Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; PGS.TS. Phạm Minh Tuấn, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.
PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam phát biểu chào mừng
Tham gia Hội thảo có nhiều đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các Bộ, Ban, ngành Trung ương, các viện nghiên cứu, trường đại học: Hội đồng Lý luận Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn Phòng Chính phủ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Luật Hà Nội…
Hội thảo là một hoạt động khoa học quan trọng, nhằm tìm ra các giải pháp hoàn thiện khung khổ pháp lý về đất đai, khai thác tốt tài nguyên đất đai phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về thực hiện đột phá chiến lược: “Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa... huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai”.
Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu định hướng tại Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam nêu rõ, Luật Đất đai đã được ban hành, sửa đổi 4 lần; tiếp tục được hoàn thiện, sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tiễn đặt ra. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực cho sự phát triển của kinh tế - xã hội, Luật Đất đai 2013 đã bộc lộ nhiều bất cập, chưa được khai thác và phát huy đầy đủ để trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng chí Bùi Nhật Quang cũng nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra định hướng mang tính chiến lược cho giai đoạn 2021-2030 là Hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo điều kiện thuận lợi huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh trong đó có nguồn lực đất đai, đồng thời đưa ra các nhiệm vụ đột phá chiến lược trong đó có vấn đề huy động, sử dụng, quản lý có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển nhất là về đất đai.
PGS.TS. Phạm Minh Tuấn, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát biểu đề dẫn
Phát biểu định hướng tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, đây là Hội thảo có ý nghĩa thực tiễn cao, nhất là trong bối cảnh Bộ Chính trị, Ban Bí thư đang chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của BCHTW khoá XI về “tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, đồng thời với việc tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013.
Đồng chí nhấn mạnh, trong những năm qua, trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo và định hướng của Nghị quyết 19-NQ/TW, chính sách, pháp luật về đất đai đã từng bước được đổi mới, đáp ứng sát hơn yêu cầu thực tiễn, từng bước tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý và sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả hơn; nhất là cho phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; các ngành, lĩnh vực kinh tế; tạo điều kiện cho đất đai tham gia vào thị trường bất động sản; tạo ra những động lực mạnh mẽ cho phát triển đô thị, tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Công bằng xã hội trong lĩnh vực đất đai từng bước được đảm bảo; chính sách ưu đãi về thuế, về miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã góp phần quan trọng trong thu hút đầu tư, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; đất cho xây dựng nhà ở xã hội được được quan tâm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đất đai chưa được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững; chưa được khai thác và phát huy đầy đủ để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Suy thoái, ô nhiễm, sạt lở đất diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Vẫn còn tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang. Tình trạng đầu cơ đất đai, lãng phí và vi phạm pháp luật về đất đai chưa được hạn chế; tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai có lúc, có nơi còn diễn biến phức tạp. Chưa giải quyết được cơ bản một số vướng mắc, bất cập có liên quan đến quản lý và sử dụng đất như đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh; đất của các cơ sở sản xuất, đơn vị sự nghiệp tập trung đông người đã di dời ra khỏi trung tâm các đô thị lớn; đất kết hợp sử dụng nhiều mục đích.v.v.
Đoàn chủ tọa hội thảo
Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn đề nghị các đại biểu phân tích, đánh giá và gợi ý về giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trên giác độ khoa học và thực tiễn, tập trung vào các vấn đề: Phân tích, đánh giá về những nguyên nhân của những hạn chế trong quản lý và sử dụng đất trong thời gian qua như công tác quy hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất; thu hồi đất, hỗ trợ, bồi thường, tái định cư; giá đất và chính sách tài chính về đất đai; phát triển thị trường bất động sản, trong đó có quyền sử dụng đất; cải cách hành chính và năng lực quản lý đất đai; giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và các vi phạm pháp luật về đất đai...; bám sát những yêu cầu được đưa ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thực tiễn của Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế để đề xuất các quan điểm và giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất nguồn lực đất đai; khắc phục tình trạng sử dụng đất đai lãng phí; giải quyết căn bản những tồn tại vướng mắc trong quản lý và sử dụng đất do lịch sử để lại và do yêu cầu mới của thực tiễn...; mối quan hệ giữa hiệu quả sử dụng đất với bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh…
PGS.TS. Trần Quốc Toản, chuyên gia cao cấp, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phát biểu thảo luận
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung chia sẻ ý kiến, quan điểm trong 02 phiên: (1) Những điểm nghẽn trong thị trường đất đai ở Việt Nam; (2) Một số định hướng và giải pháp hoàn thiện chính sách đất đai trong bối cảnh mới. Hội thảo cũng có sự tham gia bằng hình thức trực tuyến của nhiều nhà khoa học không có điều kiện tham gia trực tiếp. Với hơn 50 bài tham luận từ các chuyên gia, các nhà khoa học, Kỷ yếu Hội thảo sẽ được xuất bản thành sách và xuất bản điện tử để thu thập thêm các ý kiến đóng góp sửa đổi và triển khai thực hiện.
GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu thảo luận
Kết luận Hội thảo, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cảm ơn và đánh giá cáo các ý kiến trình bày tâm huyết, có tính khoa học cao và các vấn đề thảo luận đa dạng từ nhiều góc độ khác nhau của các nhà khoa học, quản lý, doanh nghiệp.
Quang cảnh Hội thảo
Các ý kiến tham luận tại Hội thảo sẽ được tổng hợp, chắt lọc thành Báo cáo kiến nghị chính sách để gửi đến Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm đề xuất sửa đổi, hoàn thiện chính sách về đất đai trong giai đoạn tới, đặc biệt là phục vụ chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và đánh giá 10 năm thi hành Luật Đất đai 2013.
Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế