Tham dự sự kiện có đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường; đồng chí Phạm Đại Dương, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên và một số đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương và tổ chức quốc tế.
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Lễ mít tinh
Phát biểu tại Lễ mít tinh, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, Biển và đại dương có vai trò sống còn đối với sự sinh tồn và phát triển của loài người. Đại dương, biển và các khu vực ven biển là thành phần quan trọng của hệ sinh thái Trái đất với diện tích bao phủ hơn 2/3 bề mặt trái đất và chứa 97% lượng nước của hành tinh. Biển và đại dương tạo ra sinh kế bền vững và việc làm ổn định cho hơn ba tỷ người; có chức năng điều chỉnh chính của khí hậu toàn cầu; là bể chứa quan trọng đối với khí nhà kính, cung cấp chủ yếu nước và oxy cho sự sống toàn cầu. “Bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và tài nguyên biển” là một trong những mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Việt Nam là quốc gia biển, có bề dày về lịch sử, truyền thống, văn hóa và quá trình dựng nước, giữ nước gắn liền với biển. Chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là tập trung phát triển bền vững, toàn diện các ngành kinh tế biển, các vùng biển và hải đảo; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá biển; bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo bền vững đi đôi với bảo đảm quốc phòng, an ninh, an toàn trên biển; bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia trên biển. Thúc đẩy, tạo động lực mạnh mẽ để nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển. Việc tổ chức thường niên Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam là thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước Việt Nam tới biển, đồng thời khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của biển trong tiến trình phát triển nhanh và bền vững của đất nước ta.
Đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường phát biểu tại Lễ mít tinh
Năm 2022, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam với chủ đề “Phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển” là thông điệp thể hiện sự quyết tâm bảo vệ và nâng cao sức sống của biển, thông qua việc thực hiện các chương trình bảo vệ môi trường biển, đảo, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong khai thác, sử dụng biển và phát triển bền vững kinh tế biển ở nước ta.
Để thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong phát triển bền vững kinh tế biển, góp phần thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc về phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu “Bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và nguồn lợi biển”, đồng chí Trần Tuấn Anh đề nghị các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đồng chí, đồng bào cả nước cùng chung tay thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Bà Caitlin Wiesen, Quyền điều phối viên, Đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam
phát biểu tại Lễ mít tinh
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc, nhận thức đầy đủ và toàn diện các nội dung, tăng cường triển khai đồng bộ các khâu đột phá, giải pháp chủ yếu về phát triển bền vững kinh tế biển được nêu tại Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII và Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển và hải đảo; tạo sự đồng thuận, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế trong công cuộc bảo vệ biển, đảo và phát triển bền vững kinh tế biển.
Thứ hai, các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương, nhất là 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển cần đánh giá toàn diện, đầy đủ, cụ thể những thách thức trong công tác bảo vệ chủ quyền, khai thác bền vững tài nguyên biển, hải đảo; tình hình ô nhiễm môi trường biển, hải đảo của mỗi địa phương, từ đó có chính sách ưu tiên nhằm giải quyết một cách tổng thể, hiệu quả những thách thức đó.
Cần xác định kinh tế biển là động lực để phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước nói chung và kinh tế của các địa phương nói riêng sau đại dịch; lấy doanh nghiệp làm trung tâm, khuyến khích hình thành, phát triển các tập đoàn kinh tế lớn đầu tư trong các ngành/lĩnh vực kinh tế biển, đặc biệt là các ngành kinh tế biển chủ đạo.
Thứ ba, xây dựng lực lượng bảo vệ chủ quyền, thực thi pháp luật trên biển vững mạnh, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo từ sớm, từ xa trong mọi tình huống.
Tăng cường quan hệ với các nước, các đối tác, nhất là các nước có tiềm lực về biển trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi và phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế; chủ động, tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế và khu vực.
Câc đại biểu dự lễ mít tinh
Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển bền vững kinh tế biển, ưu tiên hoàn thiện hành lang pháp lý, đổi mới, phát triển mô hình tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của các ngành kinh tế biển; hoàn thiện cơ chế quản lý tổng hợp và thống nhất về biển. Khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung và lập mới các quy hoạch liên quan đến biển, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ giữa các ngành, địa phương, trọng tâm là Quy hoạch không gian biển quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thứ năm, phát triển kết cấu hạ tầng đa mục tiêu, đồng bộ, nhất là mạng lưới giao thông kết nối các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, các khu công nghiệp, khu đô thị, các vùng biển với các cảng biển dựa trên hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, kết nối chiến lược Bắc - Nam, Đông - Tây giữa các vùng trong nước và với quốc tế, trọng tâm là tuyến đường bộ ven biển Việt Nam theo quy hoạch.
Với sự chung sức, đồng lòng, sự nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị, của các tổ chức, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân cả nước, đồng chí Trần Tuấn Anh tin tưởng rằng, biển và hải đảo của chúng ta, đại dương của chúng ta sẽ ngày một “khỏe mạnh” hơn, xanh hơn, đẹp hơn; kinh tế biển sẽ ngày càng phát triển bền vững đưa nước ta trở thành quốc gia giàu từ biển, mạnh về biển, đóng góp lớn hơn cho phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.
Thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương hoan nghênh và biểu dương sáng kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tỉnh uỷ Phú Yên đã tổ chức các hoạt động thiết thực, có ý nghĩa hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2022; đánh giá cao sự hưởng ứng, tham gia tích cực Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2022 của các cơ quan Trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội, các địa phương, doanh nghiệp và người dân. Đồng chí cũng gửi lời cảm ơn tới các tổ chức quốc tế đã tích cực hỗ trợ Việt Nam trong các hoạt động bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững kinh tế biển./.
Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế