Samsung đã lên kế hoạch đóng cửa nhà máy cuối cùng tại Trung Quốc, theo tờ South China Moring Post. Khu tổ hợp nhà máy ở Huệ Châu là nơi cung cấp 1/5 tổng địện thoại bán ra tại Trung Quốc năm 2011.
South China Moring Post cho biết thị phần của Samsung tại Trung Quốc năm 2018 đã giảm chỉ còn 1% trước sự cạnh tranh gay gắt của các đối thủ nội địa, gồm Xiaomi, Huawei, Oppo.
Trong quý I/2019, lượng xuất khẩu điện thoại của hãng này từ Huệ Châu đã giảm 20,1% so với cùng kỳ năm 2018. Vào thời hoàng kim, khi Samsung đứng đầu thế giới về doanh số điện thoại thông minh, tổ hợp nhà máy ở Huệ Châu sản xuất ra 70,14 triệu thiết bị di động.
Cuối năm 2018, Samsung đã đóng cửa nhà máy ở Thiên Tân khiến cho 2.600 công nhân phải nghỉ việc, sau khi đóng của nhà máy ở Thâm Quyến một vài tháng trước đó.
Việc Samsung liên tiếp đóng cửa các nhà máy khiến nhiều câu hỏi đặt ra về vị thế của công xưởng thế giới của Trung Quốc, cũng như việc Samsung sẽ chọn nước thứ 3 nào để sản xuất.
Trái với động thái thu hẹp và sau đó rút chân khỏi thị trường tỷ dân, Samsung đang ngày càng mở rộng sản xuất ở Ấn Độ và Việt Nam. Bên cạnh những lợi thế chung về nguồn lao động dồi dào, giá rẻ, chuộng sản phẩm của Samsung, Ấn Độ và Việt Nam có rất nhiều điểm để cạnh tranh nhau trong việc thu hút ông lớn smartphone này.
Ấn Độ được đánh giá là thị trường smartphone quy mô lớn. Từ năm 2017, nước này đã vượt Mỹ trở thành nơi tiêu thụ điện thoại di động thông minh lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Năm 2021, Ấn Độ được dự báo sẽ tiêu thụ khoảng 780 triệu smartphone, tăng gấp đôi so với năm 2016.
Chi phí sản xuất ở Ấn Độ theo Reuters cũng thấp hơn nhờ quy mô lớn. Điện thoại làm ra ở nước này cũng không phải chịu thuế nhập khẩu. Mức thuế đối với smartphone nhập khẩu khoảng 20%.
Nếu tính quy mô thị trường, Việt Nam với khoảng 100 triệu dân sẽ không thể so sánh với 1,3 tỷ dân Ấn Độ. Nhưng Việt Nam lại là một điểm đến hấp dẫn. Khi Samsung cho biết sẽ đóng cửa nhá máy ở Thiên Tân, tờ The Economist đã đánh giá Việt Nam sẽ là lựa chọn tốt cho hãng điện thoại này. Khác với nhiều quốc gia khác có xu hướng nhập khẩu nguyên liệu hoặc linh kiện sang Trung Quốc để lắp ráp sản phẩm, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu thành phẩm hoàn chỉnh.
Th.S Nguyễn Bình Minh, Phó trưởng khoa Thương mại điện tử - Đại học Thương Mại từng nhận định môi trường Việt Nam có tính ổn định cũng như Samsung có quan hệ gắn kết lâu đời tại đây. Do đó, khi đến Việt Nam, Samsung không phải cân đo đong đếm lợi ích nhiều, bản thân doanh nghiệp đã được tạo rất nhiều điều kiện để phát triển.
Lãnh đạo của Samsung cũng nhiều lần khẳng định Việt Nam là cứ điểm chiến lược lớn nhất toàn cầu của doanh nghiệp này không chỉ trong sản xuất mà còn trong nghiên cứu và phát triển.
"Việt Nam không chỉ là nơi sản xuất mà còn là nơi phát triển các linh kiện và là nơi đặt trung tâm nghiên cứu để phát triển công nghệ cho kỷ nguyên mới. Các trung tâm nghiên cứu cũng không ngừng được mở rộng quy mô", ông DJ Koh chủ tịch kiêm CEO mảng Kinh doanh Di động của Samsung nói với báo chí hồi tháng 4/2019.
"Với việc phát triển phần mềm song song với nhà máy sản xuất phần cứng, Việt Nam đang trở thành địa điểm chiến lược của Samsung", ông cho biết thêm
Báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 14/6, TGĐ Tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho cho biết, doanh thu của Samsung Việt Nam đạt 28,5 tỷ USD, xuất khẩu đạt 24 tỷ USD tính đến cuối tháng 5/2019. Dự kiến cả năm 2019, doanh thu của Tổ hợp đạt 73,5 tỷ USD, xuất khẩu đạt 63,5 tỷ USD, tăng trưởng 5% so với năm 2018.
Samsung cũng đang triển khai kế hoạch xây dựng tòa nhà trung tâm nghiên cứu và phát triển của Samsung tại Việt Nam.
Hiện doanh nghiệp này đã tiến hành các thủ tục cần thiết để xây dựng trung tâm tại Hà Nội và khi đi vào hoạt động, trung tâm có quy mô tới 3.000 người, sẽ là cơ sở nghiên cứu và phát triển lớn nhất tại Đông Nam Á.
Một điều đặc biệt hơn, Samsung cũng đã mời gọi các doanh nghiệp công nghệ lớn của nước này tham gia đầu tư vào Việt Nam, ví dụ dự án 500 triệu USD tại Bắc Giang của một doanh nghiệp Hàn Quốc trong lĩnh vực chất bán dẫn.
Theo Cafef