Đó là nhận định của ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội tại Diễn đàn Năng lượng xanh, sạch hướng tới NetZero với chủ đề “Triển vọng phát triển năng lượng mới - Kinh nghiệm quốc tế và chiến lược hiệu quả đối với Việt Nam” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy - Vietnam Economic Times phối hợp cùng Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức ngày 10/7/2024.
SỰ CHUYỂN ĐỘNG NHANH CHÓNG CỦA CHÍNH SÁCH
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Thi cho rằng đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 là mục tiêu phát triển tất yếu của thế giới, thực hiện chủ yếu thông qua chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, phát triển phát thải thấp. Đây cũng là “luật chơi” mới về thương mại, đầu tư toàn cầu được xác lập kể từ sau Hội nghị COP26.
Việt Nam nằm trong số 5 quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới do biến đổi khí hậu và ngày càng chịu nhiều ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu, bao gồm mực nước biển dâng cao, các hiện tượng thời tiết cực đoan và lượng mưa thay đổi.
Theo tính toán sơ bộ của Ngân hàng Thế giới vào năm 2022, hiện nay nền kinh tế Việt Nam chịu thiệt hại khoảng 10 tỷ USD, tương đương 3,2% GDP hàng năm do tác động của biến đổi khí hậu. Nếu không có các biện pháp thích ứng và giảm nhẹ thích hợp, ước tính tác động của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam vào khoảng 12% đến 14,5% GDP mỗi năm vào năm 2050.
Nhận thức được những tác động tiêu cực, khả năng dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu gây ra, ông Thi cho biết trong thời gian qua Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật và thực hiện các biện pháp liên quan nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, bảo đảm phát triển bền vững.
Trong đó tập trung vào lĩnh vực năng lượng, cụ thể: như Nghị quyết số 55-NQ/TW năm 2020 của Bộ Chính trị; các Quyết định Thủ tướng Chính phủ số 896/QĐ-TTg năm 2022, Quyết định số 888/QĐ-TTg, Quyết định 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch điện VIII; Quyết định số 893/QĐ-TTg...
Đặc biệt gần đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2022 về việc phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải, với mục tiêu tổng thể là phát triển hệ thống giao thông xanh, vận hành hoàn toàn bằng điện hoặc năng lượng xanh vào năm 2050 theo hướng phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam. Bên cạnh đó, vào tháng 12 năm 2022, Việt Nam đã tham gia Thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Bên cạnh những nỗ lực của các cơ quan quản lý, ông Thi cũng cho hay, nhiều doanh nghiêp đã triển khai các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính góp phần thực hiện mục tiêu net zero như: PVN, Petrolimex, Vinfast, Vinamilk, TH True Milk…, trong đó riêng Vinfast đặt mục tiêu net zero vào năm 2040.
Ngoài ra các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống cũng có những hoạt động giảm phát thải khí nhà kính rất tích cực. Các ngân hàng đã tham gia đồng hành với Chính phủ để thực hiện mục tiêu net zero, chuyển đổi năng lượng, phát triển kinh tế xanh.
"Đây là minh chứng ở các cấp độ khác nhau chúng ta đã có những bước triển khai rất chủ động và tích cực để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế từ nâu sang xanh, phát triển phát thải các-bon thấp", ông Thi nhận định.
CẦN SỰ VÀO CUỘC CỦA TOÀN BỘ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ
Một lần nữa, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội nhấn mạnh, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược.
Sự cần thiết phải chuyển đổi sang năng lượng xanh, sạch càng trở nên cấp bách khi những hậu quả của biến đổi khí hậu ngày càng trở nên rõ ràng và nghiêm trọng.
Đặc biệt, dự báo cho thấy, trong những năm tới, nhu cầu điện năng trong nước sẽ tăng trưởng khoảng 8-10%/năm. Trong khi đó, các nguồn năng lượng hóa thạch như than đá, dầu mỏ và khí đốt đang dần cạn kiệt và gây hại cho môi trường... Điều này đặt ra thách thức lớn trong việc đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định và bền vững, đồng thời làm gia tăng áp lực phải tìm kiếm các giải pháp năng lượng thay thế.
Hơn nữa, theo ông Thi, quá trình chuyển đổi năng lượng là quá trình chuyển đổi lâu dài, do đó cần sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị, đặc biệt là các doanh nghiệp.
Để chuyển đổi năng lượng hiệu quả, lãnh đạo Uỷ ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội khuyến nghị 3 vấn đề:
Thứ nhất, việc ban hành chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng còn hạn chế, bất cập. Vì vậy cần tiếp tục đưa ra các chính sách và sửa đổi một số luật cho phù hợp với thực tế nhằm thu hút các nguồn lực để phát triển năng lượng theo hướng đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo.
Thứ hai, quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ đòi hỏi phải tăng đáng kể vốn đầu tư và giảm thiểu tác động đến chi phí điện năng. Để đáp ứng nhu cầu tài chính này, cần kết hợp các nguồn lực, bao gồm phần hỗ trợ tài chính quốc tế, vốn đầu tư tư nhân và nguồn ngân sách nhà nước.
Việt Nam cần tiếp tục thảo luận với các đối tác phát triển song phương và đa phương để đảm bảo nguồn tài chính có mức ưu đãi phù hợp nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng.
Thứ ba, quá trình chuyển đổi năng lượng, trong ngắn hạn sẽ tạo ra một số tác động bất lợi, đặc biệt là đối với các vấn đề về xã hội (ví dụ: đối với 90 nghìn công nhân than đang khai thác tại các côn trường, hầm lò). Chúng ta cần tiếp tục tăng cường xây dựng, thực hiện chính sách xã hội, chính sách chuyển đổi nghề, giúp đảm bảo người dân được hưởng lợi từ chuyển dịch năng lượng, không ảnh hưởng đến sinh kế.
Bên cạnh đó, là những vấn đề liên quan đến tự chủ công nghệ, tài chính, bảo đảm quốc phòng, an ninh...
Theo vneconomy.vn