Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW chủ trì Hội thảo. Hội thảo có sự tham gia của các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập, các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học.
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW chủ trì Hội thảo
Phát biểu định hướng Hội thảo, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ (Vùng) là 1 trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước; gồm có 14 tỉnh, thành phố từ tỉnh Thanh Hóa đến tỉnh Bình Thuận; là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước với thềm lục địa rộng lớn, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; có điều kiện giao thông thuận lợi nhất trong các vùng của cả nước với đường sắt Bắc - Nam dài hơn 700 km, nhiều cảng biển, cảng hàng không quốc tế lớn và hành lang kinh tế Đông - Tây gắn kết với Lào, Cămpuchia, Đông Bắc Thái Lan, Myanmar; là khu vực có điều kiện mở rộng giao lưu kinh tế, gần đường hàng hải quốc tế, cửa ngõ của các tỉnh Tây Nguyên.
Đoàn chủ tọa hội thảo
Sau hơn 18 năm thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW, với sự quan tâm chỉ đạo đặc biệt và nguồn lực đầu tư của Trung ương và sự chủ động, nỗ lực cố gắng vươn lên của các địa phương trong Vùng, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Một số tiềm năng, lợi thế của Vùng được khai thác và phát huy hiệu quả, đời sống của nhân dân trong Vùng không ngừng được cải thiện; một số địa phương đã bứt phá, vươn lên và trở thành các điểm sáng trong bức tranh chung của cả nước: Kinh tế Vùng tăng trưởng đạt 7,3%/năm trong giai đoạn 2005 - 2020, cao hơn trung bình cả nước; quy mô kinh tế vùng được mở rộng, đạt 1.157 nghìn tỷ đồng vào năm 2020, chiếm 14,53% GDP cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 56,91 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng nông lâm thủy sản, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; một số ngành kinh tế chủ lực của vùng được hình thành, phát triển và trở thành các trụ cột của nền kinh tế. Thu ngân sách tăng khá, một số địa phương đã tự cân đối được ngân sách và có điều tiết về Trung ương. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch đạt được nhiều kết quả; chất lượng quy hoạch từng bước được nâng cao. Kết cầu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển, từng bước hạn chế tác động tiêu cực của thời tiết và biến đổi khí hậu. Hệ thống đô thị ven biển, Khu kinh tế ven biển, Khu công nghiệp được hình thành và dần trở thành động lực phát triển. Văn hóa - xã hội vùng có bước phát triển; các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy. Chất lượng giáo dục, đào tạo từng bước được nâng cao; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng, cơ cấu lao động có sự dịch chuyển tích cực. Công tác xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được củng cố; Vùng trời, Vùng biển của Tổ quốc được bảo vệ vững chắc. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy các cấp, tổ chức đảng ngày càng được nâng cao; bộ máy của hệ thống chính trị hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả hơn. Chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội được nâng cao; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường... Có thể nói, Nghị quyết 39-NQ/TW đã đi vào cuộc sống, phần lớn các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết đã cơ bản đã được hoàn thành.
Trung tướng Huỳnh Chiến Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam phát biểu tham luận
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế của Vùng. Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ vẫn phát triển dưới mức trung bình cả nước; một số lợi thế về địa kinh tế và kinh tế biển chưa được khai thác và phát huy hiệu quả. Mặc dù chiếm trên chiếm 28% diện tích tự nhiên và chiếm 20,8% dân số cả nước nhưng quy mô kinh tế của vùng có tỷ trọng nhỏ, chiếm 14,53% GDP cả nước; GRDP/người của vùng thấp, chỉ bằng bằng 0,69 lần bình quân của cả nước. Tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào đầu tư từ ngân sách nhà nước và vốn FDI. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Vùng còn chậm, chưa có sự đột phá; quy mô công nghiệp của Vùng còn nhỏ và có tốc độ tăng trưởng công nghiệp thấp; tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn còn khá lớn, sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún; phát triển du lịch chủ yếu theo chiều rộng, thiếu sản phẩm du lịch có chất lượng cao. Thu ngân sách chưa bền vững, phần lớn các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách. Nguồn vốn đầu tư mới chỉ đáp ứng một phần yêu cầu phát triển; hạ tầng kinh tế, xã hội còn thiếu, yếu, chưa liên thông; đầu tư phát triển các Khu Kinh tế ven biển còn hạn chế; các trung tâm logistics, cảng cạn ICD phát triển chậm; hiệu quả hoạt động của các cụm công nghiệp chưa cao; một số dự án lớn, dở dang chậm được xử lý. Tốc độ đô thị hóa, chất lượng đô thị thấp và thiếu liên kết. Môi trường đầu tư kinh doanh một số địa phương cải thiện chậm, doanh nghiệp chủ yếu quy mô nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh thấp. Các đô thị trung tâm vùng chưa phát huy được vai trò đầu tàu, động lực lan tỏa; Vùng KTTĐ miền Trung chưa là hạt nhân tăng trưởng dẫn dắt kinh tế Vùng. Tài nguyên được khai thác, sử dụng chưa thực sự hiệu quả, thiếu bền vững; bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập, nhất là khu vực ven biển, các lưu vực sông; năng lực phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu còn hạn chế. Phát triển văn hóa chưa theo kịp yêu cầu phát triển; bảo tồn các di sản văn hóa còn nhiều khó khăn; thị trường lao động phát triển chậm; tình trạng mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề đào tạo chậm khắc phục. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa là động lực cho phát triển. Khoảng cách về mức sống giữa các tầng lớp dân cư còn khá lớn. Thể chế cho phát triển vùng còn thiếu, chưa đồng bộ, đặc biệt là phân cấp, quản lý kinh tế, thể chế liên kết Vùng; vai trò định hướng, dẫn dắt của Nhà nước và công tác phối hợp giữa địa phương với các bộ, ngành còn bất cập. Quốc phòng, an ninh có lúc, có nơi có biểu hiện nặng về lợi ích kinh tế đơn thuần, xem nhẹ về quốc phòng an ninh; mâu thuẫn trong dân tộc, tôn giáo vẫn còn tiềm ẩn. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị còn có mặt hạn chế, hiệu lực quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực, ở một số giai đoạn còn yếu kém và khuyết điểm…
Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban KInh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành hội thảo
Nhằm định hướng phát triển cho vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ trong thời gian tới, phù hợp với bối cảnh tình hình mới và yêu cầu, đòi hỏi mới trong phát triển của Vùng và cả nước, Bộ Chính trị giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì phối hợp với các Bộ ngành và các địa phương triển khai Đề án “Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 16/8/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2010 và Kết luận số 25-KL/TW, ngày 02/8/2012 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW”. Nhiệm vụ và yêu cầu đặt ra của Ban Chỉ đạo khi thực hiện tổng kết là tham mưu, đề xuất được với Bộ Chính trị ban hành một Nghị quyết mới. Nghị quyết mới về các vùng cũng là cơ sở, căn cứ chính trị để Chính phủ, các Bộ ngành ban hành các cơ chế, chính sách mới, các địa phương định hướng và quy hoạch nhằm khai thác và phát huy ở mức cao nhất tiềm năng, lợi thế cho phát triển nhanh và bền vững vùng, các địa phương trong vùng thời gian tới và thực hiện nhiệm vụ được Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 đặt ra cho vùng là: “Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung: Tập trung phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng - an ninh trên biển, nhất là đánh bắt và nuôi trồng hải sản xa bờ. Cơ cấu lại nông, lâm nghiệp, khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản gắn với công nghiệp chế biến, bảo đảm bền vững và hiệu quả cao. Nâng cao hiệu quả phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp lọc hóa dầu, luyện kim, sản xuất, lắp ráp ô tô. Phát triển nhanh, đồng bộ năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Tăng cường liên kết vùng, tiếp tục hình thành, phát triển hệ thống đô thị ven biển, các trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái mang tầm khu vực và quốc tế. Phát huy hiệu quả các hành lang kinh tế Đông - Tây; phát triển các cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng và các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá. Nâng cao năng lực phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại của thiên tai, bão lũ, hạn hán; chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, chống sa mạc hóa, sạt lở bờ sông, bờ biển”.
Đồng chí Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Dư lịch phát biểu tham luận
Với ý nghĩa, yêu cầu quan trọng như vậy, Hội thảo đã tiếp nhận được được hơn 50 bài tham luận từ các Bộ, ngành, địa phương, các viện, trường, đại học, các chuyên gia, nhà khoa học. Theo đó, các đại biểu tập trung vào: Việc ban hành, tổ chức thực hiện và hiệu lực, hiệu quả của các cơ chế, chính sách phát triển vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ thời gian qua; thực trạng và định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ; thực trạng và các giải pháp nhằm tăng cường liên kết vùng tại vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ; thực trạng và giải pháp phát triển một số địa phương, một số vùng kinh tế động lực của các địa phương trong vùng thời gian qua; đề xuất các quan điểm, điều chỉnh, bổ sung các thể chế, cơ chế, chính sách, nguồn lực nhằm phát triển vùng, các địa phương và tăng cường liên kết vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ thời gian tới…
TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế phát biểu tham luận
Bên cạnh đó, từ thực tiễn phát triển của các địa phương cũng như của cả Vùng trong thời gian qua và những tác động của bối cảnh, tình hình mới đến phát triển kinh tế - xã hội Vùng, các chuyên gia, nhà khoa học tham gia tích cực vào phiên thảo luận mở với nhiều nội dung trực diện, bình luận sâu sắc đi sâu vào các cơ chế, chính sách, nguồn lực và tổ chức thực hiện các quy hoạch, dự án, đề án lớn và cũng làm sáng tỏ thêm nhiều nguyên nhân tồn tại, hạn chế trong phát triển vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ. TS Trần Du Lịch cho rằng, cần tập trung vào những thách thức đối với Vùng mà trong đó, thách thức lớn nhất của Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ là về nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lượng chất lượng cao. Tiếp theo là cần có chính sách phát triển 5 trụ cột phát triển kinh tế biển; vấn đề liên kết vùng. Theo TS Trần Du lịch, liên kết vùng tập trung vào 4 vấn đề: Các chính sách, phân bố: tập trung lĩnh vực gì dựa trên toàn vùng; liên kết phát triển giao thông vùng, ngoài đường ven biển, đường cao tốc Bắc Nam thì đường “xương cá” gắn với vùng Tây Nguyên; hệ thống giáo dục: Phải tổ chức hệ thống đào tạo chung; xây dựng hệ thống bảo vệ môi trường chung. TS Trần Du Lịch cũng đề cập tới cơ chế liên kết vùng, theo đó cần có Hội đồng tư vấn để phát triển Vùng này.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và quy hoạch thủy sản đề cập tới những chính sách, giải pháp phát triển kinh tế biển. Ông Trần Ngọc Chính, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam tập trung vào phát triển đô thị các tỉnh ven biển...
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và quy hoạch thủy sản phát biểu tham luận
Phát biểu tổng kết Hội thảo, đồng chí Trần Tuấn Anh cảm ơn các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học. Với trên 50 bài tham luận gửi về Tổ Biên tập và gần 20 ý kiến tham luận, phát biểu, thảo luận trực tiếp tại Hội thảo đều rất sâu sắc, chất lượng, toàn diện, có tính thực tiễn cao, nhất là nhận diện về những khó khăn, thách thức đối với Vùng hiện tại và trong tương lai. Các ý kiến cũng bám sát các chủ trương, định hướng lớn của Đảng tại Đại hội Đảng XIII, mạnh dạn đề xuất các định hướng, các thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ.
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phát biểu tham luận
Thay mặt Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW và chủ trì Hội thảo, đồng chí Trần Tuấn Anh nêu rõ: Một là, các đại biểu thống nhất Nghị quyết 39-NQ/TW là chủ trương, định hướng đúng đắn của Đảng; là cơ sở quan trọng để các Bộ, ngành, địa phương ban hành các cơ chế, chính sách và bổ sung nhiều nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội vùng, các địa phương trong vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ và tác động tích cực đến mọi mặt đời sống các địa phương trong vùng. Sau hơn 18 năm triển khai Nghị quyết, cùng với sự quan tâm đặc biệt của Trung ương là sự chủ động vươn lên của cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong vùng; kinh tế - xã hội vùng, các địa phương đã có nhiều thay đổi tích cực; đời sống của nhân dân trong vùng được nâng cao.
Hai là, các đại biểu đã bổ sung một số kết quả đạt được phát triển kinh tế - xã hội vùng, địa phương thời gian qua; làm rõ những hạn chế, bất cập, những điểm “nghẽn”; thẳng thắn chỉ ra các nguyên nhân cản trở phát triển vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ từ nhận thức đến hành động; từ quan tâm, phối hợp giữa Bộ, ngành đến tổ chức thực hiện giữa các địa phương; từ ban hành cơ chế chính sách đến bố trí nguồn lực; từ trách nhiệm của hệ thống chính trị đến thực hiện của doanh nghiệp, người dân. Trên cơ sở đề xuất nhiều quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ thời gian tới, nhất là một số thể chế, cơ chế, chính sách, chương trình, dự án...
Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận phát biểu tham luận
Ba là, một số đại biểu đã phân tích thuận lợi, khó khăn về phát triển kinh tế - xã hội Vùng trong thời gian tới. Các thuận lợi, cơ hội phải kể đến là sự phát triển vượt bậc của khoa học - công nghệ và đặc biệt với cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0; các Hiệp định thương mại tự do; các xu thế kinh tế mới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ…; thế và lực của đất nước tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội vùng và các địa phương. Các khó khăn, thách thức vùng phải tiếp tục đối mặt như: khoa học công nghệ phát triển chậm; năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh thấp; tốc độ đô thị hóa, chất lượng đô thị thấp và thiếu liên kết; doanh nghiệp chủ yếu quy mô nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh thấp; các Khu Kinh tế ven biển, các trung tâm logistics, cảng cạn phát triển chậm; vùng phía Tây của các địa phương còn nhiều khó khăn; chất lượng lao động thấp; tình trạng biến đổi khí hậu, tai biến thiên nhiên với tần suất và cường độ ngày càng tăng.
Bốn là, một số đại biểu đã làm nổi bật thêm các tiềm năng, lợi thế đặc thù của vùng, từng địa phương trong vùng nhất là các lợi thế về phát triển kinh tế biển, năng lượng tái tạo, du lịch, các khu kinh tế biển; phát triển hệ thống đô thị ven biển và các tổ hợp du lịch - dịch vụ, cảng biển… Trên cơ sở đó, một số đại biểu đã đề xuất bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù cho từng địa bàn, lĩnh vực cụ thể trong vùng nhằm vừa quản lý chặt chẽ, vừa gia tăng lợi thế quy mô, khơi thông, khai thác hiệu quả hơn các tiềm năng, lợi thế của từng lĩnh vực, địa bàn, địa phương trong vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ.
Đồng chí Đặng Huy Đông, Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham gia thảo luận
Năm là, các đại biểu đều cho rằng, liên kết phát triển vùng tất yếu khách quan, là một trong những động lực tăng trưởng phát triển kinh tế - xã hội vùng. Liên kết phát triển vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ cần thay đổi về nhận thức tư duy và hành động của cả hệ thống chính trị; cần đi từ đơn giản đến phức tạp với nhiều bên tham gia trong đó vai trò của Nhà nước là thúc đẩy, hỗ trợ và có thể là 01 đối tượng liên kết; cần tập trung vào liên kết trong xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch; liên kết về phát triển hệ thống đô thị và các tổ hợp du lịch - dịch vụ, cảng biển; liên kết phát triển các khu kinh tế biển và hình thành các trục kinh tế biển; liên kết trong đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; liên kết phát triển du lịch; liên kết xây dựng bộ dữ liệu chung cho vùng; liên kết trong xúc tiến và thu hút đầu tư; liên kết trong đầu tư xây dựng các dự án có tác động lan tỏa đến vùng, liên vùng; liên kết trong bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu… Trong đó, đề xuất xây dựng và ban hành một thể chế đủ mạnh kèm theo một cơ chế điều phối, liên kết hiệu quả, thực chất trong đó Nhà nước đóng vai trò điều phối, định hướng thông qua quy hoạch và các chính sách trong quản lý và phân bổ nguồn lực.
Sáu là, một số ý kiến tập trung phân tích sâu vào thực trạng phát triển các địa phương, địa bàn, ngành, lĩnh vực có vai trò quan trọng với phát triển kinh tế - xã hội địa phương, vùng; đề xuất một số cơ chế, chính sách cần ban hành, hoàn thiện và bổ sung nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội các địa phương theo ngành, lĩnh vực, địa bàn nhằm chuyển dịch cơ cấu các địa phương theo lợi thế. Một số ý kiến tập trung đề xuất các quan điểm, mục tiêu để phát triển kinh tế phải gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh, biên giới, vùng biển, đảo của Tổ quốc với nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp với điều kiện của vùng.
Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam tham gia thảo luận
Bảy là, các đại biểu đều thống nhất đề nghị Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị ban hành 01 Nghị quyết mới cho vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với những chủ trương, định hướng phù hợp bối cảnh, tình hình mới; đề xuất bổ sung cơ chế, chính sách mới để tạo động lực cho toàn vùng, tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh các địa phương, vùng trong thời gian tới.
Đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nêu rõ, Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 39- NQ/TW ghi nhận và đánh giá cao các góp ý của Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo vì sự phát triển bền vững của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ. Ban Chỉ đạo giao Thường trực Tổ Biên tập chắt lọc, tổng hợp kết quả Hội thảo để bổ sung, cập nhật vào trong Báo cáo tổng kết Nghị quyết 39- NQ/TW đảm bảo phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ tổng kết và tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư các chủ trương, định hướng phù hợp nhằm phát triển vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ trong thời gian tới.
Quang cảnh hội thảo
Chiều cùng ngày, cũng tại Ban Kinh tế Trung ương, Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW sẽ tổ chức Hội nghị Góp ý Dự thảo báo cáo “Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 16/8/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2010 và Kết luận số 25-KL/TW, ngày 02/8/2012 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW”. Hội nghị để các thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục tham gia ý kiến, thống nhất các nội dung để Thường trực Tổ Biên tập tiếp tục hoàn thiện các dự thảo và báo cáo Bộ Chính trị theo Kế hoạch đề ra, dự kiến vào giữa tháng 9/2022. Ban Biên tập sẽ tiếp tục đưa tin về Hội nghị này.
Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế