Ngày 23 tháng 5 năm 2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (sau đây gọi là Nghị quyết số 28-NQ/TW). Nghị quyết ban hành sau khi đánh giá những hạn chế, bất cập trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; thực trạng trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi bảo hiểm xã hội vẫn còn tồn tại; nguy cơ mất cân đối Quỹ hưu trí và tử tuất. Nghị quyết đã đề ra 5 quan điểm chỉ đạo, với các mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể đến năm 2021, giai đoạn đến năm 2025 và giai đoạn đến năm 2030; 11 nội dung cải cách; 5 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
I. Một số kết quả sau 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW
Qua hơn 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương, một số kết quả nổi bật trong việc thực hiện Nghị quyết có thể kể ra như sau:
1. Diện bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) ngày càng mở rộng, từng bước hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Công tác giải quyết, chi trả các chế độ BHXH cơ bản kịp thời, đúng quy định. Công tác cải cách hành chính, giao dịch điện tử, thực hiện dịch vụ công trực tuyến được đẩy mạnh, chất lượng cung cấp dịch vụ BHXH cải thiện rõ rệt; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ngày càng được nâng cao; hệ thống thực hiện chính sách BHXH từng bước tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy và minh bạch.
2. Các nội dung cải cách bảo hiểm xã hội đã và đang được triển khai để bảo hiểm xã hội là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, với những nội dung cải cách đề ra tại Nghị quyết đã cơ bản được thế chế hoá, tiếp tục được thể chế hóa tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) và các luật pháp khác có liên quan.
3. Việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được các cấp uỷ đảng tại Trung ương và địa phương, các bộ ngành quan tâm thực hiện. Công tác thông tin tuyên truyền chính sách BHXH đã được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Việc thể chế hoá các chủ trương và hoàn thiện pháp luật về BHXH được quan tâm cùng với hoàn thiện pháp luật, chính sách về việc làm, chính sách người có công với cách mạng và các chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực liên quan. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BHXH ngày một nâng cao với sự phối hợp của các các cấp, các ngành và địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách BHXH; chia sẻ thông tin, dữ liệu có liên quan đến công tác quản lý, triển khai thực hiện chính sách BHXH; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành chính sách, pháp luật BHXH được quan tâm thực hiện góp phần hạn chế tình trạng gian lận, trục lợi chính sách BHXH, BHTN; đẩy mạnh phân cấp cho các cơ quan BHXH; giao chỉ tiêu phát triển BHXH cho các địa phương; cơ sở dữ liệu BHXH và chất lượng dịch vụ BHXH đã và đang xây dựng và hoàn thiện; bộ máy tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHTN ngày một hoàn thiện; quy định về Hội đồng quản lý BHXH được nghiên cứu kiện toàn và nâng cao tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác BHXH ngày một nâng cao trong; vai trò của Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội được phát huy tích cực.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đến đời sống của người lao động, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các bộ ngành, sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là sự chủ động, phối hợp của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ thông qua chuyển đổi số một cách hiệu quả, nhanh chóng, chính xác, góp phần giảm bớt khó khăn cho người lao động và người sử dụng lao động, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
II. Một số hạn chế trong thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW
1- Về chỉ tiêu phát triển đối tượng:
Chỉ tiêu tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, tham gia BHTN chưa đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra (đối với giai đoạn đến năm 2021). Phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc bắt đầu có dấu hiệu tiệm cận tới giới hạn, trong khi quy mô doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ là xu hướng phổ biến. Tốc độ phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội chỉ tăng thêm bình quân ở mức 4,97% và tốc độ tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH cũng chỉ tăng 1,98%[1]. Việc vượt chỉ tiêu còn do tác động của việc thay đổi cách tính lực lượng lao động ở nước ta chứ không hoàn toàn do kết quả từ công tác tổ chức thực hiện, phát triển đối tượng.
Một số địa phương có sự sụt giảm nhẹ về tỷ lệ bao phủ BHXH, đó là những địa phương trước đây tập trung nhiều khu công nghiệp, có tốc độ phát triển tỷ lệ bao phủ BHXH tăng nhanh như: Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bình Dương, Thái Nguyên, Long An, Khánh Hòa. Bên cạnh đó, có sự chênh lệch lớn về tỷ lệ bao phủ BHXH giữa các địa phương, giữa các vùng miền trong cả nước. 14/63 tỉnh, thành phố tỷ lệ bao phủ BHXH trên 40%, tập trung ở khu vực đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ. Bình Dương tỷ lệ bao phủ cao nhất cả nước (82,3%), ngoài ra các tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ BHXH cao như thành phố Hồ Chí Minh (56,7%), Bắc Ninh (59,3%), Đà Nẵng (51,6%); trong khi có tới 26/63 tỉnh, thành phố tỷ lệ bao phủ BHXH dưới 20% (tập trung nhiều ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, và miền núi phía Bắc), cá biệt một số tỉnh (Bạc Liêu, Gia Lai, Hà Giang) tỷ lệ bao phủ BHXH chỉ trên dưới 12%.
Phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện còn thấp so với tiềm năng trong khi số người đề nghị hưởng BHXH một lần vẫn có chiều hướng gia tăng. Giai đoạn 2016 - 2022, khoảng 4,84 triệu người hưởng BHXH một lần, trong khi số người quay trở lại tham gia BHXH là 1,24 triệu người, chiếm tỷ lệ 27,7% tổng số người đã hưởng chế độ BHXH một lần.
Tỷ lệ số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội chưa đạt mục tiêu (đối với giai đoạn đến năm 2021).
2- Về chỉ tiêu cung cấp dịch vụ BHXH: tỷ lệ giao dịch điện tử chưa đạt mục tiêu. Một số chỉ tiêu chưa có công cụ đo lường hoàn chỉnh hoặc chưa được đo lường liên tục như số giờ giao dịch giữa cơ quan bảo hiểm với doanh nghiệp, chỉ số đánh giá hài lòng của người tham gia BHXH.
3- Về thể chế hoá các nội dung cải cách:
Tiến độ thể chế hóa một số nội dung cải cách chậm hơn so với kế hoạch đề ra tại Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28 (các nội dung về chính sách bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội tại Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm xã hội với yêu cầu thời gian hoàn thành 2021 - 2022 nhưng dự thảo Luật BHXH mới hoàn thiện, trình Quốc hội vào năm 2023; dự án Luật Việc làm đang tiếp tục hoàn thiện). Những nội dung chưa được thể chế hoá nhưng chưa nằm trong kế hoạch bao gồm: (i)- Điều chỉnh tỉ lệ đóng vào Quỹ BHXH theo hướng hài hoà quyền lợi giữa người sử dụng lao động và người lao động, (ii)- Điều chỉnh số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí xuống còn 10 năm, do chưa phù hợp trong thời điểm hiện nay, (iii)- Quy định các gói BHXH tự nguyện ngắn hạn cho người lao động lựa chọn và thụ hưởng. Bên cạnh đó, các nội dung đã trong kế hoạch thể chế hoá nhưng cần nghiên cứu thêm để đảm bảo tính khả thi, có lộ trình phù hợp như: mối liên kết giữa trợ cấp hưu trí xã hội và bảo trợ xã hội, trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi tại pháp luật hiện hành, quy định về BH hưu trí bổ sung, quy định hưởng BHXH một lần, quy định về đầu tư quỹ,…
4- Việc phát triển doanh nghiệp nhằm gia tăng số lao động tham gia BHXH khu vực phi chính thức theo tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã được đẩy mạnh với số lượng doanh nghiệp tăng qua các năm nhưng các doanh nghiệp chủ yếu có quy mô nhỏ và siêu nhỏ (dưới 10 lao động), thường xuyên biến động, khó khăn cho công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHTN.
III. Định hướng giải pháp thực hiện thành công Nghị quyết số 28-NQ/TW
1. Bối cảnh kinh tế - xã hội Việt Nam
Bối cảnh kinh tế - xã hội Việt Nam trong thời gian tới có những thuận lợi và thách thức đan xen từ cả bên trong lẫn bên ngoài, tác động tới việc thực hiện mục tiêu Nghị quyết.
Trên thế giới, cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại tiếp tục diễn ra gay gắt. Cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ucraine và các lệnh trừng phạt của Mỹ, phương Tây đối với Nga có thể sẽ còn kéo dài, tác động đến kinh tế, chính trị, an ninh năng lượng và chuỗi cung ứng toàn cầu. Các vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống ngày càng tác động mạnh, nhiều mặt, có thể đe dọa đến sự ổn định, bền vững của thế giới, khu vực và đất nước ta... từ đó tác động đến phát triển kinh tế - xã hội cũng như đảm bảo các mục tiêu an sinh xã hội, trong đó có bảo hiểm xã hội.
Ở trong nước, chúng ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Thị trường tài chính - tiền tệ, nhất là thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn rủi ro; sức ép lạm phát lớn. Tốc độ tăng thu ngân sách có xu hướng giảm. Hoạt động sản xuất, kinh doanh ở một số ngành, lĩnh vực có xu hướng suy giảm, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng; nhiều doanh nghiệp phải giảm nhân công, giảm giờ làm, ảnh hưởng đến thu nhập, việc làm của người lao động, ảnh hưởng trực tiếp tới việc thực hiện mục tiêu bao phủ BHXH, BHTN. Đồng thời, Việt Nam đang phải đối mặt với những vấn đề già hóa dân số[2] trong khi trợ cấp xã hội cho người cao tuổi không có lương hưu mới chỉ bao phủ nhóm dân cư từ 80 tuổi trở lên làm cho số người thực sự được hưởng hưu trí tuổi già ở Việt Nam còn khá hạn chế. Những yếu tố khác như tốc độ đô thị hóa nhanh; mô hình gia đình truyền thống, văn hóa phòng ngừa rủi ro dựa trên quan hệ gia đình đang thay đổi; tỷ lệ người làm việc trong khu vực phi chính thức cao; ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài, biến đổi khí hậu gây tác động bất lợi đến phát triển kinh tế - xã hội, đến đời sống người dân… làm cho sức ép đảm bảo an sinh xã hội vẫn rất lớn.
Bên cạnh những thách thức, khó khăn trên, những thuận lợi có thể kể đến như: tình hình chính trị ổn định, môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng được cải thiện, thị trường ngày càng được mở rộng do việc ký kết và thực hiện các hiệp định thương mại, quan hệ đối ngoại được tăng cường, củng cố... sẽ là những động lực tích cực trong việc thực hiện các mục tiêu về chính sách xã hội nói chung, bảo hiểm xã hội nói riêng. Ngoài ra, quá trình hội nhập quốc tế tạo cơ hội cho việc tiếp cận thông tin, tiếp cận chuẩn mực quốc tế, nâng cao trình độ, năng lực và chất lượng cung ứng dịch vụ BHXH; bắt kịp xu hướng của khu vực và thế giới.
Mặt khác, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra, nhiều mô hình kinh doanh mới xuất hiện, từ đó sẽ xuất hiện nhiều quan hệ lao động mới, thị trường lao động quốc gia có xu thế hội nhập sâu rộng hơn với thị trường quốc tế và khu vực. Trong bối cảnh đó, đòi hỏi chúng ta phải tăng cường đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân, đặc biệt là nhóm lao động dễ bị tổn thương. Hơn nữa, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên số với sự phát triển của kinh tế số và xã hội số, nếu nắm bắt được các cơ hội để khai thác, phát huy giá trị của kinh tế số và xã hội số thì kinh tế số, xã hội số sẽ trở thành nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có phát triển dịch vụ bảo hiểm xã hội; cùng với quan điểm lấy người tham gia BHXH là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực của chuyển đổi số, sẽ góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết số 28.
Trong thời gian tới, toàn Đảng toàn dân tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII với các mục tiêu phát triển đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình; đến năm 2030 là nước công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đối với lĩnh vực BHXH, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 tại Văn kiện Đại hội XIII đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ: “Hoàn thiện hệ thống luật pháp về bảo hiểm xã hội, tiến tới bảo hiểm xã hội toàn dân, Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng hiện đại, hội nhập quốc tế; kết hợp hài hòa nguyên tắc đóng góp và thụ hưởng; công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Tiếp tục hiện đại hóa quản lý bảo hiểm xã hội theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả. Phấn đấu đến năm 2030 có 60% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội; khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp”[3]. Các mục tiêu, định hướng đặt ra tại Văn kiện nói trên vừa tạo nền móng thuận lợi, vừa đặt ra yêu cầu đối với việc cải cách và thực hiện chính sách BHXH; yêu cầu cung cấp dịch vụ BHXH; đổi mới tổ chức bộ máy, đổi mới mô hình quản lý BHXH, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lĩnh vực BHXH.
2. Định hướng giải pháp nhằm thực hiện thành công Nghị quyết số 28-NQ/TW
Trước bối cảnh và yêu cầu mới đó, một số định hướng giải pháp nhằm thực hiện thành công Nghị quyết số 28-NQ/TW cũng như các mục tiêu trong lĩnh vực BHXH tại văn kiện Đại hội XIII của Đảng cụ thể như sau:
Một là, trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện cải cách chính sách BHXH phải luôn coi BHXH là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, đời sống nhân dân, phát triển bền vững đất nước. Thực hiện tốt chính sách BHXH là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và của mỗi người dân.
Hai là, cải cách chính sách BHXH, BHTN phải thực hiện đồng bộ với cải cách chính sách pháp luật có liên quan (về lao động, việc làm, tiền lương…); phải song hành cùng với cải cách cơ quan tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHTN. Cải cách chính sách BHXH chỉ thực sự thành công nếu kết hợp hoàn thiện pháp luật, chính sách về chế độ tiền lương, việc làm, lao động và các chính sách pháp luật khác có liên quan; được thực hiện đồng thời với cải cách cơ quan tổ chức thực hiện.
Ba là, pháp luật về chính sách BHXH phải được xây dựng, hoàn thiện trên cơ sở tổng kết thực tiễn, quan tâm lắng nghe ý kiến, kiến nghị từ phía người dân, người lao động, các đối tượng chịu sự điều chỉnh, tác động của chính sách cũng như ý kiến của cơ quan tổ chức thực hiện chính sách và nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế; phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; bảo đảm tính tương thích, nội luật hóa đầy đủ, kịp thời các cam kết tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; kịp thời thích ứng với những biến chuyển nhanh trong hội nhập quốc tế; bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên tham gia, trong đó lấy lợi ích của người dân làm trung tâm trong mọi hoạt động cải cách.
Bốn là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện chính sách BHXH; thực hiện cơ chế phản biện xã hội trong xây dựng chính sách, pháp luật về BHXH; nâng cao hiệu quả cơ chế giám sát của người dân; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý; phát huy vai trò của công cụ thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Năm là, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, đảm bảo quyền lợi và tăng mức độ hài lòng của các chủ thể tham gia BHXH; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về BHXH, góp phần củng cố niềm tin của người dân vào chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật về BHXH, từ đó giúp thực hiện thành công các nội dung cải cách chính sách BHXH, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trong dài hạn.
Sáu là, thường xuyên, định kỳ kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết; phát hiện và biểu dương kịp thời các địa phương, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện tốt, đồng thời phê phán, xử lý nghiêm các tổ chức, đơn vị, cá nhân có vi phạm. Phát hiện, nhân rộng các mô hình hay, sáng tạo trong truyền thông, tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHTN.
[1] Theo Báo cáo của Đảng đoàn Quốc hội.
[2] Theo cơ sở dữ liệu dân cư do Bộ Công an cung cấp, đến ngày 09/02/2023, cả nước có 16.169.824 công dân từ 60 tuổi trở lên, chiếm 17% số dân. Quá trình quá độ từ già hóa dân số đến dân số già của Việt Nam chỉ trong vòng 20 năm, trong khi các quốc gia phát triển kéo dài hàng trăm năm.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.1. tr.270.
Đồng chí Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương