Sự hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn giúp Việt Nam hoàn thành tốt nhất kế hoạch đề ra (tăng trưởng GDP đạt 8,02%, lạm phát được kiểm soát ở mức 3,15%) và là một trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng GDP cao trong khu vực và trên thế giới với mức lạm phát thấp.
Tuy nhiên, bên cạnh những con số tăng trưởng tích cực thì vẫn có một số điều chưa đạt như kỳ vọng và cần quan tâm trong năm 2023. Có thể kể đến như tốc độ giải ngân vốn đầu tư công tương đối chậm; từ tháng 10/2022, tăng trưởng xuất khẩu chậm dần; số vốn đầu tư nước ngoài đăng ký (FDI) giảm 11% dù số vốn giải ngân tăng 14%. Cùng với đó, năm 2022, hơn 143 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 19,5%. Chuyện doanh nghiệp tham gia hay rút lui khỏi thị trường là hết sức bình thường nhưng khi con số rời bỏ thị trường quá lớn sẽ trở thành vấn đề cần quan tâm.
NHẬN DIỆN SỨC ÉP
Năm 2023, các tổ chức quốc tế dự báo kinh tế thế giới chỉ tăng trưởng khoảng 2,2-2,5% so với mức 3,1% của năm 2022. Trong khi đó, lạm phát tăng lên mức cao nhất nhiều thập kỷ, buộc các chính phủ phải thắt chặt chính sách tiền tệ.
Trong cuộc chiến chống lạm phát toàn cầu, ngân hàng trung ương các nước hơn 340 lần tăng lãi suất điều hành. Đặc biệt, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến nâng lãi suất lên 5-5,25% khiến lãi suất trên thế giới tăng nhanh. Để đảm bảo tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư quốc tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng 2 lần tăng lãi suất điều hành, gây áp lực lên chi phí vốn, tạo sự trì trệ trong sản xuất và tăng áp lực lạm phát trong nước.
Năm 2023, lạm phát thế giới dù có xu hướng hạ nhiệt nhưng được dự báo vẫn ở mức cao khoảng 6,5%, từ đó, tác động rất lớn tới giá cả hàng hóa và tình hình lạm phát của Việt Nam, bởi Việt Nam là quốc gia có độ mở cửa hội nhập sâu rộng với thế giới, với gần 40% nguồn nguyên liệu đầu vào sản xuất là nhập khẩu nên khả năng nhập khẩu lạm phát rất lớn.
Việc Trung Quốc dỡ bỏ lệnh phong tỏa trong phòng chống dịch Covid-19 có thể giúp sản xuất tăng trưởng nhưng lại tăng sức ép về giá cả xăng dầu, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất của thế giới và gia tăng áp lực lạm phát.
Đồng thời, do cơ cấu sản xuất và xuất nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc tương đồng với Việt Nam nhưng trình độ công nghệ cao hơn và quy mô sản xuất lớn hơn, nên sẽ tạo áp lực cạnh tranh lên nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Đồng thời, lạm phát cùng với việc các Chính phủ các nước cắt giảm các hỗ trợ tài chính liên quan đến đại dịch Covid-19 khiến các hộ gia đình siết chặt chi tiêu. Việc nhập khẩu và tiêu thụ hàng hóa từ các thị trường chủ lực giảm sút sẽ tạo áp lực lớn đến các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.
Một ẩn số khó lường gây nên những biến động toàn cầu năm vừa qua là cuộc xung đột Ukraine - Nga dự báo tiếp tục kéo dài, khiến Mỹ và phương Tây đẩy mạnh chính sách trừng phạt và áp trần giá dầu, giá khí đốt với Nga. Việc Nga ngừng bán dầu, khí đốt cho các quốc gia không thân thiện cùng việc OPEC tiếp tục cắt giảm sản lượng có thể đẩy giá dầu, khí đốt và các nguyên vật liệu trong năm 2023 tăng cao.
Hơn nữa, do việc bao vây, cấm vận, nước Nga không cho phép các phương tiện giao thông của các nước không thân thiện đi qua lãnh thổ Nga, làm các chuỗi cung ứng đứt gãy, chi phí vận tải, logistics tăng cao và nguồn cung ứng gặp khó khăn, chi phí sản xuất cao. Do đó, tình hình sản xuất kinh doanh trong nước cũng gặp nhiều khó khăn trong phục hồi và tăng trưởng.
Về nguồn vốn cho doanh nghiệp, chỉ số VN-Index giảm sút mạnh cùng sự trầm lắng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ cũng đang gây khó khăn cho nguồn cung vốn cho sản xuất và tạo áp lực tăng lãi suất vay nợ, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
NHIỀU CƠ HỘI KHẢ QUAN
Tuy nhiên, có một số nhân tố có thể hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam năm 2023. Trước hết, nền kinh tế Việt Nam thích ứng với trạng thái vừa chung sống với dịch bệnh, vừa đẩy mạnh sản xuất, phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022 và sẽ tiếp tục thích ứng với các biến động kinh tế - xã hội.
Tiếp đến, lãi suất huy động và lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại thời gian qua có xu hướng tăng cao, Ngân hàng Nhà nước đã có biện pháp cung ứng vốn giá rẻ với thời gian tương đối dài cho các ngân hàng thương mại, cùng các yêu cầu các ngân hàng thương mại cắt giảm chi phí nhằm ổn định và hạ thấp mặt bằng lãi suất của nền kinh tế, sẽ hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục và phát triển.
Khi tỷ giá VND ổn định so với USD, các cân đối vĩ mô ổn định, nền kinh tế tăng trưởng cao, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện sẽ là điều kiện để các nhà đầu tư nước ngoài tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Vốn FDI tăng sẽ giảm áp lực tăng tỷ giá và áp lực lạm phát của VND, từ đó, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng cao hơn.
Trong năm vừa qua, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách và cơ cấu bộ máy của thị trường chứng khoán và các quy định pháp lý cho hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ, phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường tài chính quốc tế để đáp ứng nhu cầu cung cấp vốn vay trung và dài hạn. Đây sẽ là cơ sở giúp các doanh nghiệp có thể đẩy mạnh huy động vốn trên thị trường chứng khoán, đáp ứng nhu cầu vốn trung và dài hạn giá rẻ cho hồi phục và tăng trưởng.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới tháng 10/2022 và cập nhật tháng 1/2023 đã nâng mức tăng trưởng GDP của các nền kinh tế và hạ thấp dự báo lạm phát trên phạm vi toàn cầu. Đồng thời, dự báo sự ổn định của giá cả xăng dầu và các mặt hàng nguyên nhiên vật liệu phục vụ cho sản xuất cũng tạo nhiều thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023.
Còn nếu tình hình kinh tế thế giới xảy ra diễn biến phức tạp, lạm phát vẫn cao, giá xăng dầu, nguyên vật liệu tăng cao, kinh tế thế giới trì trệ hay suy thoái, tăng trưởng chậm, thương mại quốc tế giảm sút, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 6,2-6,7%...
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh
Theo Vneconomy