Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2023 ước đạt 25,08 tỷ USD, giảm 13,6% so với tháng trước. Nếu so với cùng kỳ năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1 giảm 21,3%. Nhiều dự báo cho thấy, hoạt động thương mại sẽ gặp nhiều thách thức trong năm 2023 khi bối cảnh thị trường và chính trị có diễn biến khó lường, cạnh tranh thương mại có diễn biến phức tạp, cùng với đó là nguy cơ đứt gãy nguồn cung nguyên liệu.
Đa dạng rào cản thương mại
Trở ngại lớn hiện nay trong công tác xuất khẩu chính là gia tăng đơn hàng và củng cố chất lượng hàng hóa, để vượt qua các rào cản thương mại tại nhiều thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Nhiều quy định, quy chuẩn từ các thị trường xuất khẩu bắt đầu được áp dụng từ năm 2023, sẽ khiến hàng hóa của Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong xâm nhập cũng như duy trì kim ngạch thương mại.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam nằm trong tần suất cao về kiểm soát chất lượng và nguồn gốc nguyên liệu.
Đơn cử như với thị trường EU, ngày 26/1, Ủy ban châu Âu đã sửa đổi Quy định (EU) 2019/1793 về việc áp dụng tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp một số thực phẩm được nhập khẩu vào EU. Vẫn còn nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam nằm trong tần suất cao về kiểm soát chất lượng.
Ông Trần Ngọc Quân, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho hay, hiện mặt hàng ớt tươi nằm trong danh mục kiếm soát tại cửa khẩu của EU với tần suất kiểm chất lượng là 50%. Tuy nhiên, đậu bắp đã bị chuyển từ phụ lục I sang phụ lục II với yêu cầu chứng thư kiểm soát thuốc trừ sâu của Việt Nam và tần suất kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật tại cửa khẩu EU là 50%.
“Thanh long và mỳ tôm xuất khẩu vẫn nằm trong phụ lục II, với yêu cầu Chứng nhận thuốc bảo vệ thực vật của Việt Nam và tần suất kiểm tra tại cửa khẩu EU là 20%. Quy định này sẽ có hiệu lực vào ngày thứ 20 kể từ ngày đăng công báo”, ông Quân cho biết.
Hay như vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường đối với sản phẩm xuất khẩu, cũng được nhiều quốc gia khu vực Bắc Âu đặc biệt quan tâm. Bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển thông tin, vấn đề sản phẩm bảo vệ môi trường vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng của người dân Bắc Âu.
“Xu hướng sử dụng các sản phẩm xanh, tái chế, thân thiện với môi trường, bền vững, tái sử dụng vẫn tiếp tục được ưa chuộng tại Bắc Âu. Người tiêu dùng Bắc Âu ngày càng có xu hướng tìm kiếm các nhà cung cấp sản xuất bền vững, minh bạch và có thể chịu trách nhiệm”, bà Thúy nêu.
Dệt may tiếp tục tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu ngay từ đầu năm 2023.
Tương tự tại thị trường UAE, ông Trương Xuân Trung, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại UAE (kiêm nhiệm Qatar) cho hay, đây là thị trường đặc thù, sản xuất không đáp ứng được nhu cầu trong nước. Do đó, Việt Nam cần tranh thủ xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh như thủy sản, nông sản, gỗ và sản phẩm từ gỗ; giày dép và mặt hàng điện, dây cáp điện vì hiện nay quy mô thị trường mặt hàng này rất lớn.
“Mặc dù UAE là thị trường mở nhưng cạnh tranh rất khốc liệt về giá và chất lượng. Giá nào cạnh tranh họ sẽ nhập, thậm chí DN Việt Nam đang xuất khẩu vào UAE nhưng nếu giá cao hơn họ sẽ ưu tiên nhập sản phẩm có giá thấp hơn”, ông Trương Xuân Trung lưu ý.
Những năm qua, tổng quy mô xuất khẩu sản phẩm dệt may vào thị trường Canada đạt từ 5 - 6 tỷ USD/năm. Hiện Việt Nam là nước đứng thứ ba về xuất khẩu mã HS61 vào Canada, sau Trung Quốc, Campuchia. Tuy nhiên bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada khuyến cáo, với nhu cầu đa dạng hoá nguồn cung của Canada, các thị trường Ấn Độ, Indonesia và Sri Lanka đang nổi lên như là các đối thủ cạnh tranh rất mạnh với dệt may Việt Nam, nhờ năng lực hoàn thiện các mặt hàng có độ khó cao.
Thích ứng với các vấn đề mới phát sinh
Trong bối cảnh năm 2023 được dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức, để tiếp tục đẩy mạnh xuất nhập khẩu và phát triển thị trường nước ngoài, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ sẽ nâng cao năng lực phân tích, dự báo, xây dựng các kịch bản, phương án linh hoạt, thích ứng với các vấn đề mới phát sinh; tham mưu, điều hành theo sát biến động của kinh tế quốc tế, giá cả hàng hoá trên thị trường thế giới để hỗ trợ các Hiệp hội, DN xuất nhập khẩu có sự chủ động khai thác cơ hội, ứng phó kịp thời các khó khăn, thách thức.
Đặc biệt, Bộ Công Thương đẩy mạnh khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết, đặc biệt là các FTA thế hệ mới với Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, các nước CPTPP; thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá với thị trường Trung Quốc.
“Bộ Công Thương tiếp tục phát huy vị thế, vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, thường xuyên tổ chức Hội nghị giao ban giữa các cơ quan Thương vụ với các Hiệp hội ngành hàng, DN để hỗ trợ các địa phương, hiệp hội ngành hàng, DN mở rộng, đa dạng hoá thị trường, chuỗi cung ứng và vượt qua các rào cản kỹ thuật để thâm nhập các thị trường mới”, ông Chinh cho biết.
DN và Hiệp hội ngành hàng cần phối hợp với chặt với các cơ quan thương vụ để ứng phó với những quy định mới từ các thị trường xuất khẩu.
Củng cố hơn quyết tâm tìm kiếm và mở rộng thị trường, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) bày tỏ, trong năm 2023, Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại được phê duyệt 76 đề án phát triển ngoại thương. Để đảm bảo hiệu quả các đề án trong bối cảnh thị trường có nhiều điểm mới, Cục Xúc tiến thương mại đã báo cáo lãnh đạo Bộ cho phép tiếp tục phối hợp với các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đổi mới phương thức thực hiện, chủ động và sáng tạo hơn nữa trong công tác xúc tiến thương mại.
Theo VOV