(Nguồn: OECD)
Các tổ chức tài chính và quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cảnh báo tiến trình phục hồi mong manh bởi tác động của đại dịch. Mức độ bao phủ vaccine và tốc độ tiêm phòng chưa đồng đều, cùng với sự bùng phát các biến thể mới của Covid-19 là những nguy cơ đe dọa triển vọng phục hồi kinh tế.
Mặc dù việc đẩy mạnh tiêm vaccine Covid-19 và các biện pháp kích thích mà các chính phủ áp dụng giúp thúc đẩy tăng trưởng, song "bức tranh kinh tế" còn nhiều mảng màu chưa đồng đều. OECD hạ dự báo sản lượng kinh tế toàn cầu, ở mức tăng trưởng 5,7% trong năm 2021, giảm 0,1% so với dự báo đưa ra hồi tháng 5. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay của các nước đang phát triển tại châu Á, theo đó mức tăng là 7,1%, giảm 0,2 điểm % so với dự báo hồi tháng 4.
Triển vọng phục hồi kinh tế chưa chắc chắn được đánh giá dựa trên thực trạng về tốc độ tiêm phòng chậm, số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục tăng và các biện pháp phong tỏa tiếp diễn ở nhiều khu vực. Vẫn còn nhiều cách biệt về sản lượng kinh tế và việc làm, đặc biệt nhóm các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển có tỷ lệ bao phủ tiêm chủng thấp đang bị tụt lại khá xa.
Dự báo triển vọng tăng trưởng của "đầu tàu" kinh tế Mỹ cũng bị OECD hạ từ mức 6,9% xuống 6% trong năm 2021. Trong khi đó, kinh tế khu vực đồng euro (Eurozone) được dự báo tăng trưởng 5,3% trong năm 2021, cao hơn dự báo hồi tháng 5. Tuy nhiên, mỗi quốc gia thành viên Eurozone cũng có tốc độ tăng trưởng khác nhau.
Các quốc gia như Argentina, Brazil, Mexico, Nam Phi được dự báo tăng trưởng cao hơn, trong khi các nền kinh tế Australia, Anh, Nhật Bản chậm hơn. Tại châu Á, tiến bộ trong giảm nghèo đói ở các nền kinh tế đang phát triển bị kéo lùi ít nhất hai năm do tác động của đại dịch. Theo ADB, nền kinh tế khu vực sẽ tăng trưởng trong năm 2021 và 2022, song triển vọng phục hồi vẫn rời rạc khi biến thể Delta hoành hành tại một số nước. Những nước làm tốt hơn trong công tác kiểm soát dịch ở khu vực Đông Á có tốc độ tăng trưởng cao hơn.
Sự bùng phát của biến thể Delta đã làm giảm động lực hồi phục kinh tế và gia tăng áp lực lên các chuỗi cung ứng và chi phí toàn cầu. Các tổ chức tài chính và quốc tế kêu gọi các chính phủ tiếp tục linh hoạt và duy trì các chính sách phù hợp nhằm trợ lực cho các nền kinh tế phục hồi vững chắc hơn, trong bối cảnh triển vọng kinh tế ngắn hạn chưa ổn định.
Theo nhandan.vn