Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu là niềm kiêu hãnh của dân tộc Việt Nam, mang tầm vóc thời đại, góp phần to lớn vào phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ của nhân loại, là bệ phóng để dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới, đồng thời là nguồn động lực vô hạn đối với mỗi người dân Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Chiến thắng của 70 năm trước vẫn còn vang vọng đến ngày nay, để tạo nên sự khác biệt, độc đáo cho các sản phẩm du lịch cần khai thác tốt các giá trị văn hóa, lịch sử riêng có của Điện Biên.
TP Điện Biên Phủ
1- Chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử để phát triển du lịch bền vững
Trong sự nghiệp đổi mới, Đảng ta luôn coi trọng vị trí, vai trò của văn hóa, khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh cho sự phát triển. Trước những thách thức đặt ra của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, càng phải chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc vì sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước. Những năm qua, các giá trị văn hóa ở nước ta, nhất là các giá trị văn hóa truyền thống, luôn được chú trọng bảo tồn và phát huy.
Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã được đề cập ở văn kiện nhiều kỳ Đại hội Đảng toàn quốc. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định quan điểm chỉ đạo “phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần”[1], “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”[2] và đề ra 12 định hướng lớn để phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, trong đó định hướng liên quan tới lĩnh vực phát triển văn hóa có ghi rõ "Xây dựng văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.
Để xây dựng văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện chính là bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử bao gồm các di sản văn hóa phi vật thể, di tích lịch sử-văn hóa, di sản tư liệu, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia… việc bảo tồn một cách bền vững và hiệu quả góp phần gia tăng giá trị của di sản văn hóa.
Đối với khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, trên cơ sở chủ trương, đường lối Đảng, Nhà nước và các nghị quyết của Quốc hội, cơ quan chức năng đã cụ thể hoá thành hệ thống chính sách văn hóa nói chung và chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, nhằm tạo chuyển biến, khai thác nguồn lực văn hoá theo hướng bền vững (chẳng hạn, năm 2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 về việc phê duyệt “Đề án Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”; Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 được Ban hành theo Quyết định số 1909/QĐ-TTg, ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ...Đặc biệt, trong “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030” đã xác định và lồng ghép nhiều mục tiêu, nội dung, nguồn lực của Chương trình gắn với chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá tộc người. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm đặc biệt. Qua đó đã góp phần chấn hưng, quảng bá, phục hồi và phát huy giá trị văn hóa các cộng đồng dân tộc thiểu số. Tính hiệu quả trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đã tạo nên hiệu quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, hình thành tư tưởng, tình cảm, tinh thần trong đời sống tinh thần của các dân tộc thiểu số và góp phần vào sự phát triển chung của địa phương, vùng và Đất nước.
Ngày 15/7/2021, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1230/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2025 nhằm mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, các công trình có giá trị tiêu biểu quốc gia, có ý nghĩa chính trị, văn hóa, lịch sử, truyền thống đặc sắc, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam vì sự phát triển bền vững đất nước. Ở nhiều địa phương trên cả nước đã tăng cường công tác tuyên truyền, kêu gọi người dân tìm hiểu về giá trị của các di tích, ý nghĩa, vai trò các di tích gắn với các sự kiện lịch sử tiêu biểu của các thời kỳ cách mạng, kháng chiến của tỉnh, về sự cần thiết phải bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích; Khuyến khích thực hiện xã hội hóa trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, thu hút đầu tư xây dựng các dự án du lịch gắn với các khu di tích, các tuyến, điểm du lịch kết nối với các di tích.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030 đã nhấn mạnh: “Phát triển du lịch bền vững gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội”. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, giá trị lịch sử góp phần phát triển du lịch, đồng thời khi du lịch phát triển cũng là điều kiện thuận lợi cho việc bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc, giá trị lịch sử. Đó cũng chính là phát triển bền vững. Phát triển bền vững là mục tiêu hàng đầu, xuyên suốt các thời kỳ phát triển kinh tế của đất nước, đã trở thành định hướng quan trọng cho các ngành phát triển,
2- Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử góp phần phát triển Điện Biên trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của vùng Trung du miền núi phía Bắc gắn với phát triển du lịch bền vững
Điện Biên là vùng đất cách mạng, nằm ở vị trí chiến lược quan trọng, có nhiều lợi thế, tiềm năng về kinh tế, du lịch lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, ẩm thực và các danh thắng. Nhiều di tích lịch sử có giá trị to lớn, trong đó di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ có giá trị đặc biệt quan trọng về lịch sử, văn hóa - xã hội, khoa học. Việc khai thác và phát huy các giá trị lịch sử của địa phương trong những năm qua đã mang lại những đóng góp nhất định cho kinh tế địa phương. Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, các chương trình du lịch khai thác từ các giá trị văn hóa, lịch sử mới chủ yếu phục vụ loại hình du lịch tham quan, giáo dục tư tưởng, tổng kết khen thưởng trong thời gian ngắn ngày. Các di sản văn hóa, lịch sử vẫn chưa thật sự tạo ra sức hút; hoạt động du lịch chưa có tính chuyên nghiệp cao; sản phẩm du lịch còn nghèo nàn; doanh thu từ du lịch chiếm tỷ trọng thấp. Nguyên nhân là do tính hấp dẫn ở các điểm du lịch thấp, việc nghiên cứu các giá trị di sản để tạo hiệu ứng thu hút khách mới được quan tâm đầu tư, sản phẩm du lịch chưa tạo được thương hiệu, còn trùng lặp và đơn điệu. Các di tích lịch sử cách mạng chưa được quan tâm đầu tư phát triển du lịch, chủ yếu được bảo tồn giữ gìn tính nguyên gốc. Các công trình tôn tạo được bổ sung xây mới thường chủ yếu là nhà trưng bày hình ảnh, hiện vật nhân vật, sự kiện, ít chú ý đến thiết kế không gian cảnh quan hay thủ pháp kiến trúc, nghệ thuật mang tính hấp dẫn, đặc sắc để thu hút khách du lịch. Các bản làng văn hóa với cách thức hoạt động du lịch na ná giống nhau. Các điểm khai thác từ chất liệu lịch sử có tính thẩm mỹ qua thị giác thu hút khách thấp, chủ yếu phải thông qua lời thuyết minh của hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại điểm thì các giá trị mới được hiện hữu và nổi bật lên được. Số lượng, chất lượng dịch vụ các cơ sở lưu trú còn hạn chế; chưa đáp ứng được nhu cầu ẩm thực đa dạng của du khách; thiếu các điểm mua sắm, vui chơi giải trí. Các giá trị văn hóa, lịch sử chưa được khai thác tối đa dẫn đến chưa hấp dẫn được khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế; đội ngũ nhân lực còn thiếu và yếu về kỹ năng hành nghề.
Với quyết tâm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết 08 –NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy Điện Biên đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 7-5-2021 về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, xác định mục tiêu tổng quát xây dựng Điện Biên trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của vùng Trung du miền núi phía Bắc vào năm 2025, trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế gắn với bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, di tích lịch sử, bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và chủ quyền biên giới quốc gia. Đây là cơ sở quan trọng để phát triển du lịch Điện Biên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, bảo đảm phát triển bền vững.
Việc phát triển du lịch bền vững đòi hỏi tỉnh phải quan tâm đến lợi ích kinh tế, xã hội mang tính lâu dài trong khi vẫn đảm bảo sự đóng góp cho bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên, duy trì được sự toàn vẹn về văn hóa để phát triển hoạt động du lịch trong tương lai; cho công tác bảo vệ môi trường và góp phần nâng cao mức sống của cộng đồng. Đồng thời, phải đánh giá sức tải của di sản để có quy hoạch, định hướng phát triển một cách hài hòa, cân bằng với sự nội tại của di sản. Không thể phát triển thương mại quá mức, phát triển một cách tự phát mà phải có sự cân nhắc. Đặc biệt trên nguyên tắc tôn trọng di sản để phát triển một cách bền vững.
3- Giải pháp phát triển du lịch Điện Biên
Để làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử phải đưa du lịch văn hóa, lịch sử trở thành một trong một các dòng sản phẩm chủ đạo của ngành du lịch tỉnh; góp phần đưa Điện Biên trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của vùng Trung du miền núi phía Bắc, là điểm đến du lịch đẳng cấp, thương hiệu, hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao không chỉ trong nước mà còn trong khu vực và quốc tế cần thực hiện các giải pháp sau:
1- Nâng cao vai trò và vị trí của cộng đồng trong quản lý, khai thác và phát huy giá trị du lịch di sản; Gắn bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phải với bảo tồn môi trường và không gian cảnh quan di sản một cách bền vững; Đảm bảo sự hài hòa các mối quan hệ giữa bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử. Không hy sinh văn hóa truyền thống để phát triển du lịch bằng mọi giá.
2- Ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tế hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Cải thiện môi trường đầu tư; xây dựng chính sách thu hút các nhà đầu tư chiến lược; thúc đẩy hợp tác công-tư; phát triển hạ tầng du lịch, đặc biệt hạ tầng giao thông đường bộ; huy động các nguồn lực cho bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc, khuyến khích các hoạt động hợp tác, liên kết, xã hội hóa.
3- Củng cố, kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về văn hóa, du lịch phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh; thực hiện có hiệu quả phân cấp quản lý di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; tăng cường liên kết, hợp tác trong bảo tồn, phát huy bản sắc di sản văn hóa tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch bền vững.
4- Có chiến lược xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, phong phú, hấp dẫn, dựa trên sự tôn trọng, bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử; tạo được bản sắc của địa phương, hấp dẫn du khách trong nước, quốc tế, phát triển các dịch vụ liên quan, chuyển từ du lịch tiêu tiền ít sang du lịch tiêu tiền nhiều, du khách từ lưu trú ít sang lưu trú nhiều; cần có sự kết nối chiều sâu hơn giữa các vùng trong nước và các quốc gia.
5- Tổ chức các sự kiện có sự kết hợp chặt chẽ cả 3 lĩnh vực văn hóa - thể thao - du lịch để tạo điểm nhấn. Chủ động, tích cực tham gia các hoạt động văn hóa trong và ngoài nước để quảng bá giá trị văn hóa, lịch sử của Điện Biên, gắn hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật với hoạt động đối ngoại, quảng bá du lịch và xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư… để phát huy giá trị của di sản văn hóa, lịch sử trong việc phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch bền vững của tỉnh.
6- Phát huy sức sáng tạo của các làng nghề truyền thống, đặc biệt của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, các món ăn của địa phương, các món quà lưu niệm độc đáo, riêng có,...để từng bước xây dựng thương hiệu du lịch Điện Biên.
[1][1] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I,
tr. 110, 110, 115 – 116
[2] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I,
tr. 110, 110, 115 – 116
TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội,
Ban Kinh tế Trung ương