Tham dự VESF năm nay có đồng chí Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Lê Quang Huy, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; cùng lãnh đạo các bộ ngành, các đại sứ quán, tổ chức quốc tế; các chuyên gia, nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc phát biểu chỉ đạo
Diễn đàn VESF lần thứ 17 được tổ chức thường niên từ năm 2008 với mục tiêu trở thành kênh thông tin trao đổi, đối thoại và hiến kế về các vấn đề chính sách gắn với thực tiễn hoạt động của các ngành kinh tế trong mối tương quan với bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam; tổng hợp những nhận định, phân tích, đánh giá đa chiều các yếu tố thuận lợi, khó khăn, cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế và khu vực doanh nghiệp. Từ đó, Diễn đàn hiến kế và khuyến nghị tới các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, lãnh đạo các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp nhằm góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Phiên toàn thể lần thứ 17 được tổ chức với chủ đề “Cải cách, kiến tạo kỷ nguyên mới - Giải pháp đột phá đạt mục tiêu tăng trưởng cao và phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới”.
Đồng chí Lê Quang Huy, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu tại Diễn đàn
Phát biểu đề dẫn tại Diễn đàn, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn đánh giá cao việc tổ chức Diễn đàn qua các năm và chủ đề năm nay của Diễn đàn trong bối cảnh cả nước ta đang nỗ lực, khẩn trương, quyết tâm cao độ để hoàn thành toàn diện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra; đồng thời, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, ở mức 2 con số và duy trì trong 5 - 10 năm tới để hiện thực hóa 2 mục tiêu chiến lược đó là: Đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa, mọi người dân đều được phát triển toàn diện, có cuộc sống ấm no, tự do, văn minh, hạnh phúc. Với mục tiêu chung như vậy, chúng ta đang cùng lúc thực hiện 2 cuộc cách mạng: về sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị và cuộc cách mạng về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tạo bước chuyển mang tính đột phá trong nâng cao hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả hoạt động của bộ máy công vụ và năng suất, chất lượng chung của nền kinh tế để đuổi kịp, tiến cùng các nền kinh tế phát triển. Trong khi đó, bối cảnh thế giới và khu vực đã và đang tiếp tục được dự báo có nhiều diễn biến nhanh hơn, phức tạp hơn và khó đoán định hơn. Tất cả những yếu tố đó, cùng với yêu cầu vừa phải bảo đảm khắc phục được những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài trong nhiều năm, vừa phải giải quyết những vấn đề đột xuất, phát sinh để nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng và duy trì với tốc độ cao, đáp ứng được các mục tiêu trước mắt cũng như trong dài hạn... đang đặt ra cho chúng ta nhiều câu hỏi cần phải giải đáp, nhiều vấn đề cần có giải pháp xử lý, tháo gỡ.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn phát biểu đề dẫn
Đồng chí cho biết, Ban Kinh tế Trung ương cũng đang nghiên cứu, xây dựng Đề án về các giải pháp chiến lược để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế "2 con số" trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc để báo cáo Bộ Chính trị xem xét trong quý III năm 2025. Do vậy, Diễn đàn này cũng là nơi để lắng nghe và từ đó kết nối với các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan có liên quan để xây dựng Đề án quan trọng này một cách khẩn trương và có chất lượng tốt.
Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn đề nghị các đại biểu tham dự và các diễn giả, chuyên gia, nhà khoa học tập trung làm rõ một số nội dung quan trọng về đánh giá kết quả phát triển kinh tế năm 2024 như: (1) Những động lực tạo nên kết quả nổi bật của năm 2024 khi mà khó khăn, thách thức được nhìn nhận còn nhiều hơn cả thời cơ, thuận lợi; (2) Những điểm nghẽn chủ yếu vẫn đang cản trở phát triển của nền kinh tế Việt Nam? Nguyên nhân của những điểm nghẽn này; (3) Những bài học lớn có thể rút ra từ năm 2024 là gì để tiếp tục phát huy, nhân rộng những bài học tốt và rút kinh nghiệm từ những bài học chưa thành công.
Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam Chử Văn Lâm phát biểu chào mừng
Về những giải pháp đột phá cho phát triển kinh tế năm 2025, đồng chí Phó Trưởng Ban đề nghị các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp cùng thảo luận, đề xuất giải pháp như: (1) Các giải pháp để tiếp tục bảo đảm vững chắc ổn định kinh tế vĩ mô để làm nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững của nền kinh tế; (2) Các giải pháp đột phá và cụ thể nào để tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng; (3) Giải pháp cụ thể để tháo gỡ nhanh và triệt để những điểm nghẽn đang tồn tại, đặc biệt là những điểm nghẽn về thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực; (4) Các giải pháp đột phá và cụ thể về thể chế và chính sách để kiến tạo phát triển, nhất là để phát huy các nguồn lực mới cho tăng trưởng như nguồn lực về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nguồn lực văn hóa, nguồn lực thương hiệu quốc gia, sản phẩm Việt Nam…
Các đại biểu tham gia thảo luận
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc nhấn mạnh một số thành tựu của năm 2024 của Việt Nam như: đã hoàn thành 15/15 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội; Tăng trưởng kinh tế của năm 2024 đạt 7,09%; Quy mô của nền kinh tế đạt 476,3 tỷ USD, đứng thứ 33 trên thế giới và tăng được 2 bậc; Chỉ số CPI là 3,63%; Kim ngạch xuất nhập khẩu xấp xỉ 800 tỷ USD, xuất siêu 24 tỷ USD; Năm thứ tư thu ngân sách vượt dự toán đề ra… Một số chỉ tiêu khác được quan tâm như giảm nghèo, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng… cũng cho thấy sự tích cực. Tại Diễn đàn hôm nay, Phó Thủ tướng cũng bày tỏ kỳ vọng và mong muốn trong thời gian tới Chính phủ sẽ nhận được sự đóng góp quý báu, thực chất của các nhà quản lý, các doanh nhân trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Quang cảnh Diễn đàn
Tại Diễn đàn, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp lớn trên thế giới như HSBC và Tập đoàn UOB đã trình bày các tham luận quan trọng trên góc nhìn chuyên gia quốc tế, đưa ra các nhận định về tình hình kinh tế thế giới; nêu khuyến nghị về vĩ mô cho Việt Nam cho năm 2025. Tiếp đó, các nhà quản lý, chuyên gia và đại diện doanh nghiệp đã cùng trao đổi, thảo luận tập trung vào hai nhóm vấn đề chính. Phiên thảo luận 1 về “Cải cách thể chế: tháo gỡ điểm nghẽn, giải phóng các nguồn lực đẩy tốc lực tăng trưởng” bàn về các điểm tích cực và hạn chế, vướng mắc hiện tại của các nguồn lực, động lực tăng trưởng truyền thống, từ đó hiến kế, đề xuất các giải pháp vừa phát huy được những cơ hội, vừa xoay chuyển, hóa giải được các thách thức, để tạo sức bật, tạo nền tảng ổn định, làm điểm tựa cho tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn mới. Phiên thảo luận thứ hai về “Kiến tạo thể chế: khai phóng và bứt phá các nguồn lực, động lực mới” tập trung thảo luận về các nguồn lực, động lực tăng trưởng mới từ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, trí tuệ nhân tạo, công nghiệp bán dẫn…, từ đó đánh giá, phân tích để hiện thực hóa các động lực tăng trưởng mới này. Qua đó, đề xuất các giải pháp đột phá trong ngắn hạn và trung hạn nhằm tháo gỡ vướng mắc, tạo cơ chế mới có tính đột phá hơn nhằm khai phóng các nguồn lực, động lực mới, tạo sức bật cho Việt Nam bước vào thời kỳ tăng trưởng cao, tăng trưởng bao trùm.
Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế