Hình ảnh tại buổi họp báo (Ảnh: VG) |
Ngày 23/7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.
Theo NHNN, tín dụng tập trung vào các động lực tăng trưởng kinh tế, đáp ứng các xu hướng mới như tín dụng xanh. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng (TCTD) tích cực triển khai các chương trình tín dụng như: Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; tín dụng chính sách; các chương trình mục tiêu quốc gia…
Tại buổi họp báo, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho rằng, việc đẩy mạnh tín dụng phải đến từ hai phía. Đầu tiên phải có những chính sách tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn, chẳng hạn như yếu tố pháp lý, làm sao cho doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn, sản xuất kinh doanh. Thứ hai là về vốn, vốn đến từ nhiều nguồn, vốn tự có của doanh nghiệp, từ thị trường vốn như chứng khoán, trái phiếu, và từ vay ngân hàng. Những nguồn này phải được đẩy mạnh đồng bộ. Riêng ngành ngân hàng thì thời gian qua đã rất quyết liệt để đẩy vốn ra nền kinh tế.
Đối với vấn đề lãi suất, ông Đào Minh Tú cho biết, trong thời gian vừa qua, khi lãi suất duy trì ổn định, NHNN đã có những chỉ đạo đề nghị các ngân hàng thương mại hạ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, ngăn tối đa tình trạng phải cắt giảm quy mô hoạt động hoặc đình trệ hoạt động.
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế chia sẻ thêm thông tin, tín dụng cơ bản đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế và chảy vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Tín dụng ở các khu vực đều ghi nhận sự tăng trưởng, trong đó lĩnh vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,3%; lĩnh vực ưu tiên tăng rất cao so với mặt bằng chung của nền kinh tế như lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 9,8%, công nghệ cao tăng 18,16%... Riêng tín dụng bất động sản tăng 4,6%, trong đó kinh doanh bất động sản tăng 10,29%, tỷ trọng quy mô tín dụng kinh doanh bất động sản chiếm 39-40% tổng tín dụng bất động sản; Tín dụng tiêu dùng bất động sản tăng 1,15% và chiếm tỷ trọng 60%.
Một vấn đề được dư luận quan tâm trong thời gian gần đây là gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà xã hội, nhà ở công nhân được kỳ vọng góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây một triệu căn nhà ở xã hội đến 2030. Tính tới thời điểm này, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng có 4 ngân hàng tham gia. Trong đó, BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank (nhóm Big 4), mỗi ngân hàng tham gia 30.000 tỷ đồng và 2 ngân hàng TMCP tư nhân (TPBank, VPBank), mỗi ngân hàng tham gia 5.000 tỷ đồng. Song, theo thống kê tính đến nay, gói tín dụng này mới giải ngân được 1.344 tỷ đồng.
Để hỗ trợ người vay mua nhà ở xã hội, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú thông tin, NHNN đã đề xuất Chính phủ giảm lãi suất cho vay mua nhà. Cụ thể lãi suất cho vay thấp hơn 3% lãi suất cho vay thương mại dài hạn của nhóm Big 4 (hiện tại là thấp hơn 1,5-2%), thời gian điều chỉnh lãi suất định kỳ 3 tháng/lần (hiện tại là 6 tháng/lần). Sau thời gian ưu đãi 5 năm, ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục ưu đãi lãi suất cho người vay với mức thấp hơn lãi vay thương mại tối thiểu 1-2% thay vì quy định thả nổi như hiện tại.
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng giải ngân chậm là do nhiều địa phương vẫn chưa công bố danh mục nhà ở xã hội (mới có 34/63 địa phương công bố). Trong số 78 dự án nhà ở xã hội đã được các địa phương công bố, nhiều dự án chủ đầu tư không có nhu cầu vay vốn. Một số dự án khi được ngân hàng tiếp cận lại đang gặp vướng mắc về thủ tục pháp lý (vướng mắc về thủ tục giải phóng mặt bằng, chưa khởi công…) nên chưa đủ điều kiện để ngân hàng cho vay.
Tại họp báo, liên quan đến thị trường vàng, NHNN cho biết có thời điểm giá vàng SJC chênh cao hơn thế giới, nên NHNN đã có 9 phiên đấu thầu. Song NHNN cũng nhận ra không hiệu quả nên đã chuyển qua bán trực tiếp thông qua Big 4. Bước đầu phát huy hiệu quả trong việc kiểm soát giá vàng SJC, không chênh lệch quá lớn với thế giới. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt, còn về lâu dài, căn cơ làm sao để thực sự bình ổn thị trường vàng không hề đơn giản
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại buổi họp báo (Ảnh: VG) |
Lãnh đạo NHNN cũng cho hay, cơ quan này vẫn tiếp tục có nghiên cứu để đưa ra chính sách phù hợp. Trên nguyên tắc sẽ sửa đổi nghị định 24/2012 nhằm đảm bảo quản lý hiệu quả, ngăn chặn tiêu cực trên thị trường vàng, bình ổn thị trường vàng. Đồng thời, NHNN cũng đang thanh tra kiểm tra hoạt động đầu cơ, lũng đoạn thị trường vàng.
Ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) cho biết, việc phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành trong quản lý thị trường vàng chưa bao giờ tốt như hiện nay. Từ lực lượng Hải quan, Công an đã bắt nhiều vụ buôn lậu vàng; Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế phối hợp trong quản lý hóa đơn, rồi các lực lượng như Quản lý thị trường... cũng vào cuộc.
Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách quản lý thị trường vàng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sẽ có chính sách mới khi sửa đổi Nghị định 24./.
Theo dangcongsan.vn