Trái phiếu xanh cũng là một công cụ nợ để huy động vốn như các loại trái phiếu khác, tuy nhiên số tiền thu về từ phát hành trái phiếu xanh phải được dùng để thực hiện cho các dự án xanh. Đây sẽ là kênh hút vốn quan trọng đối với các nhà đầu tư quan tâm đến yếu tố phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, lũ lụt… diễn biến phức tạp gần đây, tạo điều kiện thu hút nguồn vốn lớn từ xã hội để thực hiện tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững trong tương lai.
Nếu như trong giai đoạn đầu mới xuất hiện, sự phổ biến của trái phiếu xanh chưa rộng rãi, thì hiện này sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với trái phiếu xanh đang tăng lên nhanh chóng, bởi vì họ hiểu rằng quá trình biến đổi khí hậu là một biến số mới trong lợi nhuận đầu tư, mà cần phải lưu tâm. Ngày càng có nhiều nhà đầu tư bắt đầu đưa các đánh giá rủi ro về biến đổi khí hậu vào chiến lược đầu tư của minh.
1. Vài nét về thị trường trái phiếu xanh quốc tế thời gian qua
Trong vòng 5 năm trở lại đây, thị trường đã tăng gấp 20 lần[1]. Thị trường trái phiếu xanh hiện đang phát triển rất nhanh, và tài chính xanh đang trở nên đặc biệt phù hợp với nhu cầu phục hồi của các nền kinh tế sau đại dịch COVID-19. Các cơ quan chính phủ ở châu Âu và Mỹ đang ngày càng lựa chọn các khoản đầu tư xanh nhiều hơn và tích cực tìm kiếm những tài sản mới để bổ sung vào danh mục đầu tư trái phiếu xanh của mình.
Hình 1. Tổng khối lượng phát hành trái phiếu xanh toàn cầu, tỷ USD
Nguồn: infragreen.ru
Hình 1 cho thấy khối lượng phát hành trái phiếu xanh toàn cầu trong năm 2020 đã lên tới 269,5 tỷ USD, cao hơn 5,7% so với năm 2019. Climate Bonds Initiative (Tổ chức Sáng kiến Trái phiếu khí hậu) dự đoán sự gia tăng tổng khối lượng phát hành trái phiếu xanh toàn cầu vào năm 2021 trong khoảng từ 400 đến 450 tỷ USD[2].
Hình 2. Các nước phát hành trái phiếu xanh lớn nhất thế giới, tỷ USD
Nguồn: climatebonds.net
Hình 2 cho thấy Mỹ đứng đầu trong bảng xếp hạng các quốc gia về khối lượng phát hành trái phiếu xanh - 51,1 tỷ USD, vị trí thứ hai thuộc về Trung Quốc (31,3 tỷ USD). Vị trí thứ ba trong số các quốc gia phát hành trái phiếu "xanh" và đứng thứ nhất ở châu Âu là Pháp (30,1 tỷ USD). Tất cả các quốc gia còn lại trong bảng xếp hạng chỉ chiếm dưới 60% tổng khối lượng phát hành trái phiếu xanh.
Các tổ chức phát hành các công cụ tài chính xanh có thể là cả các tập đoàn lớn, lẫn khu vực công. Điều kiện chính đối với tổ chức phát hành là hỗ trợ các dự án môi trường, nhằm sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường và lập các báo cáo sử dụng nguồn vốn huy động được thông qua việc bán các công cụ tài chính xanh.
Hình 3. Tỷ trọng các lĩnh vực phát hành trái phiếu xanh, %
Nguồn: climatebonds.net.
Căn cứ vào Hình 3 có thể thấy, trong số các trái phiếu xanh được phát hành vào năm 2019, 32% là năng lượng sạch, 30% - xây dựng các-bon thấp, 20% - giao thông các-bon thấp, 9% - tài nguyên nước, 3% - tái chế rác thải, 2% - sử dụng đất.
Năng lượng sạch, xây dựng và giao thông đạt được những kết quả cao nhất, khi chiếm tới 80 tỷ USD trong tổng số 88 tỷ USD.
Vòng đời của trái phiếu xanh gắn liền với thời gian của các dự án đầu tư, mà sẽ được đầu bởi số tiền nhận được từ việc phát hành chính các trái phiếu này.
Theo Hình 4, 14,7% trái phiếu xanh được phát hành có kỳ hạn trên 20 năm; khoảng 36% - từ 5 đến 10 năm; 29,3% - 5 năm; 17,8% - từ 10 đến 20 năm và 2,1% - không kỳ hạn. Hầu hết các trái phiếu xanh là công cụ tài chính trung hạn (5-10 năm). Khoảng 2/3 khối lượng trái phiếu không kỳ hạn được phát hành bởi các công ty năng lượng là Engie và Iberdrola, mỗi công ty đều ký kết một hợp đồng.
Hình 4. Khối lượng trái phiếu xanh được phát hành trong năm 2019 theo kỳ hạn, tỷ USD
Nguồn: climatebonds.net.
Căn cứ từ những thông tin đã đề cập ở trên, có thể phân biệt những đặc điểm sau đây của thị trường trái phiếu xanh quốc tế:
- Nhu cầu nhà đầu tư cao;
- Tốc độ phát hành cao - lượng phát hành trái phiếu "xanh" được bán hết rất nhanh trên thị trường sơ cấp;
- Những triển vọng thuận lợi - nhu cầu đối với trái phiếu xanh được ghi nhận trên thị trường tài chính, từ đó cho thấy một triển vọng tích cực đối với các công cụ tài chính này, khả năng mở rộng không chỉ thị trường của trái phiếu xanh.
- Tính chuyên môn hóa - trước những triển vọng thuận lợi của phân khúc này, các công ty đầu tư chuyên biệt, mà được gọi là những quỹ "xanh", bắt đầu giao dịch bằng trái phiếu xanh.
2. Thị trường trái phiếu xanh Việt Nam
Tại Việt Nam, tính đến tháng 10/2020, đã có 4 đợt phát hành trái phiếu xanh với tổng trị giá gần 284 triệu USD, bởi một tổ chức được Chính phủ bảo lãnh (23,4 triệu USD năm 2016), một chính quyền thành phố (3,6 triệu USD năm 2016) và hai khoản vay xanh (tương ứng 71 triệu USD và 186 triệu USD vào năm 2020).
Hiện nay, phần lớn nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu (57%) được sử dụng cho năng lượng tái tạo - ngành chính được các bên liên quan của Việt Nam quan tâm, cùng với ngành chất thải và nông nghiệp.
Có thể thấy, bức tranh tổng thể về thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam được đánh giá hiện đang ở dạng sơ khai, chưa phát triển, quy mô, loại hình và nền tảng cung, cầu trái phiếu xanh đều chưa chắc chắn, hệ thống pháp lý cho việc phát hành và đầu tư trái phiếu xanh còn mỏng và chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. Đặc biệt, hệ thống thông tin, tuyên truyền và sự hiểu biết của nhà đầu tư nói riêng và thị trường nói chung về trái phiếu xanh còn rất nhiều hạn chế.
Những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng phát triển chậm của thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam được nhận diện, cụ thể đó là: (i) Khung khổ pháp lý và cơ chế, chính sách về phát triển thị trường trái phiếu xanh chưa đầy đủ và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thị trường; (ii) Thị trường trái phiếu xanh chưa nhận được sự quan tâm của các đối tượng tham gia thị trường, còn yếu cả về yếu tố cung và cầu của thị trường, cơ chế vận hành của thị trường và hoạt động của thị trường trái phiếu xanh vừa thiếu các yếu tố cốt lõi vừa chưa đồng bộ, chưa tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia huy động vốn qua thị trường trái phiếu xanh; (iii) Các tổ chức phát hành (các bộ, ngành chính quyền địa phương, doanh nghiệp...) vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc huy động vốn qua kênh phát hành trái phiếu xanh; (iv) Các nhà đầu tư trên thị trường, đặc biệt là các nhà đầu tư trong nước vẫn tập trung vào những dự án, sản phẩm sinh lời cao, chưa chú ý đầu tư vào các sản phẩm tài chính xanh hoặc các dự án phát triển có tính bền vững (đầu tư có trách nhiệm). Trong khi việc tiếp cận các nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư nước ngoài quan tâm đến sản phẩm tài chính xanh còn gặp nhiều khó khăn; (v) Mặc dù đã có chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong dài hạn nhưng chưa có chiến lược phát triển kinh tế xanh một cách đồng bộ, trong đó chỉ rõ những lĩnh vực, những ngành, sản phẩm cần phải xanh hóa và lộ trình triển khai thực hiện cụ thể. Điều này cho thấy trên phương diện tổng thể chưa có chiến lược xuyên suốt để phát triển nền kinh tế xanh một cách đồng bộ, bài bản, chuyên nghiệp.
3. Một số giải pháp phát triển thị trường trái phiếu xanh Việt Nam trong thời gian tới
Trên cơ sở đánh giá tiềm năng phát triển thị trường tài chính, tiềm năng phát triển thị trường trái phiếu xanh, định hướng phát triển thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam, kiến nghị 6 nhóm giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu xanh đến năm 2030 nhằm phục vụ mục tiêu huy động vốn cho phát triển kinh tế và tăng trưởng bền vững, phát triển các sản phẩm tài chính xanh, cụ thể là: (i) Rà soát, bổ sung và hoàn thiện cơ sở pháp lý, khung khổ chính sách và cơ chế quản lý thị trường đối với thị trường tài chính nói chung và thị trường trái phiếu xanh nói riêng; (ii) Phát triển cơ sở hạ tầng và định chế trung gian của thị trường theo hướng hiện đại, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế; (iii) Tăng cường hoạt động phát hành trái phiếu chính phủ xanh và trái phiếu doanh nghiệp xanh; (iv) Thúc đẩy đầu tư, giao dịch trái phiếu xanh dựa trên phát triển cơ sở nhà đầu tư, tập trung vào các doanh nghiệp bảo hiểm, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, quỹ đầu tư và các nhà đầu tư nước ngoài; (v) Áp dụng các chính sách ưu đãi thuế, phí cho phát hành và đầu tư trái phiếu xanh như miễn giảm thuế liên quan đến lợi tức thu được từ đầu tư trái phiếu xanh; (vi) Phát triển thị trường trái phiếu nói chung, để hỗ trợ phát triển thị trường trái phiếu xanh như đẩy mạnh cơ cấu lại cơ sở nhà đầu tư, đa dạng hóa các sản phẩm ở thị trường sơ cấp, thị trường thứ cấp, thúc đẩy cả về cung và cầu trái phiếu xanh, hoàn thiện cơ chế minh bạch thông tin liên quan đến phát hành và giải ngân nguồn vốn từ phát hành trái phiếu xanh./.
_____________________
Tài liệu tham khảo
1. Giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam đến năm 2030 Nguyễn Hoàng Dương và ThS. Phạm Thị Thanh Tâm, 2018/Mã số: 2018-53
2. https://moluch.ru/archive/360/80647/
3. https://haiquanonline.com.vn/tiem-nang-cho-thi-truong-trai-phieu-xanh-o-viet-nam-144387.html
4. https://infragreen.ru/news/obem-rynka-zelenyx-finansov-v-2020-godu-dostig-bolee-260-mlrd.html.
5. https://www.climatebonds.net/resources/reports/green-bonds-global-state-market-2019.
6. https://www.mos.ru/deprhttps://kinhtetrunguong.vn/documents/obligacii-moskvy/view/252508220/.
7. https://www.mnr.gov.ru/upload/medialibrary/ba5/NP_Ekologiya.pdf.
[1] https://infragreen.ru/news/obem-rynka-zelenyx-finansov-v-2020-godu-dostig-bolee-260-mlrd.html.
[2] https://www.climatebonds.net/resources/reports/green-bonds-global-state-market-2019.
Tác giả : Nguyễn Quang Huy - Vụ Kinh tế tổng hợp