Triển khai thực hiện chương trình công tác của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Bộ Chính trị giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương xây dựng Đề án "Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII. Nhằm cung cấp thêm các luận cứ khoa học, cơ sở lý luận, kinh nghiệm quốc tế và một số đề xuất về chủ trương, mô hình, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) của Việt Nam góp phần phục vụ xây dựng Đề án, Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án và Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Thành ủy Đà Nẵng, Đại học Đà Nẵng đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Phát triển ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu chỉ đạo
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án cùng các đồng chí: Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng; Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam; Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng đồng chủ trì Hội thảo.
Đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng
phát biểu Khai mạc hội thảo
Hội thảo có sự tham gia của 250 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, một số địa phương có ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng cao, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế cùng đông đảo các cơ quan báo chí. Các đơn vị tham gia đồng hành và truyền thông cùng Hội thảo gồm có: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB); Furama Resort Danang; Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA); Công ty cổ phần Hàng không (VIETJET); Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO); Công ty Alpha Asimov Robotics; Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Đoàn chủ tọa hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng bày tỏ vui mừng và vinh dự được Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án lựa chọn là địa phương phối hợp tổ chức Hội thảo quan trọng này. Đồng chí Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh, phát triển ngành dịch vụ trong bối cảnh CNH, HĐH đã mang lại các giá trị rất to lớn, không chỉ tạo động lực chi kinh tế phát triển mà còn khơi dậy được các tiềm năng, lợi thế và văn hóa của đất nước, con người Việt Nam, tạo lập, củng cố sự liên kết giữa các ngành, các lĩnh vực và tác động lan tỏa đến toàn bộ nền kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng, vì vậy, Hội thảo hôm nay có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với quá trình xây dựng Đề án "Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Với tinh thần đó, phát biểu đề dẫn Hội thảo, đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề đang đặt ra trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó lường đối với sự nghiệp CNH, HĐH đất nước nói chung và lĩnh vực dịch vụ nói riêng, đòi hỏi Trung ương có những chủ trương lớn, quyết sách đúng để đưa Việt Nam vào một thời kỳ phát triển mới: bền vững và phồn vinh, cụ thể như:
Đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng phát biểu khai mạc
Một là, dự báo những ngành nghề dịch vụ mới trong những năm sắp tới. Trên cơ sở đó xác định các ngành dich vụ nên ưu tiên phát triển đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và thế giới; Cơ cấu lại ngành dịch vụ hiện nay của nước ta dựa trên công nghệ hiện đại để bắt kịp xu thế phát triển các ngành dịch vụ trên thế giới; Cách thức sử dụng công nghệ số và đổi mới sáng tạo vào phát triển các ngành dịch vụ ưu tiên ở Việt Nam;
Hai là, các vùng kinh tế của Việt Nam nên ưu tiên phát triển những ngành dịch vụ nào phù hợp với lợi thế của mình; Cách thức huy động nguồn lực để phát triển các ngành dịch vụ ưu tiên của Việt Nam; Chiến lược liên kết vùng thế nào để phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của nước ta trong phát triển dịch vụ hiện đại. Cần có chiến lược liên kết vùng trong phát triển các loại hình dịch vụ truyền thống như vận tải, logistics, công nghiệp hỗ trợ... đến các loại hình dịch vụ hiện đại dựa trên nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như viễn thông, thương mại điện tử, tài chính ngân hàng, y tế, giáo dục...
Ba là, cơ chế chính sách phát triển các ngành dịch vụ ưu tiên của Việt Nam; Chính sách khuyến khích đầu tư mạo hiểm để phát triển các ngành nghề dịch vụ mới; Chính sách liên kết phát triển dịch vụ liên quốc gia trong cộng đồng kinh tế ASEAN và thông qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà nước ta đã ký kết.
Bốn là, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành nghề dịch vụ mới; Nghiên cứu phương thức xây dựng chương trình đào tạo nhân lực mới của các nước phát triển; Tập trung phát triển các chương trình đào tạo nhân lực chất lượng cao mà con người Việt Nam có thế mạnh, đặc biệt các lĩnh vực liên quan đến khoa học cơ bản, trí tuệ nhân tạo theo hướng ứng dụng; Qui hoạch cơ cấu nhân lực phù hợp với yêu cầu phát triển của từng vùng miền và cả nước; xây dựng mô hình dịch vụ cung cấp nhân lực chất lượng cao đáp ứng thị trường lao động trong và ngoài nước...
TS Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Tổ trưởng Tổ Biên tập xây dựng Đề án
điều hành phần thảo luận
Với yêu cầu đó, tại Hội thảo, các diễn giả trong nước, quốc tế như đại diện Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam; Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thành ủy Đà Nẵng, Trường Đại học Kinh tế - ĐH Đà Nẵng, Trường Đại học Việt Đức, Ngân hàng Vietcombank, Công ty TNHH The Boston Consulting Group (BCG) tại Việt Nam, Tập đoàn Savico… đã trao đổi, thảo luận và đưa ra những vấn đề lý luận và thực tiễn mới đặt ra từ quá trình CNH, HĐH đất nước nói chung, vấn đề phát triển các ngành dịch vụ mới nói riêng theo hướng cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển hạ tầng, thúc đẩy chuyển đổi số... Hội thảo cũng nghe chia sẻ một số kinh nghiệm quốc tế cũng như khuyến nghị đề xuất về một số chủ trương, chính sách cùng với các nhiệm vụ, giải pháp phát triển các ngành dịch vụ trong bối cảnh và điều kiện mới.
Tại phiên thảo luận do TS Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Tổ trưởng Tổ Biên tập xây dựng Đề án điều phối cùng sự tham gia chia sẻ, đối thoại, phân tích và thảo luận của các đại diện lãnh đạo, chuyên gia các tổ chức quốc tế, lãnh đạo ban, bộ, ngành, địa phương và đại diện các DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, tập trung vào một số nội dung: (1) Cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; (2) Phát triển các ngành dịch vụ mới trong quá trình CNH, HĐH; (3) Phát triển hạ tầng và thúc đẩy chuyển đổi số cho phát triển các ngành dịch vụ; (4) Đề xuất các chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển dịch vụ trong quá trình CNH, HĐH.
Ông Il-Dong Won, Giám đốc điều hành Công ty TNHH BCG tại Việt Nam phát biểu tham luận
Phát biểu chỉ đạo kết luận Hội thảo, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án nhấn mạnh, thực tế đã chứng minh, phát triển ngành dịch vụ là động lực quan trọng thúc đẩy thực hiện các mục tiêu CNH, HĐH. Kết quả đánh giá CNH, HĐH giai đoạn vừa qua đã cho thấy, cùng với sự phát triển chung của nền kinh tế, khu vực dịch vụ đã có bước tăng trưởng đáng kể về quy mô, đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Các ngành dịch vụ đã phát triển đa dạng hơn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của sản xuất và đời sống. Theo số liệu thống kê tỷ trọng của khu vực dịch vụ trong GDP tăng dần qua các năm, hiện chiếm trên 40% GDP. Thương mại truyền thống tiếp tục phát triển mạnh, Việt Nam đang trở thành một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu, đứng vị trí thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng và mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu. Thương mại điện tử cùng với các nền tảng thanh toán trực tuyến được ứng dụng rộng rãi và phát triển mạnh mẽ thay thế dần thương mại truyền thống và dần trở thành một kênh phân phối ngày càng quan trọng, đã góp phần thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, thúc đẩy mua sắm trực tuyến. Lĩnh vực tài chính - ngân hàng, loại hình Fintech đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của các công ty, doanh nghiệp công nghệ lớn tại Việt Nam như FPT, Viettel, VNPT… ngân hàng điện tử, giáo dục đào tạo trực tuyến tăng nhanh đã góp phần giúp ngành dịch vụ thích ứng tốt hơn và phù hợp hơn với bối cảnh phát triển mới của thế giới, đặc biệt là dịch Covid-19. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, lĩnh vực du lịch đã chú trọng hướng tới bảo tồn di sản văn hóa và phát huy vai trò của các giá trị văn hoá truyền thống góp phần nâng cao vị thế đất nước và phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Lĩnh vực dịch vụ vận tải trực tuyến và lưu trú khách sạn được đầu tư mới cho mục đích kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ. Lĩnh vực dịch vụ môi trường, đã thu hút đầu tư của một số công ty cung cấp nền tảng để chủ động nguồn thải ở Việt Nam. Một số ngành dịch vụ hình thành các sản phẩm dịch vụ hiện đại, chất lượng cao như dịch vụ y tế, bảo hiểm đã góp phần phục vụ mục tiêu kinh tế - xã hội và đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt, các mô hình kinh doanh mới, kinh tế chia sẻ xuất hiện và phát triển góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang các ngành có hàm lượng công nghệ cao, phát triển kinh tế Việt Nam theo hướng hiện đại.
Ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cụ Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tham luận
Tuy nhiên, bên cạnh những bước phát triển quan trọng của ngành dịch vụ, đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng đồng tình với nhiều ý kiến khi đánh giá về quá trình phát triển ngành dịch vụ cũng có nhiều vấn đề lớn đặt ra như: Việt Nam luôn nhập siêu trong các cán cân thương mại dịch vụ, nhất là với dịch vụ có hàm lượng công nghệ và trí thức cao. Một số dịch vụ quan trọng hiện nay còn có tỷ trọng nhỏ như dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm (chiếm 5,37%); khoa học và công nghệ (1,29%); giáo dục và đào tạo (4,03%), thông tin truyền thông (0,68%). Hệ thống hạ tầng thương mại chưa theo kịp với nhu cầu phát triển, chi phí logistic vẫn chiếm tỷ trọng cao. Một số mô hình kinh tế chia sẻ, mô hình kinh tế nền tảng dựa trên công nghệ số, nền tảng số phát triển nhanh nhưng còn thiếu cơ chế kiểm soát đồng bộ nên gây xâm lấn và phá vỡ kết cấu kinh tế truyền thống. Thực tế các tồn tại, hạn chế nêu trên đã đặt ra yêu cầu cần phải đổi mới tư duy về cách tiếp cận mô hình phát triển, đề ra những định hướng, mục tiêu phù hợp, nghiên cứu, đề xuất những nhiệm vụ và giải pháp mới, đột phá, mang tính bao trùm, tổng thể và có tính thực thi cao phù hợp với bối cảnh và yêu cầu phát triển mới, để xây dựng chiến lược phát triển ngành dịch vụ phù hợp, hiệu quả hơn trong tiến trình thực hiện CNH, HĐH đất nước trong thời gian tới.
PGS.TS Bùi Quang Bình, Đại học Đà Nẵng phát biểu tham luận
Với gần 60 bài tham luận đăng Kỷ yếu Hội thảo, 5 báo cáo chính và ý kiến trao đổi của 10 diễn giả tại phần thảo luận, có thể thấy, các báo cáo, tham luận đã phản ánh sát những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra về phát triển ngành dịch vụ trong quá trình CNH, HĐH, góp phần thiết thực, hữu ích phục vụ cho việc hoàn thiện Đề án, đồng chí Trần Tuấn Anh ghi nhận và đánh giá cao chất lượng Hội thảo, sự quan tâm, trách nhiệm của các đơn vị đồng chủ trì, đặc biệt là các đại biểu đến từ các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương, viện, trường, đại học, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế, các DN đã tham dự. Đồng chí nhấn mạnh thêm một số nội dung chính đã được thống nhất cao trong Hội thảo như:
Thứ nhất, các ý kiến phát biểu tại buổi Hội thảo đã có sự thống nhất cao và đồng tình cho rằng công nghiệp hóa, hiện đại hóa là quá trình tất yếu, là nhiệm vụ trung tâm để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, bảo đảm đến năm 2030, nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Đồng thời, Hội thảo cũng nhấn mạnh, mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời gian tới rõ ràng cần phải thay đổi để phù hợp với bối cảnh mới. Theo đó, công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa cần trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với yêu cầu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và bao trùm, trọng tâm là chuyển đổi số toàn diện các ngành, các lĩnh vực; đặt con người vào vị trí trung tâm, xác định rõ người dân là đối tượng phục vụ, thụ hưởng đồng thời khẳng định rõ công nghiệp hóa, hiện đại hóa là sự nghiệp toàn dân.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sovico phát biểu tham luận
Hội thảo cũng khẳng định rằng, không đồng nhất công nghiệp hóa với phát triển công nghiệp, bảo đảm phát triển hài hòa giữa công nghiệp với nông nghiệp và dịch vụ theo lợi thế của từng vùng và địa phương, chú trọng liên kết vùng để tạo không gian phát triển mới. Phát triển ngành dịch vụ có vai trò quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; để nâng cao hiệu quả đóng góp của ngành dịch vụ, cần chú trọng phát triển dịch vụ công nghệ cao, hình thành được các ngành dịch vụ mới trên cơ sở ứng dụng công nghệ số, nền tảng số; chú trọng cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, quan tâm xây dựng hệ sinh thái dịch vụ và phát triển các loại dịch vụ mới có tính liên ngành (ví dụ như du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch cộng đồng, du lịch kết hợp công tác, làm việc từ xa...).
Thứ hai, cần chú trọng phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao như: công nghiệp công nghệ số, hàng hải, dịch vụ kỹ thuật dầu khí, hàng không, viễn thông. Quan tâm hiện đại hóa và mở rộng các dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, logistics và các dịch vụ hỗ trợ sản xuất kinh doanh khác theo hướng chú trọng dịch vụ ngân hàng số; xây dựng tài chính điện tử và thiết lập nền tảng tài chính số hiện đại, bền vững. Phát triển mạnh ngành công nghiệp văn hóa và các dịch vụ khoa học và công nghệ, thông tin truyền thông, đặc biệt cần chú trọng và phát triển có hiệu quả hệ thống dịch vụ việc làm và an sinh xã hội. Đẩy nhanh chuyển đổi số ngành y tế, phát triển dịch vụ hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa, hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên các công nghệ số... cùng với thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực dịch vụ đời sống xã hội, đồng thời chú trọng xây dựng các thể chế phù hợp để tạo điều kiện phát triển.
Thứ ba, tăng cường năng lực hệ thống thương mại, phân phối bán buôn, bán lẻ song song với chủ động xây dựng và phát triển nhanh các nền tảng thương mại điện tử trong nước, gắn kết với mạng phân phối toàn cầu, phát triển nhanh hệ thống phân phối các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh ở cả trong và ngoài nước, xây dựng thương hiệu hàng hoá Việt Nam. Xây dựng và triển khai các đề án, chương trình phát triển các lĩnh vực dịch vụ phụ trợ nhằm cung cấp đầu vào quan trọng cho các ngành công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu, công nghiệp ưu tiên.
Đông Nguyễn Mạnh Hùng, Thành viên HĐQT Vietcombank phát biểu tham luận
Thứ tư, phát triển ngành du lịch, bảo đảm tính chuyên nghiệp, đồng bộ, bền vững. Tạo lập hệ sinh thái du lịch thông minh. Trong thời gian tới cần tập trung phát triển nhanh một số trung tâm dịch vụ, du lịch tầm cỡ khu vực và thế giới gắn phát triển du lịch với hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế đất nước, song song với bảo tồn và phát huy vai trò của các giá trị di sản, văn hoá truyền thống. Chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị hình thành nên các sản phẩm du lịch để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Cuối cùng, cần tập trung ưu tiên hàng đầu cho phát triển dịch vụ giáo dục và đào tạo để thực hiện thắng lợi chủ trương tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo như được nêu trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII; chú trọng tăng cường cung cấp các dịch vụ giáo dục số, đặc biệt là đại học số trên cơ sở ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập để thúc đẩy nhanh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; có các cơ chế, chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài; đặc biệt quan tâm phát triển công nghiệp văn hóa với các sản phẩm, loại hình văn hóa độc đáo, sáng tạo có sức lan tỏa trên cơ sở nhận định rõ và phát huy sức mạnh của nền văn hóa giàu bản sắc Việt Nam đi đôi với phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa tiêu biểu, ứng dụng các thành tựu của về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa của thế giới; xây dựng con người Việt Nam toàn diện gắn với yêu cầu phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Quang cảnh Hội thảo
Là nền kinh tế phát triển năng động, tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do, trong đó có nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với 60 đối tác lớn, có thị trường nội địa gần 100 triệu dân, trong đó dân số trẻ chiếm tỷ lệ cao, có tinh thần vượt khó, đổi mới sáng tạo, có khả năng thích ứng nhanh, Việt Nam kiên định nỗ lực hướng đến mục tiêu xây dựng một đất nước hùng cường, thịnh vượng, xây dựng được nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, Đồng chí Trần Tuấn Anh tin tưởng rằng, các nội dung trao đổi ngày hôm nay sẽ góp phần đề xuất những quan điểm mới, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá, kiến nghị phù hợp hiệu quả, khả thi về chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương yêu cầu Tổ Biên tập xây dựng Đề án tổng hợp và tiếp thu đầy đủ các nội dung trình bày và ý kiến thảo luận ngày hôm nay để hoàn thiện nội dung dự thảo Đề án./.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế