Nguyên nhân các doanh nghiệp Việt Nam bỏ giá cao hơn các doanh nghiệp Thái Lan là vì, tại thời điểm ngày 22/5,
giá gạo Việt Nam loại 5% tấm là 460 USD/tấn, loại 25% tấm là 445 USD/tấn.
Ngày 22/5/2018, Cơ quan lương thực quốc gia Philippines (NFA) mở tiếp gói thầu 250 ngàn tấn gạo 25% tấm theo hình thức Chính phủ - tư nhân (G2P). Kết quả đấu thầu đã xảy ra bất ngờ lớn, doanh nghiệp Việt Nam đều thua trắng, không trúng bất cứ lô thầu nào.
Các doanh nghiệp tham gia buổi đấu giá gạo tại Philippines lần này đều là những gương mặt "lớn" trong làng xuất khẩu gạo Việt Nam, gồm: Vinafood 1, Vinafood 2, Công ty cổ phần Gentraco, Công ty cổ phần Quốc tế Gia, Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Long...
Thua do bỏ giá cao
Duy nhất Công ty Olam trúng 37.500 tấn, với giá 463.1 USD/tấn, còn lại các doanh nghiệp Thái Lan trúng 6 lô, doanh nghiệp Việt Nam không trúng lô nào. Đó là kết quả mà không ai có thể ngờ tới.
Giá trần do NFA đưa ra là 498,25 USD/tấn. Giá bỏ thầu của Thái Lan được luỹ tiến như sau: Giá thấp nhất là 460 USD/tấn, 461,5 USD/tấn, 463 USD/tấn, 463,1 USD/tấn, 463,5 USD/tấn, 465 USD/tấn,... tất cả đều có sự sắp xếp. Trong khi giá của Việt Nam bỏ cách Thái Lan trên 10 USD/tấn. Công ty Khiêm Thanh bỏ giá 479 USD/tấn.
Nguyên nhân các doanh nghiệp Việt Nam bỏ giá cao hơn các doanh nghiệp Thái Lan là vì, tại thời điểm ngày 22/5, giá gạo Việt Nam loại 5% tấm là 460 USD/tấn, loại 25% tấm là 445 USD/tấn.
Trong khi đó, giá gạo Thái Lan loại 5% tấm là 433 USD/tấn, gạo 25% tấm là 406 USD/tấn. Như vậy, tại thời điểm diễn ra đấu thầu, giá gạo trong nước của Thái Lan đang thấp hơn nhiều so với giá gạo trong nước của Việt Nam.
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Tổng Giám đốc Công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2) cho biết, các công ty Thái Lan bỏ thầu giá quá thấp nên họ trúng hết.
Theo tôi, đây là sự cạnh tranh giữa các công ty Thái Lan với các công ty đa quốc gia để có thị phần gạo tại thị trường Philippines, giá trúng thầu của họ còn thấp hơn giá thành sản xuất gạo của Việt Nam hiện nay.
Căn cứ vào tình hình sản xuất, lượng hàng tồn kho, thời gian giao hàng... và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Công Thương, VFA đã đồng hành cùng các doanh nghiệp tham dự thầu với tinh thần đảm bảo giá trúng thầu phải có hiệu quả cho doanh nghiệp, và cho người sản xuất đồng thời giữ uy tín cho doanh nghiệp Việt Nam khi thực hiện hợp đồng.
"Diễn biến thị trường và tình hình sản xuất lương thực trong thời gian tới còn diễn biến phức tạp, cần theo dõi để có định hướng trong sản xuất và kinh doanh, không phải Việt Nam thua thầu mà là do ta không tham gia tranh giành để gánh lấy thua lỗ", ông Nam khẳng định.
Còn theo ý kiến các chuyên gia, việc thua thầu lần này chúng ta phải chấp nhận, vì giá gạo của Việt Nam quá cao và chúng ta còn may mắn, vì nếu trúng thầu thì nguy cơ thua lỗ sẽ xảy đến với các doanh nghiệp trúng thầu.
Hay thiếu sự điều hành và phối hợp?
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, trước đây khi đấu thầu gạo quốc tế, có lúc giá gạo trong nước cao hơn gạo Thái Lan nhưng Việt Nam vẫn thắng thầu với giá tốt, vì khi đó có sự phối hợp và tính toán phù hợp với tình hình thực tế.
Như vậy, có thể nói nguyên nhân thua thầu lần này còn có nguyên nhân là do thiếu sự điều hành sâu sát, thiếu thống nhất trong nội bộ trong ngành hàng xuất khẩu gạo và các doanh nghiệp tự ý quyết định giá bỏ thầu.
Cũng cần nhắc lại, hiện nay Nghị định 109/CP chưa sửa đổi nên còn hiệu lực, và những cuộc đấu thầu gạo quốc tế như thế này, VFA nên áp dụng Nghị định 109/CP để điều hành, hướng dẫn và đưa ra cơ chế phối hợp sao cho buổi đấu thầu có kết quả tốt nhất.
Vẫn theo vị chuyên gia này, trong lần đấu thầu này chúng ta thấy vai trò "nhạc trưởng" của VFA chưa phát huy hết mức có thể, mà trông chờ vào ý kiến chỉ đạo của Bộ Công Thương. Song, Bộ Công Thương không có chức năng trong việc điều hành đấu thầu tư nhân, còn doanh nghiệp thì tự bơi và họ đã tự quyết định giá bỏ thầu của đơn vị mình.
Trong khi đó, Thái Lan có nhu cầu bán gạo, và thực tế nhìn vào bảng giá họ trúng thầu có thể thấy nội bộ Thái Lan đã có sự chuẩn bị và sắp xếp từ trước, nên họ bỏ giá chênh lệch không nhiều và đã thắng thầu áp đảo.
Lần thua này, chúng ta cần rút ra được những bài học kinh nghiệm để làm tốt hơn cho những lần đấu thầu sau. "Lô gạo này lẽ ra Việt Nam phải trúng vì nó trùng với thu hoạch vụ hè thu. Lần thua thầu này là bài học đắt giá vì trong lịch sử đấu thầu quốc tế, Việt Nam chưa bao giờ thua trắng như thế này!
Bài học này thật sự quá đắt và chúng ta hãy nhìn thẳng vào sự thật, tìm hiểu, phân tích và tìm rõ nguyên nhân để rút kinh nghiệm cho những lần đấu thầu sau", vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Theo VnEconomy