Bốc xếp hàng hóa tại Cảng tổng hợp container Hòa Phát Dung Quất. (Ảnh NGUYỄN NGHI)
Bài 1: Doanh nghiệp tư nhân nghĩ lớn, làm lớn
Trong bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng”, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ: Kinh tế tư nhân phải là lực lượng tiên phong trong kỷ nguyên mới, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia…; đóng góp khoảng 70% GDP vào năm 2030…; ngày càng nhiều doanh nghiệp tư nhân có năng lực cạnh tranh toàn cầu;… Sứ mạng và tầm nhìn của kinh tế tư nhân trong kỷ nguyên mới đã được định vị.
Tham dự một hội thảo quy mô lớn được tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh lấy ý kiến góp ý cho dự thảo nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân sắp được ban hành, doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn chỉ có 5 phút để nêu kiến nghị. Trước khi phát biểu, ông di chuyển nhanh sang dãy bàn đối diện để bắt tay Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, cảm ơn vị chuyên gia đã có bài tham luận chân thực và cảm xúc, chạm đến trái tim của đội ngũ doanh nhân. Cả hội trường hơn 250 người, chủ yếu là các chủ doanh nghiệp đồng loạt vỗ tay hưởng ứng hành động của ông Hạnh Nguyễn.
Chính danh nhưng chưa được bình đẳng
Trong bài trình bày khái quát về vai trò, tầm nhìn và định hướng phát triển kinh tế tư nhân thời kỳ mới, ông Trần Đình Thiên tiếp cận từ góc độ lý luận để khẳng định một chân lý: Lịch sử phát triển của nhân loại đã chứng minh kinh tế tư nhân là lực lượng nền tảng của kinh tế thị trường. Tại Việt Nam, kinh tế tư nhân được chính thức thừa nhận từ Đại hội VI của Đảng tháng 12/1986 và trở thành lực lượng nòng cốt đưa nền kinh tế thoát khủng hoảng, tự tin nhập cuộc với thế giới. Đến nay, kinh tế tư nhân đã thật sự được nhìn nhận là động lực quan trọng nhất cho phát triển kinh tế. Tư tưởng mới của Đảng đang cổ vũ mạnh mẽ cho tinh thần kinh doanh, tạo ra một bước chuyển mới, phá bỏ những định kiến trong quan điểm về kinh tế tư nhân.
Chặng đường gần 40 năm phát triển của kinh tế tư nhân mà vị chuyên gia nói đến có sự tham gia ngay từ ban đầu của ông Hạnh Nguyễn, người sáng lập Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) với vai trò trực tiếp kết nối mở đường bay Thành phố Hồ Chí Minh đến Manila (Philippines) vào tháng 9/1985 - đường bay đầu tiên từ Việt Nam tới một nước tư bản.
Hiện nay, doanh nghiệp của ông Hạnh Nguyễn đã độc quyền phân phối hơn 100 nhãn hàng xa xỉ, nhưng địa điểm kinh doanh của IPPG tản mát khắp nơi, không tạo sức hút cho du khách, trong khi quỹ đất vàng tại các trung tâm mua sắm sầm uất ở Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh lại nằm trong tay các doanh nghiệp nhà nước, bị để không, lãng phí hoặc khai thác kém hiệu quả.
“Người cần mặt bằng thì không có, người có lại không cần. Chúng tôi sẵn sàng thuê với giá cao để xây dựng những trung tâm thương mại 5 sao đẳng cấp quốc tế, thu hút khách du lịch. Có chỗ để mua sắm, khách sẽ lưu trú lâu hơn, sử dụng nhiều dịch vụ hơn, đem lại nguồn thu lớn hơn cho doanh nghiệp và đất nước. Doanh nghiệp tư nhân mong muốn có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận nguồn lực nhà nước, làm giàu cho quốc gia”, vị doanh nhân chia sẻ.
Theo PGS, TS Trần Đình Thiên, sự phân biệt đối xử trong chính sách phát triển là một trong những nguyên nhân căn bản khiến doanh nghiệp tư nhân Việt Nam khó lớn. Nguồn lực của quốc gia đang tập trung phân bổ cho khu vực kinh tế nhà nước, trong khi khu vực tư nhân rất khó tiếp cận đất đai, vốn, ưu đãi thuế,…
Việc duy trì mức tăng trưởng cao, lạm phát thấp trong những năm qua là một thành tích của Việt Nam, nhưng những chỉ số vĩ mô đẹp có thể đang che khuất khó khăn của kinh tế tư nhân, khiến chính sách ban hành chưa trúng, chưa đúng cho mục tiêu tháo gỡ khó khăn của khu vực quan trọng này. Doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có những thuận lợi hơn từ cơ chế phân bổ nguồn lực và chính sách thu hút đầu tư, do đó, cần có thái độ và cách ứng xử phù hợp hơn với khu vực tư nhân, từ đó phát huy hết sức mạnh của khu vực này.
Tham gia giải bài toán tầm quốc gia
Trong giai đoạn nước rút để hoàn thiện vào cuối năm 2025, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 (Quảng Ngãi) luôn bận rộn tiếp đón nhiều cổ đông và đoàn công tác trực tiếp đến tham quan. Họ đến để trực tiếp kiểm chứng cam kết của Chủ tịch Trần Đình Long về năng lực sản xuất thép chất lượng cao làm đường ray, trục bánh xe tàu hỏa cho dự án đường sắt tốc độ cao bắc-nam. Từ năm 2017 đến nay, Hòa Phát đã đầu tư 7 tỷ USD vào Khu kinh tế Dung Quất với hai dự án trọng điểm.
Trong đó, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất đã đi vào hoạt động, giải quyết công ăn việc làm cho 17 nghìn lao động trực tiếp; Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 dự kiến hoàn thành cuối năm nay, nâng năng lực sản xuất của Tập đoàn lên 15 triệu tấn thép/năm, vào tốp 30 doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất thế giới. Cơ ngơi khu liên hợp gang thép bề thế, hiện đại trải dài trên diện tích gần 700 ha với hệ thống cảng nước sâu đồng bộ đã xóa tan sự hoài nghi về năng lực của Hòa Phát.
Cơ hội lớn đến với các doanh nghiệp bắt nguồn từ tư duy đổi mới của Đảng, Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân. Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhớ lại, khi khởi động lại nghiên cứu đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao bắc-nam, đề bài đặt ra là phải dành tối đa thị trường hơn 67 tỷ USD này cho doanh nghiệp trong nước đảm nhận, tiến tới làm chủ công nghệ và quan trọng là có cơ chế để doanh nghiệp tư nhân cùng tham gia.
Trên tinh thần đó, những cái tên Thaco, Hòa Phát, Đèo Cả,… được nhắc đến bên cạnh những “ông lớn” nhà nước như Viettel, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Không bỏ lỡ cơ hội, các doanh nghiệp hàng đầu của ngành xây dựng cũng đang hối hả chuẩn bị năng lực để tham gia trong cấu phần kết cấu hạ tầng của dự án, gồm các hạng mục từ móng đến đường ray. Cấu phần này ước tính quy mô khoảng 40 tỷ USD, nhà thầu trong nước có thể làm chủ 90-95% khối lượng.
Kỳ vọng là thế, nhưng các doanh nghiệp cũng hình dung sẽ có rất nhiều rào cản vì công nghiệp đường sắt Việt Nam hiện vẫn ở trình độ tương đối khiêm tốn. Các doanh nghiệp lo ngại nếu giữ nguyên điều kiện dự thầu phải có kinh nghiệm từng tham gia những dự án tương tự trước đó, thì không nhà thầu trong nước nào có thể đáp ứng được điều kiện này vì đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai dự án đường sắt tốc độ cao.
Còn với Hòa Phát, mối quan tâm của ông Trần Đình Long là cơ chế đặt hàng của Nhà nước. Hòa Phát đủ năng lực đầu tư nhà máy sản xuất ray quy mô 10 nghìn tỷ đồng, bảo đảm chất lượng, số lượng, tiến độ giao hàng nhưng đầu ra cho sản xuất rất quan trọng. Doanh nghiệp cần có nghị quyết của Chính phủ về cơ chế đặt hàng để yên tâm đầu tư, vì thép đường ray là sản phẩm đặc thù, nếu không sử dụng cho dự án sẽ không có thị trường tiêu thụ.
“Đây là dự án đầu tư công có quy mô rất lớn, phải tạo cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân trong nước tham gia để trưởng thành lên và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Trên thế giới, chính phủ các nước đều tạo cơ hội cho doanh nghiệp nội tham gia vào những dự án lớn quốc gia. Chúng ta cũng phải học kinh nghiệm này. Các nút thắt phải được tháo gỡ, có cơ chế đặc thù để doanh nghiệp tư nhân được là người chơi chính trong dự án đường sắt tốc độ cao bắc-nam”, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung nói.
Nhìn từ dòng chảy chính sách, Tiến sĩ Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam kỳ vọng sự thay đổi lớn từ bước đổi mới tư duy của Đảng về tầm nhìn, sứ mệnh của kinh tế tư nhân hiện nay. Đây là cơ hội rất lớn để khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng kinh tế. Tuy còn nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển, nhưng chính khu vực tư nhân đã làm nên nhiều kỳ tích, giúp thay đổi bộ mặt đất nước những năm gần đây.
Đó là Tập đoàn Thaco hiện thực hóa giấc mơ công nghiệp ô-tô của Việt Nam, Sun Group xây dựng và đưa vào vận hành sân bay quốc tế Vân Đồn chỉ trong hai năm, Vingroup xây dựng nên các khu đô thị hiện đại nâng chất lượng sống cho người dân tại các đô thị lớn,… 3.000 km đường bộ cao tốc - điểm nhấn trong đột phá hạ tầng của nhiệm kỳ Chính phủ hiện nay - cũng có sự góp sức không nhỏ của các doanh nghiệp tư nhân.
Sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân đã giúp nền kinh tế giảm được áp lực tài chính, tận dụng được nguồn nguyên vật liệu trong nước và giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài. Trước đây, doanh nghiệp tư nhân phải “xin” Chính phủ tin tưởng giao việc lớn thì hiện nay, Chính phủ đã chủ động để doanh nghiệp tư nhân tham gia giải các bài toán khó của đất nước.
Theo nhóm phóng viên kinh tế/nhandan.vn