Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ tư do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức với chủ đề "Cơ cấu lại nền kinh tế: Cơ hội và thách thức dưới tác động của đại dịch COVID-19". Diễn đàn dự kiến diễn ra vào ngày 20/12/2021 tại Thành phố Hồ Chí Minh theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.
Đại dịch COVID-19 xảy ra đã ảnh hưởng sâu sắc tới nền kinh tế toàn cầu, và dự báo còn tiếp tục có thể kéo dài và diễn biến phức tạp, khó lường. Đại dịch cũng tác động mạnh mẽ, theo nhiều chiều hướng khác nhau tới mọi mặt kinh tế - xã hội của Việt Nam. Một mặt, COVID-19 làm bộc lộ rõ hơn những vẫn đề còn tồn tại, đặt ra nhiều thách thức lớn cần phải khắc phục của nền kinh tế; mặt khác cũng mở ra những cơ hội, chiều hướng phát triển mới hướng tới mục tiêu vừa ứng phó với dịch bệnh hiệu quả, vừa duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm đời sống nhân dân. Trong bối cảnh đó, yêu cầu cần tiếp tục thực hiện hiệu quả và thực chất cơ cấu lại nền kinh tế được đặt ra một cách cấp thiết, giúp tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước trong trung và dài hạn.
Quang cảnh Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ hai được tổ chức năm 2018
Quang cảnh Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ hai được tổ chức năm 2018
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên cấp cao Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ ba
được tổ chức năm 2019
Năm 2021 đánh dấu thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cũng là năm đầu tiên của nhiệm kỳ lãnh đạo mới của Đảng và Nhà nước, được kỳ vọng sẽ có nhiều bước đi mới, chính sách mới và hành động cụ thể để phát triển kinh tế - xã hội. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 đề ra nhiệm vụ, giải pháp "Xây dựng và thực hiện các giải pháp chính sách khắc phục tác động của dịch bệnh Covid-19, nhanh chóng phục hồi nền kinh tế, tận dụng hiệu quả các cơ hội mới cho phát triển đất nước. Tổ chức thực hiện hiệu quả và thực chất các nội dung cơ cấu lại nền kinh tế để đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động nhằm hiện đại hóa nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh".
Các đồng chí Lãnh đạo thảo luận tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ ba năm 2019
Để có căn cứ tham mưu Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các chủ trương, chính sách lớn về phát triển kinh tế - xã hội, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ tư với chủ đề "Cơ cấu lại nền kinh tế: Cơ hội và thách thức dưới tác động của đại dịch COVID-19", dự kiến diễn ra vào ngày 20/12/2021 tại Thành phố Hồ Chí Minh theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.
Diễn đàn được tổ chức với mục đích là nơi trao đổi ý kiến và chia sẻ quan điểm giữa các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp về những cơ hội và thách thức của nền kinh tế, định hướng phát triển đất nước dưới tác động của đại dịch COVID-19. Diễn đàn hướng tới các mục tiêu cụ thể sau:
- Đánh giá, dự báo diễn biến kinh tế quốc tế, các xu hướng mới trên thế giới sau đại dịch Covid-19 trên các khía cạnh như thương mại, đầu tư, kinh tế số, dịch chuyển chuỗi cung ứng; v.v; những cơ hội, thách thức cho nền kinh tế Việt Nam.
- Đánh giá, phân tích một cách khách quan, toàn diện, sâu sắc về các thành tựu, tồn tại và hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó với đại dịch COVID-19 tại Việt Nam trong thời gian qua.
- Xác định các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp và các bước cải cách, cơ cấu lại nền kinh tế nhằm khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
- Đề xuất các kiến nghị để khơi thông nguồn lực, phát huy hiệu quả nguồn lực cho tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế.
Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ ba năm 2019
Trong khuôn khổ Diễn đàn sẽ bao gồm các sự kiện:
1. Phiên toàn thể - Tọa đàm cấp cao có Chủ đề "Cơ cấu lại nền kinh tế: Cơ hội và thách thức dưới tác động của đại dịch COVID-19" có Nội dung: Đánh giá, dự báo diễn biến kinh tế quốc tế, các xu hướng mới trên thế giới sau đại dịch Covid-19 trên các khía cạnh như thương mại, đầu tư, kinh tế số, và dịch chuyển chuỗi cung ứng; những cơ hội, thách thức cho kinh tế Việt Nam trong bối cảnh mới này. Nhìn lại nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021, triển vọng kinh tế Việt Nam 2022 và trung hạn. Yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế trong bối cảnh bình thường mới nhằm vượt qua khó khăn, tận dụng các cơ hội và củng cố nền tảng phát triển trong trung và dài hạn. Trao đổi, chia sẻ quan điểm, định hướng, cơ hội, thách thức đối với cơ cấu lại nền kinh tế nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung trong bối cảnh bình thường mới.
2. Các hội thảo chuyên đề: có 03 hội thảo chuyên đề sẽ thảo luận về Vấn đề việc làm bền vững hiện nay; tính dễ tổn thương của lao động phi chính thức và giải pháp; Việc làm trong bối cảnh chuyển đổi số…; Phục hồi kinh tế và nguồn vốn để phục hồi kinh tế: phát triển Thị trường tài chính, ngân hàng nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn cho nền kinh tế phục hồi; Nâng cấp thị trường chứng khoán Việt Nam; Cơ chế tài chính hợp tác công tư; Tác động của đại dịch COVID-19 tới vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và ĐBSCL; Các vấn đề, thách thức trong phát triển bền vững vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và ĐBSCL; Kiến nghị giải pháp đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và ĐBSCL hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Quang cảnh Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ ba năm 2019
Dự kiến, Diễn đàn sẽ quy tụ hơn 300 đại biểu tham dự (cả trực tuyến và trực tiếp), bao gồm: các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các Bộ, ban, ngành và các địa phương; các đại sứ quán và tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp và các đại biểu khác. Các hội thảo chuyên đề có sự tham sự của khoảng 200 đại biểu tham dự tại hội trường và tham dự trực tuyến, bao gồm các đồng chí lãnh đạo, đại diện các ban, bộ, ngành liên quan, các địa phương, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học.
Ban Tổ chức sẽ tiếp tục cập nhật tới độc giả những thông tin về Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ tư./.
Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế