Chính phủ đặt mục tiêu xây dựng các chính sách tạo đột phá, khai thác hiệu quả nguồn lực từ doanh nghiệp. Ảnh: Đức Thanh/Báo Đầu tư
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương hôm 8/1, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ phấn đấu tốc độ tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt trên 8% hoặc 10% trong điều kiện thuận lợi, tạo đà, tạo lực, tạo thế, tạo niềm tin cho tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026 - 2030. Đây là mục tiêu đột phá và đầy thách thức trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực còn nhiều khó khăn bất định. Tại Nghị quyết số 158/2024/QH15, Quốc hội cũng đã quyết nghị chỉ tiêu tốc độ tăng GDP của năm 2025 là 6,5 - 7,0% và phấn đấu 7,0 - 7,5%.
Tuy nhiên, quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhận được sự đồng lòng hưởng ứng của nhiều địa phương. “Với nhiệm vụ năm 2025, TP.HCM xác định là năm tăng tốc để về đích và phấn đấu hoàn thành đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, chuẩn bị kế hoạch và triển khai các điều kiện cần thiết để bước vào nhiệm kỳ mới cũng với mục tiêu tăng trưởng 2 con số”, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định.
Một trong các giải pháp để thực hiện, theo ông Mãi, Thành phố sẽ tập trung tháo gỡ các dự án, công trình tồn đọng, bao gồm cả công và tư để huy động ít nhất 620.000 tỷ đồng nhằm bảo đảm được tăng trưởng từ 10% trở lên. Bên cạnh đó, Thành phố khẩn trương triển khai quy hoạch thành phố đã được Thủ tướng phê duyệt ngay trong năm 2025 để triển khai các dự án trọng điểm gắn với triển khai trung tâm tài chính quốc tế, cũng như các dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Vành đai 4 và đường sắt đô thị.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, ông Trần Đức Thắng, năm 2025, tỉnh Hải Dương phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 12% so với năm 2024. “Để hoàn thành được nhiệm vụ, Hải Dương đã chủ động xây dựng và ban hành kịch bản điều hành tăng trưởng kinh tế trong năm 2025, kịch bản giải ngân vốn đầu tư công theo từng tháng, từng quý, từng công trình, từng dự án, đảm bảo cả năm vượt các chỉ tiêu đề ra và triển khai ngay trong toàn tỉnh”, ông Thắng cho hay.
Hay như TP. Huế - địa phương vừa chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, cũng quyết tâm đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng đạt hai con số là 10% và đã đề ra nhiều nhóm giải pháp cụ thể cho năm 2025.
Cơ sở vững chắc để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm, có nhiều căn cứ, cơ sở để Chính phủ đề ra mục tiêu đột phá trong năm 2025. “Chúng ta được thừa hưởng động lực tăng trưởng và sự phục hồi của nền kinh tế, tiếp nối đà tăng trưởng cao của năm 2024 (7,09%) vào năm 2025”, ông Tâm cho hay.
Đặc biệt, với việc hệ thống thể chế, chính sách pháp luật được hoàn thiện, bộ máy được tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả cũng là bước đột phá phát triển kinh tế đất nước. Chính phủ đặt mục tiêu xây dựng các chính sách tạo đột phá huy động các nguồn lực xã hội, khai thác hiệu quả nguồn lực từ doanh nghiệp, phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân, phấn đấu khu vực này đóng góp khoảng 65 - 70% GDP.
Theo Bộ trưởng Bộ tài chính Nguyễn Văn Thắng, trong năm 2025, chính sách tài khóa sẽ tiếp tục được điều hành một cách chủ động, linh hoạt, mở rộng có trọng tâm, trọng điểm, phối hợp nhịp nhàng với chính sách tiền tệ, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. |
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm, năm 2024, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua nhiều luật quan trọng và được đánh giá cao như Luật Đầu tư công (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu… “Trong năm 2025, chúng tôi dự kiến sửa Luật Doanh nghiệp nhằm tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, ‘cởi trói’ cho doanh nghiệp”, ông Tâm nói.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, nhiều dự án luật khác góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân cũng đang được hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ chín như Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và trình Quốc Hội thông qua tại kỳ họp bất thường tháng 2/2025 Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp…
Ngoài yếu tố đột phá thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược cũng là một căn cứ để đề ra mục tiêu tăng trưởng cao cho năm 2025. Theo đó, Chính phủ phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển, cơ bản hoàn thành sân bay Long Thành, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Nội Bài.
Bên cạnh đó, khởi công đường sắt kết nối với Trung Quốc, tiếp tục các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM; hoàn thiện việc xây dựng các dự án khả thi Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận, làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư các công trình, dự án trọng điểm quốc gia giai đoạn 2026 - 2030.
Ông Nguyễn Đức Tâm nhấn mạnh kế hoạch xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM, Đà Nẵng và cho biết, đây là “cuộc chơi mới” để thu hút nguồn lực.
Khẳng định quan điểm ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ sẽ rà soát, giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể về tốc độ tăng trưởng cho các bộ, ngành, địa phương, sớm hoàn thiện, trình ban hành Nghị quyết 01 và 02 để tập trung thực hiện ngay từ những ngày đầu năm 2025.
Theo Kỳ Thành, Báo Đầu tư