Tham dự có các đồng chí trong Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập Tổng kết Nghị quyết; đại diện Lãnh đạo các ban, bộ, ngành; đại diện lãnh đạo Ủy ban Nhân dân, các sở, ban, ngành của tỉnh Nam Định.
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Phát biểu khai mạc, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 09-NQ/TW nêu rõ: Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/12/2011 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị có một nghị quyết riêng về đội ngũ doanh nhân. Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị đã nêu rõ nhiệm vụ xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh là trách nhiệm của Đảng, của cả hệ thống chính trị và của bản thân mỗi doanh nghiệp, doanh nhân. Sau khi Nghị quyết số 09 được ban hành, các tỉnh uỷ, thành uỷ, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 09 và đã đạt kết quả bước đầu.
Đồng chí Phạm Gia Túc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định phát biểu tại Hội nghị
Đồng chí nhấn mạnh, lần đầu tiên, cụm từ “doanh nhân” đã được xuất hiện trong Hiến pháp năm 2013. Các Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, XII và XIII và nhiều Nghị quyết, văn bản của Đảng đã xác định đội ngũ doanh nhân có vai trò quan trọng, doanh nghiệp là lực lượng chủ lực, động lực quan trọng, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, ổn định đời sống của Nhân dân. Nhờ những nỗ lực này mà đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp đã ngày càng phát triển. Tính đến 31/12/2021, Việt Nam đã có gần 860 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 15,3 nghìn hợp tác xã phi nông nghiệp và khoảng 5,1 triệu hộ kinh doanh
Đoàn Chủ tọa Hội nghị
Tuy nhiên, sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn và chưa đạt như kỳ vọng. Phát triển doanh nghiệp về số lượng chưa đạt mục tiêu đề ra và con số 1,5 triệu doanh nghiệp đến năm 2025 vẫn là thách thức lớn. Chất lượng doanh nghiệp còn hạn chế, số lượng các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn còn rất hạn chế; Chưa có nhiều thương hiệu hàng hoá có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới; các doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự tận dụng có hiệu quả lợi ích từ các cam kết, thỏa thuận kinh tế, thương mại mang lại.
Đồng chí Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu tại Hội nghị
Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức từ cuộc CMCN 4.0, đại dịch Covid-19, sự chuyển dịch chuỗi cung ứng… Trong bối cảnh đó, việc tổng kết 10 năm việc thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2045 đưa nước ta thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao. Kết quả tổng kết là cơ sở quan trọng để Ban Chỉ đạo tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp nhằm xây dựng và phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh mới, dưới tác động của quá trình hội nhập sâu rộng, sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng khoa học công nghệ, thay đổi về địa chính trị và xu hướng bảo hộ,… góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu phát triển đất nước mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra là đến năm 2030, trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Đồng chí Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Nam Đinh·tham gia ý kiến
Bộ Chính trị giao Ban Kinh tế Trung ương phụ trách Đề án tổng kết 10 năm việc thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW; Đảng đoàn Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là cơ quan chủ trì. Để có thêm thông tin, cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng Báo cáo tổng kết, Ban Chỉ đạo Trung ương đã ban hành Kế hoạch số 100-KH/BKTTW, ngày 01/8/2022 về khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW tại một số địa phương, Bộ ngành, trong đó có Nam Định.
Đồng chí Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phạm Gia Túc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định khẳng định: Bộ Chính trị khóa XI ban hành Nghị quyết 09-NQ/TW là rất quan trọng, giúp cho các tỉnh, thành, trong đó có Nam Định lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các loại hình doanh nghiệp phát triển. Từ năm 2011 đến nay, Tỉnh ủy Nam Định đã ban hành nhiều Nghị quyết lãnh đạo thúc đầy phát triển cộng đồng doanh nghiệp, xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân. Số lượng doanh nghiệp của tỉnh hằng năm đều có xu hướng tăng nhanh chủ yếu ở khu vực ngoài nhà nước. Tính đến ngày 31/7/2022, Nam Định có tổng số 10.958 doanh nghiệp (gấp 2,6 lần năm 2011) và 845 chi nhánh, văn phòng đại diện với tổng số vốn đăng ký hơn 100.000 tỷ đồng. Riêng trong 8 tháng đầu năm 2022, có 705 doanh nghiệp và 36 chi nhánh, văn phòng đại diện thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 6.148 tỷ đồng… Trong thời gian vừa qua, Nam Định cũng đã có những bước đi khác biệt trong thu hút đầu tư; chọn lựa các lĩnh vực, nhà đầu tư phù hợp. Các loại hình doanh nghiệp phát triển đã góp phần quan trọng trong tăng tưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh.
Đồng chí Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tham gia ý kiến
Nam Định phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 14.500 doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp mạnh, có vị thế, tầm cỡ trong khu vực đồng bằng sông Hồng và toàn quốc |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, số lượng doanh nghiệp đang hoạt động tại Nam Định vẫn còn khiêm tốn, chỉ khoảng 6.455 doanh nghiệp tính đến 31/12/2021, đứng thứ 8/11 trong vùng Đồng bằng sông Hồng, thứ 26/63 cả nước. Mật độ doanh nghiệp đang hoạt động tại Nam Định chưa cao, chỉ đạt 3,5 doanh nghiệp/1.000 người, đứng thứ 10/11 trong vùng đồng bằng sông Hồng (chỉ cao hơn Thái Bình), đứng thứ 60/63 cả nước. Trong khi đó, tỉnh vẫn còn rất nhiều tiềm năng để có thể phát triển doanh nghiệp, nhất là từ khu vực hộ kinh doanh, làng nghề. Hiện Nam Định có hơn 105 nghìn hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp, đứng thứ 5/11 trong vùng đồng bằng sông Hồng, thứ 12/63 cả nước.
Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định báo cáo đoàn công tác
về tình hình thực hiện Nghị quyết 09 của Tỉnh
Nhằm đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của các cấp ủy, tổ chức đảng của Nam Định trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, đồng thời bổ sung thêm những thông tin cho công tác tổng kết Nghị quyết 09 của Ban Chỉ đạo, các đại biểu đã tập trung vào một số nội dung như: Các nhiệm vụ giải pháp đã triển khai để xây dựng đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân ở địa phương; phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân gắn với phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong phát triển các làng nghề truyền thống; cơ hội và thách thức cho việc xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân tại địa phương đến năm 2030, tầm nhìn 2045, trong đó gắn với việc phát triển các làng nghề truyền thống; mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương…
Đồng chí Lê Văn Nghị, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo của Tỉnh uỷ cho chuyến khảo sát và làm việc của Đoàn công tác Ban Chỉ đạo, nhất là báo cáo của Tỉnh về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị; đánh giá cao việc ban hành nhiều Nghị quyết, chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết, thể hiện vai trò lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đồng bộ của Tỉnh ủy qua các giai đoạn. Đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương ghi nhận một số kết quả mà Tỉnh đã làm được trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị, đồng thời cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế mà Nam Định cần nhìn nhận một cách khách quan trong công tác lãnh đạo, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết; kết quả phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân còn hạn chế so với tiềm năng của Tỉnh cũng như so với mặt bằng chung của khu vực và cả nước; thiếu những giải pháp đột phá, thực chất hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân phát triển; đặc biệt trong phát triển các cụm công nghiệp, làng nghề… Đồng chí Trần Tuấn Anh cho rằng, qua báo cáo thực tiễn của Nam Định, rút ra nhiều bài học kinh nghiệm đối với các tỉnh, thành khác, cũng như để Ban Chỉ đạo lựa chọn, đưa vào báo cáo trình Bộ Chính trị.
Đồng chí Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia ý kiến
Đồng chí đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục chủ động, sâu sát, nắm chắc tình hình tâm tư, nguyện vọng và những khó khăn vướng mắc, để có giải pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nhân, doanh nghiệp; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, các ngành; đồng hành cùng doanh nhân, doanh nghiệp; coi doanh nhân, doanh nghiệp là đối tượng phục vụ. Tiếp tục nỗ lực tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư; đẩy mạnh các hoạt động trợ giúp đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, doanh nhân, nhất là các doanh nghiệp, doanh nhân trong các làng nghề. Nghiên cứu đề xuất cơ chế hỗ trợ và khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi và đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Đây là nhiệm vụ quan trọng giúp Tỉnh tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp trong giai đoạn tới, thực hiện mục tiêu đạt 14,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký tính đến năm 2025. Nghiên cứu ban hành các nghị quyết riêng về phát triển doanh nghiệp, phát triển đội ngũ doanh nhân, trong đó lưu ý không chỉ về số lượng mà còn chú trọng về chất lượng.
Đồng chí Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu tại Hội nghị
Đồng chí cũng đề nghị các Bộ ngành, cơ quan chức năng nghiên cứu các đề xuất của địa phương, doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp các địa phương, doanh nghiệp tiếp tục thực hiện Nghị quyết 09 hiệu quả hơn trong thời gian tới; yêu cầu Tổ Biên tập nghiên cứu, chắt lọc ý kiến, đề xuất, kiến nghị của các đại biểu để đưa vào Báo cáo tổng kết./.
Quang cảnh Hội nghị
Trung tâm Thông tin, Phân tích và dự báo kinh tế