TS. Lê Minh Hạnh
Đại học Việt Đức
Th.S Từ Minh Thuận
Đại học Quốc tế, VNU – HCM
CTV Nhóm Nghiên cứu Kinh tế Tuần hoàn,
Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh (VNU-HCM)
Nhiều nghiên cứu đã khẳng định mô hình kinh tế tuần hoàn có đóng góp rõ ràng cho các doanh nghiệp thông qua việc tăng khả năng cạnh tranh, giảm chi phí sản xuất và mở rộng thị trường. Tuy nhiên, tham gia vào kinh tế tuần hoàn cũng đang đặt ra rất nhiều thách thức cho doanh nghiệp, ví dụ như hiểu biết hạn chế, mâu thuẫn giữa tối đa hóa lợi nhuận trong hiện tại và tối ưu hóa giá trị trong tương lai, công nghệ sẵn có hạn chế, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm“xanh hơn” khó dự đoán… Với quy mô nhỏ và đa phần chưa có nhiều kinh nghiệm trên thương trường, doanh nghiệp nhỏ và vừa còn phải đối mặt với năng lực vốn hạn chế và sự phụ thuộc vào các chủ thể khác trong chuỗi cung ứng cũng như chuỗi tiêu dùng. Từ thực tế này, doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể đứng riêng lẻ trong nền kinh tế tuần hoàn. Thay vào đó, Mô hình Ba nhà Doanh nghiệp - Khối học thuật - Chính phủ - (Triple Helix) cần được đặt ra và đánh giá một cách toàn diện trong mô hình kinh tế tuần hoàn. Nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của Mô hình Ba nhà Triple Helix trong việc tạo đòn bẩy cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào nền kinh tế tuần hoàn.
Kinh tế tuần hoàn - thách thức và cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ SMEs
Mô hình kinh tế tuần hoàn đang nhận được sự quan tâm của nhiều bên liên quan và ở nhiều cấp độ khác nhau trong khoảng một thập kỷ qua, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trong bối cảnh của đại dịch COVID-19 kéo dài. Theo hơn 180 cuộc khảo sát giữa các SME tại 32 quốc gia mà OECD theo dõi từ tháng 2 năm 2020, kể từ khi bắt đầu đại dịch, 70-80% các SME đã bị sụt giảm nghiêm trọng về doanh thu doanh số bán hàng. Theo tổ chức Ellen MacArthur (2013), kinh tế tuần hoàn (KTTH) là một hệ thống có tính tái tạo và phục hồi thông qua các kế hoạch và thiết kế chủ động. KTTH là một hệ thống kinh tế phát triển trên nền tảng các mô hình kinh doanh (business models) theo vòng tròn khép kín, trong đó, khái niệm kết thúc vòng đời được thay thế bằng việc giảm sử dụng, sử dụng lại, tái chế và phục hồi vật liệu trong quá trình sản xuất, phân bố và tiêu thụ sản phẩm. Trong một nền kinh tế tuần hoàn, chúng ta loại bỏ chất thải và ô nhiễm, lưu thông các sản phẩm và vật liệu, và tái tạo thiên nhiên.
Hiện nay, các SME ngày càng nhận thức được lợi ích của việc vòng lặp khép kín và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, chẳng hạn như tiết kiệm chi phí nguyên vật liệu, tạo lợi thế cạnh tranh và tiếp cận thị trường mới, tăng uy tín, phục hồi môi trường địa phương và tính bền vững của công ty. Tuy nhiên, việc tham gia vào kinh tế tuần hoàn của các loại hình doanh nghiệp này còn gặp nhiều trở ngại. Cũng theo thông tin tổng hợp của nhóm nghiên cứu của Ormazabal (2018), các trở ngại này là: thiếu hỗ trợ tài chính; hệ thống quản lý thông tin không đầy đủ; thiếu công nghệ thích hợp; thiếu nguồn lực kỹ thuật; thiếu nguồn tài chính; thiếu sự quan tâm của người tiêu dùng đến môi trường; thiếu sự hỗ trợ từ các tổ chức công; thiếu các chuyên gia có trình độ trong quản lý môi trường; và lãnh đạo tổ chức thiếu cam kết. Thực trạng này càng khó khăn hơn ở bối cảnh Việt Nam, khi các SME chiếm 96% trong tổng số các công ty và khu vực kinh tế phi chính thức vẫn chưa được ghi nhận đầy đủ, chủ yếu bao gồm các hộ kinh doanh gia đình, người lao động tự doanh và doanh nghiệp siêu nhỏ. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, có khoảng nửa triệu doanh nghiệp đã đăng ký so với 5,1 triệu doanh nghiệp chưa đăng ký.
Mô hình kết nối 3 bên - Triple helix - đòn bẩy để doanh nghiệp SMEs tham gia vào kinh tế tuần hoàn
Việc thiết lập những đòn bẩy hiệu quả để doanh nghiệp SMEs có thể tham gia sâu rộng vào lĩnh vực kinh tế tuần hoàn là vô cùng cần thiết. Mô hình liên kết Triple Helix giữa ba chủ thể Doanh nghiệp - Khối học thuật - Chính phủ đã được chứng minh là một đòn bẩy quan trọng để doanh nghiệp SMEs có thể đổi mới sáng tạo. Mô hình Triple Helix khẳng định không gian giao thoa và đồng thuận giữa ba chủ thể sẽ tập hợp năng lực của cả ba, để từ đó phát triển kinh tế - xã hội trên quy mô hệ thống. Mặc dù nền tảng thể chế của ba chủ thể là khác nhau và phương hướng tiếp cận mô hình kinh tế tuần hoàn của ba chủ thể cũng có nhiều điểm khác biệt; Tuy nhiên, vẫn tồn tại một không gian giao thoa và đồng thuận đáng kể giữa ba chủ thể này có thể mở ra cơ hội mới cho đổi mới sáng tạo và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, mô hình kinh tế tuần hoàn cũng tạo ra động lực kết nối ba chủ thể là Doanh nghiệp - Khối học thuật - Chính phủ. Cụ thể, với không gian giao thoa về nguồn nguyên liệu và sản phẩm giữa ba chủ thể, mô hình kinh tế tuần hoàn là một giải pháp để tạo ra nguồn tài nguyên mới, các doanh nghiệp mới, cũng như các sản phẩm mới từ nguồn rác thải.
Bài viết được cấu trúc với ba phần như sau: (i) phân tích và thảo luận mô hình tiếp cận phù hợp để Triple Helix có thể trở thành đòn bẩy cho SMEs tham gia vào nền kinh tế tuần hoàn; (ii) đề xuất mô hình Triple Helix với các yếu tố đầu vào và đầu ra của từng chủ thể trong mô hình kinh tế tuần hoàn & (iii) đưa ra các kết luận và khuyến nghị dành cho ba chủ thể trong Triple Helix.
2. Lựa chọn mô hình 3 bên phù hợp trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn
Khái niệm Triple Helix đã được công nhận rộng rãi ở các nước phát triển từ rất lâu đời, xuất phát từ nhu cầu của các trường đại học hợp tác với doanh nghiệp (tức là Double Helix) để tăng cường lan tỏa kiến thức (Marshall 1920). Xem xét rộng hơn, vai trò của Chính phủ trong việc hỗ trợ sức mạnh tổng hợp của doanh nghiệp và khối học thuật là vô cùng cần thiết, dựa trên các chính sách đổi mới hoặc các biện pháp hỗ trợ khuyến khích các hoạt động nghiên cứu và phát triển.
Trên cơ sở đó, Etzkowitz và Leydesdorfff đã đặt nền móng cho khái niệm hợp nhất Triple Helix, thông qua các nghiên cứu chung cũng như các nghiên cứu riêng lẻ. Mô hình Triple Helix được xây dựng để khắc họa các tương tác tích cực giữa khối học thuật - khối doanh nghiệp - khối Chính phủ, với mục tiêu thúc đẩy tinh thần kinh doanh, đổi mới và tăng trưởng kinh tế trong nền kinh tế dựa trên tri thức. Để giải thích rõ ràng hơn các cơ chế tương tác Triple Helix, Etzkowitz (2008) và Etzkowitz & Zhou (2017) đã phát triển các khái niệm về không gian tri thức, đồng thuận và đổi mới. Trong không gian đó, ba chủ thể này hoạt động “như các cơ chế chọn lọc không đối xứng trên nhau, nhưng các phần giao thoa có thể định hình một quỹ đạo chung để cùng phát triển”. Qua đó, Triple Helix thực hiện ba chức năng, bao gồm tạo ra của cải, sản xuất tri thức và kiểm soát quy chuẩn.
Trong các cộng đồng nghiên cứu, đã có nhiều nỗ lực không ngừng để áp dụng và phát triển mô hình Triple Helix cũng như phản biện về giới hạn hoặc hạn chế của mô hình này. Có thể tóm tắt các bước phát triển của mô hình Triple Helix qua ba giai đoạn như sau:
Mô hình 1 - Mô hình định hướng bởi Chính phủ (Statist Model):
Trong mô hình này, Chính phủ đóng vai trò trọng yếu trong việc “thúc đẩy” và kiểm soát khối học thuật và khối doanh nghiệp để khuyến khích sự đổi mới. Tuy nhiên, với mô hình này, Chính phủ hoặc doanh nghiệp sẽ không thể khai thác các hoạt động tạo ra tri thức tiềm năng trong các trường đại học vì cả giảng dạy và nghiên cứu đều có xu hướng xa rời nhu cầu của doanh nghiệp và các trường đại học không có bất kỳ động cơ nào để tham gia vào thương mại hóa nghiên cứu. Đây là giai đoạn sơ khai của mối quan hệ tương tác giữa ba chủ thể
Mô hình 2 - Mô hình độc lập (Laissez-Faire Model):
Cùng với trào lưu phi tập trung hóa, vai trò của Chính phủ giảm xuống, mô hình độc lập của Triple Helix dần được hình thành khi khối Chính phủ, khối học thuật và khối doanh nghiệp hoạt động độc lập như những thể chế riêng biệt. Quy luật cạnh tranh trên thị trường được đề cao; Chính phủ sẽ chỉ tập trung giải quyết những vấn đề có thể được coi là thất bại của thị trường. Ưu điểm của mô hình này là doanh nghiệp có thể phát triển mà không chịu bất kỳ sự can thiệp quá mức nào của Chính phủ. Nhược điểm của mô hình này là hệ thống sẽ gây khó khăn cho ba chủ thể tương tác theo cách tối đa hóa sức mạnh tổng hợp trong các mối quan hệ. Các doanh nghiệp có thể rất mạnh trong lĩnh vực của riêng họ, nhưng lại thiếu hiểu biết và không nắm bắt được sự thay đổi của môi trường bên ngoài, bao gồm khách hàng, nhà cung cấp và các tổ chức khác.
Mô hình 3 - Mô hình giao thoa (Hybrid Model):
Trong thời điểm hiện tại, hầu hết các nước đã phát triển đều đang triển khai mô hình Triple Helix theo định hướng giao thoa này. Etzkowitz và Klofsten (2005) khắc họa mô hình này với các đặc điểm như sau:
- Khối học thuật giữ vai trò trọng yếu trong đổi mới sáng tạo, ngang hàng với khối doanh nghiệp và Chính phủ trong một xã hội dựa trên tri thức.
- Ba chủ thể cùng chủ động và tích cực trong quan hệ hợp tác nhằm xây dựng các chiến lược và chính sách đổi mới sáng tạo, chứ không phụ thuộc vào sự điều hành của Chính phủ.
- Ngoài việc thực hiện các chức năng truyền thống của mình, mỗi chủ thể còn “đảm nhận vai trò của các chủ thể khác[1]”.
Theo Etzkowitz và Leydesdorff (1997), trong mối quan hệ hợp tác năng động này, sứ mệnh của các trường đại học cần được nhìn nhận lại, các trường đại học sẽ gần gũi với doanh nghiệp hơn và dành nhiều nguồn lực cho mục đích kinh doanh hơn. Etzkowitz và ctgk (2000:326) định nghĩa mô hình trường đại học mới này là “sự kết hợp giữa giảng dạy và nghiên cứu, bao gồm cả nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu cơ bản, vì mục tiêu kinh doanh và học thuật”. Trong mô hình này, cả ba chủ thể tương tác và cộng tác tích cực với nhau để thúc đẩy các hoạt động đổi mới mạnh mẽ và các trường đại học hay khối học thuật sẽ đóng vai trò dẫn dắt, tạo ra động lực chính của sự phát triển.
Đặt mô hình Triple Helix trong bối cảnh nền kinh tế tuần hoàn và cân nhắc những trở ngại cũng như thách thức của doanh nghiệp SMEs khi tham gia vào nền kinh tế tuần hoàn, nhóm nghiên cứu đề xuất Mô hình giao thoa - Hybrid model là mô hình phù hợp để tạo đòn bẩy cho doanh nghiệp Đặt mô hình Triple Helix trong bối cảnh nền kinh tế tuần hoàn và cân nhắc những trở ngại cũng như thách thức của doanh nghiệp SMEs khi tham gia vào nền kinh tế tuần hoàn, nhóm nghiên cứu đề xuất Mô hình giao thoa - Hybrid model là mô hình phù hợp để tạo đòn bẩy cho doanh nghiệp SMEs. Đề xuất này được đưa ra dựa trên ba yếu tố sau: Thứ nhất, mô hình kinh tế tuần hoàn có vai trò trọng yếu đối với sự phát triển bền vững của SMEs. Thứ hai, mô hình Triple Helix có vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp SMEs, giúp các doanh nghiệp này vượt qua được những rào cản và trở ngại về quy mô vốn, mạng lưới kinh doanh, trình độ công nghệ khi tham gia vào kinh tế tuần hoàn. Thứ ba, mô hình kinh tế tuần hoàn tạo ra không gian giao thoa có ý nghĩa cho ba chủ thể trong Triple Helix, từ đó tạo ra động lực cho mối quan hệ hợp tác giữa ba chủ thể này.
Như vậy, đề xuất của chúng tôi cho chủ đề kết nối trường đại học sẽ tập trung vào mô hình ứng dụng kết hợp Triple Helix (hybrid model) được áp dụng trong nền kinh tế tuần hoàn.
Mô hình đề xuất này có thể được tóm tắt trong Hình 1.
Trong mô hình này, kinh tế tuần hoàn được coi là cơ chế tổng quát cho cả ba chủ thể Chính phủ - Khối học thuật - Khối doanh nghiệp. Trong cơ chế đó, nguyên liệu và năng lượng từ những thứ bị loại bỏ hoặc phụ phẩm được đưa lại vào hệ thống kinh tế trong một vòng lặp dài hơn (về tuổi thọ sản phẩm) và khép kín hơn (về mặt tiêu Trong mô hình này, kinh tế tuần hoàn được coi là cơ chế tổng quát cho cả ba chủ thể Chính phủ - Khối học thuật - Khối doanh nghiệp. Trong cơ chế đó, nguyên liệu và năng lượng từ những thứ bị loại bỏ hoặc phụ phẩm được đưa lại vào hệ thống kinh tế trong một vòng lặp dài hơn (về tuổi thọ sản phẩm) và khép kín hơn (về mặt tiêu thụ tài nguyên), vì lợi ích đa dạng hơn (hướng tới xã hội và môi trường sinh thái, bên cạnh giá trị kinh tế[2]). Trên cơ sở này, mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giúp giảm phát thải, giảm thất thoát tài nguyên và gánh nặng đối với hệ sinh thái toàn cầu[3]. Đã có ước tính rằng việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn trong ngành công nghiệp vận chuyển, thực phẩm và xây dựng có thể giảm 48% mức phát thải vào năm 2030 và 83% vào năm 2050, so với mức của năm 2012 (EEA, 2016). Tính phù hợp của mô hình kinh tế tuần hoàn với khối doanh nghiệp cũng ngày càng được các học giả và các nhà hoạch định chính sách công nhận. Quỹ Ellen MacArthur (2015) ước tính rằng mô hình kinh tế tuần hoàn có thể giúp các ngành công nghiệp có các sản phẩm có tuổi thọ trung bình như sản xuất động cơ xe, động cơ điện và máy móc thiết bị giảm tổng chi phí nguyên liệu khoảng 630 tỷ đô la mỗi năm, trong khi con số này cho lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh như thực phẩm đóng gói, may mặc và đồ uống ở cấp độ toàn cầu có thể vượt mức 700 tỷ đô la mỗi năm. Ngoài tiết kiệm chi phí, đóng vòng lặp sản xuất, tăng cường tái sử dụng và tái chế vật liệu sẽ làm giảm nhu cầu đối với vật liệu thô và giúp giảm biến động giá cả trên thị trường nguyên liệu và rủi ro về nguồn cung.
Mặc dù vậy, trên thực tế tồn tại rất nhiều các rào cản đối với doanh nghiệp SMEs khi tham gia vào mô hình kinh tế tuần hoàn. Các rào cản này đến cả từ yếu tố nội tại (quy mô vốn hạn chế, trình độ công nghệ thấp, nhân lực và đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển còn thiếu) và các yếu tố ngoại biên (chuỗi cung ứng và chuỗi tiêu dùng nằm ngoài tầm kiểm soát của SMEs, với nhu cầu và mối quan tâm về sản phẩm “xanh”, nguyên liệu “xanh” vô cùng đa dạng). Mô hình Triple Helix được kỳ vọng sẽ có đóng góp tích cực trong việc nâng cao hiệu quả hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp và Chính phủ trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam.
Không chỉ đem lại lợi ích cho từng chủ thể, mô hình kinh tế tuần hoàn còn tạo ra không gian giao thoa có ý nghĩa cho Ba Nhà là Chính phủ - Doanh nghiệp - Khối học thuật. Các mục tiêu phát triển công nghệ để hiện thực hóa vòng lặp tài nguyên khép kín hơn, chậm hơn, với mục tiêu đa dạng hơn đòi hỏi sự hợp tác tích cực của cả Ba Nhà, vì không một chủ thể nào đứng riêng lẻ có thể hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững. Bên cạnh đó, tư tưởng và văn hóa dành sự quan tâm cho sản phẩm “xanh”, môi trường sống “xanh”, xã hội “xanh” cũng cần có sự tham gia của cả Ba Nhà. Không gian giao thoa đó chính là giả định quan trọng để mô hình Triple Helix - Hybrid model có thể khả thi.
3. Yếu tố đầu vào - đầu ra (input - output) của ba bên trong kinh tế tuần hoàn
Mối quan hệ giữa ba chủ thể thông qua các yếu tố đầu vào và các yếu tố đầu ra, dựa trên giả định rằng mỗi chủ thể đều liên kết với một chủ thể khác trong cấu trúc giao thoa và đồng thuận của mình. Ví dụ, doanh nghiệp sẽ thu nhận các giá trị từ trường đại học thông qua việc chia sẻ cũng như bảo vệ tri thức. Các doanh nghiệp cũng sẽ hợp tác với Chính phủ và các trường đại học để đạt được mục tiêu chiến lược. Các yếu tố đầu vào và đầu ra trong các mối quan hệ hợp tác đó có thể giúp định hình các mối quan hệ hợp tác giữa ba chủ thể một cách rõ ràng và cụ thể hơn. Điều này đặc biệt hữu ích trong Mô hình Hybrid khi mà các chủ thể không chỉ tham gia vào hợp tác Triple Helix bằng các chức năng truyền thống của mình, mà còn tham gia vào với vai trò của những chủ thể khác. Qua đó, mô hình các yếu tố đầu vào và đầu ra có thể phù hợp hơn, mô hình nhấn mạnh vào nội dung và mục đích hợp tác như ở nhiều nghiên cứu khác. Hơn thế nữa, mô hình các yếu tố đầu vào và đầu ra còn có thể sử dụng trong các mô hình tối ưu hóa đo lường hiệu quả của mô hình Triple Helix trong nghiên cứu thực nghiệm. Yếu tố đầu vào – đầu ra đối với 3 nhà trong kinh tế tuần hoàn được chứng minh trong hình 2.
Nhà nước đóng vai trò quan trọng, xây dựng thể chế hợp tác và định hướng cho hoạt động của doanh nghiệp và trường đại học. Trong mô hình triple helix, Nhà nước kiến tạo nên môi trường phát triển thông qua khuyến khích mối tương tác giữa nhà trường và doanh nghiệp. Vai trò của Nhà nước được thể hiện qua bốn chức năng: đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ, tạo lập môi trường thuận lợi cho sự liên kết giữa doanh nghiệp và trường đại học, điều tiết hoạt động liên kết và hoạch định chính sách quốc gia[4]. Vai trò của Nhà nước lúc này là bên thúc đẩy thị trường khoa học công nghệ qua việc hỗ trợ, phát triển các dự án, ươm tạo, các trung tâm khởi nghiệp, trung tâm nghiên cứu khoa học. Sản phẩm trí tuệ của nhà khoa học được bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ; trường đại học tăng cường quyền tự chủ; doanh nghiệp ứng dụng những kết quả nghiên cứu vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Để tiếp cận với các mô hình mới, trong trường hợp này là kinh tế tuần hoàn, việc đề cao đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp là rất cần thiết. Về mối quan hệ giữa trường đại học và doanh nghiệp, doanh nghiệp cần các trường đại học đào tạo nguồn nhân lực và phát triển các nghiên cứu khoa học cơ bản. Theo mô hình đổi mới sáng tạo tuyến tính, trường đại học sẽ là nơi khởi nguồn của đổi mới sáng tạo nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nghiên cứu định hướng các ngành cần sản xuất và thương mại hóa[5]. Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp tương tác trực tiếp với khách hàng nên nắm bắt được nhu cầu của thị trường; do vậy, đổi mới sáng tạo được khởi sự từ doanh nghiệp, cung cấp và đặt đề bài cho các trường đại học phát triển các giải pháp và công nghệ mới sát với thực tiễn. Về mối quan hệ giữa nhà nước và doanh nghiệp, vai trò quan trọng của nhà nước là tạo ra và duy trì khuôn khổ để doanh nghiệp luôn phát triển đổi mới sáng tạo[6].
Mô hình kinh tế tuần hoàn về bản chất mang tính hệ thống và do đó, việc hoạch định chính sách đòi hỏi một cách tiếp cận tổng thể trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế tuần hoàn tạo cơ hội thúc đẩy sự đổi mới thông qua điều chỉnh các chính sách môi trường, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông nghiệp và công nghiệp, phát triển nguồn nhân lực. Trong mô hình Triple helix, đầu vào cho các hoạt động hoạch định chính sách là từ doanh nghiệp và trường đại học. Doanh nghiệp cần chỉ ra những rào cản (red tape) về thủ tục hành chính, đề xuất các cơ chế hợp tác phù hợp, các chính sách hỗ trợ phát triển kinh doanh, thuế, đầu tư cho Nhà nước để xây dựng và cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư cho doanh nghiệp. Trường đại học với tư cách là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học cần đề đạt cho Nhà nước các chính sách phát triển nguồn nhân lực, cơ chế hoạt động các quỹ nghiên cứu, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và tăng cường quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đào tạo đại học. Nhà nước cũng thực hiện chức năng định hướng phát triển hoạt động. Sản phẩm đầu ra chính là những chính sách, văn bản quy phạm pháp luật được Nhà nước thông qua và ban hành, có giá trị hiệu lực pháp lý. Các chính sách này lại trở thành cơ sở pháp lý, tác động vào hoạt động của doanh nghiệp và trường đại học. Việc hoạch định chính sách của các Chính phủ là bước đầu tiên để tạo ra một môi trường thuận lợi cho quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn. Ở Việt Nam hiện nay, Nhà nước đã ban hành cơ sở pháp lý để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học thông qua Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ 2017 và Luật giáo dục đại học năm 2012, sửa đổi 2018.
Trường đại học, viện nghiên cứu cần là nơi tiên phong, đóng vai trò dẫn dắt kết nối 3 nhà trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn. Kinh tế tuần hoàn yêu cầu cách tiếp cận liên-/xuyên ngành, điều mà chỉ có thể có được từ các trường đại học, Viện nghiên cứu. Việc nghiên cứu liên - xuyên ngành, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn cùng với tích hợp các công nghệ và kỹ thuật với sự tham gia của các bên có liên quan sẽ góp phần đảm bảo góc nhìn khoa học đa chiều, hài hòa trong quá trình triển khai các mô hình kinh doanh KTTH, đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, tài nguyên thiên nhiên; góp phần bảo đảm sự ổn định chính trị của đất nước. Trường đại học, Viện nghiên cứu cũng là nơi phát triển các không gian đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong lĩnh vực KTTH, đóng góp vào sự phát triển của các SMEs cũng như chính sách cho đất nước.
4. Ví dụ áp dụng cho lĩnh vực nông lâm nghiệp
Việc liên kết 3 nhà (và các bên liên quan) đã được kêu gọi và áp dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, tuy nhiên tập trung chủ yếu giữa mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người nông dân, như các mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân. Vai trò của Nhà nước và khối học thuật còn mờ nhạt trong mối quan hệ này. Để thúc đẩy mô hình liên kết 3 nhà (triple helix) trong nền KTTH, Nhà nước sẽ đóng vai trò xây dựng và quản lý việc thực hiện các quy định, khung pháp lý, tiêu chuẩn về quản lý đất đai, mô hình canh tác và sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn, quy hoạch đất đai và sản xuất nông nghiệp, cũng như thúc đẩy và giám sát môi trường hợp tác giữa các bên liên quan. Khối học thuật đảm nhận các công việc liên quan việc nghiên cứu ứng dụng các công nghệ kỹ thuật liên quan KTTH, bao gồm việc chọn, lai tạo giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, các mô hình canh tác, vật tư, máy móc, công nghệ chế biến, bảo quản, công nghệ sinh học, tự động hóa, nghiên cứu các mô hình dịch vụ, đẩy mạnh liên kết đào tạo và nghiên cứu giữa nhà trường và doanh nghiệp. Vai trò của doanh nghiệp sẽ là nơi ứng dụng các mô hình nông nghiệp tuần hoàn, tổ chức, liên kết sản xuất, tiêu thụ, cung ứng vật tư, vốn, kỹ thuật đến người sản xuất (Hình 3). Một mô hình đã được áp dụng thí điểm bởi Học viện Nông nghiệp Việt Nam là phát triển loại hình doanh nghiệp khoa học và công nghệ tại các viện nghiên cứu, trường đại học theo mô hình doanh nghiệp khởi nguồn để thương mại hoá sản phẩm nghiên cứu khoa học do chính các nhà khoa học nắm giữ công nghệ hay bằng sáng chế Vista (2022). Một số tập đoàn nông nghiệp lớn như Lộc Trời đã triển khai các hình thức liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, trong đó có gói hỗ trợ khoa học kỹ thuật cho người dân. Nhà nước sẽ đóng vai trò trung gian giám sát, quản lý các bên liên quan trong việc tuân thủ cam kết, hợp đồng liên kết Vĩnh Long (2020).
5. Kết luận và kiến nghị
Trong xu thế hiện nay của thế giới, phát triển bền vững là mục tiêu quan trọng và cũng là trách nhiệm của tất cả các cá nhân cũng như tổ chức. Mô hình kinh tế tuần hoàn đã được chứng minh là có khả năng đóng góp một cơ chế vận hành hiệu quả hướng tới phát triển bền vững. Hơn thế nữa, mô hình kinh tế tuần hoàn còn mở ra những cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp, cơ hội phát triển nghiên cứu đổi mới của khối học thuật và nêu bật vai trò điều hành của khối Chính phủ. Quan trọng hơn, các giải pháp và nguyên tắc của mô hình kinh tế tuần hoàn còn tạo ra không gian giao thoa có ý nghĩa cho Ba nhà Chính phủ - Khối học thuật - Doanh nghiệp từ đó thúc đẩy các hợp tác tích cực để nâng cao sức mạnh tổng hợp của ba chủ thể này. Đặc biệt, đối với doanh nghiệp SMEs vốn gặp nhiều rào cản cả từ nội tại và các nhân tố môi trường bên ngoài khi tham gia vào mô hình kinh tế tuần hoàn, mô hình hợp tác Ba Nhà - Triple Helix càng có ý nghĩa quan trọng hơn. Nâng cao chất lượng hợp tác Triple Helix trong không gian giao thoa này hứa hẹn sẽ đem lại những lợi ích vô cùng to lớn về cả mặt kinh tế và môi trường, xã hội cho cả ba chủ thể. Trong chủ đề “Kết nối hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao, làm chủ, ứng dụng và đổi mới công nghệ”, nhóm nghiên cứu chúng tôi đề xuất tích hợp Triple Helix - hợp tác giao thoa giữa Ba nhà Chính phủ - Doanh nghiệp - Khối học thuật trong mô hình kinh tế tuần hoàn đóng vai trò như một cơ chế bao trùm sự vận hành cả ba chủ thể này.
Bài viết này mong muốn đóng góp một góc nhìn mới về chuyển giao công nghệ trong mối quan hệ tương hỗ và hợp tác giữa Ba nhà Chính phủ - Khối học thuật - Khối doanh nghiệp. Trong quá trình chuyển giao công nghệ đó, mục tiêu phát triển bền vững cần được đặc biệt nhấn mạnh, và mô hình kinh tế tuần hoàn đã được đề xuất như một cơ chế vận hành cụ thể hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Hy vọng định hướng này sẽ nhận được sự quan tâm của cả các nhà hoạch định chính sách, quản trị doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu. Những đánh giá sâu sắc hơn từ góc độ của các bên liên quan và dựa trên các số liệu thực tiễn từ việc áp dụng mô hình đề xuất sẽ có những đóng góp quan trọng trong tương lai.
Chú thích
[1] Etzkowitz và Klofsten, 2005: 245
[1] Brocken & ctgk, 2016; Murray & ctgk, 2017
[1] Ellen MacArthur Foundation, 2015
[1] Nguyễn Trọng Bình, 2017
[1] Broström, 2011
[1] Vaivode, 2015
Tài liệu tham khảo:
- Anttonen, M., Lammi, M., Mykkänen, J. and Repo, P. (2018). Circular economy in the triple helix of innovation systems. Sustainability, 10(8), p.2646.
- Barrie, J., Zawdie, G. and João, E. (2017). Leveraging triple helix and system intermediaries to enhance effectiveness of protected spaces and strategic niche management for transitioning to circular economy. International Journal of Technology Management & Sustainable Development, 16(1), pp.25-47.
- Barrie, J., Zawdie, G. and João, E. (2019). Assessing the role of triple helix system intermediaries in nurturing an industrial biotechnology innovation network. Journal of cleaner production, 214, pp.209-223.
- Broström, A., 2011. The Triple Helix: University-industry-government innovation in action - By Henry Etzkowitz. Papers in Regional Science, 90(2), pp.441-442.
- De Medici, S., Riganti, P. and Viola, S. (2018). Circular economy and the role of universities in urban regeneration: the case of Ortigia, Syracuse. Sustainability, 10(11), p.4305.
- Ellen MacArthur Foundation. (2013). Towards the Circular Economy. Economic and business rationale for an accelerated transition. Rethink the Future, 1.
- Nguyễn Trọng Bình (2018), Vai trò của nhà nước trong hệ thống đổi mới quốc gia ở một số nước phát triển và gợi mở đối với Việt Nam, Lý luận chính trị. Truy cập ngày 18/3/2022 tại http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/quoc-te/item/2448-vai-tro-cua-nha-nuoc-trong-he-thong-doi-moi-quoc-gia-o-mot-so-nuoc-phat-trien-va-goi-mo-doi-voi-viet-nam.html
- OCED (2021a). One year of SME and entrepreneurship policy responses to COVID-19: Lessons learned to “build back better”. OECD Policy Responses to Coronavirus (COVID-19). Truy cập tại https://www.oecd.org/
coronavirus/policy-responses/one-year-of-sme-and-entrepreneurship-policy-responses-to-covid-19-lessons-learned-to-build-back-better-9a230220/ - OECD (2021b), SME and Entrepreneurship Policy in Viet Nam, OECD Studies on SMEs and Entrepreneurship, OECD Publishing, Paris, http://doi.org/10.1787/30c79519-en
- Ormazabal, M., Prieto-Sandoval, V., Puga-Leal, R. and Jaca, C. (2018). Circular economy in Spanish SMEs: challenges and opportunities. Journal of Cleaner Production, 185, pp.157-167.
- Ranga, M., & Etzkowitz, H. (2015). Triple Helix systems: an analytical framework for innovation policy and practice in the Knowledge Society. Entrepreneurship and knowledge exchange, 117-158.
- Rizos, V., Behrens, A., Van der Gaast, W., Hofman, E., Ioannou, A., Kafyeke, T., Flamos, A., Rinaldi, R., Papadelis, S., Hirschnitz-Garbers, M. and Topi, C. (2016). Implementation of circular economy business models by small and medium-sized enterprises (SMEs): Barriers and enablers. Sustainability, 8(11), p.1212.
- Vaivode, I. (2015). Triple Helix Model of University–Industry–Government Cooperation in the Context of Uncertainties. Procedia - Social and Behavioral Sciences, 213, pp.1063-1067.
- Vista (2022). https://www.vista.gov.vn/
news/chien-luoc-chinh-sach-kh-cn-dmst/de-xuat-co-che-thi-diem-phat-trien-mo-hinh-doanh-nghiep-khoi-nguon-cong-nghe-4595.html - Vĩnh Long (2020) http://www.baovinhlong.com.vn/kinh-te/202009/that-chat-lien-ket-khoi-thong-dau-ra-cho-lua-3022986/#.YjmYzFVByM8
[2] Brocken & ctgk, 2016; Murray & ctgk, 2017
[3] Ellen MacArthur Foundation, 2015
[4] Nguyễn Trọng Bình, 2017
[5] Broström, 2011
[6] Vaivode, 2015
Tài liệu tham khảo:
- Anttonen, M., Lammi, M., Mykkänen, J. and Repo, P. (2018). Circular economy in the triple helix of innovation systems. Sustainability, 10(8), p.2646.
- Barrie, J., Zawdie, G. and João, E. (2017). Leveraging triple helix and system intermediaries to enhance effectiveness of protected spaces and strategic niche management for transitioning to circular economy. International Journal of Technology Management & Sustainable Development, 16(1), pp.25-47.
- Barrie, J., Zawdie, G. and João, E. (2019). Assessing the role of triple helix system intermediaries in nurturing an industrial biotechnology innovation network. Journal of cleaner production, 214, pp.209-223.
- Broström, A., 2011. The Triple Helix: University-industry-government innovation in action - By Henry Etzkowitz. Papers in Regional Science, 90(2), pp.441-442.
- De Medici, S., Riganti, P. and Viola, S. (2018). Circular economy and the role of universities in urban regeneration: the case of Ortigia, Syracuse. Sustainability, 10(11), p.4305.
- Ellen MacArthur Foundation. (2013). Towards the Circular Economy. Economic and business rationale for an accelerated transition. Rethink the Future, 1.
- Nguyễn Trọng Bình (2018), Vai trò của nhà nước trong hệ thống đổi mới quốc gia ở một số nước phát triển và gợi mở đối với Việt Nam, Lý luận chính trị. Truy cập ngày 18/3/2022 tại http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/quoc-te/item/2448-vai-tro-cua-nha-nuoc-trong-he-thong-doi-moi-quoc-gia-o-mot-so-nuoc-phat-trien-va-goi-mo-doi-voi-viet-nam.html
- OCED (2021a). One year of SME and entrepreneurship policy responses to COVID-19: Lessons learned to “build back better”. OECD Policy Responses to Coronavirus (COVID-19). Truy cập tại https://www.oecd.org/
coronavirus/policy-responses/one-year-of-sme-and-entrepreneurship-policy-responses-to-covid-19-lessons-learned-to-build-back-better-9a230220/ - OECD (2021b), SME and Entrepreneurship Policy in Viet Nam, OECD Studies on SMEs and Entrepreneurship, OECD Publishing, Paris, http://doi.org/10.1787/30c79519-en
- Ormazabal, M., Prieto-Sandoval, V., Puga-Leal, R. and Jaca, C. (2018). Circular economy in Spanish SMEs: challenges and opportunities. Journal of Cleaner Production, 185, pp.157-167.
- Ranga, M., & Etzkowitz, H. (2015). Triple Helix systems: an analytical framework for innovation policy and practice in the Knowledge Society. Entrepreneurship and knowledge exchange, 117-158.
- Rizos, V., Behrens, A., Van der Gaast, W., Hofman, E., Ioannou, A., Kafyeke, T., Flamos, A., Rinaldi, R., Papadelis, S., Hirschnitz-Garbers, M. and Topi, C. (2016). Implementation of circular economy business models by small and medium-sized enterprises (SMEs): Barriers and enablers. Sustainability, 8(11), p.1212.
- Vaivode, I. (2015). Triple Helix Model of University–Industry–Government Cooperation in the Context of Uncertainties. Procedia - Social and Behavioral Sciences, 213, pp.1063-1067.
- Vista (2022). https://www.vista.gov.vn/
news/chien-luoc-chinh-sach-kh-cn-dmst/de-xuat-co-che-thi-diem-phat-trien-mo-hinh-doanh-nghiep-khoi-nguon-cong-nghe-4595.html - Vĩnh Long (2020) http://www.baovinhlong.com.vn/kinh-te/202009/that-chat-lien-ket-khoi-thong-dau-ra-cho-lua-3022986/#.YjmYzFVByM8
Theo nhóm tác giả:
TS. Lê Minh Hạnh
Đại học Việt Đức
Th.S Từ Minh Thuận
Đại học Quốc tế, VNU – HCM