Vai trò cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện thành công Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 23/5/2018 Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội
Bảo hiểm xã hội là một trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước. Trong giai đoạn 2012 - 2022, cùng với chính sách phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến chính sách an sinh xã hội, đặc biệt chú ý lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo hiểm xã hội (BHXH).
Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XI ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 01/6/2012 “Một số vấn đề về chính sách xã hội” đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp về chính sách xã hội, trong đó có chính sách bảo hiểm xã hội; tiếp theo ngày 22/12/2012, Bộ Chính trị khóa XI ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 - 2020” (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 21-NQ/TW); văn kiện các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc định hướng hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo hiểm xã hội, cùng với các chỉ tiêu cụ thể trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội. Đặc biệt, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành riêng một nghị quyết chuyên đề, Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 28-NQ/TW).
Đoàn khảo sát của Ban Kinh tế Trung ương có buổi làm việc với Thành ủy Đà Nẵng về tình hình thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội
Nghị quyết số 28-NQ/TW đề ra 5 quan điểm chỉ đạo, với mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể giai đoạn đến năm 2021, giai đoạn đến năm 2025 và giai đoạn đến năm 2030. Nghị quyết số 28-NQ/TW ban hành tại thời điểm Nghị quyết số 21-NQ/TW tổng kết với kết quả các chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 21-NQ/TW chưa đạt, vì vậy các mục tiêu cụ thể tại Nghị quyết số 28-NQ/TW được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, cân nhắc tính khả thi đối với từng giai đoạn, bao gồm cả chỉ tiêu định lượng về độ bao phủ bảo hiểm xã hội, cùng với chỉ tiêu chất lượng dịch vụ bảo hiểm xã hội, xác định cung cấp dịch vụ bảo hiểm xã hội là một trong những nhiệm vụ cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, góp phần củng cố niềm tin và sự hài lòng của người dân cũng như các chủ thể tham gia bảo hiểm xã hội.
Nghị quyết yêu cầu thực hiện đồng bộ các nội dung cải cách để mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân; bảo đảm cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn, điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối trong mối tương quan với tiền lương của người đang làm việc, thay đổi cách thức điều chỉnh lương hưu theo hướng chia sẻ. Trong số các nội dung cải cách thì chủ yếu thuộc về nhiệm vụ của các cơ quan bộ ngành trung ương[1]. Tuy nhiên, đối với bất cứ chính sách gì, không chỉ riêng chính sách BHXH, nội dung cải cách có hay đến mấy nhưng nếu công tác triển khai thực hiện không tốt thì cải cách không thể thành công, vì vậy, sự lãnh đạo, chỉ đạo vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đặc biệt quan trọng, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 28-NQ/TW. Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, qua báo cáo và khảo sát thực tế tại một số địa phương, bước đầu có một số kết quả như sau:
1. Về ban hành kế hoạch, chương trình hành động và các văn bản có liên quan đến triển khai thực hiện Nghị quyết
Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Nghị quyết. Ngay sau khi Nghị quyết số 28-NQ/TW ban hành, ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy kịp thời ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện; căn cứ vào chương trình, kế hoạch của ban thường vụ tỉnh/thành ủy, ủy ban nhân dân các cấp ban hành kế hoạch triển khai tới từng cơ sở. Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành ký quy chế phối hợp để phát huy tốt nhất trách nhiệm của sở, ban, ngành trong công tác quản lý nhà nước, tuyên truyền, vận động và triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW cũng như chính sách, pháp luật BHXH. Một số địa phương chủ động thành lập ban chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) và sau này đổi thành Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH nhằm đảm bảo công tác chỉ đạo toàn diện hơn[2]. Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương còn quan tâm lồng ghép chỉ tiêu phát triển bảo hiểm xã hội trong hệ thống chỉ tiêu kinh tế - xã hội của địa phương, là tiêu chí đánh giá thi đua khen thưởng, tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.Tuy nhiên, qua báo cáo và kết quả khảo sát tại các địa phương cho thấy, việc xây dựng chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH chưa thực sự căn cứ vào đặc điểm, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chưa đảm bảo khoa học và khả thi. Hầu hết các địa phương lấy nguyên chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW để đưa vào chỉ tiêu phát triển bảo hiểm xã hội của địa phương mình, trong khi kết quả phát triển đối tượng tham gia BHXH phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, dân số, tình hình phát triển kinh tế - xã hội,… của từng địa phương[3]. Cũng qua kết quả khảo sát và báo cáo, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội của một số địa phương còn khoảng cách khá xa so với kế hoạch địa phương đề ra[4], cụ thể như: Bình Thuận (14,46%), Bến Tre (15%), Thái Bình (26%), Quảng Nam (28,65%), … Trong khi đó, một số địa phương đạt tỷ lệ bao phủ BHXH cao hơn bình quân cả nước, vượt kế hoạch chỉ tiêu của địa phương cũng như của Nghị quyết số 28-NQ/TW, cụ thể như Đồng Nai đạt 54%, Đà Nẵng 45,19%. Qua thực tiễn nêu trên, các địa phương cần nghiêm túc trong nghiên cứu xây dựng chỉ tiêu kế hoạch để có giải pháp triển khai thực hiện một cách phù hợp, tránh hình thức.
2. Về công tác thông tin, tuyên truyền Nghị quyết, chính sách, pháp luật BHXH
Công tác tuyên truyền Nghị quyết số 28-NQ/TW cũng như tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH được các cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở, ngành quan tâm, chú trọng. Ban thường vụ các tỉnh/thành ủy giao cho ban tuyên giáo tỉnh/thành ủy chủ trì, phối hợp với bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết; chính sách, pháp luật về BHXH đến báo cáo viên trong hệ thống tuyên giáo toàn tỉnh/thành phố; chỉ đạo cơ quan truyền thông thường xuyên tuyên truyền bằng các hình thức phù hợp trên các phương tiện thông tin đại chúng. Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sở, ngành; các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn một số địa phương (Tây Ninh, Đồng Nai,…) đã tổ chức đối thoại định kỳ hàng năm và hội nghị người lao động để trao đổi thông tin, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, giải đáp thắc mắc của người lao động về chính sách, pháp luật BHXH với phương pháp phù hợp, theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”, “lấy người lao động là gốc”. Một số công ty cử cán bộ, người lao động tham gia hội nghị đối thoại chính sách, pháp luật BHXH do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức tại địa phương; đào tạo định kỳ cho nhân viên quản lý, tuyên truyền qua các phương tiện (zalo, wechat,…).
Bên cạnh đó, một số cấp ủy đảng, chính quyền tại một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật BHXH, coi việc tuyên truyền BHXH là của ngành BHXH. Trong chính sách, pháp luật về lao động thì chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội được người lao động và doanh nghiệp quan tâm nhất[5], tuy nhiên tại nhiều doanh nghiệp, việc tuyên truyền, đối thoại chủ yếu chỉ dừng lại với đại diện doanh nghiệp; việc triển khai xuống trực tiếp cho người lao động còn hạn chế. Một số địa phương chưa đánh giá đúng mức vai trò của công tác tuyên truyền, cho rằng việc thực hiện tốt hay không tốt quy định về BHXH không phụ thuộc vào công tác tuyên truyền. Các công ty cũng phản ánh, trong quá trình lấy ý kiến dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), có quá nhiều thông tin, nhiều phương án đề xuất, nhiều ý kiến trái chiều trên phương tiện thông tin đại chúng,… gây hiểu lầm, băn khoăn về chính sách, pháp luật BHXH, thậm chí làm giảm “niềm tin” của người lao động về chính sách BHXH, cho rằng mỗi khi chính sách thay đổi, lợi ích của người lao động giảm đi, đây cũng là một trong những nguyên nhân người lao động chỉ quan tâm đến chính sách rút BHXH một lần trong toàn bộ nội dung dự án Luật BHXH (sửa đổi). Từ thực tiễn này, đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu, xem xét một cách kỹ lưỡng, nghiêm túc công tác thông tin, truyền thông, tuyên truyền để người lao động có niềm tin, từ đó tuân thủ chính sách, pháp luật BHXH, góp phần củng cố niềm tin của người dân với Đảng và Nhà nước.
3. Về đẩy nhanh quá trình gia tăng số lao động tham gia bảo hiểm xã hội khu vực phi chính thức.
“Đẩy nhanh quá trình gia tăng số lao động tham gia bảo hiểm xã hội khu vực phi chính thức” là nhiệm vụ quan trọng nhưng rất khó khăn, nhất là trong bối cảnh vừa trải qua đại dịch Covid-19, sự biến đổi của tình hình thế giới, thị trường xuất, nhập khẩu bị thu hẹp, chi phí sản xuất tăng, nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất hoặc tạm ngừng hoạt động, ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm, thu nhập và đời sống của người lao động. Trước khó khăn trên, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể một số địa phương đã quan tâm chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, tạo điều kiện môi trường đầu tư thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh/thành phố; dành nguồn kinh phí đáng kể để xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu cả về cơ sở vật chất, nhân lực cho các doanh nghiệp. Với các nỗ lực đó, giai đoạn 2018 - 2022, một số địa phương có tốc độ phát triển doanh nghiệp nhanh có thể kể ra như: Thanh Hóa có 17.652 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, đứng thứ 6 trong cả nước, thu hút tổng số lao động là 201.537 lao động, kéo theo tỷ lệ lao động tham gia BHXH trên lực lượng lao động trong độ tuổi tăng từ 23,28% (năm 2018) lên 31,5% (năm 2023 - ước đạt); Tây Ninh phát triển doanh nghiệp tư nhân từ 4.200 doanh nghiệp (năm 2018) lên đến 6.100 doanh nghiệp (năm 2022), thu hút 250.000 lao động, từ đó tỷ lệ bao phủ BHXH tăng từ 31,12% lên đến 37,48% sau 5 năm triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW. Ngoài ra, một số địa phương đã làm tốt công tác thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện, cụ thể như: Thái Bình có tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện đạt 4,8%, Đà Nẵng đạt 4,56%, Thừa Thiên - Huế 4,27%, Tây Ninh 4,48%[6],… Bài học thành công của các địa phương nói trên là coi dịch vụ BHXH là dịch vụ phục vụ người dân, lấy người dân là trung tâm, từ đó chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ BHXH, tăng cường các điểm thu dịch vụ thu hút BHXH, tiếp cận người dân theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”.
Thực hiện tốt công tác BHXH vừa là mục tiêu, vừa là phương tiện để xây dựng một xã hội trong đó sự phát triển thực sự vì con người; xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ nhân văn; góp phần đảm bảo phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, đây là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng[7]. Trong năm tới, toàn Đảng, toàn dân tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác BHXH sẽ là một trong những nhiệm vụ trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030. Hơn nữa, chúng ta đang phải đối mặt với bối cảnh già hoá dân số, ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân, yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0 và xu hướng toàn cầu hoá… Trước bối cảnh và yêu cầu mới đó, đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương phải có các nhiệm vụ, giải pháp quyết liệt và phù hợp để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Nghị quyết số 28-NQ/TW cũng như lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác BHXH, cụ thể như sau:
Một là, tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội phù hợp với từng nhóm đối tượng. Định hướng thông tin cho các cơ quan báo chí tuyên truyền theo hướng giải thích quy định pháp luật, củng cố niềm tin của người dân đối với chính sách bảo hiểm xã hội, cũng như tính ưu việt của chính sách bảo hiểm xã hội. Tăng cường các giải pháp, cách thức tuyên truyền bảo hiểm xã hội sâu rộng tại cơ sở cho các đối tượng cụ thể, nhất là người lao động tại các khu công nghiệp, người lao động trong các khu vực phi chính thức. Chính quyền, cơ quan bảo hiểm xã hội và các tổ chức đoàn thể tiếp tục quan tâm phối hợp làm tốt công tác vận động nhân dân tham gia bảo hiểm xã hội.
Hai là, thực hiện có kết quả Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm đẩy nhanh quá trình gia tăng số lao động tham gia bảo hiểm xã hội trong khu vực phi chính thức. Hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mà địa phương có lợi thế nhằm thu hút nhiều lao động, tạo việc làm tại chỗ trong khu vực chính thức cũng như khu vực phi chính thức, coi đây là giải pháp quan trọng thúc đẩy gia tăng độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Phân loại đối tượng tiềm năng tham gia BHXH tự nguyện để có giải pháp phát triển phù hợp.
Ba là, tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác cải cách hành chính; nâng cao chất lượng dịch vụ và công tác thực hiện các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội. Tiếp tục đầu tư nâng cấp, tích hợp, khai thác hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung giữa các sở, ngành, cũng như giữa cơ quan bảo hiểm xã hội và các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động; giữa bảo hiểm xã hội và trung tâm dịch vụ việc làm tại các địa phương, đảm bảo liên thông, đồng bộ và chuẩn xác.
____________________
[1] Nội dung cải cách thứ 4, thứ 5 liên quan đến địa phương, cụ thể: “tổ chức thực hiện chính sách nhằm củng cố niềm tin, tăng mức độ hài lòng của người tham gia vào hệ thống BHXH” và “đẩy nhanh quá trình gia tăng số lao động tham gia bảo hiểm xã hội khu vực phi chính thức”. Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thuộc nhiệm vụ, giải pháp của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương bao gồm: (i)- Lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chính sách bảo hiểm xã hội; (ii)- nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội và (iii)- tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, vai trò của nhân dân và các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương.
[2] Tỉnh Đồng Nai, tỉnh Tây Ninh, thành phố Đà Nẵng,…
[3] Kết quả tổng kết thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW cho thấy: các tỉnh phía Bắc nơi tập trung các khu công nghiệp mới trong những năm gần đây có tốc độ tăng tỷ lệ bao phủ BHXH nhanh nhất, cụ thể như: Bắc Ninh từ 28,6% (năm 2012) lên 67,4% (năm 2020), Bắc Giang từ 14,9% (năm 2012) lên 34,3% (năm 2020), Thái Nguyên từ 15% (năm 2012) lên 35,7% (năm 2020), Hà Nam từ 13,4% (năm 2012) lên 33,8% (năm 2020), Hải Dương từ 21% (năm 2012) lên 40,8% (năm 2020), Hải Phòng từ 26,8% (năm 2012) lên 43,8% (năm 2020),...
[4] Một số chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, giai đoạn đến năm 2021: Phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội; giai đoạn đến năm 2025: Phấn đấu đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội; giai đoạn đến năm 2030: Phấn đấu đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội.
[5] Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đồng Nai phản ánh: trong các phiên tiếp xúc giữa ngành lao động với người lao động, nội dung quan tâm về bảo hiểm xã hội chiếm tới 60% tổng số các nội dung trao đổi, thắc mắc.
[6] Chỉ tiêu tỷ lệ nông dân và lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện đề ra tại Nghị quyết số 28, giai đoạn đến năm 2021: 1% lực lượng lao động trong độ tuổi; giai đoạn đến năm 2025: 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi; giai đoạn đến năm 2030: 5% lực lượng lao động trong độ tuổi.
[7] Bài viết Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam - tháng 5/2021.
ThS. Bùi Thị Kiều Ly, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội,
Ban Kinh tế Trung ương