INCLUSIVE GROWTH IN VIETNAM IN THE CONTEXT OF GLOBAL INTEGRATION AND INDUSTRIAL REVOLUTION
TS. Nguyễn Thắng, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
Dr. Nguyen Thang, Vietnam Academy of Social Sciences
Tóm tắt:
Tăng trưởng bao trùm là khái niệm về tăng trưởng kinh tế mà trong đó mọi thành phần trong nền kinh tế đều có được cơ hội phát triển và các lợi ích khác, bao gồm cả các lợi ích về mặt kinh tế, một cách công bằng. Việt Nam đã đạt được những thành tựu phát triển kinh tế nổi bật với tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 6,51% trong giai đoạn 1986-2014, thu nhập người dân đã tăng hơn 20 lần từ mức dưới 100USD những năm 1990 lên mức hơn 2000USD năm 2015 và trở thành một nước có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, đi liền với sự phát triển kinh tế nhanh chóng đó là khoảng cách giàu nghèo ngày một gia tăng trong xã hội. Trong bối cảnh Việt Nam đã và đang hội nhập ngày một sâu rộng hơn với thế giới và đặc biệt khi mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra đem lại nhiều cơ hội cho Việt Nam, những đổi mới về mặt chính sách là vô cùng quan trọng để đảm bảo một sự tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm với mọi thành phần trong xã hội. Nghiên cứu này của chúng tôi sẽ đề cập tới những thành tựu, tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua và những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt cũng như đưa ra một số khuyến nghị chính sách để đảm bảo tính bền vững và bao trùm của tăng trưởng kinh tế.
Abstract:
Inclusive growth is economic growth that creates opportunity for all segments of the population and distibutes the dividends of increased prosperity, both in monetary and non-monetary terms, fairly across the society. Vietnam has achieved a remarkable economic growth of 6,51% over the period of 1986-2014, which has resulted in the income per capita increasing more than 20 times, from below $100USD in the 1990s to more than $2000 in 2015 and Vietnam is now a low middle income economy. However, the gap between the rich and the poor, to a greater or lesser extent, has windened and somehow resulted in increasing social tensions. In the context of the Vietnam becoming more and more integrated into the global economy and the fourth industrial revolution has been evolving, thus, economic reform is essentially important for Vietnam in order to ensure and sustain an inclusive growth for all stakeholders in the economy and society. The paper examines the progress Vietnam has made so far in achieving an inclusive economic growh, the challenges the country has to face externally and internally, and proposes some policy recommendations for the case of Vietnam.
Báo cáo này do một nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Phân tích và Dự báo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam xây dựng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Giáo sư Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Nhóm nghiên cứu bao gồm Nguyễn Thắng, Nguyễn Thu Hương, Phạm Minh Thái, Nguyễn Thị Kim Thái và Nguyễn Thị Vân Hà.
Báo cáo này được chắt lọc từ hai báo cáo khác là Báo cáo phát triển con người Việt Nam năm 2015 "Tăng trưởng vì mọi người" và Báo cáo "Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Một số đặc trưng, tác động và hàm ý chính sách đối với Việt Nam".
Trong quá trình nghiên cứu, thông qua các buổi báo cáo và trình bày tại các cuộc hội thảo, nhóm nghiên cứu đã nhận được những ý kiến đóng góp từ các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia và các nhà nghiên cứu. Nhóm nghiên cứu xin trân trọng cám ơn những ý kiến quý báu đó. Báo cáo đã được bổ sung, chỉnh sửa dựa trên cơ sở các ý kiến đóng góp. Tuy nhiên báo cáo không thể tránh khỏi những khiếm khuyết. Những sai sót, nếu có, thuộc về trách nhiệm của nhóm nghiên cứu.
Tăng trưởng bao trùm ở Việt Nam: Những thành tựu chính đạt được
Đạt được những tiến bộ quan trọng chỉ trong vòng hai thập niên
Từ khi bắt đầu các biện pháp cải cách kinh tế triệt để theo chủ trương Đổi Mới vào năm 1986, Việt Nam đã duy trì được một tỷ lệ tăng trưởng tương đối cao trong một giai đoạn dài, đem lại lợi ích cho người dân nói chung. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ tăng trưởng bình quân của Việt Nam trong giai đoạn 1986-2014 là 6,51%, một con số đầy ấn tượng so với tỷ lệ tăng trưởng bình quân 2,83% trên toàn thế giới, 4,49% ở các nước kém phát triển nhất, 3,76% ở các nước có mức thu nhập thấp và 4,75% ở các nước có mức thu nhập trung bình thấp trong cùng thời kỳ. Thu nhập bình quân đầu người đã tăng 20 lần, từ mức chưa đến US$ 100 vào cuối những năm 1990 lên đến US$ 1.960 năm 2013. Trong thời kỳ đó, Việt Nam đã vượt qua ngưỡng thu nhập bình quân đầu người là US$ 1.000 của Ngân hàng Thế giới vào năm 2009 để gia nhập hàng ngũ các nước có mức thu nhập trung bình thấp.
Chỉ trong vòng hai thập kỷ, khoảng 30 triệu người Việt Nam đã thoát nghèo. Các chỉ số bất bình đẳng, như Hệ số Gini hay Hệ số Theil, cho thấy Việt Nam đã giữ được mức bất bình đẳng tương đối thấp. Hệ số Gini theo chi tiêu ở mức trung bình và dao động từ 0,35 đến 0,37 trong suốt thập kỷ qua (Trung tâm phân tích và dự báo, 2010; Ngân hàng Thế giới, 2013). Gần đây nhất, Việt Nam được xếp ở giữa bảng xếp hạng về mức bất bình đẳng của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho các nước có mức thu nhập trung bình thấp, với bậc thứ 17 trong số 34 nước (Diễn đàn Kinh tế thế giới, 2015).
Các chỉ số phản ánh các chiều cạnh khác của cuộc sống người dân cũng cho thấy những cải thiện đáng kể, từ tỷ lệ tốt nghiệp tiểu học và trung học tăng đến sức khỏe tốt hơn và tỷ suất tử vong giảm.
Hầu hết người Việt Nam đã tham gia và thụ hưởng lợi ích từ quá trình tăng trưởng, thể hiện tăng trưởng mang tính bao trùm. Hình 1cho thấy trong giai đoạn 2004-2012, chỉ số tăng trưởng bao trùm, đã tăng 62,5%, tương ứng với 6,3% mỗi năm, chủ yếu nhờ tăng trưởng thu nhập đóng góp 60,5%, tương ứng với tốc độ tăng bình quân 6,1%/năm. Phân bổ thu nhập được cải thiện phần nào, với mức tăng 2% trong cả kỳ, tức 0,2%/năm, phản ánh một khuôn mẫu phân bổ trung tính. Tốc độ tăng trưởng thu nhập tương đối nhanh như vậy mà không đi kèm với phân bổ thu nhập xấu đi đã giúp làm gia tăng đáng kể chỉ số tăng trưởng bao trùm
Khi phân chia giai đoạn 2004-2012 thành hai giai đoạn nhỏ, 2004-2008 và 2008-2012, khuôn mẫu tăng trưởng không thay đổi nhiều: phân bổ thu nhập xấu đi[1] đôi chút trong giai đoạn 2004-2008, giảm 3,5% hay 0,9%/năm, nhưng được cải thiện phần nào trong giai đoạn 2008-2012, với mức cải thiện 5,7% hay 1,4%/năm. Tăng trưởng thu nhập đã giảm sút đáng kể, từ 39,4% trong giai đoạn 2004-2008 hay 8,6%/năm, xuống chỉ còn 15,2% trong giai đoạn 2008-2012 hay 3,6%/năm, dẫn đến sự tụt giảm trong chỉ số tăng trưởng bao trùm từ 35,9% cho giai đoạn đầu hay khoảng 8%/năm xuống còn 20,7% cho giai đoạn sau hay 4,8%/năm. Trong bối cảnh khuôn mẫu phân bổ thu nhập của tăng trưởng kinh tế nhìn chung là trung tính ở Việt Nam, tốc độ tăng trưởng chậm hơn gần đây đã dẫn đến những cải thiện chậm hơn về chỉ số tăng trưởng bao trùm.
Xem xét vấn đề khác vượt ra ngoài các con số tổng hợp sẽ cho phép lý giải chi tiết hơn về việc người dân với mức thu nhập khác nhau tham gia vào quá trình tăng trưởng như thế nào. Hình 2cho thấy, trong giai đoạn 2004-2012 tất cả các tầng lớp dân cư đều được hưởng lợi từ tăng trưởng thu nhập, với tỷ lệ bình quân 6,3%. Tuy nhiên, có sự khác nhau về tốc độ tăng trưởng giữa các nhóm thu nhập (chia theo ngũ phân vị về thu nhập), với ba nhóm thu nhập ở giữa của phân bổ thu nhập có tốc độ tăng trưởng trên mức bình quân trong khi các nhóm nghèo nhất và giàu nhất có mức tăng trưởng thu nhập chậm hơn. Khi hai giai đoạn 2004-2008 và 2008-2012 được xem xét riêng rẽ, khuôn mẫu này nhìn chung vẫn không thay đổi trừ một vài ngoại lệ. Trong giai đoạn đầu, tốc độ tăng trưởng thu nhập cao hơn mức bình quân đã xảy ra ở những người thuộc 2% thấp nhất và 5% cao nhất của phân bổ thu nhập.
Tầng lớp trung lưu xuất hiện
Tốc độ giảm nghèo nhanh chóng được nhìn nhận rộng rãi là một trong những thành tựu to lớn của Việt Nam. Việt Nam không chỉ đạt được tốc độ tăng trưởng tương đối cao mà còn chuyển hóa tăng trưởng thành những lợi ích tích cực cho hầu hết các công dân của mình. Một thay đổi quan trọng nhưng ít được chú ý đến là sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu. Do tầm quan trọng của tầng lớp này ở tại nhiều quốc gia - xét về phương diện đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội thông qua cung cấp kỹ năng, cách thức tiêu dùng và mức độ tham gia cao vào đời sống xã hội,[2] tầng lớp trung lưu thường được coi là xương sống của bất kỳ xã hội nào. Do đó, sự mở rộng của tầng lớp này ngày càng được nhiều chuyen gia sử dụng làm một thước đo về mức độ bình đẳng và tính bao trùm của tăng trưởng.
Ở Việt Nam, phân tích số liệu Điều tra mức sống hộ gia đình (VHLSS) cho thấy những thay đổi quan trọng về chất trong cơ cấu dân cư trong những năm gần đây. Nhằm mục đích này, dân cư được chia thành 5 nhóm nhỏ theo mức thu nhập:[3] Nhóm nghèo, với thu nhập bình quân đầu người dưới US$ 2/ngày; nhóm cận nghèo, với thu nhập US$ 2-4/người/ngày; nhóm trung lưu lớp dưới, với thu nhập US$ 4-10/người/ngày; nhóm trung lưu lớp trên, với thu nhập US$ 10-13/người/ngày; và nhóm có mức thu nhập cao, với trên US$ 13/người/ngày (tất cả đều tính theo sức mua ngang giá năm 2005 – PPP 2005).[4] Không giống như việc phân chia dân cư theo cách thông thường thành 5 nhóm thu nhập hay nhóm tiêu dùng có cùng quy mô, hay nói cách khác là theo ngũ phân vị, quy mô của mỗi nhóm theo phương pháp phân loại này thay đổi theo mức thu nhập thực tế.
Nguồn: Vũ Hoàng Đạt 2015
Tỷ trọng dân cư thuộc nhóm trung lưu lớp dưới tăng nhanh chóng từ 28,4% năm 2004 lên 47,8% năm 2012. Tầng lớp này từ nhóm dân cư lớn thứ ba năm 2004 đã trở thành nhóm dân cư lớn nhất năm 2012. Tỷ trọng của nhóm dân cư nghèo và cận nghèo giảm dần, tương ứng từ 26,7% và 38,8% năm 2004 xuống còn 12,4% và 26,1% năm 2012. Tỷ trọng của nhóm dân cư trung lưu lớp trên và nhóm dân cư có mức thu nhập cao cũng gia tăng, nhưng chỉ với tốc độ khiêm tốn (xem Hình 3).
Tỷ trọng chung của các nhóm trung lưu lớp trên và nhóm có mức thu nhập cao, tương đương với mức của "tầng lớp trung lưu toàn cầu",[5] đã tăng gấp hơn hai lần trong giai đoạn 2004-2012, từ 6,1% lên đến 13,7%. Tuy nhiên, từ năm 2010, tăng trưởng của nhóm trung lưu lớp trên dường như chậm hơn đáng kể, với tỷ trọng của nhóm này tăng chỉ ở mức khiêm tốn 0,6 điểm phần trăm, so với mức tăng 6 điểm phần trăm của nhóm trung lưu lớp dưới trong cùng thời kỳ. Tỷ trọng của nhóm có mức thu nhập cao thậm chí còn giảm nhẹ, từ 7,3% năm 2010 xuống còn 7% năm 2012. Tỷ trọng chung của các nhóm trung lưu lớp trên và nhóm có mức thu nhập cao gần như dậm chân tại chỗ, với mức tăng không đáng kể từ 13,4% năm 2010 lên 13,7% năm 2012. Điều này tương phản rõ ràng với những thay đổi lớn mang tính tích cực về tỷ trọng dân số của ba tầng lớp kinh tế khác. Những phát hiện trên đây cũng cho thấy rằng, ngưỡng 10 US$/ngày, với vai trò là ranh giới giữa các nhóm trung lưu lớp dưới và trung lưu lớp trên, là ngưỡng thu nhập khó vượt qua đối với nhiều người.[6]
Nói tóm lại, mặc dù những thành tựu kinh tế - xã hội đầy ấn tượng được cộng đồng quốc tế ca ngợi nhưng Việt Nam đang phải đối mặt với cuộc chiến ngày càng cam go hơn trong việc mở rộng "tầng lớp trung lưu toàn cầu" của mình, một thách thức không khác với những thách thức của nhiều nước phát triển khác.[7] Đây là một cuộc chiến mà Việt Nam phải giành phần thắng để có thể vươn tới trình độ phát triển cao hơn. Tiến triển của cuộc chiến này phần nào tùy thuộc vào khả năng làm cho nhóm 20% có mức thu nhập cao nhất tiếp tục phát triển trở thành một phần của chương trình tăng trưởng bao trùm, bởi vì gần 1/3 số người trong nhóm này còn đang phải vật lộn để vượt qua ngưỡng 10 US$.
Cải cách kinh tế là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng bao trùm
Đằng sau quá trình tăng trưởng mang tính bao trùm và có ý nghĩa biến đổi xã hội của Việt Nam là 30 năm cải cách chính sách và thể chế qua đó đưa nền kinh tế quốc dân từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường, và nỗ lực hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Những cải cách này có thể được tóm lược thành bốn quá trình tự do hóa kinh tế ở trong nước và mở cửa hội nhập.
Thứ nhất, quá trình tự do hóa giá cả và nội thương bắt đầu vào giữa những năm 1980 nhằm khắc phục những thiếu hụt nghiêm trọng về nguồn cung của hầu hết các hàng hóa và dịch vụ. Quá trình tự do hóa này góp phần giảm thiểu những méo mó về giá cả và sự phân bổ sai lầm các nguồn lực. Nó cho phép gỡ bỏ các rào cản đối với thị trường nội địa được nhiều tỉnh dựng lên để đối phó với tình trạng khan hiếm nghiêm trọng về lương thực, thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu, do đó cải thiện sự nhất thể hóa về không gian của thị trường trong nước.
Thứ hai, quá trình tự do hóa nông nghiệp bắt đầu năm 1986 theo Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ IV nhằm khắc phục tình trạng sản xuất đình trệ, lúc đó được coi là nút thắt lớn đối với tăng trưởng kinh tế. Một loạt các biện pháp cải cách thể chế lớn bao gồm Nghị quyết 10, được Bộ Chính trị ban hành năm 1988. Quá trình này làm thay đổi một cách căn bản hệ thống khuyến khích ở nông thôn bằng cách lần đầu tiên chấp nhận hộ gia đình là đơn vị sản xuất căn bản của nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam và trao cho hộ gia đình nhiều quyền tự chủ. Cột mốc tiếp theo là Luật Đất đai năm 1993 bảo đảm các quyền cơ bản của hộ gia đình trong việc chuyển đổi, trao đổi, thừa kế, cho thuê và thế chấp đất đai của mình và kéo dài hạn điền lên đến 20 năm đối với đất trồng cây màu hàng năm và 50 năm đối với đất trồng cây lâu năm. Nghị quyết 10 và Luật Đất đai cùng với những lần sửa đổi sau đó đã có vai trò then chốt trong việc kích thích tăng trưởng nông nghiệp, do đó cho phép Việt Nam chuyển dịch nhanh chóng từ một nước thiếu hụt lương thực triền miên trong những năm 1980 trở thành một trong những nước xuất khẩu lúa gạo lớn nhất trên thế giới vào cuối những năm 2000.
Thứ ba, quá trình tự do hóa khu vực phi nông nghiệp được đẩy mạnh trong những năm 1990 nhằm khuyến khích kinh tế tư nhân. Bước tiến quan trọng nhất là Luật Doanh nghiệp ra đời vào tháng 1/2000, cho phép người dân được thành lập và vận hành doanh nghiệp tư nhân với sự can thiệp hạn chế của các quan chức chính phủ. Quá trình này đã đơn giản hóa các thủ tục đăng ký và loại bỏ được phần lớn giấy phép kinh doanh, từ đó cắt giảm đáng kể chi phí giao dịch và nâng cao lòng tin của doanh nghiệp. Song song với đó là việc thực hiện cải cách các doanh nghiệp nhà nước đã và đang diễn ra, giúp cắt giảm được số lượng các doanh nghiệp này, mặc dù tiến độ không đồng đều. Việt Nam đã trải qua những thay đổi cơ cấu sâu sắc, với tỷ trọng việc làm nông nghiệp giảm từ gần 80% tổng lực lượng lao động vào cuối những năm 1980 xuống chỉ còn 47% vào năm 2014.
Thứ tư, quá trình tự do hóa với bên ngoài được đẩy mạnh ở tất cả các cấp độ - đơn phương, song phương, khu vực và đa phương. Bắt đầu từ đầu những năm 1990, các loại thuế quan đã được đơn phương cắt giảm, nhiều biện pháp hạn chế định lượng đối với buôn bán được hủy bỏ và các quy định về việc tham gia ngoại thương được nới lỏng. Việt Nam đã tham gia tích cực vào các thỏa thuận thương mại song phương và khu vực, như trở thành thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995 và gắn liền với nó là Khu vực thương mại tự do châu Á của khối ASEAN, và Hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ năm 2001. Năm 2007, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) với những tác động có ý nghĩa đối với phát triển. Nhiều thay đổi lớn lao đã diễn ra tại biên giới, như cắt giảm các loại thuế nhập khẩu và gỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan đối với thương mại; bên ngoài biên giới, thông qua khả năng tiếp cận tốt hơn với các thị trường quốc tế và cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO; và đằng sau biên giới, thông qua việc mở cửa các ngành dịch vụ và các hệ thống phân phối, và những thay đổi trong khuôn khổ pháp lý và điều tiết.
Việc thực hiện các hiệp định thương mại không chỉ đẩy mạnh xuất khẩu và tạo điều kiện cho việc tái cơ cấu nền kinh tế trong nước mà còn trở thành yếu tố then chốt thúc đẩy cải cách thể chế, kể cả cấu trúc luật pháp và tư pháp để phù hợp hơn với thông lệ quốc tế. Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu, làm gia tăng các dòng ngoại thương và đầu tư nước ngoài gắn liền với công nghệ và lao động có kỹ năng cao. Kim ngạch xuất khẩu tăng lên mạnh mẽ, từ mức rất thấp US$ 800 triệu năm 1986 lên đến US$ 150 tỷ năm 2014. Đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) tăng từ mức khởi đầu khiêm tốn US$ 100 triệu vào cuối thập niên 1980 lên khoảng US$ 237 tỷ cho giai đoạn 1987-2014.
Có nhiều yếu tố then chốt xuyên suốt quá trình tự do hóa, góp phần giải thích cho sự tăng trưởng toàn diện của Việt Nam. Các cải cách thể chế được thực hiện vào những thời điểm then chốt và đi kèm với nguồn đầu tư gia tăng, các cải thiện về cấu trúc hạ tầng cứng cũng như mềm đã giúp Việt Nam khắc phục được những nút thắt lớn cản trở sự tăng trưởng. Sự phân bổ nguồn của cải lúc đầu phần nào mang tính bình quân chủ nghĩa, đặc biệt là nguồn vốn con người trong những năm đầu của thời kỳ Đổi Mới, cùng với nguồn đầu tư gia tăng và những cải thiện về dịch vụ xã hội và an sinh xã hội những năm sau đó đã góp phần nâng cao năng lực của người dân để họ nắm bắt những cơ hội được mở ra sau cải cách.
Những đặc điểm địa lý thuận lợi, như đường bờ biển dài của Việt Nam, cũng đóng vai trò quan trọng, tạo dễ dàng cho việc cải thiện khả năng kết nối bên trong và bên ngoài của Việt Nam và tăng cường sự lưu thông hàng hóa cũng như sự hội nhập của thị trường lao động. Tăng trưởng nông nghiệp, đặc biệt là sự mở rộng nhanh chóng ngành chế tạo và dịch vụ thâm dụng lao động đã tạo ra cơ hội việc làm dễ dàng tiếp cận đối với nhiều người lao động có ít kỹ năng. Những điều này đưa ra lý giải quan trọng cho việc tại sao Việt Nam có thể giữ bất bình đẳng ở một mức độ tương xứng với trình độ phát triển của mình.
Tăng trưởng bao trùm ở Việt Nam: Những thách thức
Tăng trưởng chậm lại kể từ cuối những năm 2000
Do khuôn mẫu tăng trưởng của Việt Nam chủ yếu mang tính trung lập trong việc phân phối, nên sự giảm tốc trong những cải thiện về chỉ số tăng trưởng bao trùm xuất phát chủ yếu từ sự giảm sút tăng trưởng. Điều này được lý giải phần nào bởi môi trường bên ngoài xấu đi do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, nhưng lý do chính là do các vấn đề và yếu kém nội tại.
Ở cấp độ quốc gia, tăng trưởng kinh tế đã giảm xuống đáng kể, từ mức bình quân 6,72% trong giai đoạn 1986-2005 xuống chỉ còn 6,05% trong giai đoạn 2006-2014. Thành tích xuất sắc của Việt Nam so với các nước có mức thu nhập thấp (với tốc độ tăng trưởng bình quân chỉ là 2,72% và 6,08% ở hai giai đoạn tương ứng) đã bị đảo ngược. Thành tích tăng trưởng vượt trội của Việt Nam so với các nước có mức thu nhập trung bình thấp, nơi có tốc độ tăng trưởng bình quân tương ứng 4,17% trong giai đoạn 1986-2014 và 6,01% cho 2000-2012, hầu như đã biến mất.[8]
Đà tăng trưởng giảm sút gần đây bắt nguồn từ tình trạng bất ổn kinh tế vĩ mô ngày càng tăng vào cuối những năm 2000. Điều này đã làm xấu thêm những yếu kém vốn tồn tại trong cơ cấu của nền kinh tế ở những lĩnh vực then chốt như thể chế, kết cầu hạ tầng và nguồn nhân lực. Việc gia nhập WTO năm 2007 là một bước tiến quan trọng hướng tới sự hội nhập toàn cầu, mở ra những cơ hội lớn đối với sự nghiệp phát triển của đất nước. Nhưng thời điểm đó cũng gắn liền với giai đoạn cuối của nền kinh tế toàn cầu phát triển quá nóng, với sự mất cân đối toàn cầu được xác định là nguyên nhân chủ yếu của cuộc khủng hoảng năm 2008. Những dòng vốn khổng lồ di chuyển trên toàn cầu để tìm kiếm các cơ hội đầu tư hấp dẫn đã tạo ra bong bóng tài sản lớn, đặc biệt là những bong bóng bất động sản ở Hoa Kỳ và một số nước châu Âu. Việt Nam là điểm đến ưa thích là bởi sự ‘phấn khích' của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các quỹ đầu tư mạo hiểm, nơi đánh cược vào tương lai tươi sáng của đất nước này.
Đầu tư nước ngoài, trực tiếp cũng như gián tiếp, tăng vọt vào nửa cuối của thập niên 2000. Các dòng chảy vốn khổng lồ vào Việt Nam dẫn đến tình trạng dư thừa tiền trong lưu thông và, do đó, gây lạm phát các tài sản như chứng khoán, bất động sản, vàng và ngoại tệ, làm nảy sinh rất nhiều hệ quả tiêu cực.
Đầu tiên là sự chuyển hướng từ tiết kiệm sang tiêu dùng thái quá, đặc biệt trong hàng ngũ những người giàu có. Khoảng cách giữa tiết kiệm và đầu tư trong giai đoạn 2001-2005 chỉ là 1,83% GDP nhưng đã tăng lên đến 7,51% trong giai đoạn 2008-2010, lý do chính gây nên bất ổn kinh tế vĩ mô[9].
Bong bóng tài sản đã kích thích hành vi đầu cơ không chỉ trong các nhà đầu tư mà cả trong các doanh nghiệp, nhà nước cũng như tư nhân, và trong dân cư nói chung. Điều đó dẫn đến giá cả tài sản tăng nhanh đến chóng mặt. Các nguồn lực về tài chính, con người và vật chất bị chuyển hướng sang mục đích đầu cơ thay vì được rót vào nền kinh tế thực để tăng cường năng lực sản xuất, nâng cấp năng lực công nghệ và kỹ năng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước.
Do có quá nhiều tiền trong lưu thông, nhiều ngân hàng thương mại đã nới lỏng tiêu chuẩn cho vay và buông lỏng quản lý rủi ro. Một khối lượng đáng kể tiền cho vay được đổ vào các hoạt động đầu cơ. Trong các doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả, việc quản trị doanh nghiệp yếu kém và tình trạng thiếu kỷ luật thị trường trong điều kiện thiếu vắng một sân chơi bình đẳng với các doanh nghiệp tư nhân đã trở thành những vấn đề lớn.
Chi tiêu công gia tăng, từ mức bình quân 27% GDP giai đoạn 2001-2006 lên 29% GDP giai đoạn 2007-2010. Đầu tư công bị dàn trải cho quá nhiều dự án, dẫn đến tình trạng chậm trễ trong xây dựng và chi phí cao hơn. Tình trạng kém hiệu quả trở nên trầm trọng hơn do những yếu kém trong quy hoạch vùng và quy hoạch đô thị, dẫn đến tăng chi phí và sự kết nối hạn chế trong kết cấu hạ tầng. Có quá nhiều tiền cũng làm gia tăng nạn tham nhũng và một nền kinh tế phát triển quá nóng đã tạo thêm sức ép lên các điểm nghẽn đối với tăng trưởng, như hạ tầng cơ sở, nguồn vốn con người v.v…
Những yếu kém này của nền kinh tế đã không được nhận diện một cách kịp thời, dẫn đến những ứng phó chính sách một cách thụ động, thường không thích hợp đối với các cú sốc nội tại. Việc bị cuốn vào những ứng phó ngắn hạn đối với các cú sốc diễn ra vào cuối những năm 2000 đã làm chậm lại các cải cách thể chế. Các cú sốc từ bên ngoài đã làm cho tình hình trở nên khó khăn hơn khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nổ ra vào cuối năm 2008.
Ngày nay, những cải cách lớn được thực hiện từ những năm đầu của thời kỳ Đổi Mới đã hết đà thúc đẩy phát triển. Việc gia nhập WTO đã không được hỗ trợ bằng những cải cách nội tại đầy đủ, làm cho nền kinh tế dễ bị tổn thương hơn trước các cú sốc từ bên ngoài và làm cho những yếu kém cơ cấu vốn có trở nên trầm trọng hơn. Đà tăng trưởng chậm hơn và những bất ổn kinh tế vĩ mô gia tăng đã ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng bao trùm.
Thế giới đang có những thay đổi đáng kể
Khi Việt Nam kỷ niệm 30 năm Đổi Mới, bối cảnh toàn cầu và trong nước đã thay đổi rất nhiều. Những cơ hội và thách thức mới đang xuất hiện, với những hệ quả to lớn đối với việc duy trì tăng trưởng bao trùm và thúc đẩy phát triển con người.
Nhìn một cách tổng quát, nền kinh tế toàn cầu đang trong giai đoạn chuyển đổi sang quỹ đạo ‘bình thường mới', với tốc độ tăng trưởng rõ ràng thấp hơn so với những thập niên trước. Trong ngắn đến trung hạn, nền kinh tế toàn cầu có xu hướng tiếp tục phải đối mặt với vô vàn thách thức, trong đó có tình trạng đình trệ và giảm phát ở Liên minh châu Âu và Nhật Bản. Tình trạng tăng trưởng chậm chạp của các nền kinh tế lớn mới nổi, đặc biệt là Braxin, Trung Quốc và Nga đã dẫn đến sự giảm sút nhu cầu của thế giới về nguyên liệu thô, nhiên liệu và tài nguyên, do đó ảnh hưởng đến các nước xuất khẩu chính các sản phẩm này. Nhiều nước trong đó cũng xuất khẩu nông sản và với việc đồng nội tệ yếu đi đã làm suy giảm giá nông sản, gây nhiều khó khăn cho nông dân Việt Nam khi cạnh tranh trên các thị trường quốc tế và thị trường nội địa. Những loại hình dễ tổn thương mới đã xuất hiện trong một môi trường chính trị toàn cầu không ổn định, với những mối đe dọa an ninh phi truyền thống và những làn sóng người tị nạn mới đang trở nên ngày càng nghiêm trọng và khó lường. Biến đổi khí hậu tạo thêm một mối quan ngại lớn đối với toàn cầu.
Trong trung đến dài hạn, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò lớn hơn bao giờ hết trong việc thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu. Các đột phá công nghệ trong nhiều lĩnh vực trong đó có công nghệ thông tin và truyền thông, năng lượng và điện tử, có tiềm năng đưa đến một thế giới thông minh hơn và hiệu quả hơn. Các nước phát triển tiên phong về công nghệ mới đã phục hồi nhanh chóng sau cuộc khủng hoảng 2008, trong khi các nước phụ thuộc nặng nề vào nguồn tài nguyên thiên nhiên đang phải trải qua một quá trình tái cơ cấu đau đớn. Những thay đổi này tác động đến phân bổ thu nhập ở cả cấp độ toàn cầu và cấp độ quốc gia. Trong một thế giới dựa trên công nghệ, các công nghệ đòi hỏi kỹ năng sẽ làm gia tăng khoảng cách không chỉ giữa các nước tiên tiến và các nước đang phát triển, mà còn giữa những người lao động có kỹ năng và thiếu kỹ năng trong mỗi nước. Lợi ích tăng thêm từ ý tưởng mới và tinh thần kinh doanh sẽ làm sâu sắc hơn khoảng cách giữa những người ở các mức cao nhất của phân bổ thu nhập và những người còn lại.
Một chiều hướng quan trọng khác trong nền kinh tế thế giới là sự tăng cường hội nhập quốc tế, kể cả thông qua một loạt các thỏa thuận thương mại tự do ở các cấp độ khác nhau. Tiến bộ công nghệ và hội nhập quốc tế luôn cùng song hành trong cách thức củng cố lẫn nhau: các hoạt động nghiên cứu & phát triển (NC & PT) được tăng cường đòi hỏi những thị trường lớn để bù đắp những chi phí cố định khổng lồ trong khi quá trình tiếp tục tự do hóa sẽ kích thích việc đầu tư vào NC & PT để nắm bắt các cơ hội ngày càng hấp dẫn từ việc mở rộng thị trường và cho phép chuyên môn hóa cao độ hơn về công nghệ, nổi bật nhất là thông qua các mạng lưới sản xuất mở rộng ở quy mô khu vực và toàn cầu.
Có ý nghĩa trực tiếp đối với Việt Nam là một số xu hướng đang xuất hiện có tác động khác nhau đến tăng trưởng bao trùm. Thứ nhất là sự trỗi dậy của châu Á trong nền kinh tế toàn cầu và sự xuất hiện của Trung Quốc với tư cách là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.[10] Chiều hướng thứ nhất đã dẫn đến việc nhiều chính phủ phải sử dụng một chiến lược tái cân bằng mới với châu Á, trong khi chiều hướng thứ hai đã kích thích nhiều công ty đa quốc gia áp dụng cái gọi là chiến lược ‘Trung Quốc cộng một'. Họ đã và đang chuyển nhà máy của mình từ Trung Quốc sang các địa điểm lân cận để tránh chi phí lao động đang tăng lên nhanh chóng ở Trung Quốc đồng thời đặt mục tiêu vào tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc. Do vị trí địa lý của mình, Việt Nam hiện đang là một điểm đến ưa thích của làn sóng FDI mới, trong đó có các công ty đa quốc gia dẫn dắt các chuỗi giá trị toàn cầu hàng đầu. Điều này mở ra nhiều cơ hội để duy trì tăng trưởng nhanh và bao trùm, và để người lao động nâng cao kỹ năng của mình.
Xu hướng thứ hai gắn liền với tự động hóa và số hóa đang diễn ra tại nhiều nền kinh tế. Các công nghệ sử dụng nhiều vốn và kỹ năng đang phát triển nhanh chóng, có thể cho phép chuyển sản xuất trở lại các nước tiên tiến, đưa hàng hóa đến gần với thị trường cuối cùng và các trung tâm nghiên cứu và thiết kế (Yusuf 2014). Nếu những công nghệ này chín muồi nhanh chóng, lợi thế của Việt Nam về chi phí lao động thấp có thể bị suy giảm đáng kể, do đó ảnh hưởng đến tăng trưởng của ngành chế tạo, là ngành có tầm quan trọng đặc biệt đối với các nền kinh tế kém phát triển trong nỗ lực đuổi kịp các nền kinh tế tiên tiến hơn (Rodrik 2014). Việt Nam cần cố gắng hết sức mình để nắm bắt mọi cơ hội sẵn có trước khi ngành chế tạo quay trở lại các nước phát triển, đặc biệt trong bối cảnh có thách thức bổ sung của một sự chuyển hướng tiềm năng từ Việt Nam sang các nước đang phát triển khác. Những cơ hội và thách thức đối với Việt Nam liên quan đến những đột phá về công nghệ đang diễn ra trong nhiều lĩnh vực – được nhiều chuyên gia gọi là ‘Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư' – sẽ được phân tích chi tiết hơn trong mục sau.
Nhóm các thay đổi thứ ba gắn liền với các thỏa thuận thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, hoặc đang trong qua trình đàm phán. Tuy nhiên, những bài học rút ra trong quá trình tham gia WTO cho thấy, điều quan trọng nhất là lợi ích không mặc nhiên có được. Các cải cách táo bạo trong nước sẽ đóng vai trò then chốt để tối đa hóa lợi ích và giảm thiểu chi phí. Trọng tâm của chính sách hiện nay nhằm tạo ra sự tăng trưởng có hiệu quả hơn là tuyệt đối cần thiết, nhưng sẽ là chưa đủ để đưa nền kinh tế Việt Nam tiến xa như các nước tiên tiến hơn ở Đông Á. Chỉ có công nghệ và năng lực đổi mới sáng tạo mới có thể tạo ra đủ tăng trưởng để vượt qua cái gọi là ‘bẫy thu nhập trung bình'. Mặc dù vẫn còn quá sớm để Việt Nam lo ngại về điều này, nhưng cần bắt đầu nuôi dưỡng tinh thần đổi mới sáng tạo bởi vì sẽ cần nhiều thời gian để tạo ra động lực tăng trưởng mới này, mặc dù các yếu tố khác có thể nhanh chóng hết hiệu quả.
Việt Nam đã tỏ ra yếu kém trên bảng xếp hạng về khả năng cạnh tranh, công nghệ và năng lực sáng tạo,[11] nhưng nhiều cơ hội đã xuất hiện do sự hiện diện ngày càng nhiều của các công ty công nghệ cao đa quốc gia đứng đầu các chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này có thể giúp Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất toàn cầu mới cho một số sản phẩm chế tạo công nghệ cao có chọn lọc. Để nắm bắt những cơ hội này, kể cả hướng tới nâng cấp năng lực công nghệ và kỹ năng, đồng thời tăng giá trị gia tăng nội tại, do đó tránh được ‘bẫy lắp ráp', Việt Nam cần có các định chế và chính sách phù hợp có thể hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp, trong việc khắc phục những hạn chế ràng buộc liên quan đến nguồn vốn, quản lý rủi ro và nguồn nhân lực chất lượng cao. Nếu không như vậy, các doanh nghiệp sẽ không thể dịch chuyển lên chuỗi giá trị toàn cầu cao hơn, cho dù Việt Nam có nỗ lực nhằm đẩy nhanh quá trình hội nhập toàn cầu.
Mô hình tăng trưởng mới dựa vào năng lực đổi mới sáng tạo, công nghệ, kỹ năng và sự tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu sẽ đòi hỏi phải tiếp tục khai thác những lợi thế so sánh của đất nước, kết hợp với một sự chuyển hướng mạnh mẽ hơn sang nền kinh tế theo quy mô dựa vào mức độ chuyên môn hóa cao. Một sự thay đổi trọng tâm như vậy sẽ giúp Việt Nam khai thác hết lợi ích của quá trình hội nhập tăng cường trong khi vẫn phát huy hết tiềm năng của mình để thúc đẩy sự phát triển quốc gia một cách nhanh chóng.
Tuy nhiên, quá trình này có thể có những tác động bất lợi đến phân bổ thu nhập: tiến bộ công nghệ thường tạo ra những thay đổi cơ cấu có lợi cho những người có học vấn, do đó sẽ nới rộng khoảng cách thu nhập giữa lao động có tay nghề và lao động chưa qua đào tạo. Khoảng cách nông thôn – thành thị có thể sẽ trầm trọng hơn khi các thành phố tận dụng tính kinh tế theo quy mô. Hơn nữa, tình trạng thiếu tiếp cận tài chính sẽ ngăn cản người nghèo có tài năng trong việc tranh thủ cơ hội do không có khả năng vay tiền và đầu tư (Gill và Kharas 2007). Sự phân bổ nguồn vốn không bình đẳng ban đầu cũng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng, bởi lợi nhuận thu được từ nguồn vốn đầu tư có thể tăng nhanh hơn lợi nhuận thu được từ lao động với kỹ năng thấp. Những rủi ro này nêu bật vai trò cực kỳ quan trọng của việc xây dựng, thực hiện các chính sách và thể chế để hỗ trợ công bằng, nhất là trong lĩnh vực y tế và giáo dục, và an sinh xã hội nhằm bảo đảm rằng tăng trưởng mang tính bao trùm và phát triển con người trên diện rộng.
Kinh nghiệm của các nước Đông Á với việc duy trì tăng trưởng nhanh và công bằng trong một thời gian dài cho chúng ta những hiểu biết sâu sắc về thời kỳ quá độ của Việt Nam sang một giai đoạn phát triển cao hơn. Kinh nghiệm của các nước này cho thấy tầm quan trọng của tính kinh tế theo quy mô được thể hiện rõ ràng ở sự trỗi dậy của thương mại nội ngành, các nền kinh tế được thúc đẩy bằng ý tưởng mới và tăng trưởng dựa vào các thành phố. Những kinh nghiệm này cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải phân phối lại một cách hiệu quả những lợi ích kinh tế có liên quan, đặc biệt là thông qua việc tăng cường các mối liên kết nông thôn – thành thị và quan hệ thị trường sản phẩm, làm cho các thành phố trở nên dễ sống hơn, quyết liệt phấn đấu để bảo đảm tiếp cận phổ cập các dịch vụ xã hội, thực hiện chính sách thuế lũy tiến và chi tiêu nhằm phân bổ lại lợi ích và giải quyết tham nhũng.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những tác động tiềm năng đến tăng trưởng bao trùm và phát triển con người ở Việt Nam
Trong tương tác với quá trình toàn cầu hóa, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ có tác động mạnh đến Việt Nam, tạo ra nhiều cơ hội và thách thức, đặc biệt trong trung đến dài hạn.
Tương tự như với nhiều nước trên thế giới, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có tác động tích cực đến tiêu dùng, giá cả và môi trường ở Việt Nam. Tuy nhiên, khác các nước tư bản phát triển, đặc biệt là các nước ở trình độ công nghệ cao, quá trình điều chỉnh ở Việt Nam sẽ gặp phải nhiều thách thức hơn do phát sinh ra những vấn đề mới liên quan đến tái cơ cấu trong lĩnh vực sản xuất. Tác động này có sự khác biệt giữa các ngành theo phân loại truyền thống. Để phân tích các kênh tác động đến Việt Nam có thể sử dụng một Khung phân tích đơn giản như được trình bày trong Hình 4.
Nhóm ngành năng lượng
Nhóm ngành này cung cấp các đầu vào chiến lược cho nền kinh tế. Tuy nhiên tác động có sự khác biệt giữa dầu khí và điện năng, do có một sự khác biệt căn bản giữa hai phân ngành này: dầu khí có thể xuất nhập khẩu được và do vậy chịu sự chi phối của giá thế giới, trong khi đó điện năng cơ bản là không.
Ngành dầu khí của Việt Nam hiện nay đang chịu áp lực rất lớn, trước tiên là do sự suy giảm tăng trưởng của Trung Quốc. Việc đầu tầu của kinh tế thế giới "ngốn nhiều năng lượng và nguyên vật liệu" này chạy chậm lại ảnh hưởng mạnh đến các ngành dầu khí và khai thác tài nguyên. Một nguyên nhân khác mang tính căn bản và có tác động dài hạn hơn là do có những đột phá trong lĩnh vực năng lượng (khai thác dầu đá phiến, sản xuất năng lượng tái tạo, ắc qui trữ điện) và vận tải (ô tô điện với chi phí sản xuất và giá giảm nhanh, kinh tế chia sẻ như Uber hay Grab taxi), nhu cầu đối với dầu thô khó có thể tăng mạnh. Ngay tại Trung Quốc, như đã nêu trên, nền kinh tế đang chuyển sang "thâm dụng công nghệ" hơn. Điều đó có thấy những thách thức mà Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam phải đối mặt là mang tính dài hạn, đòi hỏi phải có một quá trình tái cơ cấu mạnh mẽ, điều mà một quốc gia dầu mỏ như Ả rập Xê-Út đã bắt đầu phải thực hiện. Đồng thời, cần điều chỉnh một cách căn bản và dài hạn các thông số liên quan đến dầu thô trong việc xây dựng các kế hoạch thu chi ngân sách để có các giải pháp phù hợp.
Ngành điện có thể được hưởng lợi khá nhiều nhờ những đột phá trong công nghệ năng lượng tái tạo, trước hết là công nghệ ứng dụng năng lượng mặt trời cũng đã tiến bộ rất nhiều ở một số nước tiên tiến như Mỹ, Đức v.v… với tiềm năng phổ biến nhanh trên toàn cầu nhờ giá sản xuất giảm đáng kể. Sức ép tái cơ cấu của ngành điện Việt Nam lại là: làm thế nào để nắm bắt cơ hội tốt nhất để giảm giá đầu vào chiến lược của nền kinh tế, đồng thời giảm thiểu mạnh tác động đến môi trường.
Nhóm ngành công nghiệp chế tạo
Đây là nhóm ngành mà Việt Nam sẽ phải chịu tác động mạnh nhất vì ba lý do: Thứ nhất, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến nhóm ngành này rất mạnh. Thứ hai, cơ chế lan truyền tác động của công nghệ trong kinh tế toàn cầu rất nhanh thông qua kênh xuất nhập khẩu do bản chất thương mại quốc tế cao của nhóm ngành này (tradable sector). Thứ ba, những đột phá về công nghệ, đặc biệt là những tiến bộ vượt bậc trong tự động hóa và công nghệ in 3D đang làm đảo ngược dòng thương mại theo hướng bất lợi cho các nước như Việt Nam do làm giảm mạnh lợi thế lao động giá rẻ tại đây. Cụ thể, những tiến bộ vượt bậc trong quá trình tự động hóa và số hóa đã và đang giúp giảm mạnh chi phí chế tạo và vận hành người máy, và do vậy làm tăng khả năng công nghiệp chế tạo quay trở lại các nước phát triển để gần hơn với thị trường tiêu thụ lớn và các trung tâm R&D ở các nước này.
Tác động đến một số phân ngành cụ thể như sau:
Ngành dệt may, giày dép
Có một số đột phá công nghệ quan trọng đang vẽ lại bức tranh của ngành này trên phạm vi toàn cầu: (i) công nghệ chế tạo đắp dần, máy chụp thân thể, thiết kế bằng máy tính giúp có thể sản xuất các sản phẩm hàng loạt các sản phẩm phù hợp với những thông số đơn lẻ của từng khách hàng; (ii) công nghệ nano giúp các sản phẩm dệt may, giày dép có thể tích hợp các chức năng theo dõi sức khỏe (đo nhịp tim, lượng calo giải phóng liên tục v.v…); (iii) tự động hóa khâu cắt và khâu may (sử dụng robots, trong khâu may còn được gọi là sewbots). Điều này được kỳ vọng là sẽ làm thay đổi toàn bộ ngành dệt may, da giày, đồng thời cũng mở ra nhiều cơ hội thu hút đầu tư quay trở về Mỹ, trong một khoảng thời gian ngắn có thể chỉ là 5 năm tới[12].
Ở Việt Nam, ngành dệt may đạt được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao, một phần lớn nhờ đơn hàng chuyển dịch ra khỏi Trung Quốc theo chiến lược "Trung Quốc + 1" của các tập đoàn đa quốc gia do chi phí lao động ở quốc gia này tăng mạnh. Tuy nhiên, tình hình đang thay đổi nhanh chóng với đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam giảm mạnh, và khách hàng yêu cầu giảm giá đáng kể[13]. Công nhân trong các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam đang bị kẹt ở giữa trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trên toàn cầu, với một bên là nhân công rẻ hơn từ các nước Campuchia, Bangladesh, Myanmar v.v…, và bên kia là người máy đang được ứng dụng ngày một rộng rãi ở các nước phát triển và cả ở Trung Quốc, dẫn đến sự chuyển dịch của sản xuất trong phân khúc có giá trị cao hơn trở lại các nước phát triển và trở lại Trung Quốc để gần hơn với thị trường tiêu thụ lớn, các trung tâm R&D và các trung tâm cung cấp nguyên vật liệu, phụ kiện. Triển vọng của ngành dệt may hiện nay hết sức bấp bênh, dẫn đến việc các doanh nghiệp hiện đang hoạt động kêu gọi không đầu tư thêm vào ngành này nữa[14].
Việc Việt Nam tham gia TPP[15] có thể giảm nhẹ phần nào cạnh tranh từ các nhà cung ứng dựa trên lao động giá rẻ từ Campuchia, Bangladesh hay Myanmar. Tuy nhiên TPP có thể lại là "con ngựa thành Tơ roa" mở toang thị trường Việt Nam cho các sản phẩm có giá trị cao từ Mỹ nhắm vào tầng lớp trung lưu và thượng lưu mới nổi ở nước ta do nguyên tắc "có đi có lại" trong việc giảm thuế tại các nước tham gia TPP. Những sản phẩm dệt may, giày dép chất lượng cao, thân thiện môi trường và hỗ trợ sức khỏe "Made in USA" với giá cả hợp lý (nhờ tự động hóa và sản xuất với qui mô lớn) lại may vừa với từng khách hàng (nhờ công nghệ chụp thân thể có thể tự thực hiện trực tuyến trong đo và khâu đặt hàng) bán rộng rãi ở Việt Nam để phục vụ những đối tượng có thu nhập khá có thể là kịch bản hiện hữu trong tương lai trung hạn.Các mô hình tính toán mô phỏng tác động của TPP đến Việt Nam của các chuyên gia quốc tế với các kết quả rất lạc quan cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và cho các ngành thâm dụng lao động như dệt may, giày dép nói riêng, đã bỏ qua yếu tố này. Tuy nhiên những giả định về lợi thế lao động giá rẻ của Việt Nam dẫn đến luồng thương mại về dệt may và giày dép mang tính một chiều từ Việt Nam sang các nước phát triển tham gia TPP không còn đúng nữa dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là tự động hóa với giá người máy đang giảm đi nhanh chóng. Do đó mà các kết quả tính toán nêu trên hiện được trích dẫn rộng rãi trong các cuộc thảo luận về TPP ở Việt Nam rõ ràng là không còn phù hợp.
Báo cáo mới nhất của ILO công bố tháng 7/2016[16] cho thấy Việt Nam có đến 86% lao động trong các ngành dệt may và giày dép ở Việt Nam có nguy cơ cao mất việc dưới tác động của những đột phá về công nghệ như được nêu trên. Tỷ lệ rất lớn này sẽ chuyển thành con số tuyệt đối rất lớn vì dệt may và giày dép lại là các ngành đang tạo việc làm cho nhiều lao động (khoảng gần 2,3 triệu người, trong đó khoảng 78% là lao động nữ làm việc trong ngành dệt may; giày dép – 0,98 triệu người, trong đó có khoảng 74% là lao động nữ làm việc trong ngành giày dép; lao động trong hai ngành chiếm 6,2% tổng lực lượng lao động và 13,7% việc làm phi nông nghiệp). Trong số đó có nhiều lao động ít kỹ năng (tương ứng là 17% và 26% lao động dệt may và giày dép chỉ có trình độ tiểu học), và một tỷ lệ đáng kể không còn trẻ, từ 36 tuổi trở lên: 35,84% đối với dệt may và 25,37% đối với giày dép[17]. Đây là nhóm không dễ dàng tìm được việc làm thay thế ở trong khu vực chính thức. Điều này cho thấy quá trình điều chỉnh sẽ rất khó khăn, và có thể làm đảo ngược quá trình chuyển dịch lao động ra khỏi nông nghiệp và tăng tỷ trọng của khu vực chính thức trong nền kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa đất nước.
Trong ngành giày dép, công nghệ in 3D đã tiến bộ đến mức có thể sản xuất giầy ngay tại chỗ, và công nghệ này sẽ sớm được hoàn thiện trong một tương lai không xa. Điều này có nghĩa là người tiêu dùng ở các nước phát triển có thể có ngay một đôi giày sản xuất theo nhu cầu của khách hàng mà không cần phải trải qua quy trình sản xuất hay nhập khẩu từ một quốc gia khác.
Ngành điện tử
Ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam hiện nay có khoảng 510.000 lao động đang làm việc trong ngành, với khoảng 66% là lao động nữ, và khoảng 6,7% có trình độ chỉ ở mức tiểu học, và chỉ khoảng 13,5% từ 36 tuổi trở lên[18]. Ngành điện tử trong những năm gần đây có những tiến bộ vượt bậc nhờ sự hiện diện của các tập đoàn đa công nghệ đa quốc gia dẫn dắt các chuỗi giá trị toàn cầu. Các tập đoàn này đã thực hiện chiến lược "Trung Quốc + 1" – chuyển dịch các nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc (để tránh chi phí lao động đang tăng nhanh tại quốc gia này) để đến những địa điểm gần với Trung Quốc (để hướng vào thị trường tiêu thụ khổng lồ với tầng lớp trung lưu có qui mô lớn nhất nhì thế giới). Với lợi thế tương đối về lao động giá rẻ, và vị trí địa kinh tế rất thuận lợi, Việt Nam đã hưởng lợi nhiều từ quá trình này, là ngôi sao đang lên trong con mắt các nhà bình luận quốc tế nhờ xuất khẩu điện tử tăng mạnh.
Tuy nhiên, trong trung hạn điều này có thể thay đổi do có những công nghệ đột phá (i) in 3D; (ii) người máy và (iii) Internet kết nối vạn vật, đang được triển khai áp dụng nhanh chóng trong ngành điện tử. Một thông tin gần đây đáng được quan tâm là công ty Đài Loan Foxconn - hãng công nghệ lớn nhất thế giới chuyên về sản xuất các bộ phận máy tính và lắp ráp sản phẩm cho những "đại gia" như Apple, Sony và Nokia, đã sử dụng người máy thay thế cho 60.000 lao động tại các nhà máy của công ty này một số thành phố của Trung Quốc[19]. Động thái trên của Foxconn nhằm cắt giảm chi phí lao động cũng như nâng cao hiệu quả công việc, đồng thời tạo hướng đi mới trong việc sử dụng nhân công vốn đã bị chỉ trích quá nhiều của Foxconn. Đối với các công ty này, việc thay thế lao động bằng người máy tiết kiệm được chi phí do giá người máyđang giảm nhanh, đồng thời có thể vận hành liên tục trong hàng chục giờ mà ít bị lỗi, cũng như tránh được chi phí đóng góp an sinh xã hội hay sản xuất gián đoạn do đình công, không bị cáo buộc đối xử không tốt với người lao động v.v…
Ở Việt Nam, chi phí nhân công mới bằng khoảng 60% so với ở Trung Quốc, xong xu thế này đáng lo ngại do giá người máy giảm nhanh. Cần phải dự tính kịch bản mà các tập đoàn đa quốc gia có sự hiện diện ở Việt Nam cũng có những bước đi tương tự như Foxconn trong trung hạn.Ví dụ, nếu Samsung Việt Nam sẽ thực hiện điều này, việc làm của hàng chục nghìn lao động tại Samsung sẽ bị ảnh hưởng. Các hoạt động kinh doanh có liên quan như cung cấp suất ăn hay chỗ ở, vận chuyển công nhân đi làm mà các doanh nghiệp Việt Nam đang cung cấp cho Samsung cũng bị ảnh hưởng theo. Trong khi đó Samsung Việt Nam vẫn hưởng lợi từ qui định xuất xứ trong TPP cho dù có thay thế lao động của Việt Nam bằng người máy. Nói cách khác, trong trường hợp đó, các doanh nghiệp FDI được lợi đơn lợi kép, trong khi phần của Việt Nam giảm mạnh bất chấp đây là cuộc chơi hai bên cùng thắng (win-win game).
Nhóm ngành dịch vụ
Ngành tài chính - ngân hàng
Trên thế giới, dưới tác động của công nghệ, nhiều ngân hàng phải đóng cửa một số chi nhánh và chuyển sang hệ thống sử dụng ít nhân lực hơn. Các ngân hàng tập trung mạnh vào các sản phẩm và dịch vụ kết hợp kỹ thuật mới như ngân hàng điện tử (internet banking) và ngân hàng qua điện thoại di động (mobile banking), những sản phẩm/dịch vụ không đòi hỏi phát triển mạng lưới khách hàng thông qua các chi nhánh. Sự phát triển của các dịch vụ trực tuyến đang ngày càng phổ biến khiến nhu cầu nhân lực ngành ngân hàng giảm, và dự báo xu hướng này sẽ còn tiếp tục tăng tốc trong thời gian tới, đặc biệt là tạo châu Âu[20].
Ở Việt Nam, theo số liệu của Điều tra Lao động việc làm, số lượng nhân viên của các ngân hàng Viêt Nam vẫn tiếp tục gia tăng trong những năm vừa qua, tuy có phần chậm lại. Điều này hoàn toàn đi ngược lại xu hướng của thế giới.Tuy một số ngân hàng đã phải cắt giảm nhân lực, nhưng số người nghỉ việc vẫn chưa đáng kể.Tuy các sản phẩm ngân hàng kết hợp với kỹ thuật mới đã và đang được đầu tư triển khai, và dịch vụ ngân hàng điện tử được triển khai ở tất cả các ngân hàng, nhưng kết quả vẫn còn hạn chế. Lượng khách hàng sử dụng các sản phẩm này vẫn chiếm phần nhỏ. Thói quen dùng tiền mặt cũng như tâm lý e ngại việc bảo mật thông tin cá nhân, và lo sợ bị mất cắp thông tin tài khoản khi sử dụng dịch vụ Internet banking của người dân khiến các loại hình dịch vụ này chưa phát triển mạnh.
Tuy nhiên, tình hình có thể sẽ thay đổi trong thời gian tới. Một số ngân hàng thương mại lớn như Vietinbank, VP Bank v.v… đang khuyến khích sử dụng các dịch vụ của Internet banking bằng việc thưởng thêm lãi suất cho những người gửi tiết kiệm sử dụng dịch vụ này. Sự nhập cuộc của các ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài, sự gia tăng nhanh của tầng lớp trung lưu và những người trẻ tuổi dễ dàng tiếp thu sử dụng công nghệ mới cũng thúc đẩy quá trình này.
Ngành du lịch
Đây là ngành có nhiều triển vọng, có nhiều tiềm năng đóng vai trò ngày một to lớn hơn ở Việt Nam vì một số lý do. Thứ nhất, mặc dù thương mại toàn cầu có xu hướng suy giảm rõ nét kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ngành du lịch toàn cầu lại có xu hướng tăng trưởng tốt, và xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục được duy trì trong tương lai. Thứ hai, ngành này ít chịu ảnh hưởng của quá trình tự động hóa. Thứ ba, các sản phẩm du lịch cũng mang tính chuyên biệt, gắn với giá trị văn hóa, lịch sử, thiên nhiên, bởi vậy nên ít chịu áp lực cạnh tranh quốc tế hơn so với nhiều ngành khác.
Thách thức đối với ngành lại là: làm thế nào có thể sử dụng hiệu quả nhất những công nghệ hiện đại để giúp đẩy mạnh tiếp thị, khuyếch trương hình ảnh ở trong nước cũng như ra quốc tế, giảm bớt chi phí v.v… để tiếp tục thúc đẩy ngành này phát triển, cũng như nâng giá trị gia tăng của các sản phẩm du lịch. Một thách thức khác là làm thế nào ngành du lịch có thể tăng khả năng hấp thụ lao động rút ra ngành nông nghiệp trong bối cảnh các ngành chế tạo thâm dụng lao động ở Việt Nam có thể gặp khó khăn như được nêu ở trên.
Ngành giáo dục và đào tạo
Ngành giáo dục đào tạo không chỉ chịu sự ảnh hưởng của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nói riêng và tiến bộ công nghệ nói chung mà còn có tác động ngược lại. Công nghệ và vốn con người là hai yếu tố then chốt nhất trong các mô hình tăng trưởng nội sinh. Khác với các yếu tố đầu vào khác (vốn, lao động, đất đai, tài nguyên thiên nhiên) luôn bị ràng buộc bởi trần giới hạn thì hai yếu tố này có thể tăng lên không bị chặn bởi trần và do vậy là chìa khóa để cho các quốc gia có thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Chính vì vậy đây là những nội dung quan trọng nhất trong chiến lược phát triển của các quốc gia thành công.
Ở Việt Nam, giáo dục đào tạo luôn có được vị trí quan trọng trong các chính sách của Nhà nước và trong đầu tư của các gia đình. Chi phí cho giáo dục đào tạo bởi Nhà nước và bởi các gia đình của Việt Nam tính bằng % GDP luôn ở mức cao so với các nước có trình độ phát triển tương đồng và cả các nước ở trong khu vực. Hệ thống giáo dục Việt Nam đạt được những kết quả được quốc tế thừa nhận, đặc biệt trong việc giúp học sinh có được các kỹ năng cơ bản như được kiểm chứng bởi các kết quả cao trong cuộc thi PISA vào năm 2012.
Tuy nhiên, trong bối cảnh của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hệ thống giáo dục đào tạo của Việt Nam còn có nhiều bất cập so với yêu cầu.
Thứ nhất, trong một thế giới hiện đại do công nghệ dẫn dắt, chính phủ của nhiều nước trên thế giới, kể cả những nước có nền công nghệ tiên tiến nhất như Mỹ[21] và Nhật[22], đã có chính sách ưu tiên rõ rệt cho các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (Science, Technology, Engineering and Mathematics, viết tắt là STEM). Kết quả là những sinh viên mới, đặc biệt là sinh viên nước ngoài chuyển hướng mạnh sang học các ngành STEM để tìm kiếm cơ hội ở lại làm việc ở Mỹ. Trong khi đó ở Việt Nam không có những định hướng rõ nét, dẫn đến tình trạng những sinh viên giỏi nhất thường lựa chọn các ngành kinh tế, ngoại thương, tài chính, ngân hàng v.v…, làm điểm chuẩn vào các trường đào tạo các chuyên ngành này cao hơn hẳn so với vào các trường công nghệ và kỹ thuật, trong đó có những trường đầu đàn truyền thống như Bách Khoa v.v… Bản thân số trường đào tạo các ngành công nghệ và kỹ thuật cũng không nhiều. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt nhân lực trong một số ngành công nghệ tăng trưởng nhanh trong thời đại số hóa và tự động hóa, đặc biệt là ngành công nghệ thông tin. Báo cáo mới nhất về ngành công nghệ thông tin (CNTT) của VietnamWorks cho thấy, trong 3 năm gần đây, số lượng công việc của ngành này đã tăng trung bình 47%/năm, nhưng số lượng nhân sự chỉ tăng ở mức 8%[23]. Những sự lựa chọn "lạc hướng" của các thanh niên khi bước vào đại học là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học không có việc làm có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây.
Thứ hai, sự kết nối giữa các trường đại học và các doanh nghiệp hiện nay còn yếu, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo cũng như việc hỗ trợ sinh viên thực tập để có kiến thức thực tế để qua đó dễ dàng xin việc sau khi tốt nghiệp. Kết quả là kể cả trong các ngành tăng trưởng nhanh, sinh viên khi ra trường thiếu nhiều kỹ năng mà doanh nghiệp cần[24]. Hiện nay ở các nước phát triển như Mỹ, các trường đại học ngày càng nhận thức tầm quan trọng của các chương trình thực tập và hợp tác với các công ty, và các trường đều lập ra bộ phận hỗ trợ sinh viên các kỹ năng về phỏng vấn, làm việc với các nhà tuyển dụng vì các trường hiểu rằng đây là điểm hết sức quan trọng giúp các trường thu hút sinh viên theo học. Ở Việt Nam hiện nay có các chính sách khuyến khích các giáo viên đăng tải các công trình nghiên cứu trên các tạp chí quốc tếtheo các danh mục chuẩn như ISI và Scorpus.Đây là hướng đi đúng đối với các trường đào tạo khoa học cơ bản. Tuy nhiên với các trường công nghệ và kỹ thuật, trọng tâm phải đặt vào gắn kết với các doanh nghiệp để thực hiện các nghiên cứu triển khai (R&D) để nâng cao khả năng hấp thụ, và nếu tốt hơn là tạo ra các bằng phát minh sáng chế (patents), và để lôi cuốn sinh viên các năm trên hay sinh viên cao học vào trong các hoạt động này. Thực tập tại công ty để có các kinh nghiệm thực tiễn phù hợp càng quan trọng hơn trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư: các công việc đơn giản mà sinh viên mới ra trường trước đây làm trong những năm đầu sự nghiệp đã bị tự động hóa và do vậy sinh viên mới ra trường phải làm những việc phức tạp hơn – điều không khả thi nếu những sinh viên này không được thực tập với công ty ngay trong những năm học đại học.
Thứ ba, trong thế giới ngày nay, công nghệ thay đổi rất nhanh với tốc độ cấp số nhân. Bởi vậy, các kỹ năng đặc thù ngành hay công nghệ cụ thể bị khấu hao rất nhanh. Điều này có hai hàm ý: (i) cần chú trọng đào tạo các kỹ năng nhận thức cấp cao như giải quyết vấn đề, suy luận logic, làm việc theo nhóm, kỹ năng thích nghi nhanh; (ii) cần tạo động lực và khả năng học tập suốt đời và học tập liên tục cho mọi người.Trong bối cảnh đó, học qua Internet, với sự gia tăng của các nguồn tư liệu mở và các khóa học trực tuyến đại chúng quan trọng hơn nhiều so với học từ các giáo viên đại học. Tuy nhiên, đây là là yếu điểm của hệ thống giáo dục đào tạo hiện nay, với một trong những minh chứng rõ nét nhất là trình độ tiếng Anh của sinh viên rất hạn chế như được phản ánh bởi điểm thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh trong những năm gần đây – cả điểm trung bình cũng như toàn bộ phổ điểm làm lộ rõ nhiều bất cập[25]. Điều này không những làm lộ rõ những bất cập lớn của hệ thống giáo dục ở Việt Nam sau 30 năm mở cửa và hội nhập, mà còn cho thấy thêm về sự thiếu sẵn sàng của hệ thống này đối với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xét về cả hai góc độ - năng lực "đứng trên vai người khổng lồ" nhờ vào các công nghệ dựa trên Internet và tiếng Anh cũng như khả năng đáp ứng yêu cầu về học suốt đời và học liên tục.
Ngành y tế
Ngành y tế sẽ được hưởng lợi nhiều nhờ những đột phá về công nghệ như các công nghệ đeo được tạo ra những chiếc đồng hồ thông minh, những đôi giày thông minh, quần áo thông minh v.v… để thu thập thông tin về sức khỏe liên tục 24/7. Gần đây, những đột phá trong công nghệ nano giúp tạo ra Internet kết nối vạn vật siêu nhỏ có thể dùng các hạt cảm ứng rất nhỏ với kích cỡ nano để thu thập thông tin liên tục trong cơ thể con người. Điều quan trọng là Việt Nam cần nắm bắt các cơ hội do cách mạng công nghệ mang lại một cách nhanh nhất để cải thiện chất lượng và mở rộng dịch vụ y tế đến mọi người dân.
Ngành nông nghiệp
Công nghệ mới ứng dụng trong ngành nông nghiệp hướng đến tương lai quy trình chăn nuôi, trông trọt với mức tự động hoá và quy chuẩn cao. Các công nghệ mới trong ngành nông nghiệp được chia làm 4 nhóm chính: cảm biến, thực phẩm, tự động và kỹ thuật. Trong đó, công nghệ cảm biến cho phép nhà nông chuẩn đoán và theo dõi mùa màng theo thời gian thực, hỗ trợ chăn nuôi và máy móc nông nghiệp. Công nghệ thực phẩm sẽ mang lại những thành tựu về gene cũng như khả năng tạo ra thịt từ phòng thí nghiệm. Công nghệ tự động trong nông nghiệp sẽ được thực hiện bởi các người máy kích thước lớn hoặc người máy siêu nhỏ để giám sát quá trình gieo trồng. Còn công nghệ kỹ thuật giúp nông nghiệp mở rộng quy mô sang những phương tiện mới, địa điểm mới và lĩnh vực mới của nền kinh tế.
Đối với Việt Nam, có một số thách thức đáng kể liên quan đến tận dụng các cơ hội mà Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại để thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Thứ nhất, khả năng ứng dụng, hấp thụ các công nghệ của Việt Nam rất hạn chế. Thứ hai, kể cả khi có thể ứng dụng được các công nghệ này thì cần phải giải quyết thách thức liên quan đến bất bình đẳng, vì nhiều người nông dân có trình độ và năng lực còn hạn chế nên khó được hưởng lợi, thậm chí còn phải đối mặt với sự giảm giá của các sản phẩm mà họ làm ra do phải cạnh tranh với các sản phẩm mới.
Kiến nghị chính sách
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra với tốc độ nhanh theo cấp số nhân đang làm thay đổi bối cảnh toàn cầu và có tác động ngày một gia tăng đến Việt Nam, cả tác động tích cực cũng như bất lợi: Với tư cách là người tiêu dùng, tất cả người dân đều được hưởng lợi do hàng hóa và dịch vụ sẽ phong phú hơn và giá cả hợp lý hơn. Tuy nhiên, trong trung hạn nhiều lao động có thể sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là lao động ít kỹ năng nên phải chịu tác động mạnh mẽ của quá trình tự động hóa đang tăng tốc ở các nước phát triển.
Nếu tận dụng tốt cơ hội và vượt qua được các thách thức, Việt Nam sẽ có khả năng thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến hơn, và sớm thực hiện được mục tiêu trở thành nước được công nghiệp hóa theo hướng hiện đại. Trong trường hợp ngược lại, khoảng cách phát triển với các nước đi trước sẽ tiếp tục gia tăng.
Do vậy Việt Nam cần thực hiện một chương trình nghị sự kép: (i) tiếp tục giải quyết những vấn đề liên quan đến kinh tế, xã hội và môi trường còn tồn đọng từ giai đoạn tăng trưởng nóng trước đây, (ii) nhanh chóng tận dụng những cơ hội và vượt lên những thách thức mới xuất hiện liên quan đến Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tăng tốc trên phạm vi toàn cầu. Nội dung của kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng cần phải bao gồm những nội dung liên quan đến cả hai nhóm này.
Thứ nhất, cần đưa những cơ hội và thách thách thức liên quan đến Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào như là một nội dung bắt buộc của việc phân tích bối cảnh để điều chỉnh những thông số của các kế hoạch phát triển trung và dài hạn, đặc biệt là chương trình đầu tư hạ tầng lớn, trước hết là Internet, thông tin, truyền thông v.v…
Thứ hai, cần tăng cường nâng cao nhận thức của các cơ quan hoạch định chính sách cũng như khu vực doanh nghiệp (nhất là đối với các doanh nghiệp trong ngành năng lượng, khai thác tài nguyên, công nghiệp chế tạo do các ngành này có khả năng chịu nhiều tác động) và khu vực ngân hàng về Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để giúp điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và đầu tư nhằm tránh các khoản đầu tư sai, qua đó giúp ngăn ngừa các khoản nợ xấu phát sinh trong tương lai.
Thứ ba, cần có những thay đổi căn bản trong điều hành tỷ giá theo hướng linh hoạt và mang tính thị trường hơn, tránh để đồng tiền Việt Nam bị định giá cao để giúp cải thiện năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành chế tạo sẽ chịu nhiều sức ép điều chỉnh lớn khi lợi thế lao động giá rẻ của Việt Nam trong các ngành này bị suy giảm mạnh khi người máy và tự động hóa đang trở thành xu hướng chủ đạo trong thời gian tới.
Thứ tư,trong bối cảnh dư địa tài khóa hạn hẹp do nợ công đã ở mức cao, cần xem xét việc đánh thuế tài sản để có thêm nguồn ngân sách dành cho an sinh xã hội, đặc biệt là dùng để hỗ trợ lao động có thể bị mất việc trong các ngành chịu tác động bởi Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thứ năm, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, khuyến khích đổi mới sáng tạo: (i) thúc đẩy thiết lập các cụm liên kết ngành; (ii) dành ưu tiên đầu tư công cho phát triển kết cấu hạ tầng gắn với việc cải thiện tính kết nối (mở rộng độ bao phủ, tăng tốc đọ truy cập và hạ giá sử dụng Internet); (iii) phát triển thị trường vốn dài hạn, và thúc đẩy sự phát triển của các quỹ đầu tư mạo hiểm gắn với phát triển công nghệ và sáng tạo;
Thứ sáu, thực hiện chính sách công nghiệp phù hợp để (i) tăng cường mối liên kết chặt chẽ hơn giữa khu vực kinh tế trong nước và khu vực FDI, đặc biệt là có các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp và một số doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả trong các lĩnh vực ứng dụng và phát triển công nghệ, nhất là công nghệ trung bình và công nghiệp phụ trợ gắn với các chuỗi giá trị toàn cầu; (ii) thúc đẩy một sự hợp tác hiệu quả giữa Nhà nước, khu vực doanh nghiệp và các trường đại học công nghệ để thúc đẩy sự phát triển một số ngành chọn lọc, đặc biệt là công nghệ thông tin.
Thứ bảy, thực hiện cải cách mạnh hệ thống giáo dục, đào tạo theo hướng:
Hỗ trợ mạnh mẽ cho các ngành khoa học và công nghệ (STEM) bằng các thể chế và chính sách hiệu quả
Tăng cường quảng bá để nâng cao nhận thức lớp trẻ, hướng sinh viên vào học các ngành STEM
Nuôi dưỡng các kỹ năng STEM từ nhỏ, bắt đầu từ cấp mẫu giáo bằng các phương thức giảng dạy phù hợp như câu lạc bộ robots
Học tập các nước tiên tiến trong việc đưa lập trình vào chương trình học từ những lớp dưới
Khuyến khích tinh thần học tập suốt đời, học tập liên tục trên cơ sở tận dụng những công nghệ học tập mới dựa trên Internet
Thay đổi căn bản cách học tập và giảng dạy tiếng Anh ở trong nhà trường với những chỉ tiêu giám sát kết quả cụ thể
Có cơ chế để khuyến khích các doanh nghiệp và các tổ chức giáo dục đào tạo gắn kết với nhau để thu hẹp khoảng cách kỹ năng của sinh viên mới ra trường, qua đó giúp họ rút ngắn thời gian tìm việc phù hợp với chuyên môn và các doanh nghiệp rút ngắn thời gian và giảm chi phí tuyển dụng.
Tài liệu tham khảoNguyen X. Thanh
Search for articles by this author
Affiliations
Institute of Health Economics, Edmonton, Alberta, Canada
University of Alberta, School of Public Health, Edmonton, Alberta, Canada
Correspondence
Address correspondence to: Nguyen X. Thanh, Institute of Health Economics, #1200, 10405 Jasper Avenue, Edmonton, Alberta, Canada T5J 3N4.
Gill, I. S., Kharas, H. J. 2007. An East Asian renaissance: ideas for economic growth. World Bank Publications.
ILO. 2016. "ASEAN in transformation: How Technology is Changing Jobs and Enterprises – ASEAN trong chuyển dịch cơ cấu: Công nghệ đang làm việc làm và doanh nghiệp thay đổi như thế nào"
Kapsos, S., & Bourmpoula, E. 2013. Employment and economic class in the developing world. ILO.
Khan, Mushtaq. 2015. 'The Role of Industrial Policy: Lessons from Asia.' In: Bailey, David and Cowling, Keith and Tomlinson, Philip R., (eds.. New Perspectives on Industrial Policy for a Modern Britain. Oxford: Oxford University Press, pp. 79-98.
Kharas, H. 2010. The emerging middle class in developing countries.
Kharas, H., & Kohli, H. 2011. What is the middle income trap, why do countries fall into it, and how can it be avoided?.Global Journal of Emerging Market Economies, 3(3. 281-289.
Kochhar, R. 2015. ‘A Global Middle Class Is More Promise than Reality'. Pew Research Center. https://www.pewglobal.org/2015/07/08/a-global-middle-class-is-more-promise-than-reality/#why-the-middle-matters. Last accessed on 11 October 2015
Rodrik, D. 2010. The Return of Industrial Policy.https://www.project-syndicate.org/commentary/the-return-of-industrial-policy. Last accessed on 15 July 2015.
Rodrik, D. 2014. ‘The Past, Present and Future of Economic Growth'. Challenge, 57(3). 5-39.
Vu Hoang Dat. 2015. ‘Inclusive Growth Index in Vietnam: An Analysis', Policy Paper for the Mekong Economic Research Network (MERN)
World Economic Forum. 2014. The Global Competitiveness Report 2014-2015. Switzerland.
World Economic Forum. 2015. The Global Competitiveness Report 2015-2016. Switzerland.
Yusuf, S. 2014. Evolving Global Value Chains: Policy Implications for Vietnam.
[1] Trong Hình 1chỉ số về phân phối thu nhập có giá trị âm (hay dương) nếu phân phối thu nhập xấu đi (hoặc cải thiện) tương ứng.
[2] Trong các tài liệu, vai trò của tầng lớp trung lưu được nhấn mạnh như là một nguồn của tinh thần kinh doanh chân chính (Acemoglu và Zilibotti 1997), nguồn vốn con người và tích lũy (Doepke và Ziliboti 2007), nền dân chủ (Banerjee và Duflo 2007) và nguồn chi (Nomura 2009 và Kharas 2010).
[3] Trong tài liệu, thước đo trên cơ sở thu nhập hoặc trên cơ sở tiêu dùng được sử dụng đề phân loại các tầng lớp kinh tế. Mỗi tầng lớp có cả lợi thế lẫn bất lợi, và những khác biệt giữa hai tầng lớp là rất ít ở mức thu nhập và tiêu dùng thấp hơn (Kapsos và Bourmpoula, 2013). Trong nhiều nghiên cứu phân tích quy mô và tính năng động của tầng lớp trung lưu ở cấp độ toàn cầu, cách phân loại theo thu nhập và tiêu dùng của các tầng lớp dân cư có thể được sử dụng để thay thế nhau, bởi mỗi trường hợp được áp dụng cho các nhóm nước khác nhau. Sự lựa chọn thu nhập cho cách tính toán của chúng tôi được thực hiện để so sánh tốt hơn với thước đo thu nhập GNI sử dụng trong cách tính toán và phân tích HDI tại Chương 2.
[4] Ba ngưỡng đầu tiên (nhóm nghèo
[5] Kharas (2010) sử dụng khoảng dao động USD 10-100 (tính theo PPP năm 2005) đế định nghĩa cái gọi là ‘tầng lớp trung lưu toàn cầu'. Ở Việt Nam, tỷ trọng của người dân có thu nhập nhiều hơn US$ 100/ngày (tính theo PPP năm 2005) là rất ít, với 0,12% năm 2010 và 0,07% năm 2012. Do đó, kết hợp nhóm trung lưu lớp trên và nhóm có mức thu nhập cao có thể được coi là tương đương với tầng lớp trung lưu toàn cầu.
[6] Ngưỡng thu nhập US$ 10/ngày càng được chấp nhận như một điểm mà một cá nhân có được một vị thế đủ chắc chắn để không phải lo lắng về khả năng tự trang trải nhu cầu cơ bản của mình hay rơi trở lại cảnh nghèo cùng cực.
[7] Theo phân tích mới của Trung tâm Nghiên cứu PEW sử dụng nguồn số liệu mới nhất có thể, chỉ có 13% dân số trên thế giới có mức thu nhập trên ngưỡng US$ 10 và do đó có thể được coi là bộ phận thuộc tầng lớp trung lưu toàn cầu. Do đó,"... sự xuất hiện của một tầng lớp trung lưu toàn cầu theo đúng nghĩa hãy còn là một lời hứa hẹn thay vì là một thực tế". (Kochnar, 2015)
[8] Dựa trên số liệu từ cơ sở dữ liệu chỉ số phát triển thế giới của Ngân hàng thế giới.
[9] Số lượng xe hơi tư và các hàng hóa, dịch vụ xa xỉ tăng lên nhanh chóng từ năm 2007 trở đi là bằng chứng cho thấy những thay đổi trong hành vi tiêu dùng của tầng lớp thượng lưu, trong đó có nhiều người có được tài sản từ nền kinh tế bong bóng.
[10] Bằng chứng về sự trỗi dậy của châu Á nói chung và Trung Quốc nói riêng là tỷ trọng tầng lớp trung lưu đang tăng lên nhanh của họ, một yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu. Kharas (2011) dự báo rằng tỷ trọng của tầng lớp trung lưu châu Á sẽ tăng lên đến 54% năm 2020 và 66% năm 2030 từ chỉ 28% năm 2009, trong khi tầng lớp trung lưu của Trung Quốc sẽ đạt đến 13% năm 2020 và 18% năm 2030 từ tỷ lệ khiêm tốn 4% năm 2009.
[11]Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2014-2015 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, về 12 trụ cột, Việt Nam có thứ bậc thấp nhất trong các lĩnh vực này. Trong Báo cáo 2014-2015, xét về tổng thể, Việt Nam được xếp thứ 68 trên tổng cộng 144 nước, nhưng điểm số cho các chỉ số liên quan đến sự sẵn sàng công nghệ còn thấp hơn nhiều (Khả năng tiếp thu công nghệ ở cấp doanh nghiệp: 121; FDI và chuyển giao công nghệ: 93; Độ rộng của chuỗi giá trị: 112; Độ tinh vi của quy trình sản xuất: 116; Chất lượng của các định chế nghiên cứu khoa học: 96; Giáo dục và đào tạo đại học: 96).
[12]Trong ngành giày dép, công nghệ in 3D đã tiến bộ đến mức có thể sản xuất giầy ngay tại chỗ, và công nghệ này sẽ sớm được hoàn thiện trong một tương lai không xa. Điều này có nghĩa là người tiêu dùng ở các nước phát triển có thể có ngay một đôi giày sản xuất theo nhu cầu của khách hàng mà không cần phải trải qua quy trình sản xuất hay nhập khẩu từ một quốc gia khác.
[13] Nguồn: https://cafef.vn/det-may-duoi-suc-20160618085507124.chn
[14] Nguồn: https://cafef.vn/dung-lao-vao-det-may-nua-20160723204439313.chn
[15] Tuy nhiên tương lai của TPP hiện nay không rõ ràng do có sự thay đổi Chính phủ Mỹ vào đầu năm 2017
[16] Nguồn: ILO. 2016. "ASEAN in transformation: How Technology is Changing Jobs and Enterprises – ASEAN trong chuyển dịch cơ cấu: Công nghệ đang làm việc làm và doanh nghiệp thay đổi như thế nào".
[17] Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả trên cơ sở số liệu của Điều tra lao động và việc làm.
[18] Nguồn: Như trên
[19] Nguồn:https://vneconomy.vn/cuoc-song-so/60000-cong-nhan-foxconn-duoc-thay-bang-robot-20160526025136288.htm
[21] Từ cuối năm 2009, chính phủ Mỹ đã triển khai thực hiện chiến dịch đổi mới giáo dục "Educate to Innovate" nhằm thúc đẩy sự phát triển giáo dục các ngành STEM và đặt ưu tiên tăng số lượng sinh viên và giáo viên thông thạo trong các lĩnh vực quan trọng lên hàng đầu. Ngân sách đã được sử dụng để đầu tư cho Chương trình "100K in 10" – đào tạo 100 nghìn giáo viên STEM trong 10 năm. Hàng năm ở Mỹ có tổ chức ngày hội STEM với sự tham gia của Tổng thống Barack Obama. Để ưu tiên thu hút chất xám từ các nước khác, Mỹ cho phép sinh viên nước ngoài tốt nghiệp các ngành STEM được ở lại làm việc tới 3 năm (trong khi đó các sinh viên học các ngành khác chỉ được 1 năm) theo chương trình thực tập OPT (Optional Practical Training) v.v…
[22] Chính phủ Nhật cũng có chính sách không hỗ trợ những ngành không phải STEM
[24] Theo Hiệp hội phần mềm (HHPM) Đà Nẵng, khoảng 3.000 sinh viên công nghệ thông tin tốt nghiệp trong năm 2015 thì chỉ 20% làm được việc, 80% còn lại DN phải đào tạo bổ sung (Nguồn trên).