Những việc cần làm ngay đã đề cập đến hàng loạt những tồn tại trong hệ thống chính trị và kinh tế nước ta những năm đầu Đổi Mới, khơi gợi ra những vấn đề hết sức cấp thiết và có ảnh hưởng vô cùng quan trọng đối với tiến trình mở cửa và hội nhập quốc tế của Việt Nam hay nói cách khác là quá trình chuyển đổi cơ chế từ nền kinh tế tập trung xã hội chủ nghĩa sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh
Một loạt bài viết của N.V.L đã chỉ ra sức ỳ và những điểm yếu trong xã hội nước ta mà lúc bấy giờ chưa ai nói tới.
Bằng những lập luận sắc bén, có cơ sở khoa học và sát thực tiễn, N.V.L nhận thấy rõ những nguyên nhân cơ bản gây cản trở quá trình đổi mới, từ đó ông đã thẳng thắn phê phán một cách mạnh mẽ về những nhận thức sai lầm của xã hội, tư duy lãnh đạo giáo điều, bảo thủ; công tác quản lý nhà nước lỏng lẻo, chưa sâu sát, chưa phát huy được vai trò định hướng nền kinh tế xã hội; tệ nạn tham ô, nhũng nhiễu, tiêu cực, lãng phí của một số cán bộ lãnh đạo, một số cơ quan công quyền của nhà nước vẫn đang diễn ra hàng ngày. Số cán bộ tiêu cực và gian thương làm giàu đang “cùng nhau sống phè phỡn” trên lưng người lao động (Báo Nhân Dân, số 12009, ngày 28 tháng 5 năm 1987); “Còn những kẻ xấu nhiều năm nay lợi dụng danh nghĩa trạm kiểm soát của Nhà nước hà hiếp, ăn cướp của dân, nay chưa bị nghiêm trị, vẫn quen thói cũ. Còn những cán bộ bao che cho việc làm trên”; “Còn những cán bộ quan liêu không chịu thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước…”; “Còn những cán bộ lãnh đạo chỉ nhìn thấy cái lợi nhỏ trong số tiền và hàng thu lại ở địa phương, không nhìn thấy cái hại lớn là mất lòng dân, giá cả thị trường bất hợp lý, tiêu cực phát triển, ngăn trở lưu thông dẫn đến phá hoại sản xuất”.
Trong bài viết đăng trên Báo Nhân Dân, số 12084, ngày 11 tháng 8 năm 1987, đồng chí viết: “Tôi nhận được thư của một bạn đọc, trong thư có đoạn viết: "Chúng tôi đang công tác tại một nước nhỏ. Ở đây bộ phận thường trú của Đài Phát thanh và Truyền hình Việt Nam có bốn người, theo lệ đã định được sắm một ô tô Toyota 7.500 đôla Mỹ, một xe Honđa 850 đôla. Cơ quan Thông tấn xã thường trú có sáu người cũng được sắm như thế. Cơ quan thường vụ hai người cũng một xe ô tô Toyota. Đại diện hàng không hai người cũng thế. Còn cơ quan đại diện Uỷ ban Hợp tác kinh tế thì phải nhiều hơn, Sứ quán lại phải nhiều hơn nữa. Chỉ ở một thủ đô nhỏ mà ta đã xài hơn mười xe Toyota, mỗi chiếc từ 7.500 tới 11.000 đôla (chưa kể nhiều xe khác loại nữa). Nước ta có bao nhiêu sứ quán và cơ quan ở nước ngoài? Một năm ta xuất khẩu thu được bao nhiêu đôla và tiêu tốn mất đi bao nhiêu? Đây là một sự thật nhức nhối.
Có thể thấy, bằng cách viết đơn giản, dễ hiểu, Những việc cần làm ngay đã tiên phong đột phá vào khâu “nóng” nhất trong của chúng ta thời kỳ bấy giờ.
Về kinh tế
Những năm đó, đất nước phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng chưa từng thấy, lạm phát có lúc lên tới trên 700%, đời sống cán bộ và nhân dân ngày càng sa vào tình trạng vô cùng khó khăn, niềm tin chính trị của nhân dân có phần giảm sút. Loạt bài viết Những việc cần làm ngay là những văn bản được cho là sớm nhất, có nhiều nhận định sâu sắc và xác đáng về những bất cập của nền kinh tế tập trung bao cấp của nước ta thời kỳ này. Trong các bài viết, đồng chí đã sử dụng nhiều dẫn chứng rất cụ thể về nền kinh tế nước ta trong hơn 30 năm từ sau khi miền Bắc hoàn toàn độc lập và tiến hành xây dựng xã hội chủ nghĩa đến khi công cuộc đổi mới được khởi xướng vào năm 1986, những nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế của các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới, từ đó ông đã tiến hành phân tích sâu sắc vào từng vấn đề, chỉ ra những nguyên nhân gây nên và phương hướng nhiệm vụ cần thực thi để đề phòng và giải quyết những vấn đề ấy.
Đồng chí xác định: "Việc đổi mới phải bắt đầu từ lĩnh vực tư duy, trước hết là tư duy kinh tế, đổi mới tổ chức và cán bộ, phong cách lãnh đạo và công tác".
Dựa trên tư duy mới trong công cuộc xây dựng kinh tế, tiến hành ba nhiệm vụ quan trọng:
a) Bố trí lại cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư, tập trung sức người, sức của và việc thực hiện ba chương trình kinh tế lớn: sản xuất lương thực - thực phẩm; sản xuất hàng tiêu dùng; sản xuất hàng xuất khẩu.
b) Đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nhằm giải phóng, xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, chuyển sang cơ chế hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa để thúc đẩy sản xuất phát triển.
c) Tháo gỡ những ràng buộc bất hợp lý làm cho các thành phần kinh tế ở trong nước đều phát triển, kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo nhưng đồng thời khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân, cá thể đầu tư phát triển sản xuất.
Về công tác xây dựng Đảng
Trên thế giới, công cuộc cải tổ ở Liên Xô và Đông Âu do sai lầm về chiến lược, cộng với sự phản bội ở bên trong của những người lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã dẫn đến thất bại, chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu đứng trước nguy cơ tan rã. Trong nước, những khuynh hướng tư tưởng lệch lạc, dao động bắt đầu xuất hiện. Kẻ thù đã lợi dụng ra sức tuyên truyền xuyên tạc, đòi đa nguyên, đa đảng.
Trong hoàn cảnh ấy, sự quyết đoán, dũng cảm, khôn khéo của người cầm lái là cực kỳ quan trọng. Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, một mặt khẳng định kiên trì định hướng xã hội chủ nghĩa, đề ra những nguyên tắc chỉ đạo công cuộc đổi mới; mặt khác chủ động phát huy trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, tìm tòi những cơ chế, chính sách, biện pháp tích cực giải quyết những đòi hỏi cấp bách của đời sống xã hội, nhằm giữ vững sự ổn định chính trị, trật tự xã hội.
Đảng ta nhiều lần khẳng định chủ trương đổi mới toàn diện, với những hình thức, bước đi và biện pháp thích hợp, trước hết là đổi mới kinh tế; đồng thời từng bước đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị; không chấp nhận đa nguyên, đa đảng; phát huy dân chủ, đồng thời giữ vững kỷ luật, kỷ cương.
Một trong những vấn đề quan trọng bậc nhất có tính sống còn của Đảng, đó là tinh thần dám nghĩ, dám làm dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu quyết tâm đổi mới, quyết đấu tranh chống tiêu cực, cản trở công cuộc đổi mới, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự trong sạch, có năng lực, có trình độ và kinh nghiệm thực tế. Những việc cần làm ngay thể hiện rõ chân lý cuộc sống mà đồng chí đã nêu: Lòng tin của nhân dân sẽ thật sự trở lại khi nhân dân nhìn thấy tận mắt những đổi mới; khi nhân dân thấy các đồng chí lãnh đạo ở các cấp nêu gương tốt, giữ mình trong sạch, không quan liêu, không bè phái để có đủ uy tín và sự nghiêm minh trong công việc. Đây chính là tấm gương sáng về tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu, nhất định nói đi đôi với làm, từ việc nhỏ đến việc lớn. Giá trị khoa học tạo nên sức sống Những việc cần làm ngay chính là ở chỗ được làm ngay và làm đến nơi, đến chốn, không đánh trống bỏ dùi.
Trong bài đăng trên Báo Nhân Dân, số Xuân 1988, đồng chí viết: “Đẩy mạnh cuộc vận động lớn làm trong sạch tổ chức Đảng và bộ máy nhà nước, làm lành mạnh các quan hệ xã hội, chống tiêu cực nhằm loại trừ những người thoái hoá, biến chất bất kể ở cấp nào và cương vị nào. Phát huy rộng rãi dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân trong các tập thể lao động: công nghiệp, nông nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp, thương nghiệp, đơn vị bộ đội, cơ quan, trường học, bệnh viện... để tiến hành có kết quả cuộc vận động lớn nói trên và để dấy lên phong trào thi đua mạnh mẽ”
Về công tác dân vận
Phát huy mạnh mẽ tinh thần “lấy dân làm gốc”, tạo nên “sức mạnh vật chất” để thu được thắng lợi trong công tác xây dựng Đảng. Với phương châm “Dễ mười lần không dân cũng chịu/ Khó trăm lần dân liệu cũng xong”, Những việc cần làm ngay với những bài viết mang đậm tính nhân dân, phát huy cao độ sức mạnh của nhân dân, dẫn dắt mọi người tham gia cuộc vận động với động cơ đúng, thái độ đúng, cách ứng xử xây dựng và tinh thần kiên trì,… như tác giả mong muốn: “mong muốn cán bộ từ Trung ương xuống cơ sở, mong đồng bào trong và ngoài Đảng tới đây sẽ tham gia ngày càng đông đảo cùng viết, cùng phanh phui những việc mà N.V.L. tôi không tài nào biết hết và biết chi tiết được. Chúng ta chống tiêu cực, chống thói quan liêu, vô trách nhiệm hoàn toàn không phải để nâng cao hay hạ thấp uy tín của vài cá nhân nào đó (như cách hiểu lắt léo của một số người) mà vì một mục tiêu tốt đẹp hơn nhiều: lập lại trật tự, công bằng xã hội, xoá bớt những vật cản nặng nề trên con đường phát triển kinh tế của đất nước. Đó cũng là yêu cầu khẩn thiết của toàn Đảng, toàn dân.
Viết thôi không đủ, các cấp lãnh đạo phải xử lý nghiêm minh và công bằng mới được. Ai xấu quá thì phải trừng trị. Ai có lỡ lầm nhỏ nhưng thực lòng cải hối thì giáo dục lại thành người tốt. Khuyên nhau làm việc tốt, tôn trọng kỷ luật, pháp luật” (Báo Nhân Dân, số 12052, ngày 10 tháng 7 năm 1987). “Những việc này phải chung tay mà làm một cách kiên trì mới thành công được. Phải vừa nghiêm khắc, vừa độ lượng. Dạy bảo, phê bình nhau với động cơ trong sáng, tấm lòng chân thành và ý thức trách nhiệm cao”, tinh thần động viên, cổ vũ thôi thúc nhiều thành phần, đối tượng tham gia công cuộc đổi mới, xây dựng chỉnh đốn Đảng, mà trước hết là đối với những lực lượng tiến bộ, những nhân tố tích cực “tham gia sôi nổi vào phong trào công khai vạch trần và xử lý những tiêu cực dưới nhiều dạng của nhiều cá nhân, tập thể, góp phần đẩy lùi tiêu cực, phát huy tích cực”. Những việc cần làm ngay chính vì thế đã gây hiệu ứng rất sâu rộng và có “giá trị lan tỏa” rất nhanh, thổi bùng thành một phong trào chống tiêu cực rộng lớn trên khắp cả nước, lôi cuốn báo chí, các lực lượng quần chúng vào công cuộc đổi mới, như chính tác giả từng ý thức một cách sâu sắc rằng: “Một N.V.L. hay vài N.V.L. không thể biết hết mọi việc, nói hết mọi việc và làm hết mọi việc. Chỉ có sự nhất trí hành động của toàn Đảng, toàn dân mới có thể tạo nên chuyển biến thật sự cho đất nước”. Đó cũng chính là khoa học về tổ chức lãnh đạo của Đảng (Báo Nhân Dân, số 12052, ngày 10 tháng 7 năm 1987).
Ngày nay, Những việc cần làm ngay được xem là một trong những tài liệu rất có giá trị trong công tác giảng dạy và tuyên truyền cũng như ít nhiều đã có tác động đáng kể đến những chính sách lãnh đạo của Đảng ta.
Cẩm Tú (tổng hợp)