Trong Chiến lược phát triển nông nghiệp đến năm 2030, Việt Nam xác định nông nghiệp là một trong những động lực cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội nên ngành cần huy động và sử dụng hiệu quả hơn lượng vốn đầu tư từ Nhà nước và toàn xã hội. Khuyến khích đầu tư tư nhân thông qua phương thức đối tác công - tư là một giải pháp hữu hiệu để hóa giải khó khăn mà ngành nông nghiệp đang và sẽ phải đối mặt. Nhiều chủ trương về thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) đã được thể chế hóa bằng một số văn bản pháp luật, bước đầu tạo nên một khung pháp lý cho đầu tư theo hình thức PPP(1).
Kết quả đạt được và hiệu quả của hợp tác đầu tư theo phương thức đối tác công - tư trong ngành nông nghiệp
Từ năm 2011, hợp tác PPP ngành nông nghiệp được triển khai đối với 5 hàng hóa (cà-phê, chè, rau quả, thủy sản, cây lương thực làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi) và 1 nhóm tài chính vi mô với các đối tác là 17 tập đoàn đa quốc gia, công ty nước ngoài. Đến năm 2015, hình thức hợp tác này đã được thể chế hóa thành Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV) nhằm hướng tới mục tiêu tăng 20% năng suất, giảm 20% đói nghèo và giảm 20% phát thải trong sản xuất nông nghiệp, tập trung vào kết nối các tác nhân trong ngành nông nghiệp để cùng nhau phát triển chuỗi giá trị các mặt hàng chủ lực của Việt Nam nhằm mục đích tăng năng suất lao động, thúc đẩy xây dựng, áp dụng và thực hành các tiêu chuẩn cho mặt hàng nông sản; tăng thu nhập cho nông dân, cải thiện tính bền vững về môi trường trong sản xuất nông nghiệp.
Chương trình PSAV đã xây dựng nhiều mô hình trình diễn điểm canh tác bền vững, thân thiện với môi trường và tăng thu nhập cho nông dân trong 8 ngành hàng: cà-phê, chè, lúa gạo, rau quả, hồ tiêu - gia vị, thủy sản, chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật.
Hợp tác PPP thúc đẩy chính sách có lợi cho nông dân.
Trên hết, thu nhập của nông dân được bảo đảm vì sự gắn kết quan trọng nhất trong PPP chính là sự kết nối giữa doanh nghiệp tiêu thụ và nông dân. Qua mô hình này, nhà quản lý cũng có cái nhìn tổng thể và thước đo kinh tế chính xác hơn khi xây dựng và áp dụng chính sách cho nông nghiệp.
Nhóm PPP về cây lương thực làm thức ăn chăn nuôi có sự tham gia của các tập đoàn Monsanto, Syngenta, Bunge với mục tiêu tăng 30% năng suất ngô tại các vùng trồng trọng điểm. Tập đoàn Monsanto đã đầu tư 1 triệu USD cho chương trình PPP tại Việt Nam trong 5 năm, vào các khâu cung cấp giống ngô lai, đào tạo kỹ thuật canh tác mới đến 150.000 nông dân. Nhiều giống ngô lai mới chuyển giao cho nông dân trồng đã đạt năng suất bình quân hơn 10 tấn/ha, cao gấp hơn 2 lần so với năng suất ngô bình quân cả nước hiện nay. Sáng kiến “Chuyển đổi đất canh tác lúa kém hiệu quả sang trồng ngô” đã giúp nông dân một số nơi vùng đồng bằng sông Cửu Long tăng thu nhập từ 2,5 - 4 lần so với trồng lúa, giúp nông dân các tỉnh An Giang, Đồng Tháp thu về thêm hàng chục tỷ đồng chỉ trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 10-2013...(2).
Ngay như ở nhóm cây lương thực, hiệu quả của trồng ngô được tính toán cho giá trị nổi bật hơn hẳn so với trồng lúa, cả khi bán gạo ở mức giá cao nhất và bán ngô ở mức thấp nhất, thu nhập từ ngô vẫn cao hơn 2,5 - 6 lần so với trồng lúa. Chính vì hiệu quả kinh tế rõ ràng này, nhóm PPP cây lương thực đã dễ dàng kết nối thị trường đầu ra cho ngô. Hiện nay, nhóm đã có sự tham gia của các doanh nghiệp Bunge, Vinasoy và Vinamilk để tiêu thụ sản phẩm ngô và đậu tương, giảm được nhập khẩu.
Khi sự kết nối người nông dân và doanh nghiệp trở thành một chuỗi gắn kết, chính sách bổ trợ cho toàn chuỗi sẽ giúp từng mắt-xích trong chuỗi được hưởng lợi. Đây là quá trình mà chính sách sẽ tác động theo hướng nâng cao thu nhập cho nông dân. Khi tham gia hợp tác đầu tư theo phương thức PPP, người nông dân sẽ được bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, giảm rủi ro về giá cả do đã được định sẵn từ đầu vụ. Người nông dân sẽ tránh được tình trạng sản xuất theo dự báo mang tính ước chừng của thị trường và hạn chế được rủi ro khi trên thị trường xảy ra tình huống cung hàng nhiều, thậm chí dư thừa thì mức giá kỳ vọng sẽ bị giảm hay khi cung hàng ít thì mức giá kỳ vọng sẽ tăng, nhưng do lượng hàng ít nên dù giá cao thì người nông dân cũng không có hàng để bán. Tham gia vào hợp tác theo hình thức PPP, người nông dân sẽ khắc phục tình trạng này và có cơ hội tiếp cận tốt hơn với dự báo thị trường mang tính khoa học, ứng dụng công nghệ sản xuất mới, nguồn tín dụng và cập nhật kiến thức về sản xuất... Chẳng hạn với ngành hàng cà-phê, nhóm PPP đã thu hút được sự tham gia của các tập đoàn Bayer, Nedcoffee, Coex, Simexco, đến nay đã thành lập 150 mô hình nhóm nông dân trình diễn(3). Nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ các giống cà-phê mới cao sản, 50% kinh phí tái canh các vườn cà-phê đã già cỗi, đồng thời được hướng dẫn kỹ thuật tưới tiêu mới tiết kiệm 40% lượng nước tưới, kỹ thuật bón phân cân bằng dinh dưỡng, sử dụng chế phẩm sinh học bảo vệ cây trồng... đã giúp cây cà-phê tăng năng suất thêm 480kg/ha (tương đương 11,4%), tăng doanh thu thêm hơn 18 triệu đồng/ha (tương đương với lợi nhuận tăng 14%). Cùng với việc tập huấn cho trưởng nhóm và nông dân về sản xuất cà-phê bền vững, đến nay nhóm đã hỗ trợ xây dựng được bộ tài liệu quốc gia về hướng dẫn sản xuất cà-phê bền vững, áp dụng rộng rãi trong cả nước(4).
Năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố quyết định thành lập và định hướng chiến lược của nhóm công tác PPP ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Nhóm công tác này có chức năng quản lý, hỗ trợ phát triển ngành lúa gạo theo hướng cạnh tranh cao, chất lượng, bền vững, gia tăng hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhóm là nghiên cứu, đề xuất chiến lược phát triển ngành hàng lúa gạo là tham gia Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long, mở rộng nhanh sáng kiến công nghệ, giải pháp kỹ thuật thông minh. Từ đó, tạo thành một quy trình sản xuất thống nhất gắn với từng vùng sinh thái khác nhau, vừa nâng cao giá trị cho người sản xuất, vừa bảo đảm vấn đề sử dụng nguồn tài nguyên một cách bền vững hơn.
PPP là kênh thu hút dòng vốn tư nhân đầu tư vào nông nghiệp.
Nhiều dự án PPP được triển khai đã mang lại thành công, gặt hái nhiều thành quả. Trong thời gian tới, rất nhiều nông sản khác sẽ được định vị nhờ hợp tác đầu tư theo phương thức PPP, nhờ sự nhập cuộc của nhà đầu tư tư nhân. Thúc đẩy hợp tác PPP để phát triển một nền nông nghiệp xanh, đổi mới sáng tạo và gia tăng giá trị là rất cần thiết, qua đó thu hút vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước để cơ cấu lại ngành, chuyển đổi ngành nông nghiệp hướng tới nền nông nghiệp sinh thái, bền vững.
Ưu điểm nổi bật của các dự án PPP trong nông nghiệp là góp phần giảm sự đầu tư từ Chính phủ. Trong bối cảnh vốn đầu tư vào ngành nông nghiệp còn hạn chế, việc ưu tiên kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, phát triển bền vững và đầu tư theo hình thức PPP là một cách để tiếp tục “hút” vốn đầu tư vào nông nghiệp. Tín hiệu đáng mừng là đã có nhiều nhà đầu tư thành công và trở thành đầu tàu về ứng dụng khoa học - công nghệ cao, phát triển thị trường, tạo động lực phát triển cho nhiều vùng, địa phương.
Một số tập đoàn kinh tế lớn đã chú trọng đầu tư vào chế biến sản phẩm nông nghiệp. Năm 2021 có 6 dự án, cơ sở với tổng mức đầu tư trên 5.000 tỷ đồng được khởi công, khánh thành, đi vào hoạt động. Cũng trong năm 2021, 1.640 doanh nghiệp được thành lập mới và trở lại hoạt động, nâng tổng số lên trên 14.400 doanh nghiệp nông nghiệp(5). Điều này tạo bước đột phá về chế biến nông sản xuất khẩu, giúp nâng cao chất lượng, mẫu mã và đa dạng hóa hàng nông sản, góp phần tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân. Lực lượng doanh nghiệp nông nghiệp ngày càng lớn mạnh và tâm huyết đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hơn, đang trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản.
Bên cạnh sự đầu tư, phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa, một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Điển hình như trong chăn nuôi, rất nhiều doanh nghiệp mở rộng đầu tư sản xuất, chế biến, với công nghệ cao, quy mô lớn, theo chuỗi khép kín, đặc biệt là có chế biến sâu.
Đầu tư từ đối tác nước ngoài vào nông nghiệp cũng có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Ngành nông nghiệp đã và đang tích cực thúc đẩy thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và viện trợ phát triển chính thức (ODA); trao đổi kinh nghiệm xây dựng và chuyển giao công nghệ giúp ngành nông nghiệp có thể đẩy nhanh quá trình tiếp cận nền khoa học tiên tiến, trình độ lãnh đạo và quản lý kinh tế hiện đại, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ.
Dự án NESCAFÉ Plan, một sáng kiến toàn cầu của Tập đoàn Nestlé, đã được triển khai nhằm kết nối nông dân, hỗ trợ sản xuất cà-phê bền vững, hình thành vùng nguyên liệu sản xuất canh tác theo tiêu chuẩn quốc tế, hỗ trợ kỹ thuật canh tác để đạt năng suất cao, bảo vệ môi trường và hiệu quả kinh tế cao nhất. Năm 2022, tập đoàn Nestlé đã quyết định mở rộng công suất nhà máy sản xuất cà-phê tại Việt Nam, với tổng lượng đầu tư thêm là 132 triệu USD. Việc đầu tư, mở rộng quy mô nhà máy sản xuất đã giúp tăng giá trị của cà-phê Việt Nam nhờ xuất khẩu các sản phẩm cà-phê bên cạnh hạt cà-phê xanh tới các thị trường của Tập đoàn Nestlé trên toàn thế giới.
Tính đến hết năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt nhiều dự án được đề xuất hoặc có chủ trương đầu tư với tổng vốn vay 840 triệu USD. Bộ cũng phối hợp với doanh nghiệp chuẩn bị 14 đề xuất dự án mới với tổng vốn 3,2 tỷ USD. Riêng trong năm 2022, ngành nông nghiệp đã huy động được 300 triệu USD vốn viện trợ không hoàn lại trong 5 năm tới; ngoài ra, đã phê duyệt 15 dự án trị giá 25 triệu USD của các tổ chức phi chính phủ(6).
Một số giải pháp để tăng tính hiệu quả của hợp tác đầu tư theo phương thức đối tác công - tư trong nông nghiệp
Một là, cần hiểu đúng về giá trị hợp tác PPP trong nông nghiệp.
Hiện nay, ngành nông nghiệp Việt Nam không chỉ phục vụ 100 triệu dân trong nước, mà đã đứng vào “tốp” 15 cường quốc xuất khẩu nông sản, vươn tới thị trường hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thị trường bị ảnh hưởng với các yếu tố địa - chính trị, và lựa chọn của người tiêu dùng có nhiều thay đổi, ngành nông nghiệp cũng cần thay đổi để gia tăng và tạo ra các giá trị mới, đồng thời thể hiện trách nhiệm mạnh mẽ hơn với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là về bảo tồn tài nguyên, đa dạng sinh học, giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng với cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26) với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, rõ ràng cần một nỗ lực rất lớn để chuyển đổi hướng tới phát triển một nền nông nghiệp sinh thái, trung hòa các-bon bên cạnh mục tiêu an ninh lương thực. Do đó, việc vận hành hợp tác PPP trong nông nghiệp là một trong những hướng đi bảo đảm mục tiêu đặt ra. Tại sân chơi này, mỗi đối tác đều có thế mạnh riêng của mình, cùng nhau làm gia tăng giá trị cho nông sản. Tuy nhiên, để có thể vận hành mô hình rộng rãi và hiệu quả thiết thực, trước hết đối tác tham gia và cả xã hội phải nhận thức đúng giá trị hợp tác PPP mang lại. Hợp tác PPP xác nhận lợi ích, vai trò là của tất cả các bên, lấy nông dân làm trung tâm. Có hai nguyên tắc cơ bản của PPP trong nông nghiệp là chia sẻ lợi ích và rủi ro giữa Nhà nước và tư nhân; cần làm rõ lợi ích cuối cùng mà họ nhận được như thế nào, từ đó đưa ra chính sách mới nhằm thúc đẩy khoa học - công nghệ và hợp tác giúp nông dân tham gia các chuỗi giá trị bền vững. Tuy vậy, hiện nay ở khu vực nông thôn Việt Nam, sự tham gia của các bên còn hạn chế, chủ yếu thông qua lực lượng khuyến nông, chưa có sự ràng buộc giữa các bên bằng hình thức ký kết hợp đồng dự án, cơ chế hoạt động của các mô hình chỉ ở quy mô nhỏ, phạm vi hẹp.
Hai là, xây dựng khung pháp lý rõ ràng cho hợp tác PPP trong nông nghiệp.
Mục tiêu thực hiện hợp tác PPP được xác định là nhằm giúp nông dân nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, các đối tác tham gia mô hình đều được hưởng lợi, trọng tâm hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, khung hành lang pháp lý để thực hiện mô hình còn chưa rõ ràng.
Hiện nay, khi áp dụng đầu tư theo hình thức PPP trong nông nghiệp ở Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đó là, cơ chế, chính sách cho PPP còn thiếu quy định riêng cho ngành nông nghiệp. Ngoài Thông tư số 14/2017/TT-BNNPTNT, ngày 5-7-2017, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, về “Hướng dẫn thực hiện một số nội dung về đầu tư theo hình thức đối tác công tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn”; Nghị định số 15/2015/NĐ-CP, ngày 14-2-2015, của Chính phủ, về “Đầu tư theo hình thức đối tác công tư” và Nghị định số 63/2018/NĐ-CP, ngày 4-5-2018, của Chính phủ, về “Đầu tư theo hình thức đối tác công tư”, đến nay, chưa có văn bản nào sửa đổi, bổ sung, thay thế Thông tư số 14/2017/TT-BNNPTNT, đặc biệt là hướng dẫn về tài chính, sử dụng nguồn vốn (hỗ trợ chuẩn bị dự án, vốn ngân sách nhà nước thực hiện dự án,...), làm giảm niềm tin và sức hút của dự án đối với nhà đầu tư tư nhân. Nhà đầu tư vẫn cho rằng, vai trò của Nhà nước chưa được phân định rõ ràng trong vị trí là đối tác trực tiếp cung cấp dịch vụ công, như xây dựng khung chính sách, hỗ trợ vốn, điều phối và giám sát thực hiện. Hợp tác PPP trong nông nghiệp sẽ thành công nếu khuyến khích và tạo đà cho sự kết nối giữa các doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với người dân. Thực tế cho thấy, điều mà các nhà đầu tư cần nhất khi tham gia hợp tác PPP khu vực nông thôn tại Việt Nam không phải là vốn, mà là một môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi, được giải đáp kịp thời vướng mắc về chính sách.
Cùng với việc triển khai hợp tác PPP nông nghiệp, Việt Nam đã và đang có mô hình liên kết 4 nhà (Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà nông), nhưng mức độ thành công còn hạn chế. Vấn đề đặt ra là với hợp tác PPP nông nghiệp hiện nay, Nhà nước cần có cơ chế hợp lý để hạn chế tình trạng trên, bảo đảm ngành nông nghiệp phát triển bền vững, đặc biệt là bảo đảm quyền lợi của nông dân, bởi họ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Khi đó, chắc chắn người nông dân sẽ gắn bó hơn với nông nghiệp và cơ hội thành công với hợp tác PPP trong lĩnh vực này sẽ ngày càng lớn.
Ba là, xác định rõ, cụ thể vai trò các đối tác và mục tiêu trong hợp tác PPP.
Đối với cả hai khu vực công và tư, lợi ích của các dự án PPP trong nông nghiệp xuất phát từ việc tổng hợp các nguồn lực và bổ sung năng lực, trong khi rủi ro và chi phí giảm đi vì được chia sẻ giữa các bên. Hợp tác đầu tư theo phương thức đối tác công - tư giúp tránh gây trở ngại cho phát triển hơn nữa và cho phép đưa ra các giải pháp tích hợp. Việc đẩy mạnh chuyển giao tri thức từ tổ chức nghiên cứu công thường là một động lực chính đối với khu vực công khi tham gia vào dự án PPP trong nông nghiệp. Do đầu tư tư nhân thường tập trung vào lĩnh vực có lợi nhuận cao từ đầu tư, PPP có thể được sử dụng để chuyển hướng các nỗ lực đổi mới sáng tạo vào các lĩnh vực thuộc thể loại hàng hóa công, có tầm nhìn dài hạn và nhiều rủi ro hơn. Chủ thể sử dụng PPP để tăng cường sự phối hợp theo chiều dọc trong chuỗi giá trị. Mục đích của sự hợp tác này chủ yếu nhằm phổ biến hiệu quả kiến thức hiện có cho doanh nghiệp có thể sử dụng tri thức đó để tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu và cạnh tranh trên thị trường thế giới. Trong lĩnh vực thực phẩm nông sản, đối tác không thuộc khu vực công có thể là nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào, nhà chế biến, nhà bán lẻ, nông dân, tổ chức phi chính phủ và đại diện người tiêu dùng. Sự tham gia của thành phần đại diện trên phạm vi rộng trong quan hệ hợp tác này được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thúc đẩy sự thích nghi và chấp nhận đổi mới của người tiêu dùng.
Thực hiện hợp tác PPP mục đích hướng đến nâng giá trị sản phẩm, trước hết, cần xác định rõ đâu là sản phẩm công, đâu là sản phẩm tư, nhất là khi có sản phẩm vừa có yếu tố công, vừa có yếu tố tư. Chẳng hạn, nông dân trồng rừng sẽ cho ra sản phẩm công là bảo vệ môi trường, nuôi dưỡng nguồn ô-xy,..., nhưng khai thác gỗ từ rừng sẽ là sản phẩm có phần giá trị tư. Do đó, cần tính ra được tỷ lệ hợp tác cụ thể giữa đầu tư công và đầu tư tư. Tính toán thông số này là nhiệm vụ của Nhà nước để quyết định mức đầu tư tham gia PPP, và mỗi đối tác phải tham gia với trách nhiệm cụ thể.
Chú ý nghiên cứu, chọn lựa nhiều giải pháp, nhiều mô hình để hợp tác, hỗ trợ nông dân, không nên đặt phương thức hợp tác PPP này như một mục tiêu cho mọi dự án trong nông nghiệp. Đặc biệt, không nên gắn “xóa đói, giảm nghèo” cho nông dân như một mục tiêu bắt buộc trong dự án hợp tác trong nông nghiệp, nông thôn. Bởi lẽ, không phải doanh nghiệp nào khi tham gia đầu tư vào nông nghiệp nào cũng có chức năng hoặc sẵn sàng thực hiện chức năng đó, nên gắn mục tiêu này vào sẽ gây khó cho doanh nghiệp. Do đó, với mỗi dự án có mục tiêu khác nhau, cần chọn đối tác khác nhau một cách hiệu quả. Không nên đặt quá nhiều kỳ vọng việc đối tác tham gia PPP trong nông nghiệp sẽ giải quyết được mọi vấn đề của nông thôn, nông dân.
Bốn là, thu hút doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nước vào PPP.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp(7). Tuy nhiên, thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, hiện nay cả nước có khoảng trên 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - một con số rất khiêm tốn so với tổng số gần 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động ở nước ta. Điều này cho thấy, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp vẫn đang là bài toán cần lời giải ở nhiều địa phương.
Việc chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, hướng đến mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, có sức cạnh tranh cao là bước đột phá về tư duy và cách làm nông nghiệp. Để thực hiện điều này, bên cạnh người nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp thì vai trò của doanh nghiệp là người đồng hành, dẫn dắt và thúc đẩy hoạt động kinh tế nông nghiệp sẽ ngày càng cao. Thậm chí để thành công, người nông dân cần có tư duy của doanh nhân, doanh nghiệp để thực hành làm kinh tế nông nghiệp. Hiện nay, so với yêu cầu và tiềm năng to lớn của nông nghiệp Việt Nam, dư địa đầu tư vẫn còn rất lớn. Chúng ta vẫn cần nhiều hơn nữa sự tham gia đầu tư của doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp lớn để nông nghiệp bứt phá, phát triển mạnh hơn nữa.
Phát triển nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; nông thôn mới phồn vinh và văn minh, nông dân giàu có càng đòi hỏi nhiều hơn sự tham gia và thể hiện vai trò của doanh nghiệp. Chính doanh nghiệp sẽ là người mở đường để ngành nông nghiệp Việt Nam từng bước tiến lên, khẳng định vị thế trên thế giới và từ đây, mang lại hiệu quả sản xuất, gia tăng thu nhập cho người nông dân. Vai trò của doanh nghiệp thể hiện rất rõ trong những năm gần đây khi doanh nghiệp lớn đầu tư vào ngành nông nghiệp đã mang lại hiệu quả rõ nét, đưa giá trị và thương hiệu của nông sản Việt Nam không chỉ đáp ứng cho người tiêu dùng trong nước, mà còn “chinh phục” thị trường thế giới.
Với mục tiêu chuyển đổi “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”, từ “tìm kiếm thị trường” sang “nghiên cứu thị trường” để hướng tới “nông nghiệp đặt hàng”, Nhà nước cần tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp bằng cơ chế hỗ trợ thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, năng lực quản lý, tiếp cận thị trường và tận dụng cơ hội hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế cũng như giá trị sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp cần nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay, từ đó có giải pháp tháo gỡ đồng bộ, kịp thời, giúp doanh nghiệp thực sự trở thành “hạt nhân” mở đường, đột phá thúc đẩy sự phát triển của ngành./.
---------------------
(1) Như: Nghị định số 63/2018/NĐ-CP, ngày 4-5-2018, của Chính phủ “Về đầu tư theo hình thức PPP” thay thế Nghị định số 15/2015/NĐ-CP, ngày 14-2-2915, của Chính phủ, “Về đầu tư theo hình thức đối tác công tư”; Nghị định số 30/2015/NĐ-CP, ngày 17-3-2015, của Chính phủ, “Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư”; Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg, ngày 9-11-2010, của Thủ tướng Chính phủ, “Quyết định về việc ban hành quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công - tư”; Nghị định số 108/2009/NĐ-CP, ngày 27-11-2009, của Chính phủ, “Về đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao, hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh, hợp đồng xây dựng - chuyển giao”...
(2) Xem: Monsanto vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp Việt Nam bền vững, Báo Điện tử Nông nghiệp Việt Nam, ngày 21-1-2014, https://nongnghiep.vn/monsanto-vi-su-nghiep-phat-trien-nong-nghiep-vn-ben-vung-d120372.html
(3) Là một nội dung của chương trình, dự án, kế hoạch khuyến nông nhằm áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tiến bộ quản lý có quy mô phù hợp để làm mẫu nhân ra diện rộng. (Theo khoản 9, Điều 2 Nghị định số 83/2018/NĐ-CP, ngày 24-5-2018, của Chính phủ, “Về khuyến nông”)
(4) Ngọc Thanh: Hợp tác PPP được kỳ vọng tăng mạnh trong nhiều ngành hàng nông nghiệp, Báo Đấu thầu, số ra ngày 16-4-2015
(5) Bích Hồng: Để chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả hơn, Thông tấn xã Việt Nam, ngày 26-4-2022, https://www.vietnamplus.vn/de-chinh-sach-thu-hut-dau-tu-vao-nong-nghiep-hieu-qua-hon/786845.vnp
(6) Chu Khôi: Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu thu hút 25 tỷ USD vốn FDI vào năm 2030, Tạp chí Kinh tế Việt Nam, ngày 14-2-2023, https://vneconomy.vn/nganh-nong-nghiep-dat-muc-tieu-thu-hut-25-ty-usd-von-fdi-vao-nam-2030.htm
(7) Như: Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5-8-2008, của Hội nghị Trung ương 7 khóa X, “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”; Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, ngày 17-4-2018, của Chính phủ, “Về cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn”; Nghị quyết số 53/NQ-CP, ngày 17-7-2019, của Chính phủ, “Về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững”; Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16-6-2022, của Ban Chấp hànhTrung ương khóa XIII, “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”,...
TS PHẠM THỊ THỦY - TS HỒ THANH THỦY
Đại học Lao động - Xã hội - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Theo Tạp chí Cộng sản