Theo báo cáo của Bộ Xây dựng mới đây về triển khai đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, trên địa bàn cả nước hiện quy hoạch được 1.249 khu đất có quy mô 8.390 ha làm nhà ở xã hội, tăng thêm 5,031 ha so với năm 2020 (3.359ha).
Ngoài ra, về nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ, qua thống kê thì 27 địa phương đã công bố danh mục 63 dự án đủ điều kiện vay, với nhu cầu vay hơn 27.966 tỷ đồng, và đến thời điểm này, có 5 dự án tại 5 địa phương được giải ngân, số vốn ước khoảng 416 tỷ đồng… Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được cũng còn những hạn chế làm ảnh hưởng đến việc phát triển nhà ở xã hội.
CÒN NHIỀU TRỞ NGẠI
Cụ thể, cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chưa bổ sung, sửa đổi kịp thời trong giai đoạn đầu của Đề án, như: thiếu quỹ đất; nguồn vốn tín dụng từ ngân sách nhà nước còn hạn hẹp; trình tự thủ tục đầu tư xây dựng còn chưa đồng bộ, thời gian thực hiện kéo dài.
Trong khi Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 và Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 6, đã có thêm các chính sách ưu đãi chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; đơn giản thủ tục và điều kiện để được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội… nhưng phải đến ngày 1/1/2025, Luật Đất đai sửa đổi và Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 mới có hiệu lực thi hành.
Mặt khác, nhiều địa phương chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp; chưa đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm; Chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp; ngoài quỹ đất 20% nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại, hầu hết các địa phương chưa quan tâm đến việc quy hoạch bố trí quỹ đất làm dự án nhà ở xã hội độc lập...
Hơn nữa, một số địa phương chưa quyết tâm, chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao tại Đề án; chưa ban hành Kế hoạch triển khai Đề án để đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra; một số thành phố lớn, tập trung nhiều người lao động thu nhập thấp, có nhu cầu về nhà ở xã hội cao, tuy nhiên, địa phương đăng ký nhà ở xã hội hành thành trong năm 2024 thấp. Ví như: Hà Nội 1.181 căn, TP. Hồ Chí Minh 3.765 căn, Đà Nẵng 1.880 căn, Cần Thơ 1.535 căn.
Đặc biệt, nguồn vốn hỗ trợ cho phát triển dự án nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP và Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ chưa giải ngân hiệu quả.
KHẨN TRƯƠNG TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ ĐƯỢC GIAO
Vì vậy, để hoàn thành mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành, địa phương sẽ cùng phối hợp, khẩn trương triển khai những nhiệm vụ được giao tại Đề án.
Cụ thể, các Bộ, ngành tập trung xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 để tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, triển khai hiệu quả, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời, góp ý xây dựng các Nghị định hướng dẫn Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai sửa đổi, Luật Các tổ chức tín dụng, sửa đổi pháp luật về thuế để đồng bộ với Luật Nhà ở sửa đổi về các cơ chế chính sách nhà ở xã hội.
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; phối hợp với Bộ Xây dựng làm việc với một số địa phương trọng điểm về nhà ở xã hội giúp tháo gỡ khó khăn và đôn đốc địa phương hoàn thành mục tiêu đề ra.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét hạ mức lãi suất cho vay gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc triển khai hiệu quả gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP;
Về phía Bộ Xây dựng, sẽ chủ trì, phối hợp với một số Bộ, ngành tổ chức Hội nghị ngay trong tháng 2/2024, để đôn đốc các địa phương tập trung thực hiện mục tiêu hoàn thành 130.000 căn hộ nhà ở xã hội trong năm 2024, theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5/1/2024.
Còn về phía các địa phương, cần khẩn trương lập, sửa đổi, bổ sung Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương. Trong đó, làm rõ mục tiêu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp. Lập kế hoạch triển khai Đề án theo nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 3/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Tương tự, đối với doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cần lập tiến độ, chuẩn bị nguồn lực, tài chính, áp dụng công nghệ mới để rút ngắn thời gian thi công...
Theo vneconomy