Theo dõi qua truyền hình trực tiếp phiên thảo luận ở hội trường Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước sáng qua, 27.10, đông đảo cử tri và Nhân dân bày tỏ phấn khởi trước những kết quả rất tích cực, xuất phát từ các quyết sách phù hợp, kịp thời, nhất là Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết chuyên đề khác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cùng với Nghị quyết số 11-NQ/CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội… tạo đà giúp kinh tế - xã hội phục hồi mạnh mẽ với nhiều điểm sáng: Ước thực hiện cả năm 2022, có 14/15 chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội đạt và vượt mục tiêu. Trong đó, tăng trưởng GDP cả năm ước khoảng 8%, vượt mức chỉ tiêu phấn đấu và đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long
Ước mơ bình thường nhất của cán bộ y tế
Bên cạnh những thành tựu rất đáng ghi nhận đó, các ĐBQH đã đề cập đến những vấn đề nổi cộm trong đời sống xã hội hiện nay được đông đảo cử tri, Nhân dân quan tâm. Trong đó, có tình trạng chuyển dịch lao động từ khu vực công sang khu vực tư, nhất là tình trạng nhiều y, bác sĩ bỏ việc; thiếu vật tư, trang thiết bị y tế… đã được rất nhiều ĐBQH quan tâm bày tỏ, hiến kế rất tâm huyết và sâu sắc, thể hiện rõ tinh thần đại diện cho ý chí, tâm tư và nguyện vọng chính đáng của cử tri và Nhân dân.
Trải qua thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, tình trạng dịch chuyển nhân lực với số lượng lớn và chưa có dấu hiệu dừng lại trong ngành y tế thời gian vừa qua thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận. Bởi, không chỉ ảnh hưởng lớn đến công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân mà còn dẫn đến nguy cơ sẽ rất khó cho việc triển khai các giải pháp ứng phó khi có tình huống dịch bệnh xảy ra. Như phân tích của nhiều ĐBQH, tình trạng nhiều y, bác sĩ bỏ việc chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19, áp lực công việc quá cao, cường độ làm việc quá lớn trong môi trường làm việc nguy hiểm, độc hại. Trong khi đó, sự quan tâm đối với lực lượng này chưa nhiều, chưa tương xứng và kịp thời nên không tạo được động lực để các y, bác sĩ yên tâm công tác. Ngoài ra, còn do tình trạng thiếu thuốc men, trang thiết bị y tế, những điều kiện cần thiết để bảo đảm cho công tác khám, chữa bệnh...
Tôi rất tán thành với ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) khi cho rằng: Ngành y là một ngành đặc biệt, cần được đào tạo đặc biệt và sử dụng đãi ngộ đặc biệt, thật khó để "gồng gánh" nuôi dưỡng đam mê khi áp lực công việc rất cao nhưng thu nhập không đủ để trang trải những chi phí tối cần thiết của cuộc sống. Bên cạnh đó, phải đối diện với rất nhiều áp lực khác trong môi trường công tác. Yêu cầu cấp bách đặt ra là Chính phủ cần có những giải pháp cải thiện môi trường làm việc cũng như từng bước nâng cao đời sống của nhân viên y tế. Tôi cũng rất tán thành với đề xuất Chính phủ có những giải pháp cụ thể đẩy mạnh nền công nghiệp dược và sản xuất vaccine, chủ động nguồn lực ngay từ trong nước mà không phải lệ thuộc vào nhập khẩu như hiện nay và phải coi đây là giải pháp căn cơ chiến lược - cử tri Nguyễn Lan Hiển - thành phố Bắc Kạn, Bắc Kạn bày tỏ.
Cử tri Phạm Thị Mai Hoa, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh bày tỏ xúc động với phát biểu, đồng thời là chia sẻ rất tâm huyết, sâu sắc của ĐBQH khi cho rằng: Ước mơ bình thường của bất kỳ cán bộ y tế nào là làm sao để chỉ tập trung vào chuyên môn, để khám chữa bệnh cho bệnh nhân một cách tốt nhất chứ không phải đối phó với quy trình mua sắm và nguy cơ bị xử lý cả hành chính và hình sự. Không phải tiền lương là tất cả dẫn đến tình trạng nghỉ việc của nhân viên y tế nhưng phải khẩn cấp cải cách, cùng với đó là hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan. Bởi, nếu không tạo điều kiện cho ngành y tế phát triển thì không chỉ ngành y mà người dân sẽ đối diện với nhiều nguy cơ về sức khỏe cao hơn, đặc biệt là dịch bệnh.
Quyết liệt hơn trong chấn chỉnh, đánh giá cán bộ, công chức
Bên cạnh phân tích nguyên nhân, hiến kế giải pháp cho tình trạng chuyển dịch lao động từ khu vực công sang khu vực tư, các ĐBQH cũng chỉ rõ thực trạng khá phổ biến hiện nay là cán bộ, công chức, viên chức đùn đẩy trách nhiệm, “sáng cắp ô đi tối cắp ô về”… “ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho rằng nguyên ngân chính do chính sách pháp luật chưa đầy đủ, hoàn thiện. Tuy nhiên, ý kiến của đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) thỏa đáng hơn khi cho rằng lý do đó đúng nhưng chưa đầy đủ và cũng không phải là cốt yếu. Bởi, nguyên nhân chính suy cho cùng là do con người, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu. Có những cán bộ có năng lực hạn chế nên sợ không dám làm, sợ chịu trách nhiệm; có những cán bộ có năng lực nhưng cũng sợ và né tránh, có biểu hiện “nghe ngóng”, hậu quả là người dân… gánh đủ - cử tri Nguyễn Anh Lương (TP. Hải Dương, Hải Dương) nhấn mạnh và đồng tình với đại biểu Tạ Văn Hạ về đề nghị Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt hơn để đánh giá, chấn chỉnh, tinh thần, trách nhiệm làm việc cùa cán bộ, công chức.
Ở góc nhìn khác về tình trạng chuyển dịch lao động từ khu vực công sang khu vực tư, nhiều đại biểu nhấn mạnh đến nguyên nhân do môi trường làm việc; do khâu quản lý cán bộ, có những nơi, những việc chưa minh bạch, rõ ràng, chưa trân trọng người tài… “Tôi đồng tình cao với nhận định và kiến nghị của ĐBQH Tô Văn Tám - Đoàn ĐBQH Kom Tum khi cho rằng, sự chuyển dịch ấy vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để Chính phủ có sự chỉ đạo quyết liệt hơn trong vấn đề cải cách công vụ hiện nay. Đã đến lúc chúng ta cần xây dựng một bộ máy tinh, gọn, chuyên nghiệp và hiệu quả thay vì nhiều tầng nấc và nặng về biên chế, lấy hiệu quả công việc làm trọng; đồng thời, cần công bằng, minh bạch rõ ràng trong từng khâu của công tác cán bộ” - cử tri Nguyễn Tiến Dũng, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh bày tỏ.
Theo Đại biểu nhân dân