Ý kiến của luật sư Trương Thanh Đức:
“Mua quyền sử dụng đất” 2 lần
Nhiều quy định của luật Đất đai gây khó khăn cho kinh doanh bất động sản. Chẳng hạn như, doanh nghiệp đã “mua” quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân, kể cả đất ở, nhưng vẫn phải trả tiền cho Nhà nước để chuyển sang chế độ đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê hoặc trả tiền thuê trước hằng năm. Như vậy không khác nào phải “mua đất” 2 lần.
Hoặc doanh nghiệp mua tài sản (qua hoặc không qua đấu giá, của hay không của doanh nghiệp cổ phần hóa), kèm theo quyền sử dụng đất mua được, thực chất đã là mua đất trong nhiều trường hợp, nhưng khi làm dự án bất động sản thì lại phải đấu giá để mua lại đất một lần nữa, không khác nào mua 2 lần. Chưa kể rất dễ dẫn đến bế tắc trong việc giải quyết quyền sở hữu hợp pháp phần bất động sản trên đất.
Ngoài ra, đất đai đứng tên một số chủ thể sử dụng đất như hộ gia đình, nhưng không xác định được cụ thể là những cá nhân nào, cũng gây nhiều khó khăn cho hoạt động kinh doanh bất động sản.
Do đó, cần sửa đổi các quy định trên của luật Đất đai để giải quyết nhiều vấn đề mâu thuẫn, vướng mắc, bất cập.
Gian nan “giải phóng mặt bằng”
Tinh thần các nguyên tắc của luật Đất đai năm 2013 khi Nhà nước thu hồi đất là bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người có đất bị thu hồi.
Nguyên tắc này cũng được tiếp tục khẳng định tại điều 1 về “Đánh giá kết quả thực hiện”, Nghị quyết số 82 ngày 14/6/2019 của Quốc hội về việc “Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị”: “Chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được quy định chặt chẽ hơn, bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người có đất thu hồi, ngày càng tạo được sự đồng thuận trong nhân dân”. Tuy nhiên, nguyên tắc này gần như không được thực hiện trên thực tế.
Luật Đất đai năm 2013 (*) quy định: Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi được bồi thường theo giá cụ thể trên cơ sở khung giá đất theo giá thị trường.
Tuy nhiên, khung giá đất do Chính phủ và HĐND cấp tỉnh quy định nói chung cũng như giá đất cụ thể do UBND quyết định nói riêng thường thấp xa so với giá thị trường, nên rất khó khăn trong việc thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng nói chung và mặt bằng để triển khai dự án của doanh nghiệp bất động sản nói riêng. Đây là vấn đề cần được nhanh chóng xem xét lại ngay, vì các cơ quan quản lý vi phạm nghiêm trọng chính nguyên tắc do mình đặt ra suốt 18 năm qua, từ luật Đất đai năm 2003 cho đến luật năm 2013.
Do đó, cần sửa đổi theo hướng hiện thực hoá nguyên tắc “bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người có đất bị thu hồi”.
Kinh doanh bất động sản nhà ở bị siết chặt
Nhà ở là một lĩnh vực rất quan trọng đối với doanh nghiệp bất động sản và cũng phụ thuộc rất nhiều vào quy định của pháp luật đất đai về việc nộp tiền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, bàn giao mốc giới của dự án. Trong khi đó, các vấn đề này trong luật Đất đai còn có nhiều bất cập, thường xuyên dẫn đến việc vướng mắc, chậm trễ.
Theo quy định (**) thì việc các công ty bất động sản huy động vốn cho phát triển nhà ở chỉ được thực hiện thông qua 3 hình thức, trong đó có trường hợp “góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân”.
Bên tham gia góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết chỉ được phân chia lợi nhuận (bằng tiền hoặc cổ phiếu) trên cơ sở tỷ lệ vốn góp theo thỏa thuận trong hợp đồng. Chủ đầu tư không được áp dụng hình thức huy động vốn quy định tại điểm này hoặc các hình thức huy động vốn khác để phân chia sản phẩm nhà ở hoặc để ưu tiên đăng ký, đặt cọc, hưởng quyền mua nhà ở hoặc để phân chia quyền sử dụng đất trong dự án cho bên được huy động vốn, trừ trường hợp góp vốn thành lập pháp nhân mới để được Nhà nước giao làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở.
Việc luật quy định “việc góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết” của các cá nhân, nhất là với tư cách người tiêu dùng như trên là hợp lý. Tuy nhiên, đó là điều rất bất hợp lý khi áp dụng cho mọi tổ chức, kể cả đó là doanh nghiệp bất động sản chuyên nghiệp, thậm chí trái với quy định của luật Đất đai, luật Doanh nghiệp, luật Đầu tư. Trên thực tế, việc vay vốn ngân hàng của doanh nghiệp bất động sản để hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh cũng bị vướng mắc.
Do đó, cần sửa luật Đất đai, luật Kinh doanh bất động sản và luật Nhà ở theo hướng cho phép, thậm chí là khuyến khích các doanh nghiệp bất động sản “hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết” với nhau để thực hiện các dự án.
Luật Đất đai có ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng, vì vậy cần được xem xét sửa đổi, khắc phục những vướng mắc, bất cập, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển.
(*) Điều 55 về “Điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh”, luật Kinh doanh bất động sản năm 2014; Điều 68 về “Nguyên tắc huy động vốn cho phát triển nhà ở”; Điều 69 về “Vốn phục vụ cho phát triển nhà ở thương mại”, luật Nhà ở năm 2014 và điều 19 về “Ký hợp đồng huy động vốn cho phát triển nhà ở thương mại”, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Nhà ở”, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 30/2019/NĐ-CP và Nghị định số 30/2021/NĐ-CP; Điều 9 về “Huy động vốn phục vụ cho phát triển nhà ở thương mại”, Thông tư số 19/2016/TT-BXD của Bộ trưởng Xây dựng “Hướng dẫn thực hiện một số nội dung của luật Nhà ở và Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Nhà ở”, đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 02/2019/TT-BXD và Thông tư số 07/2021/TT-BXD.
(**) Khoản 1, điều 74 về “Nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất”; Điều 113 về “Khung giá đất”; Điều 114 về “Bảng giá đất và giá đất cụ thể”.
Theo Tuần Vietnamnet