Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Ảnh: QH |
Chiều ngày 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trực tiếp trả lời chất vấn các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, đặt câu hỏi.
Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội), thời gian qua hoạt động đối ngoại của Việt Nam đã thành công rực rỡ nhờ sự kiên định, linh hoạt và mềm dẻo. Đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết một số định hướng đối ngoại thời gian tới trong bối cảnh tình hình có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.
Trả lời đại biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, về định hướng đối ngoại, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Hiến pháp và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nêu rõ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Đất nước ta đang thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối đối ngoại này trong bối cảnh khu vực và quốc tế hiện nay, với 3 trụ cột chính: ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa. "Chúng ta không chọn bên mà chọn công lý và lẽ phải, ủng hộ các vấn đề vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển, phù hợp quan điểm đối ngoại của chúng ta", Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng biểu dương Bộ Ngoại giao đã tích cực thực hiện Chiến lược vaccine, trong đó làm tốt việc ngoại giao vaccine. Đặc biệt, với sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, Việt Nam đã đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe của người dân nhưng vẫn tiết kiệm chi phí.
Cải cách thể chế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm
Đặt vấn đề chất vấn, đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cho biết, ngay từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã xác định cải cách thể chế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Từ đó, đại biểu nêu câu hỏi về những quan điểm chính, trụ cột trong cải cách thể chế.
Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, cải cách thể chế là một trong ba đột phá chiến lược, cải cách thể chế phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn và tôn trọng thực tiễn khách quan, phục vụ lợi ích của người dân, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể. Các trụ cột cần tập trung vào là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa với quan điểm xuyên suốt, lấy con người làm trung tâm, làm chủ thể là mục tiêu, là động lực, nguồn lực cho sự phát triển.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, mỗi tháng Chính phủ đều tổ chức phiên họp chuyên đề bàn về cách thể chế, bàn về xây dựng pháp luật. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã xem xét gần 70 luật và đang trình Quốc hội hơn 10 dự án luật.
Cần có sự đầu tư về nguồn lực, thể chế, con người
Liên quan đến việc thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp trong phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết kết quả thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, khó khăn, vướng mắc và biện pháp tháo gỡ.
Trả lời đại biểu, Thủ tướng cho biết, vừa qua chúng ta đã tổ chức hội nghị văn hóa toàn quốc với kết luận, chỉ đạo của Tổng Bí thư và đang tiếp tục cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đặt ngang tầm văn hóa với chính trị, kinh tế, xã hội. Kết quả thực hiện trong thời gian vừa qua, nhận thức về vấn đề văn hóa đang được nâng lên, mang đến sự thay đổi trong hành động và sẽ tiếp tục đưa đến những kết quả tốt hơn trong thời gian tới.
Thủ tướng cho rẳng, cần có sự đầu tư về nguồn lực, thể chế, con người để phát huy tối đa bản sắc, nền văn hóa Việt Nam, xây dựng con người Việt Nam, phát huy tối đa năng lực, trí tuệ, phẩm chất con người Việt Nam cho quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Trả lời câu hỏi về vấn đến an sinh xã hội của đại biểu Bùi Xuân Thống (Đồng Nai), Thủ tướng cho biết, chúng ta làm rất nhiều biện pháp liên quan đến an sinh xã hội như: công ăn việc làm, đảm bảo cho người có công, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo bảo hiểm xã hội cho các đối tượng khác nhau.
“Phải nói là vừa qua chưa bao giờ chúng ta làm về an sinh xã hội lớn như thế, cho đến giờ này chúng ta chi 87.000 tỷ cho gần 56 triệu người và hơn 800 người sử dụng lao động. Đây là một việc làm rất lớn của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự đóng góp của các đại biểu Quốc hội”, Thủ tướng nêu rõ.
Theo dangcongsan.vn