Đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu đề dẫn hội thảo
Đồng chủ trì hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng; Trần Thị Lan Anh, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây Dựng; Ông Thomas Lê, Thành viên Ban Điều hành, Liên minh hợp tác công - tư phát triển đô thị thông minh. Dự hội thảo có hơn 200 đại biểu đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các doanh nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng phát biểu khai mạc
Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh phát triển đô thị thông minh là một trong những nhiệm vụ quan trọng được đề ra trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII và trong các Nghị quyết chuyên đề của Đảng. Văn kiện Đại hội XIII đã nêu rõ: "Xây dựng đô thị hiện đại, văn minh, đô thị thông minh, đa dạng về loại hình, có bản sắc đặc trưng về kiến trúc, văn hóa ở từng địa phương". Trước đó, Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” đã đề ra mục tiêu hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới. Gần đây, ngày 24/01/2022 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng về đô thị hóa và phát triển đô thị. Nghị quyết số 06-NQ/TW cũng đề ra mục tiêu “Xây dựng được mạng lưới đô thị thông minh trung tâm cấp quốc gia và cấp vùng kết nối quốc tế và 3 - 5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế vào năm 2030”. Với vị thế là một trong năm thành phố trực thuộc Trung ương, Thành phố Hải Phòng đã xác định mục tiêu đến năm 2030 trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á, đóng vai trò là động lực phát triển của vùng Bắc bộ và cả nước. Hội thảo được tổ chức để góp phần cung cấp các luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc cụ thể hóa và hiện thực hóa các mục tiêu trên.
Các đồng chí chủ tọa hội thảo
Phát biểu khai mạc và chào mừng hội thảo, đồng chí Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng nhấn mạnh, sau hơn 16 năm thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW và 11 năm thực hiện Kết luận 13-KL/TW, vùng đồng bằng sông Hồng và các địa phương nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực về kinh tế - xã hội, vai trò là một trong hai đầu tàu kinh tế của cả nước đã được phát huy. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá cao. Quy mô kinh tế đứng thứ 2 trong 6 vùng và ngày càng đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Nhiều địa phương trong vùng đã nỗ lực vươn lên và trở thành điểm sáng của cả nước. Hạ tầng chiếu sáng, cây xanh được cải thiện. Hạ tầng xã hội bao gồm giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ, văn hóa, thể dục thể thao, thương mại và du lịch tại các đô thị được quan tâm đầu tư. Hệ thống hạ tầng giao thông liên vùng được đầu tư xây dựng mạnh mẽ theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần khai thác hiệu quả tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái kết nối với trục cao tốc Lào Cai - Hà Nội thành liên tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam, tạo ra vành đai giao thương quan trọng giữa các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với Trung Quốc và thế giới. Hạ tầng giao thông kết nối vùng đang được triển khai tiếp tục là dự án đường cao tốc ven biển nối 7 địa phương của vùng Đông Bắc Bộ và đã tạo thành mạng lưới giao thông liên vùng đồng bộ hiện đại, góp phần phát triển các chuỗi đô thị thông minh.
Ông Tạ Hải Anh, Giám đốc Trung tâm giải pháp, Khối giải pháp chính phủ, CMC TS phát biểu tham luận
Tuy nhiên, phát triển vùng đồng bằng sông Hồng còn một số tồn tại hạn chế: Mật độ dân số của vùng cao nhất, dẫn tới áp lực phát triển đô thị, môi trường và chất lượng sống. Cấu trúc không gian phát triển của vùng còn hình thành thụ động, chưa rõ định hướng. Kết cấu hạ tầng chậm so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống giao thông đô thị còn thiếu đồng bộ, liên kết yếu. Công tác điều phối vùng còn nhiều khó khăn vướng mắc từ quy hoạch, kế hoạch đến cơ chế, chính sách và tổ chức triển khai thực hiện. Một số đô thị đang phải đối mặt với tình trạng không đồng bộ như quá tải về hạ tầng, thiếu kết nối, ùn tắc giao thông. Hệ thống hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin còn chậm về tốc độ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đô thị thông minh, phương tiện tự động và sản xuất thông minh.
Ông Lã Quý Phái, Chuyên gia giải pháp, Fortinet Việt Nam phát biểu tham luận
Phát biểu đề dẫn hội thảo, đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, năm 2019 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nêu 3 nhiệm vụ trọng tâm để Việt Nam chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: "Thứ nhất là chúng ta sẽ xây dựng và phát triển kinh tế số, thứ hai là tập trung xây dựng các đô thị thông minh tại một số vùng trọng điểm cũng như một số đô thị động lực và thứ ba là chúng ta thực hiện các vấn đề liên quan đến xây dựng chính phủ điện tử tiến đến chính phủ số". Như vậy xây dựng và phát triển các đô thị thông minh là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm của các chủ trương, chính sách của Việt Nam tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đến tháng 9 năm nay sẽ đánh giá 3 năm triển khai Nghị quyết này, Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan tham mưu trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 52-NQ/TW đồng thời cũng được giao nhiệm vụ chủ trì hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Kỹ Thuật của Hewlett Packard Enterprise phát biểu tham luận
Đồng chí Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cũng nêu rõ, ngày 24/1/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Tại Nghị quyết 06-NQ/TW nhấn mạnh những yêu cầu về xây dựng đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối khu vực và quốc tế. Trong Nghị quyết cũng nêu rõ một số chủ trương, chính sách từ vấn đề hạ tầng, xây dựng, quy hoạch đô thị ứng dụng công nghệ số, nền tảng số trong quy hoạch, xây dựng, quản lý phát triển đô thị.
Hải Phòng là thành phố trực thuộc Trung ương đóng vai trò trung tâm của vùng đồng bằng sông Hồng và phía Bắc, là một cực tăng trưởng của cả nước. Hải Phòng cũng là một địa phương mà Bộ Chính trị trên cơ sở ý kiến tham mưu của Ban Kinh tế Trung ương ban hành Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Hải Phòng có định hướng trở thành thành phố công nghiệp, thành phố thông minh, vì vậy Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp với Hải Phòng tổ chức Hội thảo. Hội thảo nhấn mạnh chủ đề liên quan đến xây dựng chuỗi đô thị thông minh động lực, nhấn mạnh yêu cầu kết nối khu vực và quốc tế.
Ông Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng ban Công nghệ thông tin Tổng Công ty viễn thông MobiFone
phát biểu tham luận
Đồng chí Nguyễn Đức Hiển đề nghị các đại biểu tập trung vào các vấn đề: các bộ, nganh, địa phương chia sẻ về thực tiễn triển khai các chủ trương, để thể chế hóa cần gỡ những vấn đề gì vướng mắc; kinh nghiệm của các chuyên gia, doanh nghiệp trong triển khai các dự án, các giải pháp công nghệ đô thị thông minh, xây dựng hạ tầng số, ứng dụng nền tảng số cho đô thị thông minh, bảo đảm an toàn an ninh mạng, vấn đầ quy hoạch, tiêu chuẩn, đầu tư phát triển dự án; chia sẻ về xây dựng từng cấu phần như vấn đề quản trị.
Quang cảnh hội thảo
Tại Hội thảo, các tham luận tập trung chia sẻ và làm rõ những nội dung về xây dựng và triển khai dự án/đề án phát triển đô thị thông minh có tính kết nối cao tại các địa phương; khả năng liên kết giữa các đô thị trong khu vực để hướng tới tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững; ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) và các công nghệ số, nền tảng số trong quy hoạch phát triển đô thị bền vững; hạ tầng số cho đô thị thông minh và ứng dụng các công nghệ số trong đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự đô thị.
Đoàn đại biểu tham dự hội thảo có chuyến khảo sát thực tế tại Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền Hải Phòng
Phiên thảo luận bàn tròn của hội thảo trao đổi và làm rõ các vấn đề như: những giải pháp để tăng cường tính liên kết trong đô thị, giữa các đô thị trong khu vực và thế giới; những chính sách về quy hoạch nhằm thu hút và khuyến khích đầu tư tư nhân cho các dự án đô thị thông minh; những vướng mắc trong phát triển hạ tầng số, công nghệ số và phát triển hệ sinh thái dịch vụ thông minh cũng như rủi ro về an toàn, an ninh và giải pháp đảm bảo an toàn, bảo mật với đô thị thông minh. Tham dự Hội thảo có các chuyên gia quốc tế từ UN Habitat, Mạng lưới Đô thị thông minh Singapore, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng và các tập đoàn hàng đầu trong nước và quốc tế như: Tập đoàn CMC, MobiFone, Hewlett Packard Enterprise (HPE) , Fortinet , Signify và Dell Technologies.
Tham quan hệ thống xử lý nước thải của khu công nghiệp
Phát biểu kết luận và bế mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Đức Hiển trân trọng cảm ơn các tham luận và ý kiến thảo luận của chuyên gia, các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp. Hội thảo đã thu được nhiều khuyến nghị của các đại biểu về mặt chính sách như: Nhấn mạnh triển khai công tác dữ liệu; triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia liên thông; khung khổ pháp lý cho xây dựng đô thị thông minh cần phải tiếp tục hoàn thiện; cần có chính sách đặc thù kể cả về mặt tài chính, nhân sự trong vấn đề quản trị, vấn để triển khai các đô thị; các quy định về đầu tư cần thay đổi; triển khai chương trình, dự án đào tạo, tổ chức tư vấn trong triển khai đô thị thông minh ở các địa phương… Bên cạnh đó, các địa phương trên tình hình thực tiễn của mình cần có đề xuất phù hợp, có cách tiếp cận tổng thể, tầm nhìn dài hạn, tập trung giải quyết các vấn đề người dân quan tâm trước mắt. Thực hiện xây dựng quy hoạch thông minh; nâng cao năng lực nhân sự quản trị đô thị thông minh; chú trọng công tác bảo mật, an toàn dữ liệu…
Đoàn đại biểu tham quan Vườn Nhật
Đồng chí mong muốn trong thời gian tới Ban Kinh tế Trung ương và các bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục có sự phối hợp, cùng nhau chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về chuỗi đô thị động lực thông minh, để sự tham gia vào cuộc thực sự chuyển biến về chất, đồng thời đưa mục tiêu xây dựng đô thị thông minh trở thành hiện thực.
Cũng trong chương trình của sự kiện, Các đại biểu dự hội thảo có buổi khảo sát thực tế, tham quan và làm việc với Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền Hải Phòng. Đoàn đã khảo sát một số địa điểm như Vườn kỷ vật, Nhà máy xử lý nước thải tập trung, Vườn Nhật...
Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế