Sản xuất đồ điện gia dụng tại nhà máy của Công ty TNHH Panasonic Life Solutions Việt Nam, Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) ở thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN
Tờ báo dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan cho biết ngay cả khi Singapore và Việt Nam tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực truyền thống như thương mại và đầu tư, vẫn còn nhiều cơ hội để hai nước hợp tác cùng nhau trong các lĩnh vực tăng trưởng mới như nền kinh tế kỹ thuật số, năng lượng tái tạo, tín chỉ carbon, tài chính xanh, an ninh mạng và cơ sở hạ tầng bền vững.
Bộ trưởng Vivian khuyến khích các bên quan tâm khám phá hợp tác trong các lĩnh vực này để thiết lập quan hệ đối tác cùng có lợi nhằm thúc đẩy lợi ích của cả hai nước. Ông nhấn mạnh việc đẩy mạnh hợp tác trong nền kinh tế kỹ thuật số là ưu tiên đối với cả hai quốc gia, bao gồm nhiều lĩnh vực mới như an ninh mạng, luồng dữ liệu xuyên biên giới, thành phố thông minh, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo và thanh toán số.
Bộ trưởng Balakrishnan đánh giá hai nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) này là “bạn bè lâu đời và đối tác thân cận”. Thương mại song phương giữa Singapore và Việt Nam đã tăng trưởng đều đặn trong thập kỷ qua. Theo số liệu thống kê mới nhất, thương mại song phương năm 2022 đã đạt 31,3 tỷ đôla Singapore (SGD) (hơn 23,6 tỷ USD), tăng từ 26,9 tỷ SGD năm 2021. Tính đến tháng 6/2022, Singapore là nhà đầu tư lũy kế lớn thứ hai vào Việt Nam, sau Hàn Quốc, với khoảng 70 tỷ USD đầu tư vào 3.600 dự án.
Bộ trưởng Ngoại giao Singapore mô tả Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) là “biểu tượng lâu bền” của mối quan hệ đối tác song phương được xây dựng dựa trên tình hữu nghị chặt chẽ và các cuộc tham vấn giữa cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu và cố Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt. Hiện có 12 VSIP trên khắp ba miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam, thu hút khoảng 17 tỷ USD đầu tư và tạo ra hơn 300.000 việc làm.
Bộ trưởng Balakrishnan cũng lưu ý rằng Singapore và Việt Nam cần làm việc cùng nhau nhiều hơn nữa đối với vấn đề phát triển bền vững. Singapore mong muốn hợp tác với Việt Nam về năng lượng tái tạo, tín chỉ carbon và cơ sở hạ tầng bền vững - với mục tiêu “đầy tham vọng” là đạt được mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
Báo Business Times nhấn mạnh đây là chuyến thăm Singapore đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 4/2021, sau một loạt chuyến thăm cấp cao tới Việt Nam của Tổng thống Halimah Yacob, Phó Thủ tướng Heng Swee Keat, Bộ trưởng Bộ Nhân lực Tan See Leng và Chủ tịch Quốc hội Tan Chuan-Jin của Singapore trong năm 2022.
Trước đó, trong thông cáo báo chí ngày 7/2, Bộ Ngoại giao Singapore cho biết Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lý Hiển Long sẽ chứng kiến lễ ký kết một số thỏa thuận song phương góp phần củng cố sự hợp tác nhiều mặt giữa Singapore và Việt Nam, đặc biệt trong nền kinh tế kỹ thuật số và nền kinh tế xanh.
Theo TTXVN