Chủ trì Diễn đàn có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ; Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Đức Hải, Ủy viên BCHTW Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội.
Quang cảnh hội thảo chuyên đề 3 của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm
Tăng trưởng ấn tượng
Năm 2022, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến đạt khoảng 8% - mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây, cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực. Tính chung 11 tháng năm 2022, chỉ số toàn ngành công nghiệp ước tăng gần 8,6%, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 56,9 nghìn doanh nghiệp và 137,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới; xuất khẩu cả nước vẫn duy trì tăng trưởng đáng ghi nhận với tổng kim ngạch ước gần 342,2 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cán cân thương mại hàng hóa ước thặng dư 10,6 tỷ USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 20,5%; thu ngân sách tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước, cân đối NSNN năm 2022 bội thu gần 280 nghìn tỷ đồng, mức cao kỷ lục trong 5 năm gần đây; CPI được kiểm soát ở mức bình quân là 3,02%; lạm phát cơ bản là 2,38%; vốn đầu tư nước ngoài giải ngân đạt mức cao nhất trong 11 tháng của 5 năm trở lại đây khi ước tính đạt 19,68 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước góp phần hỗ trợ ổn định tỷ giá và các cân đối vĩ mô khác; Qua đó, Việt Nam đã giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm được các cân đối lớn của nền kinh tế, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có những diễn biến mới, nhanh chóng và phức tạp, khó lường hơn cả dự đoán.
Quang cảnh hội thảo chuyên đề 1 của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm
Năm 2022 Việt Nam cũng tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hoá, thể thao, giải trí quy mô lớn, quốc phòng, an ninh, đối ngoại được tăng cường. Dự báo đến hết năm 2022, có thể hoàn thành và hoàn thành vượt mức 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra - Việt Nam đã vượt qua những khó khăn, thách thức để có được con số tăng trưởng đầy ấn tượng đó.
Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ thống kê giá, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
CPI so với cùng kỳ năm trước tăng là 4,37% và con số 4,37% này nó cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Tuy nhiên là nếu so với các nước trên thế giới thì mức lạm phát của Việt Nam vẫn là thuộc nhóm các nước có mức lạm phát thấp.
Ông BILL WINTERS, Tổng Giám đốc toàn cầu Ngân, hàng Standard Chartered
Cơ bản, chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc điều hành để giữ mặt bằng giá cả trong nước, không hình thành giá mới, cùng với đó nguồn cung hàng hoá dồi dào, tránh sự phụ thuộc vào nhập khẩu. Trong khi các quốc gia đang phát triển và mới nổi ở Châu Á đang phải trải qua cú sốc này rất lớn.
Ông ANDREW JEFFRIES, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam
Theo dự đoán ban đầu, GDP Việt Nam vào năm 2022 sẽ tăng 6.5%. Trong Q3 năm nay, chúng ta có thể thấy được sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn 13% của Việt Nam, trong khi đó Q3 năm 2021 giảm 6%. Điều này là do: Tỉ lệ người dân được tiêm vaccine ở Việt Nam cao. Sự nhanh nhạy của Việt Nam trong việc phục hồi nền kinh tế hậu Covid. Sự quay trở lại của du lịch nội địa và quốc tế
Có được những kết quả trên, trước hết phải kể đến sự lãnh đạo sáng suốt, sát sao, kịp thời của lãnh đạo Đảng và Nhà nước; sự đồng hành và giám sát có hiệu quả của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Thách thức đặt ra
Tuy nhiên, bên cạnh những con số tăng trưởng ấn tượng của năm 2022, chúng ta cũng thấy, từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình thế giới biến động rất nhanh, phức tạp, chưa có tiền lệ. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột Nga - Ukraine kéo dài, lạm phát thế giới tăng cao, xu hướng tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khóa và hậu quả của đại dịch COVID-19 dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, rủi ro tài chính, tiền tệ, mất an ninh năng lượng, lương thực đang hiện hữu…
Ông FRANCOIS PAINCHAUD, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam và Lào
Chúng tôi nhận thấy 2 rủi ro với Việt Nam: Thứ nhất là lạm phát sẽ tiếp tục tăng dẫn đến chính sách tiền tệ thắt chặt và thận trọng hơn. Thứ 2 là tính thanh khoản của các ngân hàng thương mại hiện nay. Vì vậy điều hành chính sách phải xuyên suốt, linh hoạt và hài hoà để quản lý rủi ro, tối ưu hiệu quả chính sách giữa tăng trưởng và lạm phát, giảm thiểu ảnh hưởng của sự giảm tốc.
Ông ANDREW JEFFRIES, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam
Việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ và những Ngân hàng trung ương khác khiến nền kinh tế thế giới bị thắt chặt. Cân nhắc đây sẽ là một rủi ro lớn cho Việt Nam. Trong tháng 11, chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI của Việt Nam giảm còn xấp xỉ 47-48%. Con số dưới 50% là những dấu hiệu đầu tiên của sự suy thoái trong sản xuất
Ông NGUYỄN CHÍ TRUNG, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Giày Gia Định
Xoay tua lao động có nghĩa là người lao động chỉ làm việc 50%, đây là 1 việc bất đắc dĩ, do vậy hiện nay chúng tôi đang tìm mọi biện pháp để làm sao giữ chân người lao động.
ÔNG LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM
Thị trường Bất động sản hiện nay khó khăn do thiếu dòng tiền, thiếu thanh khoản, nguồn cung nhà ở không đáp ứng được nhu cầu và đặc biệt là thị trường bị mất cân đối về sản phẩm, ví dụ nhà ở vừa túi tiền tại TP. Hồ Chí Minh trong 3 năm qua không còn nữa, thị trường chỉ còn nhà ở cao cấp chiếm tới 80% các sản phẩm của thị trường, còn lại là nhà ở trung cấp.
IMF dự báo, hơn 30% nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm trong năm nay hoặc năm 2023, trong đó tăng trưởng kinh tế Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đang đình trệ. Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi việc cắt giảm nguồn cung khí đốt từ Nga. Trung Quốc phải hứng chịu những gián đoạn liên quan đến đại dịch và sự suy thoái ngày càng sâu sắc của thị trường bất động sản, trong khi đà tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ cũng đang chậm lại...
Tại Việt Nam, đã xuất hiện một số rủi ro đối với cân đối lớn: Áp lực lạm phát gia tăng; lãi suất tăng nhanh; doanh nghiệp gặp khó khăn về thanh khoản do một số vấn đề trên thị trường vốn, thị trường chứng khoán, giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực, không ít doanh nghiệp đã bị cắt giảm đơn hàng. Nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài như tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm, chưa bảo đảm yêu cầu đề ra.
Quý 4 năm nay, do ảnh hưởng bởi lạm phát và việc thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng trên toàn cầu, nên nhiều ngành sản xuất như Dệt may, Da giày đã phải đối mặt với việc thiếu đơn hàng xuất khẩu từ các đối tác truyền thống.
Nhận diện được cơ hội và những rủi ro và thách thức cả trong nước và từ bên ngoài cũng như dự báo các kịch bản tăng trưởng kinh tế và điều hành kinh tế vĩ mô năm 2023, qua đó đề xuất các định hướng, khuyến nghị các cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa cơ hội, để ôn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức, tạo nền tảng thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm 2021-2025.
Bài 2: Những khuyến nghị, giải pháp cho phát triển kinh tế năm 2023
Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế