Giá vàng xác lập mức kỷ lục trong lịch sử, khi chạm mức 3.220,3 USD/ounce. Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới đã tăng đến 620 USD/ounce (23,85%), tương đương 19,3 triệu đồng/lượng.
Mặc dù vàng là mặt hàng không chỉ được sử dụng trong chế tác đồ trang sức, mà còn làm nguyên liệu thô trong sản xuất công nghiệp, nhưng việc giá vàng tăng mạnh như vậy khó có thể xuất phát từ nhu cầu từ các ngành sản xuất nêu trên. Về khía cạnh lịch sử, vàng được coi như một tài sản tài chính, và yếu tố chủ yếu quyết định đối với giá vàng là nhu cầu đầu tư.
Theo đó, nhu cầu đầu tư gia tăng có thể đến từ nhiều nguyên nhân. Trong những thời điểm khác nhau, một số nguyên nhân có thể mang ý nghĩa chi phối, một số nguyên nhân khác có thể đóng vai trò ít hơn, tùy thuộc vào những động cơ thúc đẩy nhà đầu tư. Các nhà đầu tư tư nhân có thể kỳ vọng giá vàng tăng và mua vào để bán lại với giá cao hơn (mặc dù những rủi ro mất đi một phần đầu tư nếu giá vàng giảm là không ít).
Vàng được coi như công cụ để chống lạm phát, đặc biệt là trong những thời kỳ lạm phát tăng cao, vì giá vàng có xu hướng tăng khi các nhà đầu tư kỳ vọng lạm phát cao, làm mất đi giá trị thực của các tài sản khác. Do đó, sự gia tăng đột ngột của lạm phát và lạm phát kỳ vọng tại Mỹ trong giai đoạn 1971-1980 lại trùng khớp với thời điểm giá vàng tăng mạnh. Sau đó, vàng rớt giá trong thời kỳ giảm phát vào những năm 1980-1983.
Vàng không mang lại thu nhập từ lãi suất và sức hấp dẫn của nó như một tài sản có mối quan hệ nghịch đảo với lợi nhuận của các tài sản thay thế. Lấy ví dụ, khi lợi suất trái phiếu vượt quá lạm phát, các nhà đầu tư vào trái phiếu sẽ nhận được lợi nhuận thực tế dương. Khi lãi suất thực tế giảm, các nhà đầu tư mất đi lợi nhuận từ các công cụ đầu tư truyền thống và chuyển hướng sang đầu tư vàng.
Trường hợp tương tự đã xảy ra vào giai đoạn 2000-2012, khi đó lãi suất thực dài hạn (lợi suất thực tế của trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm) đã giảm khoảng 4 điểm phần trăm (xuống gần bằng 0), trong khi giá vàng thực tế tăng gấp 5 lần.
Các ngân hàng trung ương là bên thực hiện các giao dịch vàng, và trong vòng 15 năm qua, số lượng vàng được họ mua vào nhiều hơn bán ra. Theo đánh giá của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), nhu cầu vàng của cơ quan này tăng mạnh hơn gấp đôi vào năm 2022, vẫn duy trì ở mức cao này trong giai đoạn 2023-2024 và sẽ tiếp tục như vậy trong năm 2025. Nếu như trong giai đoạn 2010-2021, lượng vàng mua ròng của các ngân hàng trung ương trung bình mỗi năm khoảng 470 tấn, thì trong giai đoạn 2022-2024 là hơn 1.000 tấn.
Nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương thường do những yếu tố chính trị, cũng như kinh tế vĩ mô. Theo đó, nhu cầu tăng mạnh vào năm 2022 do rủi ro địa chính trị và kinh tế vĩ mô gia tăng mạnh bởi cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine nổ ra.
Theo cuộc khảo sát của WGC năm 2024: (i) 2/3 các ngân hàng trung ương chỉ ra sự đa dạng hóa của các rủi ro địa chính trị là nguyên nhân để họ mua vàng; (ii) ¾ là do sự đa dạng hóa danh mục đầu tư; (iii) Tài sản ngoại tệ của Nga bị “đóng băng” cũng là một nguyên nhân tác động; (iv) Hơn 80% cho rằng đó là biện pháp để chống khủng hoảng và bảo toàn giá trị tài sản (phòng ngừa lạm phát).
Vàng là một loại tài sản không phụ thuộc vào chính sách của từng quốc gia, không thể cố tình phá giá vàng giống như phá giá đồng tiên, và không thể bị “đóng băng” hoặc mất thanh khoản, không giống như chứng khoán.
Các nhà đầu tư tư nhân cũng coi vàng là “bảo hiểm rủi ro trong thời kỳ khó khăn”. Trong thời kỳ kinh tế bất ổn và bất định có thể gây tổn hại đến thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư chuyển tiền sang vàng như một “nơi trú ẩn an toàn” và nhu cầu tăng cao sẽ khiến giá vàng leo thang. Cụ thể, trong giai đoạn nóng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (tháng 102008 - tháng 3/2009), giá vàng đã tăng gần 30%, và trong sáu tháng đầu của đại dịch hồi năm 2020 - tăng 20%.
Các yếu tố ảnh hưởng
Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế Cục Dự trữ Liên bang Chicago (Mỹ) trong giai đoạn 2000-2021, lãi suất dài hạn giảm là nhân tố tác động chủ yếu đến giá vàng tăng trong suốt giai đoạn này, mặc dù yếu tố bất định cũng đóng một vai trò nhất định.
Nếu mở rộng thêm giai đoạn nghiên cứu này đến năm 2024 và bổ sung thêm các yếu tố khác, thì yếu tố quan trọng thứ hai ảnh hưởng đến giá vàng trong 2,5 thập kỷ qua là khả năng sẵn có của vàng đối với các nhà đầu tư tư nhân gia tăng - bởi sự xuất hiện vào đầu những năm 2000 của các quỹ ETF “vàng”, các quỹ chỉ số chứng khoán, cho phép các nhà đầu tư nhanh chóng mua và bán vàng[1].
Tuy nhiên, trong giai đoạn ngắn hơn, các yếu tố mang tính ngắn hạn sẽ chi phối những xu hướng mang tính dài hạn. Nếu chỉ trong vòng 1 năm đến hết tháng 01/2025, nguyên nhân chủ yếu khiến vàng tăng giá chính là sự gia tăng của các yếu tố kinh tế bất định (xem hình). Theo đó, các chuyên gia của Trường Fletcher chỉ ra rằng các yếu tố này chiếm gần 50% mức tăng của giá vàng trong năm nay. Kỳ vọng lạm phát tăng trở lại vào cuối năm 2024 cũng đóng góp một phần, nhưng chỉ khoảng 6%.
Nguồn: Gold Prices - 100 year Historical Chart, Macrotrends.net; Global Economic Policy Uncertainty Index (GEPU), Policyuncertainty.com.
Với động cơ chủ yếu của các nhà đầu tư là “tìm nơi trú ẩn an toàn”, đợt tăng giá vàng hiện nay rất giống với đợt tăng giá diễn ra vào nửa đầu năm 2020, bởi sự gia tăng mạnh mẽ của tình trạng bất định về kinh tế do đại dịch.
Chỉ số bất định kinh tế toàn cầu, mà luôn duy trì ở mức tương đối bình lặng trong hầu hết thời gian của năm 2024, đã tăng khoảng 1,8 lần từ tháng 11/2024 đến tháng 1/2025 (theo dữ liệu mới nhất hiện có) lên mức tương đương với mức đỉnh của thời kỳ đại dịch Covid-19. Nguyên nhân chủ yếu có thể do tình trạng bất ổn của chính sách thương mại gia tăng mạnh mẽ, mà được ghi nhận kể từ tháng 11/2024. Đến tháng 2/2025, chỉ số bất ổn chính sách thương mại đã tăng lên mức chưa từng có là 470 điểm. Để so sánh, từ đầu năm 2000 đến giữa năm 2024, giá trị hàng tháng trung bình của nó khoảng 49 điểm, và trong suốt thời gian xảy thương chiến Mỹ-Trung Quốc vào năm 2018-2019, chỉ số này từng có thời điểm tăng lên 260-261 điểm. Kỷ lục cho đến nay là mức 266 điểm sau thông báo của Tổng thống Mỹ hồi tháng 6/2019 về việc áp thuế 5% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Mexico (nhưng sau này không được áp dụng).
Như vậy, có thể thấy sự gia tăng của tình trạng bất định về kinh tế hiện nay khiến các nhà đầu tư phải tìm đến “tài sản trú ẩn an toàn” truyền thống chính là vàng, còn nguyên nhân giá vàng bị đẩy lên cao, có thể là Mỹ gia tăng đáng kể việc áp dụng các chính sách thuế quan đối với các đối tác thương mại lớn của mình và rủi ro giá hàng hóa từ các quốc gia khác bị đẩy lên. Chính xác hơn là do tác động của một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu tiềm ẩn đến lạm phát, chuỗi cung ứng toàn cầu và căng thẳng địa chính trị.
_______________
Tài liệu tham khảo
www.econs.online; www.macrotrends.net; www.chicagofed.org; www.gold.org; www.econofact (Why Has the Price of Gold Risen So Sharply? Charles Collyns and Michael Klein, 17/3/2025, EconoFact and The Fletcher School, Tufts University); www.policyuncertainty.com; www.matteoiacoviello.com.
[1] Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế Charles Collins và Michael Klein từ Trường Fletcher thuộc Đại học Tufts (Mỹ) phục vụ cho dự án EconoFact của trường này.
Nguyễn Quang Huy,
Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Chính sách, chiến lược Trung ương