải thiện khuôn khổ hành lang pháp lý cho lĩnh vực này. Ông Jeff Paine cam kết AIC luôn sẵn sàng hợp tác với các cơ quan của Việt Nam để đóng góp vào quá trình số hóa và phát triển kinh tế số.
Theo Vneconomy